Freitag, 9. November 2012

Tu Bát Quan Trai - Quán Tâm Vô Trụ - Phần II

"Ngược lại, nếu như chuyện tiên đoán không trở thành sự thật, người Phật tử lúc này càng trở nên vững vàng và tự tin hơn trên bước đường tu học và hoàn thiện chính mình. Do vậy thế giới này có thể thay đổi hay mất đi, nhưng riêng người Phật tử sẽ không có gì để mất..."
 

 

 
(Tiếp theo và hết)
Qua câu chuyện, người Phật tử quán chiếu được một điều: Tâm cúng dường là đáng quý, nhưng đáng quý hơn là phải được quán chiếu và biết buông xả...

Vậy Tâm là gì? Tâm ở đâu? TT Thích Từ Trí giải nghĩa: Tâm vốn không có hình tướng, không có nơi chốn (tâm vô sở trụ), vì thế chúng ta không thể nhận biết ra được. Nói khác đi: chúng ta chỉ có thể nhận biết được tâm là gì, khi chúng ta khởi lên chấp trước (chấp đẹp-xấu; sang-hèn; thiện-ác; cao-thấp; buồn-vui; thương-ghét; thiệt-hơn…v.v) 



Trong những khoá tu học gần đây, ngoài những công khoá quy định, BTC chùa Phật Huệ còn thường tổ chức và hướng dẫn các Phật tử những khoá Cộng tu thực hành niệm Phật và Niệm Phật kinh hành.

TT Thích Từ Trí đã giải nghĩa thêm về ý nghĩa cao cả và tối thượng của một hành giả niệm Phật, đó là phương pháp an trụ tâm (tâm không điên đảo, vọng tưởng). Làm thế nào để tâm người hành giả luôn được an trụ? Đây chính là một thử thách lớn trong quá trình tu học của các Phật tử khi tham gia các khoá tu học tại chùa cũng như tại gia. An trụ tâm = Tâm chánh niệm. Một phương pháp được BTC đưa ra thực hành trong các khoá cộng tu niệm Phật là dùng chính câu Phật hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật hoặc A Di Đà Phật để nhiếp tâm (gọi đơn giản: cột chặt tâm lại một chỗ, không để tâm chạy lăng xăng). Bằng cách: Khởi quán âm thanh niệm Phật phát ra từ miệng, kế đó thu nhiếp âm thanh ấy vào đôi tai, rồi từ đôi tai chuyển những âm thanh ấy quay trở ngược vào tâm. Cứ vậy liên tiếp trong suốt khoảng thời gian niệm Phật, những câu Phật hiệu được phát ra tạo thành một mắt xích liên hoàn giữa: Miệng-Tai-Tâm, từ đó trong tâm sẽ chỉ còn bừng lên ánh sáng của những câu Phật hiệu, và những ý nghĩ xen tạp khác sẽ không còn cơ hội để len lỏi vào trong tâm của người hành giả. Thực hành được liên tiếp và nhuần nhuyễn như vậy, người hành giả sẽ mau chóng thanh lọc dần dần những tạp loạn đang khởi lên hoặc tràn vào trong tâm, và cũng nhờ thế tâm người hành giả sẽ mau chóng được an định. Tâm định  = Cõi Phật định.
Đây cũng chính là Pháp niệm Phật tới nhất tâm bất loạn.


TT Thích Từ Trí cũng nhấn mạnh: Bước đầu học và thực hành niệm Phật, để khắc chế tâm, giúp cho tâm không tán loạn đối với người Phật tử là điều vô cùng khó, nhưng không phải không thể thực hiện được, trái lại, điều quan trọng là người hành giả phải luôn thường quán chiếu tâm và phải biết buông xả. TT Thích Từ Trí cũng nêu ra ví dụ về pháp thức niệm Phật của Ấn Quang Đại Sư, bằng cách viết và dán chữ TỬ lên trán của mình. Tại sao chư Tổ lại làm như vậy? Ý nghĩa của chữ TỬ nhằm để nhắc nhở người Phật tử và người hành giả niệm Phật: Đời là vô thường. Thân xác này là vô thường, và nó có thể bị huỷ diệt, hay mất đi vào bất cứ một thời khắc nào. Nếu ta còn luyến tiếc, hay còn mê mải để lo lắng, chăm sóc cho cái thân vô thường, hư giả ấy, tất chẳng khi nào tâm ta an định được. Nhưng nếu ta khởi quán: Thân xác này giống như một xác chết, đang từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây… không ngừng thối rữa, và khi những ý nghĩ đó liên tiếp hiện lên trong tâm, tất tâm chúng ta sẽ không còn lo lắng, mê mải để luyến tiếc, hay chăm sóc cho cái sự thối rữa đó nữa, cũng nhờ thế mà tâm chúng ta mau chóng được an định.

Trong giờ Pháp đàm, những câu chuyện nghiệp báo, nhân-quả… cũng được các Phật tử đưa ra đàm thảo khá sôi nổi.

TT Thích Từ Trí cũng nêu ra một số câu chuyện về các thiện nghiệp, báo ứng làm dẫn chứng cho các Phật tử lấy đó làm động lực tu học, cũng như lấy đó làm gương để tránh xa những nghiệp báo bất thiện cho mình và những người thân. Thượng Toạ cũng khuyên và nhắc nhở các Phật tử phải nỗ lực và không ngừng thắp sáng ngọn lửa chánh niệm trong tâm của chính mình. Khi tâm chánh niệm luôn được thắp sáng, cũng đồng nghĩa chúng ta đang hướng mình đến gần cái đích của sự giải thoát.


Những câu chia sẻ về ngày Tận Thế sẽ xảy ra trong những ngày 21-23.12.2012 tới cũng đã được TT Thích Từ Trí giải thích tường tận: Người Phật tử hãy nên lấy đó làm một động lực để tu học nỗ lực hơn, tinh tấn hơn, thay vì tỏ ra lo âu, chán trường, hay giãi nải và hoảng sợ. Giả như những chuyện được tiên đoán hay đồn đại là có thật, thì với sự tinh tấn tu học, và niềm tin sắt đá vào Pháp môn của Phật, người Phật tử đã có sẵn một định lực không gì lay chuyển để dễ dàng vượt qua những cơn nguy khốn. Ngược lại, nếu như chuyện tiên đoán không trở thành sự thật, người Phật tử lúc này càng trở nên vững vàng và tự tin hơn trên bước đường tu học và hoàn thiện chính mình. Do vậy thế giới này có thể thay đổi hay mất đi, nhưng riêng người Phật tử sẽ không có gì để mất. Nói khác đi, có mất chăng là chúng ta trả lại cái thân xác giả tạm này về nơi nguyên thuỷ, còn nghiệp thức của chúng ta sẽ bước vào một cuộc sống mới…

 
                           TT Thích Từ Trí và Đại Đức Đồng Thiện làm lễ Xả Giới cho các Phật tử 

Cuộc sống mới tốt đẹp hay đen tối phụ thuộc vào tâm giác ngộ của mỗi người Phật tử – Người hành giả đang nguyện tu hành theo Pháp môn niệm Phật.

 Khoá tu học Bát Quan Trai lần thứ 3 đã được khép lại vào lúc 14:00 giờ ngày 28.10.2012.
Sau phần lễ Xả giới, các Phật tử đã cùng nhau bày tỏ tấm lòng ngưỡng kính và tri ơn tấm lòng của cách Chư Tôn Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng Ni và BTC chùa Phật Huệ đã không quản ngại  ngày, đêm, bỏ ra nhiều công sức để truyền thụ những giáo Pháp của Phật, giúp cho các Phật tử ngày một thêm giác ngộ và hoàn thiện hơn trên con đường giải thoát của chính mình.

TT Thích Từ Trí cũng thay mặt BTC chùa Phật Huệ khen ngợi những đóng góp, nỗ lực và tinh thần tu học chuyên cần của các Phật tử đến từ mọi nơi. Sự đồng tâm, đồng lòng của các Phật tử cũng chính là hơi thở, là nguồn sinh lực dồi dào giúp cho những mái chùa của người Việt trên khắp mọi nơi nói chung, trong đó có mái chùa Phật Huệ ngày thêm một ấm cúng, trang nghiêm và thanh tịnh.


Đúng 16:00 giờ ngày 28.10.2012 Khoá tu học đã kết thúc hoàn mãn.
Ghi nhận từ khoá tu Bát Quan Trai – 27-28.10.2012 - Thiện Lợi


Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại trong khoá tu học 
Bát Quan Trai ngày 27-28.10.2012 vừa qua.

 
  
 
 
 
 
 
 
 

Xem toàn bộ Photos tại đây

5 Kommentare:

Anonym hat gesagt…

Unregistered user # Mittwoch, 7. November 2012 08:00:57
Anonyme writes: bài viết rất hay. nhung mình có một số thắt mắt là phần đầu bạn có viết..."Tâm vốn không có hình tướng, không có nơi chốn (tâm vô sở trụ), vì thế chúng ta không thể nhận biết ra được"...phần sau bạn viết Hòa thượng chỉ mọi người trụ tâm trong chánh niệm, trụ tâm trong câu niệm danh hiệu A di đà Phật. vậy có trái ngược không. trong kinh kim cang Phật cũng dạy ..."- Thế nên Tu-bồ-đề, các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia." . xưa tổ Huệ năng nghe tổ Hoằng Nhẫn giảng kinh kim cang tới câu "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" mà hoát nhiên đai ngộ. vậy mình có giải thích sao khi trụ tâm ở chánh niêm. hạy buột tâm trong một câu niệm. trong khi tâm không hình tướng, "quá khứ tâm bất khả đắc hiện tại tâm bất khả đắc vị lai tâm bất khả đắc". nhờ bạn giải thích dùm nhé. mình đặc ra một số câu hỏi nhằm trao đổi trong quá trì tu học chứ không phải nhằm đả kích mong bạn hoan hỉ cho nhé.

Tâm Tịnh Cõi Phật Tịnh hat gesagt…

Nguyenmyduyen # Mittwoch, 7. November 2012 17:44:57
A Di Đà Phật
Rất hoan hỉ và cảm ơn bạn đã có comment chia sẻ.
Vấn đề bạn đặt ra thật vô cùng quan trọng và ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đây là điều mà khi chúng ta tu-hành, nếu không khéo léo, chúng ta sẽ bị kẹt cứng trong một vấn đề mà chúng ta tưởng như mình đã hoát ngộ.
Đúng như bạn nhận định: "Thế nên Tu-bồ-đề, các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia."
Khi Phật nói câu này là nói đến cái Tâm của Bồ Tát. Đến các vị Bồ-tát lớn mà cái Tâm còn phải như vậy: Vô Sở Trụ=Không có nơi để trụ = mới gọi là Trụ (Lớn mà chẳng phải lớn đó mới là Lớn). Nhưng chúng ta còn đang là kẻ phàm phu, đang phát nguyện tu-hành theo hạnh Bồ-tát, còn đang phải ráng học cách: làm sao để An Trụ Tâm đã (để Tâm đừng chạy lăng xăng đã), khi Tâm đã An Trụ rồi - Tâm vô tạp niệm = Tâm không (không này không phải là không có cái Không không hiện hữu, trái lại Tâm Không đó là hiện hữu, nhưng lúc ấy sẽ tiến tới cái Tâm Không cũng phải Xả (Sắc tức thị không, không tức thị sắc; Sắc bất dị không, không bất dị sắc, Thọ-tưởng-hành-thức, cũng đầu như vậy). Còn nếu như chúng ta quay lại để Trụ luôn trong cái Tâm Không ấy=Ta lại chấp Không mất rồi.
Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Phật cũng nói:
Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Kẻ ấy tu đạo tà
Không thấy được Như Lai.
Nếu hiểu theo nghĩa đen thì: Từ bao ngàn đời nay, sau thời Phật diệt độ, các chư Tổ, và các chư Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng Ni và chúng ta… hàng ngày, hàng giờ, hàng niệm niệm đều tụng kinh, gõ mõ, đều niệm Phật, toạ thiền, trì Chú… như thế không phải là các Ngài và chúng ta đang dùng sắc, dùng thanh để cầu Ta = cầu Như Lai = cầu Phật chăng? Và như thế các Ngài và chúng ta đều đã và đang tu theo đạo tà hết sao? Nếu chúng ta dùng trí mọn của mình (của phàm phu) để chiếu xét câu Kệ của Phật, chúng ta rất dễ dẫn đến chấp văn tự của Phật, từ đó không hiểu hết Chân Nghĩa Phật muốn nói.
Để giải thích vấn đề này, có lẽ chúng ta nên hiểu theo nghĩa bóng (sâu xa, rốt ráo và chân nghĩa) bạn ráng đọc lại đoạn này trong kinh Kim Cang: „Này các Tỳ Kheo, các ông phải biết rằng, pháp của Ta nói ra đó, dụ cũng như thuyền bè, đến pháp còn phải xả bỏ huống nữa là phi pháp“.
Ngụ ý câu này là gì? Phật khuyên chúng ta: Khi chúng ta còn chưa hoàn toàn đại triệt, đại ngộ, tâm còn chưa an, còn mê mải sống với sắc dục, thì buộc chúng ta cần phải dùng Pháp (tụng kinh, toạ thiền, niệm Phật, niệm Chú…) để giúp cho tâm An. Nhưng khi tâm An rồi, thì Pháp ấy = thuyền bè phải nên bỏ, chứ mang theo làm gì cho nặng. Xa hơn, Tâm Trụ mà Vô Trụ ấy mới gọi là Trụ. Đây là điều mình phải khéo léo lắm mới không bị kẹt. Điều này Ngài Tu Bồ Đề cũng nói trong kinh Kim cang: „Bạch Đức Thế Tôn! Nếu con tự nghĩ rằng mình được quả vị A-La-Hán, thời chắc đức Thế Tôn chẳng nói: Tu Bồ Đề là người ưa hạnh tịnh tịnh. Bởi Tu Bồ Đề thiệt không khởi một niệm, mới gọi Tu Bồ Đề là ưu hạnh tịch tịnh“.
(còn tiếp)

Tâm Tịnh Cõi Phật Tịnh hat gesagt…

Nguyenmyduyen # Mittwoch, 7. November 2012 17:44:57
A Di Đà Phật
(Tiếp theo)
Trở lại với việc: Dùng câu niệm Phật để An Trụ Tâm. Khi tâm mình con lăng xăng, còn thị phi, còn chấp kiến, ngã tướng… thì buộc mình phải dùng Pháp để An Trụ. Nhưng khi tâm mình An Trụ rồi, thì mình đâu còn phải dùng Pháp (dùng câu niệm Phật) nữa? Tổ Huệ Năng cũng nói:
Tâm Bình Không nhọc giữ giới
Hạnh thẳng không phải tu thiền
Liệu tâm của chúng ta đã thực sự Bình chưa? Nếu chưa thì buộc ta phải giữ Giới rồi. Và Hạnh (tâm hạnh) của chúng ta đã thẳng chưa? Nếu chưa, chắc chắn mình phải tu-thiền rồi. Niệm Phật cũng là tu-thiền. Niệm Phật cũng là giữ Giới. Bởi chúng ta dùng hồng danh của Phật, rồi quán chiếu, để tâm không bị lăng xăng… khi tâm định=thiền=giữ giới rồi. Thiền đấy nhưng thật không có cảnh giới mới gọi là thiền. Giữ Giới nhưng thật không có cảnh giới của giữ Giới đó mới là Giữ Giới. Còn nếu mình bảo mình chứng thiền, mình giữ Giới… nghĩa là mình đang ngược dòng mất rồi.
Đây là điều rất tế vi, mà khi tu-hành chúng ta phải khéo lắm mới nhận được ra.
Trong những câu Kệ trên có chữ Ta và chữ Như Lai, hiểu nghĩa xuôi: thì những câu ấy để chỉ Phật, nhưng hiểu ngược lại, thì chữ Ta, và Như Lai là Phật muốn nói (muốn chỉ) chính chúng ta=chúng sanh muôn loài, chứ chẳng phải ai khác. Vậy nhưng nhiều lúc mình cứ chấp: Phật là Phật, ta (chúng sanh) là ta. Do vậy để giải quyết những điều (tưởng như mâu thuẫn) này, có lẽ ta nên trích một đoạn kinh trong phần đầu Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật:
Đức Phật bảo ngài Tu-Bồ-Đề: „Các vị đại Bồ-tát phải hàng phục tâm mình như thế này: Bao nhiêu những loài chúng sanh, hoặc là loài noãn sanh, hoặc loài thai sanh, hoặc loài thấp sanh, hoặc loài hoá sanh, hoặc loài có hình sắc, hoặc loài không hình sắc, hoặc loài có tư tưởng, hoặc loài chẳng phải có tư tưởng, mà cũng chẳng phải không có tư tưởng, thời ta đều làm cho được diệt độ, và đư tất cả vào vô-dư niết-bàn. Diệt độ như thế, mà thiệt không có chúng sanh nào là kẻ được diệt độ cả. Tại sao vậy? Này Tu-Bồ-Đề! Nếu vị Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thời chẳng phải Bồ-tát.“
Đây là lời Phật dạy các vị Bồ-tát. Dạy cách hàng phục tâm: Tất cả các loài chúng sanh… ta đều làm cho được diệt độ và đưa vào vô dư niết-bàn…
Chúng ta đang nguyện thực hành hạnh Bồ-tát: Niệm Phật để hàng phục tâm (Đại Thế Chí Bồ Tát cũng phải dùng pháp môn niệm Phật để được an trụ tâm mà vãng sanh về Tịnh Độ). Khi niệm Phật, một tâm lăng xăng nổi lên=một tâm của chúng sanh; vô số tâm lăng xăng nổi lên, tràn vào trong tâm=vô số tâm chúng sanh. Ta phải làm gì? Chư Tổ dạy: Miệng tụng, tâm phải hành. Miệng ta niệm Phật, nhưng tâm lại mải mê lăng xăng đây đó, hay chuyện này, chuyện nọ (chuyện thị phi…) vậy là ta Miệng tụng, mà Tâm chẳng hành rồi. Tâm như bạn nói: Không có nơi chốn, không có hình tướng. Nghĩa là nó hoàn toàn rỗng lặng (có cái sự rỗng lặng hiện tồn), chỉ cần ta chấp cái sự rỗng lặng đó=sai=chướng đạo rồi, chưa nói, ta còn khuấy cái tâm rỗng lặng đó lên, rồi pha thêm đủ thứ vào cái tâm ấy=loạn tâm mất rồi.
(còn tiếp)

Tâm Tịnh Cõi Phật Tịnh hat gesagt…

Nguyenmyduyen # Mittwoch, 7. November 2012 17:44:57
A Di Đà Phật
(Tiếp theo)
Do vậy, Phật dạy: hãy cho tất thảy các loài chúng sanh (tâm chúng sanh) đó được diệt độ và đưa chúng vào vô dư niết bàn: Nghĩa là: Tâm ta lặng hãy để nó lặng; Nhưng tâm chưa lặng phải dùng câu niệm Phật (tạm cột) cái tâm lăng xăng lại một chỗ, rồi để cho nó tự lặng xuống. Muốn nó lặng=mình phải không chấp có cái sự lăng xăng; khi không còn lăng xăng=đừng chấp mình đã giúp tâm mình lặng. Nghĩa là: Có lăng xăng mà chẳng lăng xăng; Có rỗng lặng mà chẳng thấy rỗng lặng. Khi còn thấy lăng xăng, còn thấy rỗng lặng=còn chấp tướng=chấp hư giả. Như vậy mình đã tự diệt độ tâm lăng xăng của mình và cho chúng vào cảnh giới của niết-bàn (cảnh giới không còn sự sanh-diệt) – Đó chính là chân nghĩa mà TT Thích Từ Trí luôn mong muốn các Phật tử phải hiểu thật tỉ mỉ và thật tường tận.
Rất tiếc trong bài viết mang tính lược ghi, mình không thể trình bày một cách tường tận. Vả lại, mình thực sự mong muốn trong các bài viết có một khoảng bỏ ngỏ, để chúng ta cùng có cơ hội đàm luận và học hỏi lẫn nhau.
Kiến thức của bạn về Phật Pháp đã rất sâu và vững vàng, mình rất mong bạn có những bài viết trao đổi thật sâu về những giáo lý của Phật, để giúp cho mọi người chúng ta – những chúng sanh – những kẻ phàm phu đang nguyện học Phật cùng chia sẻ và tỏ tường. Mình thực sự không sợ ai chê mình dốt đạo, trái lại, chỉ sợ tâm mình không hướng đạo và không còn khả năng để học Đạo.
Nhân bạn nói tới Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, mình cũng ngộ được một điều: Từ đầu tới cuối, hầu như trong đoạn nào của quyển Kinh, Đức Phật đều nói tới Bài Kệ Bốn Câu:
Tất cả Pháp hữu vi
Như huyễn bóng bọt ảnh
Như sương cũng như điện
Thường khởi quán như thế.
Liệu chúng ta đã khởi quán, và thường xuyên khởi quán được như thế chưa? Riêng mình, còn phải ráng dài... dài...
Mong bạn thường xuyên chia sẻ ý kiến, gửi bài và cầu chúc bạn vạn sự an lạc.
HT

Anonym hat gesagt…

Unregistered user # Donnerstag, 8. November 2012 10:00:48
Anonyme writes: cảm ơn bạn đã hoan hỉ giải thích cho mọi người hiểu rõ thêm. đúng như bạn giảng giải. ban đầu chúng ta nương vào thuyền để qua sông tới bờ rồi phải bỏ thuyền đi. mong mọi người hãy tìm hiểu bản tầm mình để khéo tu cho phù hợp.chúc mọi người an lạc

New Comments