"Bậc tuệ trí khi thoát khỏi nó có cảm tưởng như là dẹp xong được bọn cướp. Như
vậy, chết không đáng để hoan hỷ, an lạc hay sao?”..."
Truyện ngắn của Huệ Tâm
Truyện ngắn của Huệ Tâm
Một ngày nọ Sư cụ
Huệ Không đột nhiên triệu tập các đệ tử nơi tịnh thất, rồi thong thả
tuyên bố.
- Các con theo học ta
cũng đã lâu, pháp nghe cũng nhiều. Ta nay như chiếc bấc trên ngọn đèn
dầu kia, mỗi ngày thêm một lụi tắt. Cuộc đời của ta một đời lấy
pháp làm Thầy, độ sanh không ngưng nghỉ. Nay cũng đến lúc ta phải đi
về nơi ta từng đến. Trước lúc ra đi, ta không có gì để lại cho các
con. Nay chỉ còn chiếc y ta đang mặc trên thân, ta muốn trao lại cho các
con. Vậy các con hãy cho ta biết, các con sẽ dùng cách nào để bảo
quản y áo này?
Nghe Sư phụ đột ngột
tuyên bố như vậy, các đệ tử đưa mắt nhìn nhau, rồi kẻ nào kẻ nấy
đều nước mắt lưng tròng, không ai bảo ai đều vội quỳ mọp dưới chân Sư
cụ Huệ Không, đồng thanh cầu mong sư phụ trụ thế để tiếp tục thuyết
pháp độ sanh.
Thấy vậy sư cụ
Huệ Không bèn thoáng lắc đầu nhỏ nhẹ nói.
- Ta đến chẳng
nơi đến; về chẳng nơi về, trụ nơi chẳng trụ. Sanh lão bệnh tử có ai
không phải trải qua? Nay các con mong ta trụ thế để tiếp tục thuyết
kinh, giảng đạo, nhưng thân ta giống cỗ xe ngựa sau vạn dặm hành
trình, mọi thứ đều đã rơ rão, có gắng gượng cũng chẳng ích chi.
Đức Phật từng dạy:
Dẫu cho tuổi thọ
trăm năm đủ
Chẳng khỏi vô
thường não bức thân…
chẳng lẽ các con
muốn ta cưỡng lại vô thường? Nói rồi sư cụ Huệ Không khoát tay bảo
các đệ tử cùng đứng dậy. Sư cụ Huệ Không nhìn các đệ tử khắp
lượt, rồi dừng lại nơi đại đệ tử Huệ Đạo, hỏi.
– Huệ Đạo, con là
đại đệ tử, cũng là người theo học ta lâu nhất. Nay con cho ta và các
huynh đệ đây được biết, con sẽ bảo quản y áo của ta bằng cách nào?
Nghe sư phụ hỏi,
đại đệ tử Huệ Đạo bèn vội vuốt nước mắt, rồi ấp úng trả lời:
- Bạch Thầy! Đệ
tử sẽ giặt sạch y áo rồi nguyện bảo quản y áo này ở một nơi nghiêm
ngặt trong tịnh thất, quyết không để y áo của Thầy bị hư hao hay đánh
mất.
- Còn con? Huệ
Đắc! - Sư cụ Huệ Không đưa ánh mắt về phía nhị đệ tử của mình, rồi
thong thả hỏi. – Con sẽ bảo quản y áo của ta như thế nào?
Nghe Thầy hỏi, nhị
đệ tử Huệ Đắc bèn ngẩng lên, đáp.
- Bạch Thầy, cách
sư huynh nói vốn không phải là cách. Theo con nghĩ, y áo của Thầy sẽ
phải được treo nơi tịnh thất, để thường ngày các đệ tử ra vào nơi
này đều luôn có cảm giác được nhìn thấy Thầy, và Thầy vẫn còn luôn
hiện hữu. Còn nếu y áo của Thầy đem cất trong rương, rồi bảo quản
nghiêm ngặt, như ý của sư huynh nói, con nghĩ chẳng mấy chốc y áo của
Thầy sẽ bị ẩm mốc, bằng không cũng bị mối mọt xâm hại.
Sư cụ Huệ Không
lại đưa mắt nhìn khắp lượt các đệ tử, rồi hỏi.
- Còn các con, các
con có ý kiến gì khác với hai sư huynh đệ vừa nói chăng?
Đám đệ tử vội đưa
mắt nhìn nhau, rồi chẳng ai bảo ai, cùng gục đầu, im lặng. Thấy vậy
sư cụ Huệ Không bèn khẽ dặng hắng, nói.
- Thường ngày huynh
đệ các con thường ưa tranh biện, sao hôm nay lại trời yên biển lặng
vậy? Hay ta sẽ chỉ định nhé? Nói rồi sư cụ Huệ Không bèn trỏ tay về
phía cuối hàng, nơi đó có một đệ tử gầy khẳng, từ đầu tới giờ vẫn
quỳ dưới nền tịnh thất, lưng ưỡn thẳng, đôi mắt nhắm nghiền, hay tay
chắp trước ngực, miệng lầm rầm niệm Phật. – Huệ Thường!
Nghe sư phụ đột
ngột gọi tên mình, Huệ Thường thoáng giật mình, mở choàng mắt, chắp
tay thưa:
- Bạch Thầy! Thầy cho gọi con ạ?
- Phải rồi! Sư cụ Huệ Không thoáng mỉm cười đáp. – Ta đang gọi
con đó! Ta muốn hỏi con, con có cách nào bảo quản y áo của ta chăng?
Nghe sư phụ đột ngột hỏi người đệ tử mới nhập thất, thân hình
thì đen đủi, khẳng khiu như que củi, thường ngày vốn chỉ lầm lũi làm
vườn, gánh nước, bổ củi, thổi cơm và dọn dẹp giường chiếu, chăn màn
cho sư phụ và các sư huynh đệ. Thấy vậy cả đám đám đệ tử cùng
hướng mắt đổ dồn về phía Huệ Thường rồi cùng hất hàm, như ngầm
thách thức.
Huệ Thường thoạt mở mắt, hai tay chắp trước ngực, nói chừng
như chỉ đủ cho Thầy nghe thấy.
- Bạch Thầy, ngày con mới nhập thất, Thầy dạy con nghe bài
pháp vô thường, trong đó có mấy câu này:
Bề ngoài trang điểm đều hư hoại
Bên trong thay đổi cũng vậy thôi
Chỉ có thắng pháp thường chẳng mất
Các người có trí hãy xét coi (…)
Nghe vậy sư cụ Huệ Không thoáng mỉm cười, rồi nhỏ nhẹ hỏi.
Bài pháp ấy thì liên quan gì tới chuyện bảo quản y áo ta đang hỏi?
Huệ Thường đáp.
- Bạch Thầy! Nếu đem y áo của Thầy, như nhị sư huynh nói, rồi
đem treo nơi tịnh thất, vậy chẳng thà buộc Thầy phải làm đồ trang
điểm? Vả lại bụi bậm thời gian, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, mưa
nắng thất thường, dẫu cho đó là hảo chiến bào cũng không tránh khỏi
sự xâm nhập, bào mòn của năm tháng; Hoặc giả theo ý của đại sư
huynh, có đem y áo Thầy trao, cất kỹ trong rương, tủ, rồi thời gian, mưa
nắng, mối mọt cũng khiến cho y áo ấy bị hư mòn. Chi bằng…
Nghe nói vậy, cả nhị, đại sư huynh cùng đám đệ tử đều hừ lên
một tiếng, rồi đại sư huynh và nhị sư huynh cùng đồng thanh, nói.
- Ngươi…! Nói rồi cả hai cùng trỏ tay về phía Huệ Thường, tỏ
ý như hăm doạ, nhưng cả hai đều chợt nhận ra ánh mắt nghiêm nghị của
Thầy, bèn vội vàng rụt tay lại, rồi ngồi thụp xuống.
Sư cụ Huệ Không gật gật đầu, ra hiệu cho Huệ Thường, nói tiếp.
- Huệ Thường, con hãy nói tiếp, ta nghe. Vậy ý con định bảo
quản y áo của ta như thế nào?
Huệ Thường đáp.
- Bạch Thầy, y áo Thầy trao vốn là vật vô thường. Thân chúng
con cũng vô thường. Hai cái vô thường làm sao có thể bảo quản được cho
nhau? Trong kinh vô thường Thầy cũng thường dạy chúng con: Chỉ có Thắng
pháp thường chẳng mất. Thắng pháp ấy chính là tự tánh, là trí tuệ
Như Lai. Điều Thầy muốn nhắc nhở chúng con luôn phải bảo quản, gìn
giữ, không phải là những vật ngoài thân, vô thường đó, mà chính là
giữ gìn tự tánh thanh tịnh của chính mình. Bạch Thầy, Thầy một đời
hoá độ chúng sanh, người cần độ Thầy đã độ, kẻ chưa được độ Thầy
cũng đã tạo nhân duyên để họ được hoá độ. Đức Phật cũng từng nói: “Mọi vật thể,
hiện tượng trên thế gian này đều chuyển biến, vô thường, có kết hợp thì phải có
tan rã, chẳng có gì để quyến luyến, thương tâm. Cuộc đời là như thế, các vị
phải nỗ lực tinh tấn để tự giải thoát. Dùng ánh sáng trí tuệ để tiêu diệt bóng
tối si mê. Đời là một sự vận hành không kiên định. Như Lai vô dư Niết-bàn như
bỏ đi một căn bệnh dữ. Đó là năm nhóm nhân tính, mang tính tội lỗi, tạm gọi là
thân, vì thế, nó phải chịu sự chi phối không thương tiếc của già, bệnh và chết.
Bậc tuệ trí khi thoát khỏi nó có cảm tưởng như là dẹp xong được bọn cướp. Như
vậy, chết không đáng để hoan hỷ, an lạc hay sao?”. Do vậy, theo con
hiểu: điều chúng con nên làm là phải thường xuyên thực
hành chánh pháp, đó cũng chính là làm cho pháp thân Như Lai thường
còn, và mãi mãi bất diệt với thời gian. Còn lấy sự vô thường để
trang điểm, hay đem sự vô thường để cất giữ là phản tự nhiên, đi
ngược lại vô thường…
- Vậy ý con là? Sư cụ Huệ Không thoáng mỉm cười, thư giãn,
hỏi.
Huệ Thường đáp.
- Dạ, bạch Thầy, nếu Thầy cho phép, con xin được nói đúng ý
nghĩ của mình.
- Con cứ thong thả nói đi. Sư cụ Huệ Không khẽ gật đầu, ra
hiệu.
- Bạch Thầy, trước khi Phật nhập Niết bàn Ngài đã nói câu
này: “Toàn thể thế giới từ những vật thể đang vận động cho đến các vật thể không
vận động cũng đều không thường còn, và không có thực thể, rồi phải đến lúc hoại
diệt…”
- A Di Đà Phật! Sư cụ Huệ
Không nở một nụ cười sảng khoái, rồi chắp hai tay trước ngực, từ
từ nhắm mắt, đứng niệm Phật mà viên tịch.
Thấy sư phụ đột ngột ra đi, đám đệ tử cùng đổ dồn ánh mắt
giận dữ về phía Huệ Thường, nói:
- Ngươi…! Vì ngươi mà sư phụ phải tịch sớm như vậy. Chúng ta
phải…
Mọi người chưa dứt câu thì từ trong không trung chợt có tiếng sư
cụ Huệ Không vang lên:
- Các ngươi chớ phương hại Huệ Thường. Hãy nhớ lời Huệ Thường
nói. Đó cũng là huấn chúc của ta.
Đám đệ tử còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra, ngoảnh
lại, nhìn về phía Huệ Thường, mọi người cùng nhau sửng sốt nhận ra,
rằng Huệ Thường, người đệ tử mới
nhập thất đang quỳ mà viên tịch tự khi nào.
Kỷ niệm mùa Phật Đản PL 2557
- 12.04.2013 Huệ Tâm
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen