Donnerstag, 29. August 2013

Đối Trị Phiền Não Khi Niệm Phật - Phần I




"Gặp trường hợp như thế chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ nổi sân? Sẽ quát, mắng người chê bai, dè bỉu, hay đàm tiếu chúng ta khi chúng ta đang "công phu"? hay chúng ta sẽ ráng… im lặng, nhưng rồi ngồi để hậm hực niệm Phật? Khi cả hai trạng huống đó xuất hiện thì chúng ta đều là Phàm phu mất rồi..."



Huệ Tâm
 
Thực ra không phải tới lúc niệm Phật chúng ta mới có phiền não, hoặc nhận biết ra chúng ta đang có, thậm chí quá nhiều phiền não, mà nói cho đúng: phiền não đã có trong chúng ta từ vô lượng kiếp tới nay. Nói khác đi: Phiền não đã hằn sâu, gắn chặt trong tâm của chúng ta và chúng ta đã nguyện chung sống với chúng như một người bạn. Cũng vì lẽ đó mà chúng ta mới có mặt trong cõi Ta-Bà này.
Khi chúng ta hiểu rõ được căn nguyên, nguồn gốc của phiền não tất chúng ta sẽ dần dần, dễ dàng tìm ra phương cách để đối trị và hoá giải.

Tâm lý thông thường chúng ta hay nghĩ: Khi chúng ta vui, sung sướng, hạnh phúc… chúng ta sẽ không có (hoặc ít) phiền não? Hiểu theo lẽ đời thường và đơn giản có lẽ là vậy. Nhưng nếu dùng giáo lý của Phật để lý giải thì cái mà chúng ta gọi (cho) là vui, là sung sướng và hạnh phúc đó cũng chính là phiền não. Tại sao? Trong Pháp Bảo Đàn Kinh Tổ Huệ Năng nói: Phàm phu tức Phật; Phiền não tức Bồ-đề. Phàm phu là ý chỉ người chưa giác ngộ. Không lẽ người chưa giác ngộ mà Tổ lại ví như Phật? Hoàn toàn không phải vậy, mà Phàm phu Tổ nói ở đây không dùng để đánh giá học vấn (trí thức) hay cả một quá trình phấn đấu của một con người; trái lại Tổ chỉ thẳng vào sự nhận diện sự việc (giác ngộ=trí tuệ) của người đó trong từng niệm niệm.
  
Tổ cắt nghĩa về Phàm phu và Phật như sau: Một niệm ngu tức phàm phu; Một niệm trí tức Phật.
Thế nào là một niệm Ngu? Ví thử ta ngồi niệm Phật, người nhà cứ đi qua, đi lại, rồi có người lại buông xõng một câu: Dào ôi! Sống còn chẳng ăn ai, giờ còn ngồi lầm rầm như ma ám; Hay: Thích niệm Phật sao không lên quách trên chùa, hay kiếm nơi khỉ ho, cò gáy nào đó mà niệm có tốt không? Ngày nào cũng làm một đống chềnh ềnh giữa phòng, làm ảnh hưởng, mất hết tự do của người khác…v.v.

Gặp trường hợp như thế chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ nổi sân? Sẽ quát, mắng người chê bai, dè bỉu, hay đàm tiếu chúng ta khi chúng ta đang "công phu"? hay chúng ta sẽ ráng… im lặng, nhưng rồi ngồi để hậm hực niệm Phật? Khi cả hai trạng huống đó xuất hiện thì chúng ta đều là Phàm phu mất rồi, nghĩa là chúng ta chấp chặt những lời đàm tiếu của người xung quanh, và cho đó là thật, là làm ảnh hưởng tới mình, hay hạ thấp đạo cách của mình… Khi niệm chấp đó nổi lên Tổ gọi đó chính là niệm Ngu=Niệm của Phàm phu=Chưa giác ngộ. Nhưng nếu trường hợp nói trên xảy ra, chúng ta không khởi tâm phân biệt, không khởi niệm chấp (chấp chặt, chấp có, chấp chết) mà chúng ta chỉ cần nhận biết: À, lại có người trêu chọc, quấy phá mình rồi. Chỉ cần khởi niệm Biết có người quấy phá là đủ. Niệm Biết khởi lên với cái tâm hoan hỉ (không có tâm chống đối, hay giải thích hay sân hận…) rồi quên ngay những lời quấy phá trên (để những lời đó thoảng qua tai hay tự lặng trong tự tánh), thì ngay lúc ấy niệm Biết =Niệm Trí=Niệm Phật.

http://img.blog.zdn.vn/22913029.jpg 
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Như vậy từ Phàm phu tới Phật khoảng cách chỉ trong vòng một niệm. Và nếu như trong suốt buổi niệm Phật ta giữ được niệm niệm Trí như vậy thì những niệm đó Tổ gọi là niệm của Phật (Niệm của ta và Phật tương đồng). Như vậy ta là Phàm phu hay ta là Phật vốn không bị phụ thuộc vào hoàn cảnh xung quanh (đối cảnh nhưng không nhiễm cảnh), trái lại phụ thuộc vào sự quán chiếu (Trí-Giác) trong từng niệm niệm của chính mình.

Vậy Phiền não tức Bồ-đề là gì? Bồ-đề hiểu giản nghĩa là: giác ngộ, tự tại hay còn gọi là minh tâm kiến tánh và thanh tịnh bình đẳng giác. Trở lại ví dụ trên: nếu chúng ta đem tất cả những chấp kiến vào trong tâm, rồi vừa ngồi niệm Phật vừa nhâm nhi, nghiền ngẫm chúng, rồi để chúng chế ngự tâm của chúng ta khiến tâm chúng ta rối lên như mớ bòng bong, người chúng ta thì căng cứng, đầu óc quay cuồng, hoặc thân rũ ra như tầu chuối héo… thì đó là chúng ta đã tự chuốc phiền não cho chính mình=nhận khổ làm vui; nhận giặc làm bạn. Nhưng nếu chúng ta nhận ra: ta chót nhận phiền não làm bạn, rồi chót nhâm nhi chúng, để chúng khuấy đảo khiến chúng ta khiến thân, tâm cũng điên đảo theo mất rồi… Ngay khi chúng ta nhận Biết đó là phiền não, và kiên quyết cự tuyệt những phiền não đó, không nuôi dưỡng, không để chúng chế ngự trong tâm (tâm không chấp) thì cũng chính ngay lúc ấy chúng ta đã tìm lại được tự tánh thanh tịnh của chính mình, đã giác ngộ. Nhưng sự thanh tịnh và giác ngộ lúc này mới chỉ là nhất thời (trong vòng một niệm). Do vậy để cho tự tánh của chúng ta được thanh tịnh trong suốt buổi niệm Phật, đòi hỏi chúng ta phải niệm niệm trí, niệm niệm giác.
Có được như vậy Phiền não lúc này sẽ chính là Bồ-đề.

(còn tiếp)

New Comments