Dienstag, 11. Februar 2014

Hãy Niệm Phật Khi Chúng Ta Còn Đang Khoẻ - Phần 1



Vậy là con người ta khi mắc bệnh, và bệnh thập tử nhất sinh, vì ham sống, sợ chết nên ai cũng đều tìm mọi cách để sinh tồn cả...







Truyện ngắn của: Huệ Tâm


Tôi muốn kể về người bạn thân, đã qua đời cách đây gần 3 năm. Tôi gặp bạn lần cuối vào năm 2006. Khi ấy tôi về phép thăm nhà. Gặp bạn, thấy anh gầy rộc, da dẻ xám xanh, lại thường húng hắng ho. Tôi nhìn bạn, ái ngại khuyên: 
- Ông nên kiểm tra tổng thể xem phổi phèo ra làm sao, chứ nghe tiếng ho của ông, không bình thường đâu. 
Bạn tôi cười xoà, đáp: 
- Không sao đâu! Vô tư đi! Tao còn khoẻ chán. 
Thấy giọng bạn chắc nịch, nên tôi cũng có phần yên tâm. 

Cuộc sống sau những ngày học tập từ nước ngoài trở về, rồi hoà mình, vật lộn trong dòng đời lam lũ nơi quê hương khiến bạn tôi càng trở nên già nua, đen đủi. Tôi trả phép vào lúc đứa con thứ 3 của anh, một thằng con trai chào đời vừa tròn một tháng. Vợ chồng anh hoan hỉ lắm. Chả là trên cậu con út là hai „thị mẹt“. Sống nơi thôn quê, nên anh vẫn chưa vượt qua nổi ải „phải có thằng con trai trống gậy“. Thật phước đức, ước nguyện của vợ chồng anh đã viên mãn. Cửa nhà cũng vừa xây cất, cao ba tầng, 5 phòng, rộng thênh thang. Lúc chia tay, tôi dặn bạn: 
- Nhà cửa ổn thoả rồi; có con trai nối dòng rồi; ông hãy lo cho mình một chút. Đừng ham hố quá, kẻo ông ngã ngựa là mấy mẹ con nó ra „đê“ hết. 
Bạn tôi vẫn cười xoà, đáp: 
- Yên trí đi! – Anh giơ bắp tay, làm ra vẻ con gân lắm, nói – Ông về tôi còn đủ sức để đón và tiếp ông… 
Tôi trả phép với niềm tin: bạn tôi sẽ còn „gân“ mãi cho những lần tôi về kế tiếp… Nhưng không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp bạn.
Cuộc sống bộn bề nơi đất khách khiến tôi cũng không thường xuyên liên lạc cùng bạn. Thi thoảng phôn cho bạn, hỏi thăm dăm ba câu về sức khoẻ, và cuộc sống. Bạn tôi vẫn cười xoà, đáp: 
- Yên trí đi! Lo kiếm đủ tiền về phép. Tôi và ông sẽ hàn huyên nhiều… 
Thế rồi năm 2010, trong một lần phôn về thăm bạn, nghe bạn tôi đáp nhát gừng, giọng uể oải như người vừa ốm dậy, thi thoảng lại húng hắng ho. Thấy vậy, tôi vội hỏi bạn:
- Ông không sao chứ? Sao giọng như hết hồn thế? Ho rũ rượi như thế là triệu chứng gì đấy?
Bạn tôi nén cơn ho, úp mở, đáp:
- Không sao! Bị  ho chút thôi! Ít bữa là lành mà. Thôi nhé! Hôm nay tao mệt lắm, hẹn bữa khác đi.
Tôi ừ ào, rồi chưa kịp định hình về những lời đối đáp của bạn thì anh đã cúp máy. Thấy không yên tâm, tôi bèn gọi điện cho người nhà, gia đình tôi báo: Nó (bạn tôi) bị ung thư thực quản giai đoạn cuối rồi. Bây giờ đang xạ trị, những khối u chạy tùm lum trong cơ thể, đà này khó qua nổi…

Tôi hơi sững sờ khi nghe tin bạn bị ung thư, và di căn giai đoạn cuối. Sợ gọi điện ngay cho bạn sẽ bất tiện, vả lại xem ý như bạn tôi không muốn nhiều người biết mình bị bệnh nan y. Tôi ráng gác lại tới tuần sau, rồi gọi phôn cho bạn. Lần này chị vợ bạn tôi nhấc máy. Nhận ra tôi, chị nói giọng nghẹt đi vì nước mắt:
- Anh nhà em yếu lắm rồi anh ơi!
Tôi trấn an chị, rồi hỏi:
- Nó bị bao lâu rồi?
Chị đáp:
- Có lẽ lâu rồi anh ạ! Từ bữa anh về, gia đình đã thấy anh ấy yếu rộc đi, lại húng hắng ho suốt, khi ăn uống thì hay bị nghẹn. Gia đình lo lắm, bảo anh ấy đi khám thì cứ đùn đẩy nay lại mai… rồi cứ lo đi kiếm sống. Đến khi kiệt sức, đi khám thì mới biết là bị u ác tính, và ở giai đoạn cuối rồi. Em lo quá! Nếu anh ấy không qua khỏi thì mấy mẹ con em, biết sống làm sao hả anh?

Thú thực khi thấy bạn tôi húng hắng ho khan, tôi nghi anh bị phổi nhiều hơn là ung thư di căn. Không ngờ sự thể lại ập đến nhanh hơn tôi tưởng, khiến anh và vợ con khốn đốn đến vậy. Tôi an ủi vợ bạn, rồi hỏi, liệu bạn tôi còn nói chuyện nổi không? Chị vợ bạn tôi đáp:
- Có đấy! Anh ý mong anh lắm! Anh nói chuyện nhé. Nói rồi chị vội trao máy nghe cho chồng. Bạn tôi chào, tiếng thở thều thào và một chàng ho tưởng vỡ banh lồng ngực.
- Ông sao rồi? Tôi hỏi bạn.
- Yếu lắm rồi! Bạn tôi đáp. Đà này chắc ông về tôi không đón được đâu…
Tôi động viên bạn:
- Gác chuyện đón tôi sang bên đã. Cho tôi biết bệnh tình của ông đi?
Bạn tôi thều thào đáp:
- Kém lắm rồi! Chụp cắt lớp, họ bảo ung thư thực quản ác tính. Xạ trị gần 4 tháng, tốn tiền quá. Mất cả gần trăm triệu rồi, nhưng bị di căn rồi. Khối u chạy khắp vùng bụng rồi. Giờ tôi đã bỏ xạ trị, chuyển sang uống thuốc nam. Nghe người ta mách, có người bị như tôi, uống 5-6 tháng là khỏi. Tôi uống gần hai tháng rồi, chưa thấy biến chuyển gì. Đà này chắc cũng bỏ thôi…

Trong những lần về phép trước, khi trò chuyện cùng bạn, tôi cũng định bụng nếu có cơ duyên sẽ khuyên vợ chồng anh tu theo pháp môn niệm Phật. Nhưng cuộc sống của người lao động nơi quê nhà thực sự lam lũ và vất vả quá. Hình như mọi người chỉ còn lo làm sao kiếm cho thật nhiều tiền, để tạo dựng một cuộc sống vật chất thật hoành tráng, vậy là mãn nguyện. Bạn tôi sau những ngày trở về nước, vật lộn với đủ mọi nghề. Số vốn mang về không đủ để trang trải cho một đại gia đình lại làm nghề nông. Ráng lắm anh mới mua được một mảnh đất, rồi làm căn nhà cấp 4, cho cậu em kế đến ở để giữ nhà. Còn anh lại tiếp tục lặn lội khắp nơi, vừa cứu mình, vừa cứu gia đình. Rốt cuộc, thì anh cũng cưới được vợ và tậu thêm được mảnh đất khoảng 100m2, mở nghề điện nước. Rồi hai cô con gái cũng lần lượt ra đời. Sẵn có nghề cơ khí, nên anh đã chạy chọt đủ nơi, kiếm người kết hợp làm ăn, rồi làm công trình. Quanh năm, suốt tháng nay đây, mai đó, ăn uống vạ vật, lại lo kiếm tiền nuôi vợ con, làm nhà… nên mắc bệnh lúc nào anh cũng chẳng hay… Nghĩ vậy, nên sau nhiều lần đắn đo, tôi đành gác lại ý định khuyên nhủ bạn… Nay bạn tôi đang mắc bệnh thập tử, nhất sinh, tôi nghĩ, có lẽ đó là cơ duyên duy nhất và cũng là thích hợp nhất để tôi khuyên bạn, chí ít cũng là giúp cho bạn có được chút ít bình an để dưỡng bệnh. Sau một hồi hỏi thăm về bệnh án, rồi cách chữa trị, tôi mới lựa được lời để nói với bạn.
Tôi nói:
- Bệnh đã mắc rồi! Vấn đề ông phải đối diện là ông phải chấp nhận sự thật. Ông đang mắc bệnh, lại là bệnh nan y. Thứ hai: Ai cũng có bệnh! Không bệnh nọ thì bệnh kia. Thứ ba, bệnh không chừa một ai và không phải chờ tới lúc ông già nó mới hỏi thăm. Tôi dừng lời, thoáng cân nhắc, rồi quyết định hỏi thẳng bạn: Ông có sợ chết không?
Bạn tôi cười xoà, nhưng không có tiếng, vì tôi nghe anh thở hổn hển trong máy. Anh đáp:
- Không!
Tôi hỏi lại bạn:
- Có thật không?
Bạn tôi đáp:
- Bệnh thế này, chết quách cho rảnh. Chứ ông tính, tôi cứ xạ trị, rồi lại uống đủ thứ thuốc vào người, đau lồng lộn, muốn chết luôn. Nhưng mà… tôi chết lúc này thì vợ con tôi khổ quá. Nói rồi bạn tôi lặng đi trong máy nghe.
Tôi an ủi bạn:
- Ông phải bình tĩnh, bởi nếu lúc này ông nghĩ quẩn, thật vô phương. Bệnh của ông bác sĩ chê rồi; thuốc ông uống cũng không công hiệu. Bây giờ còn một cách, tôi hỏi thật, ông có muốn thử không?
- Xì… bạn tôi khẽ cười xoà trong máy, đáp – Cách gì thì cách, miễn sao tôi đỡ đau, và chết sớm là được.
Nghe lời vợ anh kể thì những cục di căn chạy trên cơ thể khiến anh đau đớn quằn quại. Đã 6-7 tháng nay bạn tôi chỉ còn uống cháo cầm hơi, vì nhiều khi đồ ăn nuốt vào đều bị ứ nghẹn, khiến anh đau lồng lộn…
Tôi nói với bạn:
- Ông dám chắc không?
Bạn tôi đáp:
- OK đi! Ông cho tôi biết bài thuốc nào, để tôi thử.
Tôi đáp:
- Không phải thuốc, mà là cách đối trị cái đau của ông.
Bạn tôi hỏi gấp:
- Ông bảo sao? Đối trị mà không dùng thuốc thì đối trị kiểu gì? Nhiều người cũng khuyên tôi ngồi thiền, nhưng tôi đau lắm. Cũng thử rồi, không ngồi được. Chỉ nhắm mắt lại thôi là cơn đau nó đã ập đến hành tôi tơi bời rồi. Tôi chịu thôi.
Vậy là con người ta khi mắc bệnh, và bệnh thập tử nhất sinh, vì ham sống, sợ chết nên ai cũng đều tìm mọi cách để sinh tồn cả.

(còn tiếp)

New Comments