"Nghĩa là
quên người mình vừa giúp thì không quên được, mà nhớ tới họ
thì lại lo rằng: liệu họ có nghĩ tới việc thiện của mình
không...?"
Thực ra khi chúng ta giúp đỡ một ai đó trong lúc họ gặp khó khăn, hoạn nạn… chúng ta đều mong họ sẽ mau chóng vượt qua được những vấn nạn đó. Tuy nhiên sau khi sự việc đã qua, để chúng ta quên đi hành động thiện nghĩa của mình là điều hoàn toàn không dễ dàng (nếu không nói là hơi khó). Có lẽ đó là tâm lý (tâm trạng) chung của người giúp đỡ kẻ khác: Phần vì muốn biết người mình giúp đỡ đã thực sự vượt nạn chưa? Phần lại lăn tăn nghĩ: liệu họ có biết được hành vi cao đẹp của mình hay không, hay họ vượt nạn rồi, rồi chẳng thèm biết, hay quan tâm tới kẻ vừa giúp mình vượt qua cơn bĩ cực…v.v.
Xét vấn đề ở góc độ đời thường: Khi ta giúp người (cho dù là vô tư lắm) thì cũng vẫn mong họ (người được giúp) sẽ có sự liên lạc thường xuyên với mình, nghĩa là đừng có xong việc rồi thì lặn một hơi không… xủi tăm (như nhiều người thường nói). Chính vì tâm trạng (tâm lý) rất đời thường đó chính chúng ta đã tự buộc chặt mình vào một tình huống khó xử: bỏ thì thương, mà vương thị tội. Nghĩa là quên người mình vừa giúp thì không quên được, mà nhớ tới họ thì lại lo rằng: liệu họ có nghĩ tới việc thiện của mình không. Chính vì lý do đó mà khi gặp những chuyện không đi theo quỹ đạo của mình, lập tức chúng ta sẽ nổi xung, hoặc phiền, trách, thậm chí có những việc làm mâu thuẫn với hành vi hiệp nghĩa trước đó của mình. Vậy là đang từ một người nghĩa hiệp, nhưng chỉ vì một chút tâm trạng rất nhỏ mang tính ơn huệ thôi, vô tình chúng ta đã trở thành một con người khác: mất tính bao dung, nghĩa hiệp và xa lánh chuyện tương đồng…
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: NET)
Xét vấn đề ở góc độ tu đạo: Còn tu là còn chướng nghiệp (còn phạm lỗi), do vậy những chuyện xảy ra như trên cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, với một người tu đạo chân chính, những việc mang tính thiện duyên như trên sẽ không thể xảy ra, hoặc nếu có xảy ra thì cũng chỉ trong giây lát, rồi lập tức sẽ được quán chiếu và tâm tham-sân-hận đó cũng sẽ được dẹp trừ. Một trong Mười Điều Tâm Niệm của Đức Phật có ghi: "Thi ân thì đừng cầu đền đáp, vì cầu đáp trả là thi ân có mưu tính". Quả đúng như vậy, bởi nếu ta lấy hành vi nghĩa hiệp (quảng đại) của ta ở bên trên để chiếu xét, hẳn ta sẽ thấy một vấn đề nổi cộm: Ta vẫn còn cầu mong sự báo đáp của người mình vừa giúp đỡ, vì thế ta vẫn cứ phải lăn tăn dõi theo họ, xem họ sinh hoạt thế nào (thực tế là xem họ có còn mảy may nghĩ tới mình nữa hay không). Đó chính là tâm Tham. Vì Tham nên việc thiện mình đã làm rồi, đã qua rồi, nhưng vẫn cứ mong một ngày nào đó người kia sẽ có hồi đáp (còn gọi là: "lại quả"). Cũng vì thế, nếu không thấy tín hiệu "lại quả" được phát ra từ người mình giúp đỡ tất mình sẽ nổi Sân và nếu không biết quán chiếu kịp thời chắc chắn cả Tham-Sân-Hận – Ba đại kỵ của người tu đạo chúng ta đều có (đều phạm phải) cả. Lục Tổ Huệ Năng từng dạy: Người sơ tu nên giữ Thiện, bỏ Ác. Nhưng tu càng lâu thì cả Thiện lẫn Ác đều phải dẹp cả. Nếu quán chiếu sự việc trên chúng ta sẽ thấy lời dạy của Lục Tổ là thấu đạt cả Tình lẫn Lý.
Trong Thiện có Ác hàm nghĩa là vậy.
Huệ Tâm, mùa Vu Lan 2010
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen