"Thôi đi ông! Cả đời tôi chưa bao
giờ thắp hương cho Phật, bây giờ bảo tôi niệm Phật, mồm miệng làm sao
đó, không thể niệm được. Thôi, để tôi tiếp tục uống thuốc nam xem sao.
Nếu đỡ, thì may ra lúc ông về, tôi còn đi đón được..."
Nghe bạn nói vậy, tôi bèn lựa lời, bảo:
- Cách tôi muốn nói với ông, đơn
giản hơn ngồi thiền, nhưng cũng đòi hỏi ông phải kiên nhẫn mới làm
nổi.
Bạn tôi nói:
- Cách gì thì ông cứ nói đi!
Đằng nào cũng chết. Tôi thử hết.
Nghe bạn nói vậy, tôi thấy thương
bạn quá. Đời người quả là mong manh. Khi hơi thở gần như cạn kiệt,
con người ta có thể bám víu vào tất cả, miễn sao duy trì được sự
sống. Dù sao nghe bạn nói, tôi cũng thấy tạm yên tâm, nên dè dặt hỏi
bạn:
- Từ trước tới nay vợ chồng ông
có bao giờ niệm Phật không?
- Không! Bạn tôi đáp chắc nịch.
Thắp nhang cúng Phật chúng tôi còn chưa biết làm bao giờ, làm sao tôi
biết niệm Phật được.
Vậy là khó rồi, bạn ơi!... Ý
nghĩ đó thoáng vụt nhanh trong đầu tôi. Nhưng để bạn đỡ hoang mang, tôi
vội nói:
- Không sao! Chưa biết thì bây
giờ, nhân cơ hội ông bị bệnh, ông làm thử xem, nếu có duyên, biết đâu lại
chẳng giúp ông vượt qua được bệnh hiểm nghèo?
- Được rồi! Ông nói đi! Bạn tôi
đáp. Tôi sẽ ráng làm thử xem.
- Tốt rồi! Tôi nói với bạn –
bây giờ ông hãy ngồi xuống, thử theo cách này: Hai mắt nhắm hờ lại;
tạm quên mọi chuyện xung quanh; không nghĩ ông đang bị mắc bệnh tật gì
cả; cho dù có chuyện gì xảy ra ông cũng tiếp tục làm. Được không?
Bạn tôi đáp:
- Được! Ông nói đi!
Tôi nói nhỏ, đủ để cho bạn nghe
thấy:
- Ông nghe thật rõ 4 câu tôi nói
nhé! Tôi khẽ niệm vào ống nghe: A Di Đà Phật! Rồi hỏi lại – Ông nghe
được không?
Bạn tôi ấp úng đáp:
- Nghe, nghe được!
Tôi nói:
- Ông nhớ 4 câu đó không?
Bạn tôi đáp:
- Nhớ được. Giờ tôi phải làm
sao?
Tôi đáp:
- Giờ thì ông cứ ngồi yên đấy,
hai mắt vẫn nhắm hờ, thử hít thật sâu từng hơi một; hít ba lần, rồi
sau mỗi lần, ông ráng thở ra bằng miệng, thật từ từ. Ông hình dung như mình đang
đẩy dần những lo âu, những cơn đau ra bên ngoài…
Tôi nghe tiếng bạn làm thử trong
máy nghe, nhưng chưa được một hơi thì bạn tôi đã thở dốc, quằn quại,
nói:
- Không được đâu! Đau lắm ông ơi!
Có cách khác không?
Tôi cảm được cơn đau của bạn qua
ống nghe. Rồi nói gấp. Không sao! Giờ ông tiếp tục ngồi yên, mắt nhắm
hờ, rồi nhẩm thử 4 câu tôi vừa nói xem sao. Ông nghe tôi làm mẫu: A Di
Đà Phật! Tôi thầm niệm chầm chậm vào ống nghe, rồi hỏi bạn – Ông
nghe được không?
Bạn tôi đáp:
- Nghe được! Nhưng niệm thế nào?
Hãy niệm Phật khi ta còn đang khoẻ
Tôi đáp:
- Thật chậm rãi! Từng câu một!
Niệm tới khi ông cảm thấy nhuần nhuyễn thì thôi.
Bạn tôi nghe lời, cất tiếng
niệm, nhưng chỉ được hai ba câu, khi thì mới cất tiếng „A“; khi thì „A
Di“ và khi thì „A Di Đà“ thì anh phải bỏ dở, vì cơn đau đã dồn dập
ập đến.
- Đau lắm! Ông ơi! Không được đâu!
Cách này tôi cũng chịu thôi.
Nghe bạn kêu đau quá, tôi chực
ứa nước mắt. Bạn ơi… tôi thầm nói với chính mình – vậy là Phật
pháp đã không thể cứu bạn được rồi. Thấy tôi im lặng, bạn tôi thều
thào nói:
- Ông còn đấy không?
Tôi vội đáp:
- Tôi vẫn nghe đây.
Bạn tôi nói nhanh:
- Thôi đi ông! Cả đời tôi chưa bao
giờ thắp hương cho Phật, bây giờ bảo tôi niệm Phật, mồm miệng làm sao
đó, không thể niệm được. Thôi, để tôi tiếp tục uống thuốc nam xem sao.
Nếu đỡ, thì may ra lúc ông về, tôi còn đi đón được; ngược lại, nếu
tôi có chuyện gì, ông đừng quên mấy mẹ con nó nhé. Tôi mệt lắm rồi.
Phải đi nằm đây…
Nghe bạn tôi nói vậy, vợ anh
liền cầm máy, vội chào tôi, rồi dìu chồng vào giường.
Bạn tôi đã cầm cự được thêm
gần 6 tháng nữa. Trong những lần gọi điện về hỏi thăm, sức khoẻ của
anh đã ngày một yếu dần. Anh đã bỏ hẳn uống thuốc và quyết định
nằm thoi thóp để chờ chết.
Lần cuối cùng tôi gọi điện thăm
bạn, vợ anh nhấc máy, giọng mếu máo:
- Anh nhà em chắc chết thôi anh
ơi! Mấy tuần nay, chỉ húp vài thìa cháo; Thuốc bỏ không uống nữa;
người bây giờ chỉ còn hơn 30kg thôi.
Tôi động viên vợ người bạn, rồi
cũng lựa lời, khuyên chị thử niệm Phật, rồi hộ niệm cho chồng, nhưng
vừa nghe tôi nói, chị đã vội đáp:
- Em chịu thôi! Nhà em có bao
giờ cúng Phật đâu! Thi thoảng lắm tụi em mới đến chùa thắp hương,
nhưng cũng chỉ để cầu cho chuyện làm ăn, chuyện con cái, chứ có biết
Phật thế nào đâu. Bây giờ bảo em niệm Phật, nó làm sao ấy, em không
làm được.
Tôi nói động viên:
- Ngày xưa mình không biết, nên
mình không làm. Bây giờ anh chỉ cho cách, em thử làm xem sao? Có mất
mát gì đâu?
Chị vợ bạn tôi đáp, giọng
thiếu tự tin:
- Em cũng biết thế! Nhưng từ bé
đến giờ em và ông xã em chưa thắp một nén hương cúng Phật, bây giờ tự nhiên
làm, em thấy nó làm sao ý. Thực lòng em không làm được, anh ạ!
Nghe chị vợ bạn tôi đáp vậy tôi
thấy đau xót quá. Câu nói: „Phật không độ người vô duyên“ bỗng văng
vẳng trong đầu. Thực tình, tôi chỉ muốn giúp bạn, và mong vợ bạn
thử nghiệm một phương pháp nhỏ để giúp chồng vượt qua cơn đau của
thế xác. Đơn giản vậy thôi, nhưng cả bạn tôi, và người vợ của anh
cũng từ chối. Lúc đó tôi thực buồn lắm, nhưng rồi nghĩ lại: Vợ
chồng bạn tôi đã rất chân thật khi nói lên những điều mình nghĩ.
Nhìn ra xung quanh, trong đó có cả những người thân của tôi, cũng
chẳng được mấy người tin và tha thiết với Phật pháp. Hình như mọi
người đều nghĩ: Phật và Phật pháp là cái gì đó thuộc về một thế
giới viễn tưởng, hay siêu phàm, hay có chắng cũng là để dành cho các
ông bà cụ tuổi đã xế chiếu; hay dành để tụng niệm cho những người
chết hay đã quá vãng…v.v. Có lẽ vợ chồng bạn cũng nằm trong số đó, vô duyên với
Phật pháp, vì thế vợ chồng anh không có đủ lòng tin, không vượt qua
khỏi những kiến chấp rất nhỏ nhoi: Cả đời chưa thờ, chưa cúng Phật,
tất sẽ chẳng thể niệm Phật được. Đây là một định kiến thực sự sai
lầm, bởi nó chẳng khác nào mình tự tay giăng, đắp thành luỹ xung
quanh mình, rồi lại tự khẳng định: Mình chẳng thể nào vượt qua nổi
thành luỹ đó… Trong nhà Phật gọi đó là vô minh, nhưng làm cách nào
để vén, để phá tan bức màn vô minh đó để đến với Phật Pháp, thật
không dễ cho mỗi ai.
Nghe chị vợ bạn tôi nói vậy,
tôi đành chuyển hướng câu chuyện. Tôi nói:
- Anh muốn nói chuyện với chồng
em được không?
Chị vợ đáp:
- Anh chờ nhé! Em đưa máy! Anh
ấy bây giờ không ngồi dậy được nữa đâu.
Bạn tôi cầm máy, nằm thều
thào, nói:
- Mày đấy à?
Tôi đáp nhỏ:
- Ừ, tao đây! Mày sao rồi?
Bạn tôi đáp:
- Yếu lắm rồi! Chắc tao sắp đi
thôi! Chán sống lắm rồi! Nếu tao đi, đừng quên mẹ con nó nhớ… nói
tới đây thì cơn đau lại ập tới, khiến vợ anh phải nhoài người, lấy
ống nghe, rồi nói gấp, như lời tạm biệt giúp chồng:
- Anh à! Chắc nhà em không qua
được rồi. Lần tới anh về, chắc anh ấy không đón anh được đâu…
Tôi cúp máy, rồi ngồi chết
lặng. Cái cơ hội giúp cho bạn giảm bớt cơn đau bằng cách niệm Phật
vậy là tôi cũng không còn cơ hội…
Thay lời kết
Bạn tôi mất tháng 09.2011 (AL). Người
nhà gọi điện báo tin, bạn tôi qua đời. Tôi vội gọi phôn về đúng ngày
gia đình đưa anh ra nghĩa địa. Đứa con trai út của anh lúc này vừa
tròn một năm tuổi. Ngày bố mất, cậu út không hề biết. Mẹ cu cậu và
cả nhà đều giấu, không ai hé nửa lời.
Lúc đưa bố ra nghĩa địa, nó
cũng chẳng biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh nên miệng vẫn bi bô,
nói nói, cười cười, thật tội nghiệp.
Mùa hè 2013 tôi về Việt Nam thăm
người bệnh. Ghé tới nhà bạn thăm chỉ có hai cô con gái và cậu út ở
nhà. Thấy tôi đến chơi, con bé lớn liền vội gọi phôn cho mẹ về. Thi
trượt đại học, nên hàng ngày con bé ở nhà phụ với mẹ bán hàng và
trông hai em.
Căn nhà từ ngày bạn tôi mất
trở nên lạnh lẽo và tối hẳn. Ngồi một lát thì chị vợ bạn tôi trở
về. Nhận ra tôi, chị cười, nụ cười buồn đầy trong khoé mắt.
Tôi
thắp hương cho bạn, rồi trở xuống trò chuyện cùng cả nhà… Lúc ra
về, chị vợ bạn tôi giọng bùi ngùi, xót xa nói: Anh nhà em vẫn chưa
chịu đi. Hằng đêm em vẫn thấy anh ấy nằm ngủ bên cạnh…
Tôi biết, anh vẫn chưa đi và cũng chưa thể đi, bởi anh chưa chuẩn bị và chưa lý giải được về cái chết của mình...
Tôi biết, anh vẫn chưa đi và cũng chưa thể đi, bởi anh chưa chuẩn bị và chưa lý giải được về cái chết của mình...
02.2014
Huệ Tâm
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen