Sonntag, 2. November 2014

Bồ Tát Sợ Nhân Chúng Sanh Sợ Quả

http://bocau.net/uploads/images/00/24/80/2014/02/11/6baea2cff1.jpgCổ Đức nói: Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả! Câu này có hàm nghĩa gì? Nhân này là tất cả các nhân ác, nhân bất thiện các Bồ tát quyết đoạn sạch. Vì chẳng còn nhân ác nên mọi hành vi động niệm của Bồ tát đều là phước thiện, gieo chủng tử thiện lành cho chúng sanh, giúp chúng sanh muôn loài được giác ngộ và giải thoát.





Chúng sanh sợ Quả là gì? Chúng sanh vì mê mờ nhân-quả, vì tham đắm trong ngũ dục: tài-sắc-danh-thực-thuỵ (Tài-Sắc đẹp-Danh vọng-Ăn uống-Ngủ nghỉ) nên mọi hành vi động niệm đều sống trong điên đảo, vọng tưởng, cũng vì thế niệm niệm khởi lên đều là nhân bất thiện, hại người, lợi mình. Nhưng khi nghiệp quả chín mùi ập đến thì chẳng biết nghiệp ấy từ đâu tới, lại ngửa mặt than trời, trách đất, hoặc kêu than trời Phật chẳng thương, chẳng công bằng??? 

Trong Cảm Ứng Thiên nói: 
Hoạ phước vô môn, duy nhân tự triệu
Thiện ác chi báo như ảnh tuỳ hình

Nghĩa là: 
Hoạ phước vốn không có cửa mà do con người tự tạo nên rồi tự gánh
vì thế mà chuyện thiện-ác cũng theo đuổi chúng sanh như bóng với hình...
Những câu chuyện nhân quả dưới đây là bức tranh giúp cho chúng ta có một cái nhìn sâu sắc hơn về những chuyện nhân quả báo ứng...
Thiện Lợi



*******************************

1. Kinh Ngạ Quỷ Báo Ứng: “Tôn giả Mục-Kiền-Liên là vị có thần thông đứng đầu trong hàng Đệ tử của đức Phật, nên có khả năng thấy rõ sự báo ứng thiện ác của tất cả chúng sanh trong sáu đường không lẫn lộn. Bấy giờ, ở bờ sông Hằng có một con Quỷ hỏi Tôn giả rằng: Tôi mỗi lần cử động thân thể thì lửa bốc cháy toàn thân, khổ sở vô cùng không thể chịu nổi, là do tội gì gây nên? – Tôn giả đáp: Khi còn làm người, ngươi vui thích giết hại chúng sanh để ăn nhậu nên hiện tại phải chịu khổ sở ấy, nhưng quả báo chính thức thì sẽ chịu ở Địa Ngục. Một con Quỷ khác thường bị đau đớn do nhức đầu và nam căn lở loét, hỏi Tôn giả do tội gì gây nên? – Tôn giả đáp: Khi còn làm người, ngươi đã tà dâm ở trong khuôn viên thanh tịnh của Tháp, Miếu; nên hiện tại chịu quả báo ấy. Một con Quỷ khác thường ở những chỗ bất tịnh để ăn uống các đồ dơ bẩn, thân thể bị bám đầy chất ô-uế, hỏi Tôn giả do nguyên nhân gì? – Tôn giả đáp: Đời trước, ngươi là một Bà-la-môn không tin Phật pháp, thường lấy thực phẩm dơ bẩn bố thí cho các Sa-môn trì Giới thanh tịnh; vì nguyên nhân đó, nên bây giờ phải chịu khổ báo ô-uế như vậy.”
2.  Kinh A-Hàm: “Tôn giả Mục-Kiền-Liên nói với Tỷ-kheo Lặc-Xoa-Na rằng: Tôi thấy một người thân thể rất to cao, có cái lưỡi rất dài và rộng đang bị cái rìu rất sắc bén cắt chém. Lại thấy một người kẹp dưới hai nách hai bánh xe sắt cháy đỏ, bị đau đớn vô cùng vừa chạy vừa kêu khóc. Tỷ-kheo ấy đến trình bạch đức Phật, Ngài dạy: Người bị cái rìu sắc bén cắt chém lưỡi, tiền thân vốn là một Sa-di tu tập vào thời đức Phật Ca-Diếp, do lén trộm đường phèn của chúng Tăng để ăn mà bị quả báo như vậy. Người kẹp hai bánh xe sắt nóng dưới nách cũng là một Sa-di tu tập vào thời đức Phật Ca-Diếp, do lén trộm bánh của chúng Tăng kẹp trong nách, bởi tội lỗi ấy nên phải chịu khổ báo bi thảm như thế.”
3.   Kinh Đại Tập: “Có con rồng cái mù mắt, trong miệng thối nát bầy nhầy như phân giải, có vô số côn trùng rúc rỉa ăn uống, máu mủ tuôn chảy; thân thể thì bị các loài ruồi độc cắn xé. Với tâm đại từ đại bi, đức Phật rất thương cảm con rồng mù ấy, Ngài hỏi: Vì nhân duyên gì mà con phải mang cái thân đau khổ như thế?
- Rồng đáp: Đời này con phải chịu cái thân khổ sở, không giây phút nào dừng nghỉ như vậy, do bởi trong quá khứ vào thời đức Phật Tỳ-Bà-Thi giáo hoá, con là một Tỷ-kheo Ni thường nghĩ đến việc dâm dục và đã phạm Giới dâm trong ngôi Già-lam; lại còn mong muốn nhiều tài vật của kẻ khác, và nhọ nhận quá nhiều vật cúng dường của Thí chủ. Do vậy, con đã trải qua chín mươi mốt kiếp chịu đủ mọi khổ đau trong Ba đường ác dữ, xin đức Thế Tôn đại bi cứu vớt cho con. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng tay rảy nước trên thân rồng, tức thì tất cả sự nhơ nhớp đều biến mất, đôi mắt hết mù thấy rõ mọi vật. Rồng hướng về đức Phật xin được thọ Tam quy, với tâm đại từ bi, đức Phật truyền pháp Tam quy cho rồng.”
4. Kinh Hộ Khẩu: “Có một Ngạ Quỷ hình tướng rất xấu xí, thân thể bị lửa bốc cháy, trong miệng bò ra vô số con giòi, máu mủ tuôn chảy hôi hám, rong chạy khắp nơi, kêu gào thảm thiết. Bấy giờ, A-la-hán Mãn Túc hỏi Ngạ Quỷ rằng: Trong quá khứ con đã tạo tội gì, mà đời này phải chịu quả báo khổ đau như vậy? - Ngạ Quỷ đáp: Trong quá khứ, con là một Sa-môn, vì luyến tiếc tham chấp tài sản không giờ nào quên, nên chẳng giữ gìn Oai-nghi, Giới Cấm, mở miệng thì nói thô ác, nếu thấy ai tinh tấn giữ Giới lại thường chửi rủa huỷ báng, nhìn bằng nửa con mắt đầy ác cảm, lại còn tự thị giàu có mạnh khoẻ để tạo vô lượng tội lỗi; giờ đây, nghĩ lại rất hối hận nhưng chẳng còn kịp nữa, xin Tôn giả khi trở về cõi Diêm-phù-đề, nên kể lại hình tướng xấu xí của con để răn bảo các Tỷ-kheo hãy khéo léo bảo hộ khẩu nghiệp, đừng bao giờ vọng ngữ.”
5. Kinh Hiền Ngu Nhân Duyên: “Tôn giả Xá-Lợi-Phất thấy một con Quỷ Chó hai chân bị què nằm trên đất, động lòng từ bi liền lấy thực phẩm khất thực trong bình bát cho nó và vì nó thuyết pháp. Nhờ được nghe pháp, khi chết Quỷ Chó được thác sanh làm con của một gia đình Bà-la-môn ở nước Xá-Vệ, tên là Quân Đề. Về sau xuất gia làm Đệ tử ngài Xá-Lợi-Phất, và được học tập nhiều môn Phật pháp nên tâm ý được khai mở, lại kiên trì giữ Giới Cấm, do vậy được chứng quả vị A-la-hán. Nhờ đó, thấy rõ tiền thân của mình bị đọa làm Quỷ Chó nên càng tăng thêm sự tinh tấn. Tôn giả A-Nan bạch đức Phật: Xưa kia, người ấy tạo tội ác gì mà đọa làm thân Quỷ Chó và làm điều thiện gì mà đời này được chứng Đạo quả? - Đức Phật đáp: Vào thời quá khứ , trong giai đoạn đức Phật Ca-Diếp giáo hoá, người ấy là một Tỷ-kheo trẻ có âm thanh trong trẻo, tụng Kinh xướng tán rất hay, lại trì Giới Luật rất nghiêm túc, thấy một Tỷ-kheo già đang tụng Kinh âm thanh rất dở, nên chê rằng: Giọng tụng Kinh của Trưởng Lão này như chó sủa. Sau đó, biết vị Tỷ-kheo già đã chứng Đạo quả nên rất sợ hãi tự trách, bèn đến vị Tỷ-kheo già xin sám hối tội lỗi. Do bởi người ấy nói lời ác độc mà trải qua năm trăm đời đọa làm thân chó, và do người ấy xuất gia trì Giới nghiêm túc nên đời này được gặp Ta, nghe pháp và được giải thoát.”
7. Kinh Hiền Ngu Nhân Duyên: “Khi đức Phật tại thế, có người bắt được một con cá trăm đầu, mọi người lấy làm kinh dị đến trình bạch đức Phật. Đức Phật đến chỗ con cá, hỏi nó rằng: Con có phải là Ca-tỳ-lê không? – Cá đáp: Thưa, đúng vậy! - Hỏi: Hiện tại mẹ của con đang ở chỗ nào? – Cá đáp: Thưa, đọa vào Địa Ngục A-tỳ. A-Nan bạch hỏi đức Phật về duyên cớ ấy, đức Phật dạy: Trong quá khứ, vào thời đức Phật Ca-Diếp giáo hoá, có người con của một gia đình Bà-la-môn tên là Ca-tỳ-lê, rất thông minh và đa văn, cùng đối thoại với vị Sa-môn bị thất bại, bà mẹ bảo Ca-tỳ-lê rằng: Sao con không nhục mạ ông ta? Sau đó, Ca-tỳ-lê lại đối thoại với Sa-môn ấy, nhưng cũng vẫn bị thất bại, liền mạ lỵ rằng: Bọn Sa-môn các ông là loại ngu đần chẳng biết gì cả , đầu óc như đầu loài thú, là loài thú trăm đầu, chẳng có loài nào giống các ông! Do nhân duyên ấy mà bây giờ Ca-tỳ-lê đọa làm cá trăm đầu, còn bà mẹ Ca-tỳ-lê dạy con nhục mạ Sa-môn đầy ác ý nên bị quả báo tại Địa Ngục. Qua sự kiện này, cần thận trọng về hành động của Tam nghiệp Thân -khẩu-ý vậy.”
8. Kinh Phật Thuyết Giới Tiêu Tai: “Đức Phật thấy một con sâu trong hồ nước đầy dơ bẩn, thân hình tương tự như người. A-Nan bạch đức Phật: Đời trước, con sâu ấy tạo nghiệp gì mà bây giờ bị sinh vào trong hồ nước ấy? - Đức Phật bảo: Vào thời Tượng pháp trong quá khứ, có Thầy Tri-sự của một ngôi chùa rất chán ghét khách Tăng vì đến quá nhiều, nên sinh tâm sân hận, mật báo với Đàn-việt đem bơ đến chùa (đừng cho  khách Tăng biết). Nhưng khách Tăng lại đến đòi chia phần, thầy Tri-sự không giữ gìn Giới Cấm về miệng, liền mạ lỵ rằng: Tại sao các ông không ăn phân giải mà cứ theo tôi đòi ăn bơ như thế? Do mạ lỵ chúng Tăng như vậy, mà trải qua vô lượng đời bị đọa vào trong nước đầy ô-uế như vậy.”
9. Kinh La Vân Nhẫn Nhục: “La Vân đến khất thực tại một nhà Bà-la-môn không tin Phật pháp, nên họ không bố thí, lại đánh đập làm đầu của La Vân bị thương chảy máu, và còn bốc cát bỏ vào bình bát. La Vân đều nhẫn nhục, đến bờ sông để rửa đầu,  bát; rồi trở về bạch hỏi đức Phật. Đức Phật dạy: Khi tâm ác khởi lên mạnh mẽ thì tâm thiện sẽ yếu kém, đừng lưu tâm đến việc ấy! Vị Bà-la-môn ấy, sau khi chết bị đọa vào Địa Ngục Vô gián để chịu khổ trải qua hàng ức kiếp; sau đó, bị đọa làm con trăn để ăn đất, cát. Tức là, do tâm sân hận đánh đập người giữ Giới nên phải làm thân ác dữ, và do bốc cát để vào bát nên đời này phải ăn cát, đất. Tóm lại, quả báo của nghiệp ác chẳng phải do người nào tạo ra!”.
10. Kinh Tội Phước Báo Ứng: “Người được sống lâu, thân thể khoẻ mạnh, không bị tật bệnh là kết quả của sự giữ Giới. Người ưa thích sát sanh sẽ bị đọa làm con phù du sống trên mặt nước, mới sinh buổi sáng, chiều tối lại chết. Người ưa thích trộm cắp tài vật của người khác sẽ bị đọa làm trâu ngựa, tôi tớ để trả nợ kiếp trước. Người ưa thích tà dâm,  khi chết bị đọa vào Địa Ngục, nam giới thì bị ôm trụ đồng cực nóng, nữ giới thì bị nằm giường sắt cháy đỏ, sau khi hết tội được sanh làm người, rồi lại bị sanh vào loài gà, vịt. Người ưa thích vọng ngữ đem đến điều xấu ác cho người khác, khi chết bị đọa vào Địa Ngục, bị rót nước đồng sôi vào miệng, bị kéo lưỡi cho trâu cày, khi ra khỏi Địa Ngục lại bị đọa vào loài chim cú, chim quạ có tiếng kêu xấu ác. Người ưa thích uống rượu say sưa phạm đủ ba mươi sáu tội, khi chết bị đọa vào Địa Ngục Phân giải, ra khỏi Địa Ngục bị sanh vào loài tinh tinh, về sau được làm người thì ngu ngơ vô trí, chẳng biết gì cả.
Được làm người giàu sang tôn quí như quốc Vương hay Trưởng giả là kết quả của sự lễ bái phụng sự Tam Bảo. Bị làm người ti tiện là do không lễ bái phụng sự Tam Bảo. Bị làm người câm ngọng là do huỷ báng Tam Bảo. Bị làm người đui, điếc là do không nghe và không tin Phật pháp. Được nghe Phật pháp tâm không ưa thích, lại còn ồn ào gây trở ngại người khác nghe pháp, những người này sau khi chết bị đọa làm chó có tai rất to và quặp xuống.”
11. Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ: “Khi nghiệp báo chư Thiên đã đến, mạng sống sắp kết thúc, nếu những vị nào đời trước đã tạo tội trộm cắp, bấy giờ các Thiên nữ sẽ lấy những vật quý đẹp trang điểm của họ dâng cho các Thiên tử khác. Nếu những vị nào đời trước đã tạo tội vọng ngữ, bấy giờ nghe các Thiên nữ nói phô lại hiểu lầm bậy bạ, nên mắng chửi họ một cách ác độc. Nếu những vị nào đời trước lấy rượu bố thí cho người giữ Giới, hoặc tự phá Giới mà uống rượu, thì khi lâm chung sẽ đánh mất Chánh niệm, tâm thức mê loạn và đọa vào Địa Ngục. Nếu những vị nào đời trước đã tạo tội sát sanh, bấy giờ thọ mạng sẽ rút ngắn, tật bệnh sẽ đến rất nhanh để mau chết. Nếu những vị nào đời trước tạo tội tà dâm, bấy giờ các Thiên nữ đều bỏ rơi họ mà cùng đến vui chơi với các Thiên tử khác. Đây gọi là “năm tướng suy hoại vậy”.”
12. Kinh Thí Dụ: “Thuở trước, có một Ưu-bà-tắc thọ trì Năm Giới, vào một ngày do khát nước thấy chai rượu trong như nước liền lấy uống, nhân đây mà phạm Giới rượu. Khi chất rượu phát tác, tâm ý của Ưu-bà-tắc ấy mù mờ hổn độn, nhân con gà hàng xóm chạy vào nhà, liền bắt giết nấu nướng để ăn, nên phạm thêm Giới sát sanh và trộm cắp. Cô gái đi tìm gà, vì đang khi bị say sưa, Ưu-bà-tắc lại hiếp dâm cô gái ấy, nên phạm thêm Giới dâm dục. Cô gái phẩn nộ đi kiện Quan, khi bị chất vấn Ưu-bà-tắc lại nói lời xảo quyệt dối trá, nên phạm thêm Giới vọng ngữ. Như vậy, phạm đủ Năm Giới là phát xuất từ việc phạm Giới rượu, tai hại của rượu thật lớn lao thay!”
13. Kinh Ưu-Bà-Tắc Giới: “Ở nước Chi-Đề có một con rồng ác dữ, thân nó thường phun khói lửa gây nên sấm chớp, mưa đá, dẫn đến chết chóc, thương tích cho mọi người; còn mọi vật thì bị tổn hại hư hao. Bấy giờ, có một Tỷ- kheo đã chứng quả A-la-hán tên là Ta-Già-Đà, biết được sự việc như vậy liền đến chỗ rồng ở, Tỷ-kheo nhập định Hoả Quang, rồi dùng năng lực thần thông biến hiện nhiều cách để chế ngự con rồng độc, kết cục rồng xin quy-y Tam Bảo. Về sau, vào một sáng đi khất thực, Ta-Già-Đà gặp một tín nữ, người này lấy rượu trắng hoà với cháo sữa dâng cúng; Ta-Già-Đà chẳng biết nên dùng thực phẩm ấy, sau khi thuyết pháp xong, trở về trú xứ. Đi được nửa đường, chất men phát tác nên ngã quỵ giữa đường, đánh mất tất cả oai nghi. Đức Phật biết rõ sự việc, dẫn các Đệ tử đến chỗ Ta-Già-Đà đang nằm, Ngài nói với các Đệ tử: Tỷ-kheo Ta-Già-Đà biểu hiện đại thần thông đã chế ngự được con rồng độc, bấy giờ say sưa bất tỉnh như vậy thì một con ễnh ương cũng chẳng hàng phục được! Bậc Thánh nhân mà lỡ uống rượu còn tổn hại như thế, huống gì là kẻ phàm phu! Do vậy, là Đệ tử của Ta, kể từ đây về sau một giọt rượu cũng không được uống.”
Trích từ: Giới Luật và Nghiệp Báo Của Sự Phạm Giới

New Comments