Donnerstag, 12. Mai 2016

ĐỪNG HỌC PHẬT PHÁP BẰNG CẢM TÍNH

http://img.tongiaovadantoc.com/2012/09/10/21/20/Phap-mon-niem-Phat-1.jpgHàng ngày chúng ta ngồi niệm Phật nhưng là niệm niệm tham, niệm niệm sân, niệm niệm si, niệm niệm ngã mạn, phân biệt, chấp trước đồng dấy khởi. Niệm như vậy lại niệm một cách thành thục, thì chúng ta đang niệm ma chứ chẳng phải niệm Phật...






Nếu quán xét những điều bất cập, những mối xung đột thường xảy ra và nhiều khi không thể hoá giải trong quá trình tu học của chúng ta hiện nay, chúng ta phải nhận thấy: Chúng ta đang học Phật pháp bằng cảm tính, theo cảm tính. Nghĩa là không dùng trí tuệ để học, để khai thông pháp; trái lại, chúng ta dùng tri thức thế tục, thường tình (vọng kiến, phân biệt, chấp trước) để học và kiến giải Phật pháp. Vì vậy những lời chân thật nghĩa của Phật chúng ta không tin; trái lại, lại dễ dàng tin theo những lời huấn giải của một ai đó mà chúng ta cảm thấy rất siêu phàm, hay mến mộ. Vì khởi tâm động niệm (ý khởi) đều là vọng kiến, nên thân và khẩu cũng bị những vọng kiến đó lôi kéo, chi phối và hành theo. Đây là hệ quả của việc: chúng ta tu, nhưng thực không biết, không hiểu mình đang tu gì, tu để làm gì? 

Chúng ta thực hành pháp môn niệm Phật, xin chớ vội nông nổi nghĩ: làm sao ngày này, tuần này, tháng này… tôi phải đạt được nhất tâm bất loạn; làm sao phải đạt được niệm Phật tam muội; làm sao phải đạt được bất niệm tự niệm; làm sao ngày này, tháng này, chúng ta phải vãng sanh cho kỳ được. Tất cả những điều kiện mà chúng ta tự đặt ra cho mình chính là những chướng đạo, chứ không phải sự dũng mãnh hay phát tâm bồ đề như nhiều người lầm hiểu.
Nhất tâm bất loạn là gì? Tam muội là gì? Niệm bất tự niệm là gì? Đó chẳng phải là cảnh giới mà chúng ta có thể kiến lập được; cũng chẳng phải cảnh giới mà chư Phật, chư Bồ tát ban phát hay ấn chứng cho chúng ta. Trái lại, đó chính là chân tâm, là Phật tánh mà mỗi chúng ta vốn sẵn có.

Câu hỏi chúng ta phải nghiêm túc đặt ra: Chúng ta sẵn có, vậy nhưng tại sao chúng ta lại phải tìm cầu? Nguyên nhân: do chúng ta sống trong vô minh: tham, sân, si, mạn, phân biệt, chấp trước. Hễ 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ngay lập tức sanh ra các vọng thức (phân biệt, chấp trước). 

TN xin lấy ví dụ nêu trên làm sáng tỏ sự vô minh này.
Trong Kinh A Di Đà Phật Thích Ca dạy: „Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó hoặc trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn, thời người đó tới lúc lâm chung đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh Chúng sẽ hiện thân ở trước người đó, người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền đặng vãng sanh về nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà“.

Câu hỏi là: Chúng ta đã thực chấp trì danh hiệu của Phật A Di Đà một lòng không tạp loạn chưa? Nếu chưa mà chúng ta lại cầu được „nhất tâm bất loạn“, cầu „tam muội“, cầu „bất niệm tự niệm“, cầu được vãng sanh như ý nguyện, đây là chuyện hoang đường. Nói khác đi: Hàng ngày chúng ta ngồi niệm Phật nhưng là niệm niệm tham, niệm niệm sân, niệm niệm si, niệm niệm ngã mạn, phân biệt, chấp trước đồng dấy khởi. Niệm như vậy lại niệm một cách thành thục, thì chúng ta đang niệm ma chứ chẳng phải niệm Phật. Đương nhiên, khi ma tham, sân, si, mạn, phân biệt, chấp trước luôn thị hiện trong tâm chúng ta, tức khi cảnh giới xả báo thân hiện tiền, chúng ta sẽ rơi ngay vào trạng thái điên đảo, vọng tưởng; cũng ngay lập tức lúc ấy, người tới đón chúng ta sẽ là ma vương chúng chứ chẳng phải Tây Phương Thánh Chúng.
Cũng trong Kinh A Di Đà Phật Thích Ca dạy: „Xá Lợi Phất! Nơi ý ông nghĩ thế nào? Vì sao tên là Kinh Nhất Thiết Chư Phật hộ niệm?
Xá Lợi Phất! Vì nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh này mà thọ trì đó và nghe danh hiệu của Đức Phật, thời những thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy đều được tất cả các Đức Phật hộ niệm, đều được không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác“.
Xá Lợi Phất! Cho nên các ông đều phải tin nhận lời của Ta và của các Đức Phật nói“.
Câu hỏi là: Sao gọi „thiện nam tử“? Sao gọi „thiện nữ nhân“? Hiểu đúng lời Phật dạy đó là: hiếu kính phụ mẫu; phụng sự sư trưởng; từ tâm bất sát; hành thập thiện nghiệp; Quy y Tam Bảo, thọ trì Ngũ giới và Phát tâm bồ đề, nguyện nhất tâm niệm Phật, một đời được vãng sanh Tịnh Độ.

Hàng ngày, hàng giờ, trong từng niệm niệm, chúng ta hãy cùng nhau thử hỏi: mình đã, đang làm được những gì? Người niệm Phật mà hễ nói tới quy y Tam Bảo, hễ nói tới thọ trì Ngũ giới là đều lảng tránh; người niệm Phật, nhưng hễ nói tới hành thập thiện, hễ nói tới ăn chay, hễ nói tới hiếu kính, hễ nói tới xa lìa tâm sát… đều luôn tìm cách để lảng tránh – chắc chắn chúng ta sẽ mãi mãi chẳng thể trở thành thiện nam tử, thiện nữ nhân và đương nhiên chuyện „nhất tâm bất loạn“, „tam muội“, „niệm bất tự niệm“ sẽ chỉ là chuyện nói cho vui miệng, đừng nói tới chuyện vãng sanh Tịnh Độ.

Đã đến lúc chúng ta phải báo động cho nhau hay: Chúng ta đang đốt cháy giai đoạn; chúng ta đang tự huyễn hoặc chính mình; chúng ta bỏ qua những giáo lý, nền tảng Phật học quan trọng: Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín. Vì thế chúng ta càng tu, càng thấy niềm tin trong mình càng chấp chới; càng tu càng thấy mình hình như đang lạc đường; càng tu càng thấy tâm mình dâng đầy phiền não. 

TN xin trích câu chuyện Phật thuyết trong Kinh Đại Niết Bàn về cô gái nghèo để chúng ta cùng suy ngẫm:

„Phật dạy: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được.
Như cô gái nghèo, trong nhà có nhiều kho tàng vàng vòng, tất cả người nhà không ai biết. Một hôm có người khách lạ khéo biết phương tiện bảo cô gái nghèo : “ Nay tôi thuê cô dọn cỏ rác cho tôi”.
Cô gái liền đáp : “ Nếu ông có thể chỉ kho vàng cho tôi, rồi tôi sẽ dọn cỏ rác cho ông”.
Người khách nói : “ Tôi biết cách thức, có thể chỉ kho vàng cho cô.”
Cô gái nói: “Tất cả người nhà của tôi còn chẳng biết được, huống là ông mà có thể biết !”
Khách lại nói: “Nay tôi có thể biết chắc chắn”.
Cô gái nói: “Tôi gấp muốn thấy, ông nên chỉ cho tôi”.
Người khách liền ở trong nhà cô, đào được kho vàng ròng. Cô gái thấy kho vàng lòng rất vui mừng ngạc nhiên lạ lùng, kính trọng người khách.
Nầy Thiện-nam-tử! Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, tất cả chúng sanh chẳng nhận thấy được. Khác nào cô gái nghèo có kho vàng mà chẳng biết. Hôm nay ta chỉ bày Phật tánh sẵn có của tất cả chúng sanh hiện bị các phiền não che đậy. Như cô gái nghèo kia trong nhà sẵn có kho vàng nhưng không thấy được
Hôm nay đức Như-Lai chỉ bày kho báu giác tánh cho chúng sanh, đây chính là Phật tánh. Chúng sanh thấy được tánh nầy lòng rất vui mừng quy ngưỡng đức Như-Lai.
Người khách khéo biết phương tiện dụ cho Như-Lai. Cô gái nghèo dụ cho vô lượng chúng sanh. Kho vàng ròng dụ cho Phật tánh“.
 
Tới đây các bạn chắc đã hiểu rõ: hàng ngày chúng ta niệm Phật nhưng tâm chẳng có Phật, mà chỉ tơ tưởng những chuyện trần lao, dục giới, cũng tương tự như cô gái nghèo nói trên, có sẵn kho báu mà chẳng hề hay biết. Niệm như thế đương nhiên chẳng bao giờ có cảm ứng đạo giao với Phật A Di Đà, nói gì tới 10 phương Chư Phật hộ niệm?

TN nguyện chúc các đạo hữu sớm biết hồi đầu, tỉnh thức để cùng nhau nhận biết được: trong mỗi chúng ta đều có sẵn kho vàng ròng. 

Thiện Nhân

New Comments