Mittwoch, 15. Mai 2013

Cẩn Thận Kẻo Lạc Bến



"Nhưng vì thể lực, nội tạng mỗi người mỗi khác, cũng vì thế, mà thuốc dùng cho mỗi người cũng khác nhau, hoặc giả có giống, thì dung lượng cũng không thể tương đồng. Và cũng vì thế  mà người này chỉ uống ít ngày đã khỏi, người kia phải dùng lâu ngày mới dứt..."




Trong khi tu học chúng ta thường nghe ai đó khuyên (bảo) những lời đại để: Đừng nên tụng kinh đó; đừng nên tụng chú đó; Nên tụng kinh này, kinh nọ; nên tụng chú này, chú nọ; hay: thuộc nhiều Kinh, Chú, thông nhiều pháp như thế sao không tu xuất gia... nó hay hơn, nó dễ khế nhập nhơn; nó đúng pháp hơn, nó dễ đắc đạo hơn...v.v.

Thoạt nghe, chúng ta đều thấy thật có lý, rất lấy làm phấn chấn, và rất có thể chúng ta đã giật mình, hay chạnh lòng tiếc rẻ về một khoảng thời gian đã qua mà mình đã bỏ ra biết bao công sức thời gian để học hỏi, nhưng không ngờ ý nghĩa, tác dụng lại chẳng được như người nói... Và để rồi vì muốn đuổi kịp thời gian, vì muốn mình phải bằng người, vì muốn để mọi người biết mình cũng không phải hàng lép vế... nên mình đã gấp rút làm theo bằng được những lời khuyên nọ...

Tu chính là Sửa. Sửa những lỗi lầm, những sai quấy đã gây ra và nguyện sẽ không phạm những lỗi lầm, sai quấy đó nữa. Đó là điều người tu hành dẫu xuất gia hay tại gia đều phải luôn gắng nguyện và thường xuyên quán chiếu. Tuy nhiên chúng ta cần (nên) Sửa điều gì? Sửa những gì? Thì đây là điều mà mỗi chúng ta đều phải tỉnh táo để cân nhắc.
Ví thử ai đó nói (khuyên) với ta: Bỏ kinh này đi, bỏ chú kia đi; Nên tụng kinh này; nên trì chú này nó mới hay hơn, nó mới vi diệu hơn; nó mới dễ chứng đắc hơn... Những lời khuyên như thế chúng ta cần phải thật cẩn trọng để nhìn tận gốc về những lời khuyên. Bởi thực tế: Các Pháp của Phật nói ra đều đi đến ngọn nguồn của sự chân thật, chứ không có tính hay hay là dở cả. Do vậy khi ai đó nói: Kinh này đừng tụng, mà nên tụng kinh kia mới chuẩn, mới hay, mới đúng chánh pháp; Chú này đừng trì, tụng, mà nên trì, tụng Chú kia mới thâm sâu, mới đủ công năng, mới vi diệu; Thầy này thuyết pháp không hay, không nên nghe, Thầy kia mới hay, mới nên nghe... thì ngay lúc ấy, lời người khuyên chúng ta cũng đã sai lệch mất rồi, dẫu cho người đó thực lòng vì thương, vì muốn giúp chúng ta mà khuyên. Tại sao lại sai lệch? Nếu hiểu theo đúng giáo lý mà Đức Phật đã dạy thì tất cả các pháp đều hữu vi, là phương tiện, và giống như thuyền bè, vì thế Phật mới nói: Các Pháp ấy vốn không phải Phật pháp (Kinh Kim Cang). Bởi Phật Pháp mà Đức Phật tuyên thuyết trong suốt 49 năm đó không phải là Ta (Đức Phật) tự ý nói ra, mà ba đời các Đức Phật (quá khứ, hiện tại và vị lai) cũng đều diễn nói như vậy. Nhưng vì căn tánh (cao-thấp; thông minh-ngu độn) của chúng sanh mà Phật tìm những Pháp tu cho phù hợp với căn tánh của những chúng sanh đó để dạy, dẫn. Điều này cũng giống như việc bác sĩ trị bệnh cho bệnh nhân, muốn chữa cho bệnh nhân mau lành bệnh, trước hết các bác sĩ cũng phải tìm được nguyên nhân phát bệnh, kế đó mới kê đơn, bốc thuốc. Nhưng vì thể lực, nội tạng mỗi người mỗi khác, cũng vì thế, mà thuốc dùng cho mỗi người cũng khác nhau, hoặc giả có giống, thì dung lượng cũng không thể tương đồng. Và cũng vì thế  mà người này chỉ uống ít ngày đã khỏi, người kia phải dùng lâu ngày mới dứt. 

Thứ nữa, khi ai đó khuyên (nói) với chúng ta: Pháp (kinh pháp) này hay, pháp kia dở; Chú này hay, Chú kia dở... thì ngay lúc ấy cái Pháp, cái Chú mà người muốn khuyên chúng ta đã không còn là Pháp, Chú nữa rồi. Bởi Pháp và Chú của Phật vốn chỉ có Phật với Phật mới có thể hiểu chọn vẹn, nói chi tới hạng phàm phu sát đất như chúng ta? Nói khác đi: Vì sự phân biệt, chấp trước (chấp Hay-Dở; chấp Cao-Thấp; nhiệm màu-không nhiệm màu; thù thắng-không thù thắng...). mà khuyên. Và khi sự phân biệt, chấp trước ấy đã nổi lên, tất xuất phát điểm đã có sự mê mờ, sai lạc rồi, đương nhiên không bao giờ chúng ta đạt được một kết quả gì, cho dù là nho nhỏ. Do vậy khi nói tới việc hành trì các Pháp, Chú của Phật các chư Tổ luôn thường nhắc nhở: Phải tuỳ duyên, tuỳ căn cơ của mỗi người, mỗi chúng sanh mà khuyên giải và sách tấn.

Đã có một câu chuyện xưa kể về một bà mẹ già, sống trong một làng quê nghèo, cô quạnh. Người con trai của bà lại đi tu hành tại một nơi xa. Một mình bà sống trong cảnh túng bần, và vì thương xót người mẹ già ấy một tu sĩ đắc đạo đã trợ duyên cho bà bằng việc giúp cho bà một bài Chú và nói bà hãy ráng học thuộc, rồi mỗi khi cần thổi cơm, hãy trì bài Chú này, lập tức sẽ có nồi cơm để ăn và sống qua ngày. Bà mẹ già nọ đã nhất tâm học thuộc bài Chú vị tu sĩ nọ cho, và thường ngày dùng bài Chú đó làm một phương tiện duy trì mạng sống. Cho tới một ngày kia, người con trai của bà sau bao năm tháng tu học, nay được trở về thăm mẹ. Nhìn thấy cảnh mẹ già côi cút, nghèo khổ, hàng ngày chỉ có nồi cơm suông để duy trì mạng sống, chàng trai lấy làm hổ thẹn và đau xót không nguôi. Nghe mẹ kể lại câu chuyện nhiệm màu nọ, người con trai ngỡ mẹ già, sanh lẩm cẩm, chứ Chú nào có thể biến nồi không thành nồi cơm được? Vì vậy chàng bèn bảo mẹ tụng lại bài Chú mà thường ngày bà vẫn tụng để thổi cơm, bà mẹ đã làm theo đúng những gì mình đã làm trong suốt bao năm qua, và quả là sự nhiệm màu đã hiện ra ngay trước mắt người con trai. Nhưng khi nghe bà mẹ trì Chú, chàng trai phát hiện bà đã trì sai một số câu, vì thế chàng đã quả quyết nói với mẹ, và khuyên bà phải trì lại theo đúng bài Chú mình đã được học. Để làm chứng, chàng đã dùng bài Chú của mình được học để trì, nhưng trì mãi... nồi cơm nhiệm màu vẫn không xuất hiện...

 Coi chừng kẻo lạc bến - Ảnh mang tính minh hoạ (Nguồn: google.com)

Như vậy nguyên nhân thất bại vốn không phải do Chú đúng hay sai (hay-dở), trái lại nó phụ thuộc vào cái Tâm của người trì Chú. Người mẹ già vì không có tâm phân biệt, chấp trước nên bà có niềm tin sắt đá vào bài Chú mà vị Tu sĩ nọ truyền cho, do vậy bà đã có được một phương tiện để duy trì mạng sống; Ngược lại người con, vì chấp nhất vào câu, chữ của bài Chú và quyết muốn mẹ phải sửa lại cho đúng theo những gì mình học được, nhưng vì khởi tâm chấp trước, nên bài Chú mặc dù đúng nguyên ngữ nhưng lại không đạt được kết quả gì. 

Bài học cần rút ra là gì? Tín-Nguyện-Hành = Tin sâu-Nguyện tha thiết-Thực tâm Hành. Đây là ba yếu tố quan trọng bậc nhất cho người tu hành theo pháp môn của Phật. Dẫu cho đó là tu Thiền, Mật hay Tịnh thì ba yếu tố trên cũng không thể thiếu. Bởi có Tín mà không Nguyện cũng giống như người đang khát, biết là nước uống sẽ giúp cơn khát được tiêu tan, nhưng nhất quyết không uống; Có Tín-Nguyện mà không Hành cũng giống người ăn mãi mà chẳng no, uống nước mà chẳng hay nước đó là nóng hay lạnh vậy. Vì thế trong quá trình tu học, có rất nhiều người (có thể) vì ngưỡng mộ mình, vì thương mình, thấy mình tu đã lâu, thuộc được nhiều Kinh, nhiều Chú, pháp nào cũng nói vanh vách... nên đã khuyến nhủ mình nên xuất gia để tu cho mau đắc đạo. Người tỉnh giác phải nên rành, rõ lời khuyên: Chẳng lẽ cứ thuộc nhiều Kinh, Chú là có thể đắc đạo được sao? Nếu thế câu chuyện trì Chú của chàng trai kể trên không thể thất bại. Như vậy chúng ta nên hiểu: Thuộc Kinh, Chú mới chỉ là có Tín, có Nguyện (có tin, có nguyện, còn tin sâu và nguyện tha thiết hay không lại là chuyện khác) còn có Hành (thực tâm hành) hay không thì phải coi ở chính chúng ta. Người có Tín-Nguyện-Hành dẫu cho tu Thiền, Mật hay Tịnh, nhìn họ, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết được. Bởi người Thực Tâm Hành (thực tâm tu) tự thân họ sẽ toát ra những hảo tướng khác với người phàm phu (không tu hành). Cái hảo tướng ấy khác với hảo tướng của người phàm phu (người phàm phu muốn có hảo tướng phải nhờ sự trưng diện), còn Hảo Tướng của người Thực-Tu-Hành là do công đức Tu-Hành mà có được. 

Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Đức Phật hỏi Ngài Tu Bồ Đề: „Này Tu Bồ Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Có thể do nơi ba-mươi-hai tướng mà xem là đức Như-Lai chăng? Ông Tu Bồ Đề bạch rằng:“Đúng thế! Đúng thế! Do nơi ba-mươi-hai tướng mà xem là đức Như-Lai“. Đức Phật dạy rằng: „Này Tu Bồ Đề! Nếu do nơi ba-mươi-hai tướng mà xem là đức Như-Lai đó, thời vua Chuyển Luân Thánh Vương chính là đức Như-Lai rồi!“. Tại sao Đức Phật lại nói như vậy? Bởi Ngài Tu Bồ Đề còn ngộ nhận giữa sắc tướng (do trang điểm=không có thật) và đức tướng (do tu hành=trường tồn). Điều này cũng tương tự như việc ai đó khuyên chúng ta, thấy chúng ta thuộc làu kinh, chú, và pháp nào cũng nói được, nên cứ ngỡ chúng ta có thể dễ dàng đắc đạo. Thực tế đó là nhận kiến sai lầm. Chính vì thế khi nghe Đức Phật nói vậy, Ngài Tu Bồ Đề bèn ngộ ra và nói rằng: „Bạch đức Thế Tôn! Theo như con hiểu nghĩa lý của Đức Phật nói, thời chẳng nên do nơi ba-mươi-hai tướng mà xem là đức tướng Như-Lai“. Và Đức Phật cũng vì nhân duyên đó mà nói bài kệ:

Nếu dùng sắc thấy ta

Dùng âm thanh cầu ta

Người ấy tu đạo tà

Chẳng thấy được Như-Lai.

Như-Lai mà Đức Phật nói là chỉ tự tánh, sự giác ngộ=Trí tuệ, đức tướng của Phật và cũng chính là trí tuệ, đức tướng của chúng sanh. Người sống với tự tánh=người giác ngộ. Nhờ sự giác ngộ mà có trí tuệ và có đức tướng.
Trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật đã nói: „Như lai xuất hiện ở đời khó gặp, khó thấy. Kinh đạo của Phật khó gặp, khó nghe. Gặp thiện tri thức, tiếp nhận Phật pháp có thể tu hành, điều ấy cũng khó. Nếu nghe kinh này tin tưởng, thọ trì chính là khó nhất trong những việc khó, không còn có gì mà khó hơn được“.
Chúng ta đời này, kiếp này có được may mắn gặp được Phật pháp để tu hành, nên chăng nên Tin sâu-Nguyện tha thiết và Thực tâm hành. Được như thế mới chẳng luống uổng những hoài vọng của Đức Phật và những tháng ngày ngắn ngủi của cuộc đời.
Lạc bến hay tới bến đường về thật gần nhưng cũng rất đỗi xa xăm...
Kỷ niệm ngày đức Phật Đản Sanh PL 2557 – 15.05.2013 Huệ Tâm

New Comments