"Chúng ta ngỡ Đức Phật là một đấng siêu phàm, chỉ trong một khoảnh khắc, ngài có thể cung phụng cho chúng ta tất cả những điều mà chúng ta thèm khát, mong muốn..."
(Tiếp theo)
2. Phật cho chúng ta những gì?
Chúng ta phải giác ngộ ngay một điều là: Phật không thể cho chúng ta bất cứ điều gì cho dù là nhỏ nhất. Đây là điều sẽ khiến cho nhiều người khi biết được sự thật ngọn nguồn về Phật và đạo Phật chắc chắn sẽ tỏ ra vô cùng thất vọng, thậm còn hoài nghi về lòng tốt, lòng từ bi của Đức Phật. Âu cũng là điều dễ hiểu. Thứ nhất: vì chúng ta chưa tìm hiểu thấu đáo về đạo Phật, về con người và pháp môn mà Đức Phật để lại. Thứ hai: Vì sự khởi đầu đã có sự sai kiến, lạm dụng, tất sẽ dẫn đến những ngộ nhận tai hại trong quá trình thờ phụng. Đơn giản là: Chúng ta ngỡ Đức Phật là một đấng siêu phàm, chỉ trong một khoảnh khắc, ngài có thể cung phụng cho chúng ta tất cả những điều mà chúng ta thèm khát, mong muốn.
Điều này hãy đơn giản hoá một ví dụ: Trong một gia đình, nếu ông bố, bà mẹ luôn luôn đáp ứng cho con cái của mình mọi đòi hỏi, mọi quyền lợi mà không có bất kỳ một ràng buộc nào (thông qua sự giáo huấn), tất hành vi ngỡ như là vô cùng "chuẩn" của ông bố, bà mẹ nọ đã vô tình đẩy những người con của mình vào vòng tội lỗi lúc nào không hay biết. Đổi lại, những đáp ứng của ông bố, bà mẹ nọ không được như ý nguyện của những người con, phản ứng gì sẽ xảy ra từ những người con? Chắc chắn không thể nói là tích cực. Từ ví dụ này chúng ta dùng ánh sáng của Phật Pháp để soi rọi: Nếu như Đức Phật (đúng là đấng siêu phàm như nhiều người từng nghĩ, từng hiểu) có thể làm được những chuyện con voi, và cái kiến như vậy (cung phụng tất thảy mọi ham muốn, dục vọng của chúng sanh) vậy thì Đức Phật trong con mắt thế gian đâu còn là đấng cứu thế nữa (Cứu thế được hiểu ở lòng từ bi, sự giác ngộ và giải thoát chứ không hạn hẹp ở phạm vi cung dưỡng vật chất tầm thường). Và lúc này hẳn không ít người sẽ đặt ra câu hỏi: Tôi theo Phật, tôi thờ Phật, mà rốt cuộc tôi không được điều gì cả (quyền lợi), vậy thì Phật đáng có gì để cho tôi noi theo? Đây là một câu hỏi vô cùng lớn và nan giải, nhất là trong thời Mạt Pháp hiện nay – nơi mà mọi chuẩn mực, mọi lễ nghĩa, mọi niềm tin, đạo đức, lý trí… đều được mọi người đưa lên bàn cân để đo, đếm.
Khi đặt ra câu hỏi trên, tất chúng ta không được phép quên là nên đặt ngược trở lại cho mình một câu hỏi: Phật là ai? Phật đã làm những gì? Phật có được những đức tính gì đáng để chúng ta noi theo?...v.v. Chộm nghĩ: trong số chúng ta sẽ có rất rất nhiều người hình như đến với Phật (hoặc có cảm tình với Phật, và đạo Phật) vì chỉ đơn giản cho và nghĩ rằng: Phật có thể giúp cho chúng ta thay đổi vận mạng, thay đổi cuộc đời. Vận mạng và cuộc đời được hiểu bằng cuộc sống đầy gian truân, khổ nhục, nghèo túng… mà chúng ta hiện đang có, đang trải qua. Vì lẽ đó mà sau một thời gian dài… dài theo Phật (hoặc cảm tình với Phật) nhưng không được Phật đáp lại những hoài bão vật chất, tất mọi người sẽ sanh lòng nghi kỵ, và cùng nhận định: Thì ra mọi chuyện chỉ là tầm phào, hoang tưởng! (thậm chí còn có những lời bàn tán mang tính bất kính).
Phật sẽ trở nên tầm phào nếu như Phật luôn luôn phóng tay để làm những chuyện "cứu nhân, độ thế" theo kiểu phàm phu như trên. Không, Đức Phật mà chúng ta đang đề cập vốn không phải tầm thường như không ít người trong chúng ta suy nhận. Trái lại Đức Phật mà chúng ta nói đến không phải là đấng siêu phàm, mà Đức Phật cũng là con người bằng xương, bằng thịt, cũng có cha, mẹ, cũng có anh, chị, em, cũng có vợ, con, cũng có thân bằng, quyến thuộc… nhưng, khác hơn chúng ta và những con người thời Đức Phật còn tại thế là Ngài đã dám rũ bỏ tất thảy mọi tham luyến của kiếp sống trần tục (Ngai vàng; vợ con, gia quyến; quốc gia…) Liệu chúng ta có thể làm được chuyện đó trong đời? Khó vô cùng, nếu không nói là không thể. Chỉ riêng chuyện đó thôi cũng đáng để cho chúng ta – kiếp hậu thế phải nể trọng. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Cao hơn, xa hơn và trân quý hơn là sau khi rời bỏ tất thảy mọi tham luyến trần tục, Đức Phật đã vì chúng sanh mà đi tìm một con đường giải thoát. Giải thoát – trong ý nghĩ của người phàm phu chúng ta có lẽ chỉ đơn thuần ở việc cơm ăn, áo mặt, một cuộc sống vật dụng sung túc cho đến tuổi già. Không – Giải thoát của Đức Phật lại hoàn toàn ngược lại. Nghĩa là ai còn nấn ná, tham luyến những vật chất, những dục vọng trần tục, tất người đó sẽ luôn phải sống trong triền miên đau khổ. Bởi dục vọng sẽ nảy sinh tham-sân-si-ngã-mạn-trược. Vì lẽ đó Đức Phật đã bỏ ra cả gần chục năm để tầm sư, học đạo, rồi miệt mài hơn 40 năm tìm hiểu, đúc kết thuyết giảng ngọn nguồn chân lý của sự sống và cái chết. Liệu ai trong chúng ta dám dũng cảm để nói, nhìn nhận về sự sống và cái chết của riêng mình? Vậy nhưng Đức Phật đã làm chuyện đó. Đây cũng là lý do mà thời tại thế, nhiều dòng, phái đạo khác đã không ngừng chỉ trích, lên án Đức Phật là người không từ bi. Nghĩa là Đức Phật đã đem hết tất thảy mọi chuyện thịt-máu-gân-xương-tuỷ… của một con người cho lên bàn để soi rọi. Sinh ư! Có ai mà không trải qua? Lão ư! Có ai mà không tới lúc phải già héo. Bệnh ư! Có ai mà không mắc bệnh, không sợ hãi chứ. Tử ư! Có ai mà không phải trải qua con đường tưởng như xa mà lại rất gần ấy chứ. Những chuyện mà người đời vốn rất sợ, rất ngại, thậm chí còn tìm cách nói lảng, hoặc cấm không được nói đến, vậy nhưng Đức Phật lại nói lên tất cả. Từ bi hay độc ác? Điều này còn tuỳ thuộc và sự nhận diện của mỗi chúng ta.
Trở lại với điều nêu trên: Phật có thể giúp chúng ta thay đổi vận mạng? Phật có thể giúp chúng ta giải thoát?
Huệ Tâm
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen