Donnerstag, 12. Mai 2016

CÁI TÁT VÔ MINH

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2015/04/15/18/20150415180527-tat.jpgNhưng khi được Lão Tăng hồi đáp bằng một cái tát trời giáng thì cái tâm cầu đạo của vị thiền sinh nọ đã bị phá vỡ, thế vào đó, phản ứng bảo vệ cái ta trỗi dậy: ta không phạm lỗi, hà cớ gì vô cớ dám đánh ta?






Một thiền sinh đến vấn kiến một Lão Tăng.
- Bạch Sư Phụ! Xin Ngài cho con biết thế nào là vô minh?
Lão Tăng không đáp mà giơ tay, thản nhiên tát một cái trời giáng lên mặt vị thiền sinh nọ.
Vì quá bất ngờ, vị thiền sinh nọ đau tới sa sầm mặt mày, tay ôm lên nơi bị tát, trợn trừng hai mắt, rồi, quát lớn:
- Ông làm cái trò gì thế? Tại sao lại vô cớ đánh tôi?
Lão Tăng điềm nhiên đáp: Vô minh chính là như thế!
Ngay lúc đó vị thiền sinh hoát nhiên đại ngộ.

 *******

Trong cuộc sống hàng ngày khi đối người, tiếp vật, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, có nhiều chuyện nhiều khi vượt ra ngoài ý muốn, hay trù liệu của bản thân, ví thử: chúng ta muốn hoàn tất một việc gì đó, hoặc đang rất tâm đắc với công việc đó, bỗng dưng có ai đó đi qua hay ập tới rồi vô cớ thốt lời chê bai, dèm pha, mắng nhiếc hay làm ách tắc, thậm chí thốt những lời lẽ vô cùng khó nghe. Lẽ đời bị người vô duyên, vô cớ đả phá hay quậy phá như vậy, bản năng sinh tồn ngay lập tức sẽ trỗi dậy và đương nhiên chúng ta sẽ có thái độ phản kháng lại chí ít là tương tự, thậm chí còn quyết liệt hơn, dữ dội hơn cả kẻ đang cản phá, chống đối hay miệt thị mình. 

Lý do? Đơn giản là: cái ta và cái của ta vốn không ai được quyền động đến, phê phán hay đả phá. Phản ứng của chúng ta càng dữ dội, mãnh liệt và quyết liệt bao nhiêu càng biểu tỏ cái ta và cái của ta càng lớn bấy nhiêu.
Phản ứng quyết liệt đó trong đạo gọi là sự vô minh.

 Trong Bát Nhã Tâm Kinh đức Phật dạy: "Vô vô minh diệc vô vô minh tận“. Nghĩa là: "Không có cái vô minh, cũng không có hết cái vô minh". Sẽ có sự nghi vấn đặt ra: Cái vô minh đã không có, hà cớ gì vô minh đó lại tồn tại? Vậy thực ra là có cái vô minh hiện hữu hay không có cái vô minh đang hiện hữu? 

Nếu lấy phản ứng tức giận của vị thiền sinh nọ khi bị cái tát trời giáng từ nơi Lão Tăng làm biểu dụ thì hẳn là có sự vô minh đang hiện hữu. Tại sao? Bởi vị thiền sinh nọ nghĩ: Ta đến tham vấn đạo, cầu đạo, chắc chắn ta phải nhận được lời hồi đáp tương xứng. Nhưng khi được Lão Tăng hồi đáp bằng một cái tát trời giáng thì cái tâm cầu đạo của vị thiền sinh nọ đã bị phá vỡ, thế vào đó, phản ứng bảo vệ cái ta trỗi dậy: ta không phạm lỗi, hà cớ gì vô cớ dám đánh ta? Thân căn nhất thời bị xúc phạm, thương tổn, ngay lập tức niệm "ta" bị thương tổn, xúc phạm đồng dấy khởi trong tâm=ý khởi  – đương nhiên, thân, khẩu sẽ hành việc tương ưng. Phản ứng giận dữ mắng vị Lão Tăng chính là nhằm bảo vệ cái ta. Trong đạo gọi đó là vô minh - cái ta vô minh. Nói khác đi: vô minh đang khởi. Lý do? Cái ta đang bị xúc phạm. Có thật có cái ta và cái ta đang bị xúc phạm không? Có! nhưng đó là cái ta giả tạm (hình thành từ thân tứ đại) - cái ta của sự hoại diệt không ngưng nghỉ. Cái tát của Lão Tăng vào sự hoại diệt không ngưng nghỉ đó cũng là cái tát của sự giả tạm và hoại diệt. Khởi tâm bám chấp vào sự giả tạm, hoại diệt không ngưng nghỉ đó, chính là sự vô minh. Nắm giữ sự vô minh không chịu lý giải và buông xả chân chánh=vô minh tồn tại vĩnh viễn=không hết cái vô minh. 

Trở lại ví dụ người vô cớ phản bác, quậy phá, cản trở công việc của mình: nếu ngay lúc đó chúng ta biết dùng chánh tư duy để quán chiếu lời phản bác và hành vi phản bác của người đối diện: Mọi sự đều không ngoài nhân duyên: Mình không từng chê bai, khích bác, cản phá người, người sẽ không bao giờ làm điều đó với mình. Đó là chắc chắn, bởi nhân-quả vốn là vậy và đúng như vậy. Do vậy, ngay lúc đối cảnh chẳng được như ý, ý chẳng khởi sân=vô minh không khởi, tất thân, khẩu sẽ không hành vô minh=không có cái vô minh; ngược lại vô minh sẽ hiện tồn và sẽ mãi mãi không hết cái vô minh.

Thiện Nhân


New Comments