Donnerstag, 3. Oktober 2013

Vu Lan - Ngày Trở Về Bên Mẹ - Phần 2





"Mong lắm thay, những người con đất Việt dẫu đang phải bôn ba trên khắp dải hành tinh này, dù trăm công, ngàn việc, dù cuộc sống còn bao khốn khó, gian lao… nhưng phận làm con - đừng bao giờ quên lãng! Được vậy, khoảng cách giữa chúng ta và Mẹ nào mấy cách xa?..."








14:00 giờ – Đại lễ Vu Lan và Lễ Bông Hồng Cài Áo

Đây là nghi thức quan trọng và uy nghiêm nhất trong Đại Lễ Vu Lan. Mặc dù trời tuôn mưa xối xả, nhưng vẫn không cản được bước chân của các Phật tử muôn phương hướng về nơi Đại Hùng Bảo Điện. Hòa lẫn tiếng trống Bát Nhã trầm hùng vang lên, các Phật tử đã cùng nhau cất vang lời bài hát: Kính Mến Thầy để cung đón phái đoàn chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni vào Đại Hùng Bảo Điện khai Lễ Vu Lan 2557.

Sau phần Khai lễ, Phật tử Huệ Phú đã thay mặt BTC, cung kính giới thiệu sự hiện diện của phái đoàn các Chư Tăng đến từ các nước và khắp nơi trên nước Đức. 





Các Phật tử cùng ca vang bài Kính Mến Thầy để

cung nghinh phái đoàn Chư Tăng vào Đại Hùng Bảo Điện 


Danh sách Chư Tăng tham dự lễ Vu Lan 2013

11)   HT. Thích Quảng Bình

22)   TT.Thích Thiện Sơn

33)   TT .Thích Minh Phú

44)   TT. Thích Từ Trí

55)   ĐĐ Thích Chúc Toàn

66)   ĐĐ Thích Huệ Giác

77)   ĐĐ Thích Nghiêm Tín

88)   ĐĐ Thích  Trung Lưu

99)   ĐĐ  Thích Vạn Trí

110) ĐĐ Jana Nanda

111) ĐĐ Assaji

112) ĐĐ Thích Huệ Hgộ

113) ĐĐ Thích Huệ Chuyển

114) Sư bà Thích nữ Như Tuấn

115) Sư Bà Thích nữ Diệu Ân

116) Ni Sư Thích nữ Diệu Hạnh

117) Ni Sư Thích nữ Như Quang

118) Sư Cô Thích nữ Như Huệ

119) Sư Cô Thích nữ Huệ Liên

220) Sư cô Thích Nữ Thiền Châu

221) Sư Cô Thích Nữ Diệu Linh

222) Sư Cô Thích Nữ Huệ Thiện

223) Sư cô Thích Nữ Tâm Sơn

224) Sư CôThích Nữ Tịnh Trang

225) Sư Cô Thích Nữ Huệ Triều

226) Sư Cô Thích Nữ Huệ Thơ

227) Sư Cô Thích Nữ Huệ Triều

228) Sư chú Huệ An

229) Sư Chú Huệ Không

230) Sư chú Huệ Nhật

331) Sư chú Trung Đạo

332) Sư chú Huệ Bảo

 



Phật tử Huệ Từ trong niềm xúc cảm dạt dào về Mẹ đã đọc lời chia sẻ cùng các Phật tử về nỗi niềm của mình về hình ảnh của người mẹ hiền, thân thương giờ đã đi xa… Những lời lẽ giản dị, một mạc, đầy xúc cảm và chan chứa nỗi buồn, thương, day dứt… của một người con dành cho mẹ, đối với mẹ – Tuy mẹ không còn nữa, đã tạo nên mối rung cảm, xúc động, bồi hồi và nhớ thương khôn nguôi trong lòng những người con dẫu đang còn, hay mất mẹ, đang có mặt nơi Đại Lễ.

Đây là một dấu ấn mang nhiều lắng đọng để lại cho mỗi người con, cho dù là Bắc-Trung-Nam, cho dù đang đi xa, phải sống xa mẹ, hay đang được ở gần bên mẹ – dấu ấn ấy thật khó phai mờ…



Hoàng hôn xuống, chuông chùa ngân nhè nhẹ
Vu Lan kinh trầm ấm vọng vang trời
Dù mai này đời chia sẻ muôn nơi
Con vẫn nhớ tiếng ru hời của mẹ...



Sau lời chia sẻ của Phật tử Huệ Từ, Sư cô Huệ Nghiêm cũng có đôi lời tâm sự về những suy tư, những dằn vặt nội tâm của một người con khi phải sống xa mẹ; khi người mẹ của mình đau yếu, tật bệnh… mà mình không có được cơ hội để chăm dưỡng… để rồi khi người mẹ đi xa… người con lúc ấy mới chợt như bừng tỉnh và hối lỗi về những tháng ngày được bên mẹ, sống bên mẹ nhưng đã không mảy may nghĩ tới chuyện lo tròn đạo hiếu… Sự hồi đầu lúc này phải chăng đã là quá muộn…







 Sư Cô Thích Nữ Huệ Nghiêm tâm sự về

nỗi lòng người con khi phải xa mẹ...



Lễ Bông Hồng Cài Áo cũng được diễn ra hết sức trang nghiêm, ấm cúng và đầy cảm động. Các thiếu nữ – những bông hồng xinh xắn của chùa tay xách lẵng hoa, miệng nở những nụ cười tinh khôi, cung kính trao những đóa hoa hồng tới các Chư Tăng, và các Phật tử, đặc biệt là những người mẹ - những người con đang nhớ về người mẹ kính yêu của mình…



 

 



 

 Lễ Bông Hồng Cài Áo...


15:30 giờ – Thuyết pháp

Với lời pháp một mạc, chân thành và dí dỏm, Thượng Tọa Thích Minh Phú đã có một bài Pháp nhỏ dành cho các Phật tử. Những câu chuyện đời-đạo đan xen đã được TT Thích Minh Phú khéo léo dẫn dắt và giảng giải, giúp cho các Phật tử có được những giây phút sâu lắng để tự suy nghĩ, nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm và cuộc sống của cá nhân cũng như đối với gia đình, đặc biệt là đối với tâm đạo của người Phật tử.



17:30 giờ – Cúng Cô Hồn

Một nghi lễ không thể thiếu trong Đại Lễ Vu Lan. Đây là một nghi Lễ để bày tỏ tâm lòng của người còn sống đối với các vong hồn đã qua đời nhưng chưa được siêu thoát. Cúng Cô Hồn cũng là một nghi thức giúp cho các cô hồn có được cơ duyên trở về nghe kinh thính pháp, từ đó mà giác ngộ để được siêu thoát hay sanh về cõi lành…



19:30 giờ – Đêm Văn Nghệ Mừng Đại lễ Vu Lan và Nối Vòng Tay Lớn

Văn Nghệ trong các dịp Đại lễ đã trở thành một nét văn hóa gắn kết trong các sinh hoạt Phật sự do chùa Phật Huệ tổ chức. Đây là cơ hội để kết duyên và gieo duyên Phật pháp tới muôn người…



Trong buổi văn nghệ mừng Vu Lan lần này, trước lời kêu gọi của TT Thích Thiện Sơn – Người đứng đầu cho Dự án Chance to Grow e.V nhận trợ dưỡng Cô nhi viện Ưu Đàm, thành phố Huế, các Phật tử đã hoan hỉ chung tay, quyên góp từ thiện được một khoản tiền là 3.984,71 Euro. Số tiền này sẽ được Hội gửi về giúp cho 50 trẻ em cô nhi đang sinh sống tại Cô nhi Viện Ưu Đàm, thành phố Huế…



Đêm Văn Nghệ mừng Đại Lễ Vu Lan với sự tham diễn của các ca sĩ mến mộ tại hải ngoại: Ca sĩ Đan Nguyên, Y Phụng, Nguyễn Hồng Nhung và tốp ca sĩ, diễn viên của Chùa Phật Huệ đã mang lại một không khí tràn đầy ấm cúng, chan chứa tình người và hương vị quê hương. Tiểu phẩm kịch: Mục Kiền Liên Cứu Mẹ do các Chư Tăng và Phật tử của chùa Phật Huệ giàn dựng và phụ diễn đã tạo nên một không gian đầy sâu lắng và thi vị. Hình ảnh bà Thanh Đề, mẹ của Đức Mục Kiền Liên với tính tình kiêu ngạo, ngoa ngoắt, tham lam, bỏn sẻn, lộng ngôn, vô lối… đã tạo nên một bi hài kịch, mang lại những tiếng cười ngỡ như sảng khoái cho khán giả, nhưng ẩn dụ đằng sau những hành vi tưởng như mĩ miều, kiêu sa, vượt trội ấy chính là sự vô minh, coi thiên, nhân, đạo, lý không bằng cây cỏ. Những hành vi vô minh đó chính là Nhân, và cái nghiệp mà bà Thanh Đề phải gánh chịu, đọa đày nơi địa ngục A Tỳ chính là Quả. Đây chính là một thành công của vai diễn Thanh Đề. 


   
 Tiểu phẩm kịch: Mục Kiền Liên Cứu Mẹ do các Chư Tăng
và Phật tử chùa Phật Huệ giàn diễn


Đối nghịch với hình ảnh một bà mẹ ngỗ nghịch, luôn có nguy cơ tạo phản là hình ảnh một người con trai - Đức Mục Kiền Liên nói năng nhỏ nhẹ, gương mặt bi mẫn và rất „đẹp trai“ (lời thoại của bà Thanh Đề), trong tay cầm bảo trượng, xuống dưới địa ngục thăm nom và tìm cách cứu mẹ… đã tạo nên một cảm xúc thật sâu lắng về tấm lòng thơm thảo của một người con, khi đắc đạo, đã không quên hình ảnh người mẹ đang sống khổ đau, bầm dập trong sự hành tra của địa ngục A Tỳ. Hình ảnh Mục Kiền Liên rưng rưng trao bát cơm vào tay mẹ, rồi bà mẹ vội vàng tay che, tay bốc vội bát cơm định bỏ vào miệng thì bát cơm ấy đã vụt bốc cháy thành lửa… là một hình ảnh rất sống động, bởi nó lột tả được tận cùng cái tâm tham, tâm sân hận của bà Thanh Đề – Mẹ Mục Kiền Liên. Nhưng sâu xa hơn hình tượng bát cơm bốc cháy thành bát lửa lớn (cảnh giới của tâm sân) như một lời nhắn nhủ tới tất thảy mọi người: Tâm tham, sân chính là cảnh giới, là con đường dẫn mọi người tới địa ngục A Tỳ và nó sẽ thiêu trụi tất cả những công đức (nhiều khi rất ít ỏi) mà người ta đã, đang, muốn tạo dựng nên. 



ĐĐ Thích Nghiêm Tín trong vai Mục Kiền Liên


Mục Kiền Liên xuống địa ngục A Tỳ xin gặp mẹ






Bà Thanh Đề vui sướng khi được gặp lại con...


Mục Kiền Liên trao bát cơm cho mẹ

Tướng do tâm sanh. Cảnh tuỳ tâm chuyển. Một niệm sân nổi lên  thiêu trụi cả một rừng công đức chính là điều Đức Phật luôn luôn nhắc nhở các đệ tử, và nó cũng chính là lời cảnh báo, nhắc nhở mỗi chúng ta trên bước đường tu học...

 

 Cảnh bà Thanh Đề mẹ Mục Kiền Liên hoảng
hốt khi thấy bát cơm trên tay bốc thành ngọn lửa



 Sân khấu đêm Văn Nghệ đã được khép lại lúc 2 giờ sáng ngày 15.09.2013 và cũng khép lại mùa Vu Lan 2557.



Vu Lan đã qua, nhưng lòng người mãi còn ở lại. Mong lắm thay, những người con đất Việt dẫu đang phải bôn ba trên khắp dải hành tinh này, dù trăm công, ngàn việc, dù cuộc sống còn bao khốn khó, gian lao… nhưng phận làm con - đừng bao giờ quên lãng!

Được vậy, khoảng cách giữa chúng ta và Mẹ nào mấy cách xa?

Vu Lan – Ngày trở về với Mẹ!

19.09.2013, Vu Lan 2557 – Lược ghi: Thiện Lợi




Màn kết tiểu phẩm Mục Kiền Liên Cứu Mẹ 

New Comments