Mittwoch, 2. April 2014

HỘ NIỆM LÀ MỘT PHÁP TU - Phần 18


Khi chúng ta đem hết tất cả năng lực để tu hành nhưng vẫn còn gặp phải những chuyện xấu, những ma sự, hay gọi là ma cảnh, thì càng làm cho chúng ta thấy rõ ràng hơn, chính chúng ta vẫn còn là phàm phu tục tử. Chính vì còn phàm phu, nên dù tu tốt như vậy mà ma cảnh vẫn chưa xóa hết, nghiệp chướng vẫn trả chưa xong! Biết vậy, hãy lấy đó làm bài học mà tăng thêm công phu tu hành, càng tu hành tốt hơn nữa...


Cư Sĩ Diệu Âm (Canada)

(Tọa Đàm 18)

 Nam Mô A-Di-Đà Phật,

Ta bây giờ chưa biết lâm chung là gì? Nhưng phải cần chuẩn bị trước để khi lâm chung ta được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Trong mấy đêm qua chúng ta nói về lời "Nguyện", là khi lâm chung thấy A-Di-Đà Phật cùng chư Thánh Chúng hiện thân tiếp dẫn. Đây gọi là cầu "Cảm-Ứng". Có cảm ứng ta mới được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Không có cảm ứng này thì không cách nào được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Vì thật sự nghiệp chướng của chúng ta quá lớn, ách nạn chúng ta quá lớn, với hàng phàm phu tục tử tội chướng sâu nặng này nhất định, như trong kinh Phật nói, không thể nào vượt qua tam giới lục đạo. Ấy thế, người niệm Phật do sự cảm ứng mà được vãng sanh dễ dàng.

Hôm qua chúng ta đã nói rồi, "CẢM" là do sự Thành Tâm Chân Thành tu hành của mình mà đã được "ỨNG". Ứng chính là sự gia trì của A-Di-Đà Phật, của chư đại Bồ-Tát.

Hôm nay chúng ta nói thêm nữa, "Cảm-Ứng" có Chân có Giả! Khi tâm chúng ta chân thành thì ta cảm ứng với điều chân thành. Nếu ta huân tu đúng mức, Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ, thì ta sẽ cảm ứng được với A-Di-Đà Phật. Nếu sự huân tu của chúng ta sai lệch, tinh thần chúng ta không có chân thành, gọi là vọng tâm, thì chúng ta sẽ cảm ứng đến cái vọng cảnh. "Chân" và "Vọng" nó nằm ngay tại tâm này, chứ không phải ở cái cảnh giới cảm ứng ". Ngài Ấn Quang đại sư thường nhắc nhở là phải dùng cái lòng chí thành chí kính mà tu thì ta sẽ được đại thiện lợi, còn khi chúng ta không dùng lòng chí thành chí kính, hay nói cho cụ thể và dễ hiểu hơn, là không thật thà, không thành tâm niệm Phật, không tha thiết vãng sanh, không khiêm nhường tối đa, thì theo đúng như lời khai thị của Ngài, dù chúng ta có được cảm ứng thì cũng cảm ứng với những cảnh vọng! Chính vì vậy, có nhiều người niệm Phật nhưng sau cùng không được vãng sanh!

Ngài Ấn Quang đại sư nói, nếu một người có huân tu, có thành tâm, thì khi họ gặp "Thắng Cảnh", (nghĩa là cảnh giới thù thắng), họ sẽ được thiện lợi. Mà dẫu cho họ có gặp "Ma Cảnh" đi nữa, thì cũng tăng thượng duyên cho họ tu hành chứ không có gì là thua thiệt hết. Đây là lời của ngài Ấn Quang đại sư nói. Còn nếu một người không có lòng chân thành, chí thành, chí kính tu hành, thì dẫu cho có gặp thắng cảnh đi nữa cũng dễ biến thành ma sự. Đây là lời của Ngài nói. Lời nói này rất thấm thía, chúng ta nên lấy làm hành trang vững vàng để đi về Tây Phương Cực Lạc.

Ngài nói, người có công phu huân tập, có chí thành chí kính tu hành, gặp thắng cảnh thì được đại thiện lợi. Tại vì rõ rệt là: Chân tâm thì ứng với chân cảnh. Những thắng cảnh đó thật sự đã ứng nghiệm theo cái tâm của mình, từ lòng chí thành chí kính đó mà được chư Phật gia trì. Một khi lòng chí thành chí kính thể hiện ra thì thường những người đó càng gặp thắng cảnh chừng nào, họ càng huân tu chừng đó, càng gặp thắng cảnh chừng nào thì lòng họ càng tha thiết vãng sanh chừng đó, và tâm của họ đã được định rồi, không còn lao chao nữa. Nhìn đến chúng ta có thể thấy rõ liền.

Ngài nói người có huân tu mà gặp ma cảnh vẫn được tăng thượng duyên để tu hành. Tại sao vậy? Tại vì, theo chính Ngài đã nói, khi tu hành, chúng ta phải tự nhận mình là người hạ căn hạ cơ, nghiệp chướng sâu nặng. Vì nghiệp chướng sâu nặng như vậy, nên lúc nào cũng phải giữ tâm khiêm nhường, kính cẩn, giữ giới, giữ luật để tu. Khi chúng ta đem hết tất cả năng lực để tu hành nhưng vẫn còn gặp phải những chuyện xấu, những ma sự, hay gọi là ma cảnh, thì càng làm cho chúng ta thấy rõ ràng hơn, chính chúng ta vẫn còn là phàm phu tục tử. Chính vì còn phàm phu, nên dù tu tốt như vậy mà ma cảnh vẫn chưa xóa hết, nghiệp chướng vẫn trả chưa xong! Biết vậy, hãy lấy đó làm bài học mà tăng thêm công phu tu hành, càng tu hành tốt hơn nữa.

Cho nên, những người chân thành tu hành, thì gặp thắng cảnh cũng lợi, mà gặp ma cảnh cũng lợi. Ý của Ngài là nói như vậy. Vô cùng hay!

Còn những người mà Ngài gọi là không có tâm chân thành tu hành, khi gặp một cái gì trở ngại thì tâm phiền não nổi lên. Ngược lại, thường thường khi gặp một điều gì hợp ý một chút, thuận duyên một chút, thì tâm cống cao ngã mạn nổi lên, nổi lên! Cho nên, người không có cái tâm hàm dưỡng công phu, khi gặp một điều hay hay thì tự nhiên cái tâm cống cao ngã mạn khởi lên. Cái tâm cống cao ngã mạn chính là tâm vọng chứ không phải là tâm chân. Cái tâm vọng đó, nhìn vào thấy rõ rệt!

Tâm Vọng Ứng Cảnh Vọng, Tâm Chân Ứng Cảnh Chân.

Cái niệm trước là niệm chân thành vừa ứng tới thắng cảnh, cái niệm sau là niệm cống cao ngã mạn, thì chuyển tới vọng tâm! Vọng tâm thuộc về ma sự! Cho nên, dù cái thắng cảnh trước có thực đi nữa, thì khi mà vọng tâm của mình nổi lên, thắng cảnh đó cũng tan biến đi, biến chuyển thành vọng cảnh. Giữa "Chơn" và "Vọng" nó biến đổi với nhau, nó chuyển đổi với nhau trong từng sát-na! Chính vì vậy, lời nói của Ngài thật sự là một bài pháp vô cùng tuyệt vời cho chúng ta, hãy lấy đó làm cái kim chỉ nam tu hành, đừng nên sơ ý mà coi chừng bị đại nạn!...

Để chứng minh cho chuyện này, trong đời Diệu Âm có gặp qua những chuyện lạ lắm, và xin kể ra đây. Cách đây cỡ chừng bốn năm... bốn năm hay năm năm gì đó, có một lần đi ra "Nước Ngoài", thì gặp được một vị, vị đó có tu hành, cũng có niệm Phật. Khi Diệu Âm nói chuyện về "Niệm Phật Vãng Sanh", thì trong giữa đại chúng vị đó không có hỏi, nhưng khi ra hậu liêu thì vị đó đã đến và nói như thế này:

- Vào ngày đó... tháng đó... tôi sẽ vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Vị đó nói rõ ngày giờ vãng sanh luôn. Thời gian tính ra thì cỡ chừng hơn một tháng nữa chứ không phải lâu xa gì. Vị đó nói có vẻ tin tưởng và rất chắc chắn đến cả một trăm phần trăm luôn, chứ không cần chi nói đến chín mươi chín phần trăm! Nói rất chắc chắn như vậy! Tôi mới hỏi:

Có chắc chắn không? Vị đó nói:
- Tôi không bao giờ nói sai, nói sai để làm chi?.

Rồi vị đó nói luôn rằng có thể ngồi vãng sanh cũng được, hoặc nằm vãng sanh cũng được... Tùy ý! 

Nghe vậy tôi cảm thấy hơi sợ rồi!!!... Tôi mới hỏi rằng:

- Sự việc này đã biết trước lâu chưa? Vị đó nói,
- Biết trước cỡ chừng hai năm nay, chừng hai năm... cỡ đó.

Khi người đó khoe ra như vậy thì Diệu Âm mới thấy hơi ngỡ ngàng!... Tại vì, thường thường khi một người biết trước giờ, phút, ngày, tháng ra đi là những người có cảm ứng rất lớn. Tức là, nói thẳng ra, họ có thể đã thấy được A-Di-Đà Phật rồi. Với một người có hàm dưỡng công phu, theo như ngài Ấn Quang nói, khi biết được như vậy thì những việc này họ dấu rất kỹ, tâm hồn của họ rất là thành, và lời nói của họ rất là hiền:

     Không còn bao giờ dám khoe ra.
     Cũng không bao giờ dám kình cãi.    
     Cũng không bao giờ dám phiền muộn.
     Không bao giờ nói những chuyện của thế gian.

Nhưng trong suốt buổi nói chuyện đó, hơn một tiếng đồng hồ, vị đó đã kể ra rất nhiều chuyện và nói nhiều chuyện lắm. Đó mới là điều lạ lùng! Diệu Âm mới hỏi thêm nữa: 

- Có chắc chắn không?
- Chắc chắn!
- Nếu chắc chắn như vậy, thì bây giờ xin ghi xuống giấy đi.

Lúc đó Diệu Âm mới rút ra trong túi một cái bì thư, chứ không có giấy, rồi đưa cây viết...

- Đây, cái bì thơ này, bây giờ xin viết lên bì thơ này đi: Tên họ, tuổi, pháp danh đàng hoàng, và xin viết ngày giờ lên: Tôi xác nhận là ngày đó, tháng đó tôi đi...

Và vị đó đã viết xuống đàng hoàng: Tôi tên là gì đó, pháp danh là gì đó, rồi... rồi... Tôi nói với anh Diệu Âm để làm chứng là tôi sẽ vãng sanh vào ngày đó... tháng đó... năm đó... rồi ký tên. Diệu Âm cất kỹ cái bì thơ đó, chứ không dám phổ biến cho ai biết hết... 

Sau đó Diệu Âm mới thưa với vị đó rằng, nếu thật sự đã có cái cảm ứng với A-Di-Đà Phật, thì thường thường chư Tổ giữ gìn điều này rất kín, nghĩa là xin đừng nên thố lộ cho người khác. Vị đó nói: 

- Không! Tôi chỉ thố lộ với Diệu Âm thôi, tôi không thố lộ với một người nào hết. 

Thêm nữa, Diệu Âm nói, nếu thật sự đã có cảm ứng với A-Di-Đà Phật để về Tây Phương, thì xin tất cả những chuyện thế gian phải buông ra, không được buồn phiền, không được rầu rĩ, không được để những chuyện thế gian trong tâm này nữa, để cho tất cả những cái nhân "Lục đạo luân hồi" nó rời ra thì mình mới về Tây Phương được. Chứ dù có cảm ứng đi nữa, nhưng mà cái tâm mình còn vướng vào trong lục đạo thì coi chừng bị khó khăn! Có thể bị trở ngại! Vị đó nói...

- Không, tôi không có vướng vào những cái đó, tôi không có nói với ai hết...

Nhưng thực ra, từ hồi nãy tới giờ thì vị đó đã nói rất nhiều! Nghe nói vậy, mình thấy cũng hơi là lạ!...

Ngày hôm sau Diệu Âm mới đi ra dạo... dạo... dạo và hỏi mớm thử coi... thì phát hiện ra là có rất nhiều người đã nghe được chuyện này! Thực sự là lạ! 

Diệu Âm lặng lẽ trở về lại Úc. Khi về tới Úc rồi, thì bắt đầu thăm dò. Khoảng một tuần trước cái ngày định vãng sanh, thì bắt đầu điện thoại tới hỏi những vị ở chung quanh. Diệu Âm hỏi khéo lắm, chỉ hỏi thăm đến vị đó có khỏe không? Người ta nói: Khỏe. Vậy là đủ rồi, giống như sẵn tiện mình hỏi thăm vậy thôi. Đến chính cái ngày đó thì Diệu Âm không dám điện thoại, vì sợ rằng nhiều khi vị đó đang vãng sanh mà mình điện thoại thì có thể gây trở ngại cho họ, hoặc cũng dễ làm động đến những người đang hộ niệm, cho nên không dám điện thoại. Ngày hôm sau tôi mới phone, cũng hỏi thăm tất cả mọi người, và chắc chắn là không quên hỏi thăm người đó. Họ nói, vị đó vẫn còn khỏe!... Nghe vậy, nhưng tôi cũng chưa tin là vãng sanh bị trở ngại, có thể vì lý do nào đó mà sự việc trục trặc hai, ba ngày chăng? Hai, ba ngày sau, tôi phone lại nữa, thì nghe họ nói: 

- Ông đó còn khỏe ru đây mà, ông khỏe dữ lắm, đâu có chuyện gì(!!!)... 

Sự việc đã xảy ra như vậy! Sự cố này có thể chứng minh rằng là lời nói của ngài Ấn Quang thật sự vô cùng thấm thía. Cho nên, khi một người có cái tâm hàm dưỡng công phu, đối với những cảm ứng này:

Nhất định phải thanh tịnh.
Nhất định phải cẩn thận!
Không nên có tâm háo kỳ.

Vì biết trước tới một, hai năm như vậy chứng tỏ rằng, hoặc trong giấc mơ, hoặc trong cái gì đó đã có sự cảm ứng rõ rệt lắm, nên mới dám khẳng định mạnh đến như vậy. Nhưng mà vì nổi lên cái tâm cống cao sau cùng rồi mình thấy đó, như ngài Ấn Quang đại sư nói, không hàm dưỡng cái tâm, thì gặp thắng cảnh cũng trở thành ma sự! Sơ suất điều này, có thể nó phá mất cái tâm đạo của rất nhiều người, và nó phá luôn cái tâm đạo của chính mình nữa. Đây là một điều mà chúng ta cần phải chú ý để cho đường tu tập của mình được thuận buồm xuôi gió, và nhất định chúng ta sẽ cảm ứng với đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật để về Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

(còn tiếp)

New Comments