Freitag, 21. September 2012

Chùa Không Pháp - Phần II

"Vậy nhưng chúng sanh thì vẫn mê mờ, không chịu giác ngộ. Như vậy là chúng sanh giả, chúng sanh mê mờ chứ đâu thể nói là Phật giả?..."

Truyện ngắn của Việt Hà

Phần II


Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Cái thấy của cậu lúc ấy là cái đau, nhức của thân; còn cái không thấy là cậu cố đè cái tâm ấy cho nó đừng động, nghĩa là nó được tịnh như không gian xung quanh cậu. Thực tế là cậu càng cố đè tâm xuống bao nhiêu thì cái tâm ấy càng khởi lên mạnh mẽ bấy nhiêu. Kết quả như cậu đã thấy. Đấy là ma thiền, chứ đâu phải cậu thiền?
Tiếng bóng đen:
- Sao lại ma thiền hả bác?
Ông lão Giác Không:
- Người tìm thiền tất không thể thấy thiền. Người tham thiền cũng không thể thấy thiền. Thiền vốn không thể tìm cầu, cũng không thể tham được.
Tiếng bóng đen:
- Cháu nghe nói muốn đạt được cảnh giới của thiền thì phải tham thiền. Không tham tham thiền làm sau đạt được cảnh giới hả bác?
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Tham có hai nghĩa. Nghĩa bóng là sự huân tu một cách kiên định. Nhưng ngược lại tham là sự tìm cầu để đạt được những cảnh giới của thiền. Tham thiền như thế sẽ thật nguy hại. Cậu ngồi thiền mà ý buông thả, tâm tán loạn thì tâm, ý ấy cũng đồng với tâm, ý ma, nên tôi gọi là ma thiền. Con ma thiền trong cậu là ma buồn phiền, ma ngủ, ma sân hận, ma chấp trước… do vậy cậu chỉ ngồi một lúc là toàn thân ê nhức, rồi muốn ngủ gục.
Tiếng bóng đen:
- Có lẽ bác nói đúng! Nhưng thi thoảng, có hôm cháu thấy mình rất thoải mái.
Ông lão Giác Không:

Hình chỉ mang tính minh họa (Nguồn: Giacngo.com)

- Rồi thì sao?
Tiếng bóng đen:
- Cháu nghĩ, cháu đã có một chút công năng, và đã đạt được cảnh giới nào đó của thiền định rồi.
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Thiền vốn không có cảnh giới, cũng chẳng có công năng. Thiền vốn không có nơi trụ. Thiền cũng không có xuất, nhập. Những cảm giác mà cậu đạt được đó vốn không phải thiền.
Tiếng bóng đen:
- Thế bác bảo là gì?
Ông lão Giác Không:
- Không là gì cả. Sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng hành thức, diệc phục như thị. Cậu có hiểu mấy câu này không?
Tiếng bóng đen:
- Cháu hiểu còn mơ hồ lắm.
Ông lão Giác Không:
- Cái mà cậu cho là công năng, hay cảm giác thoải mái ấy nó chính là sắc. Bởi nó có đấy rồi cũng lại biến mất, chứ cái có ấy không vĩnh hằng. Nghĩa là nó còn có xuất và nhập. :
Tiếng bóng đen:
- Xuất-nhập là sao hả bác?
Ông lão Giác Không:
- Là cậu ngồi thiền thì thấy sảng khoái, nhưng xả thiền thì lại thấy buồn phiền. Sảng khoái và buồn phiền chính là sắc. Phật gọi là sắc vì nó còn có sự sanh-diệt. Nếu cậu sống và ham thích sống với sự sanh diệt đó thì cậu sẽ không thể có sự tịnh lặng được.
Tiếng bóng đen:
- Nghe bác nói cháu cũng hiểu phần nào, nhưng ngồi thiền mà không đạt được cảnh giới nào thì thiền để làm gì hả bác?
Ông lão giác không:
- A Di Đà Phật!
Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người ấy tu đạo tà
Quyết chẳng thấy Như Lai.
Cậu có biết Như Lai là gì không?
Tiếng bóng đen:
- Dạ, là Đức Phật!
Ông lão Giác Không:
- Mới đúng ý nhỏ. Ý lớn của Như Lai mà Đức Phật muốn nói chính là sự tịnh lặng vĩnh hằng của tự tánh, và không còn sự sanh-diệt. Do vậy Đức Phật mới nói:
Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người ấy tu đạo tà
Quyết chẳng thấy Như Lai.
Chữ Ta cũng có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là nếu dùng sắc tướng để mà thấy Phật (Phật có đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp), tất đó chẳng phải là Phật. Bởi sắc tướng mà Phật nói vốn chẳng phải là sắc tướng, mà tạm gọi là sắc tướng. Sắc tướng ấy rồi cũng sẽ tàn phai. Mà thân Phật là Pháp thân, nghĩa là thân bất sanh, bất diệt. Nghĩa thứ hai của chữ Ta là cái Ta của tự tánh – Tự tánh tịch lặng của chính mình. Tự tánh này tất thảy chúng sanh đều có sẵn. Nếu cậu đem cái sự tịch lặng của mình để tìm sự tịch lặng của chính mình, đó không phải là sai lầm, là nghịch đạo sao? Do vậy nếu cậu ngồi thiền, mà thấy mình đang lơ lửng ở một cảnh giới nào đó thì đó không phải là thiền.
Tiếng bóng đen: Bác không nói đó là sắc đấy chứ?
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Cậu nói đúng rồi. Phật dạy:
Tất cả pháp hữu vi
Như huyễn bóng bọt ảnh
Như sương cũng như điện
Thường khởi quán như thế.
Cái cậu thấy đó chính là sắc. Tại sao nó là sắc? Vì cậu nhận thấy nó, cậu cảm giác được nó, và cậu ham muốn nó tồn tại. Nhưng những điều cậu mong muốn nó đâu có tồn tại vĩnh viễn?
Tiếng bóng đen:
- Bác nói sao ấy chứ. Rõ ràng cảnh giới ấy có tồn tại mà bác bảo nó không tồn tại.
Ông lão Giác Không:
- Nhưng cậu hãy thử xả thiền đi, xem nó còn tồn tại không?
Tiếng bóng đen:
- À… Vâng! Đúng thế! Như vậy thì thiền cũng không phải là pháp tối thượng.
Ông lão Giác Không:
- Mải nói chuyện, tôi quên không hỏi cậu. Thế buổi chiều cậu đi dạo, nhìn được gì, thấu được gì?
Tiếng bóng đen:
- Cháu đi dạo cho khuây khoả chứ có nhìn thấu được gì đâu?
Ông lão Giác Không:
- Vậy là cậu đã bỏ qua một cơ hội tốt cho chính mình.
Tiếng bóng đen:
- Bác nói cơ hội nào ạ?
Ông lão Giác Không:
- Nhìn thấu người và vật để quán chiếu đó chính là pháp. Pháp quán chiếu. Có quán chiếu được thì mới nhìn thấu và buông xả được; có buông xả mới có tự tại; có tự tại thì tự tánh mới hiện tiền; tự tánh hiện tiền, như như bất động đó chính là Như Lai.
Tiếng bóng đen:
- Nghe bác nói đến Pháp cháu mới chợt nhớ. Ở chùa này tu theo Pháp môn nào hả bác. Theo bác, cháu nên chọn Pháp môn nào? Và Pháp môn nào mới là tối thượng?
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Vậy là chú tìm lầm chỗ rồi.
Tiếng bóng đen:
- Sao lại lầm chỗ hả bác?
Ông lão Giác Không:
- Vì chùa này đâu có Pháp! Vả lại cũng chẳng có Pháp nào gọi là Pháp tối thượng cả.
Bóng đen nọ như chực muốn nhổm lên, nói:
- Bác bảo sao ạ? Chùa này không có Pháp? Và không có Pháp gì là tối thượng, thế những Pháp mà Phật Thích Ca thuyết trong suốt 49 năm và những cảnh giới mà Phật Thích Ca đạt được sau 49 ngày thiền định đều là giả hết cả sao? Và còn những Kinh Pháp trên những kệ kia là gì hả bác? :
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Những điều cậu đặt ra rất có lý, nhưng cậu phải cảnh giác, bởi cái lý ấy là lý của phàm phu. Những Pháp mà Đức Phật nói ra ấy, Đức Phật nói nó chẳng phải Pháp, cũng chẳng phải chẳng phải pháp, mà tạm gọi là Pháp. Nghĩa là Pháp ấy chỉ nên nương theo mà tu hành chứ không thể vịn vào nó, rồi dính kẹt trong nó. Việc Phật Thích Ca nhập định rồi chứng định là có thật chứ chẳng phải giả. Nhưng nếu suy xét những nghĩa lý Phật dạy thì sự chứng định ấy vốn chẳng phải là chứng định mà chỉ tạm gọi là chứng định. Nhưng người phàm phu lại vin chặt vào đó và coi đó là sự chứng định. Cậu thử suy xét coi: Phật Thích Ca đã là một cổ Phật, nghĩa là người đã chứng pháp thân. Thân Phật là thân kim cang bất hoại. Trí huệ của phật không gì chướng ngại. Có thể một niệm an trụ vô lượng kiếp. Thân cùng các căn không tăng, không giảm… Người như thế đâu cần phải nhập định để chứng cảnh làm gì? Nhưng vì thương xót chúng sanh lầm lạc, nên Đức Phật phải thị hiện trong đời ngũ trược, ác thế, rồi tạo ra các pháp môn để giáo hoá chúng sanh, mong chúng sanh giác ngộ mà giải thoát. Vậy nhưng chúng sanh thì vẫn mê mờ, không chịu giác ngộ. Như vậy là chúng sanh giả, chúng sanh mê mờ chứ đâu thể nói là Phật giả?

(còn tiếp)

New Comments