Ảnh mang tính minh hoạ (Nguồn: NET)
Thí dụ thứ 3: Quán niệm cái đau của thân.
Muốn quán niệm được cái đau của thân trước hết mình phải biết thân này do đâu mà có? Rồi cái thân ấy chỉ là sự giả tạm hay là tồn tại vĩnh hằng? Sở dĩ mình cứ mải mê chăm bẵm cho cái thân xác này và vô cùng hoảng sợ mỗi khi nó rệu rạo… là bởi mình đang chấp. Mình chấp cái xác thân này là có thật, chấp là nó sẽ mãi mãi khoẻ mạnh, xinh đẹp… Vì thế nên nhiều khi chỉ một vết xước nhỏ trên thân thôi cũng khiến cho tâm của chúng ta hoảng loạn, rồi tìm mọi cách để chăm lo cho nó mau lành lạnh. Để rồi nếu nó mau lành thì tâm mình hoan hỉ và sẽ tìm mọi cách để lo lắng làm sao cho cái thân vừa bị trầy xước ấy sẽ không bao giờ tái lại nữa; ngược lại tâm nảy bi sầu, sân hận, lo âu… nhưng trên thực tế thì hỉ hay sầu cũng đều không phải là phương cách vẹn toàn, bởi nếu dùng giáo lý của Phật để quán chiếu thì mọi sự xảy ra trong đời đều có nhân-duyên. Nói vậy không có nghĩa ta cứ vô tư sống buông thả rồi lại vô tư đón nhận tất thảy mọi chuyện bi-hỉ xảy đến cho bản thân. Không, làm thế là sự vô trách nhiệm với mạng sống của chính mình, trái lại ta biết đó là nhân-duyên mà hợp, để quán chiếu: Cái thân này là giả tạm, vậy thì cái đau đớn trên cái sự giả tạm ấy cũng chỉ là giả tạm. Biết nó là giả tạm thì đừng đem tâm chấp cái giả tạm ấy. Chấp thân có thật, lại chấp thêm cái đau trên thân là có thật = 2 cái thật của sự giả tạm. Người chấp thật đã khổ, người chấp giả sẽ đau khổ biết nhường nào? Như vậy điểm trọng yếu ở đây là gì? Thân ta có bệnh, hãy vui vẻ đó nhận cái bệnh ấy đến với thân, và hãy coi nó như một chủ nợ, nay đến kỳ hạn mình phải trả. Nếu ta ý thức được mình là con nợ, và khi chủ nợ tới gặp, tất ta sẽ hoan hỉ mà trả nợ cho hết = lòng thanh thản. Ngược lại, ta tìm mọi cách để trốn tránh, vật nài, để đối phó… tất chủ nợ sẽ nhất quyết không nương tay.
Sẽ có người bảo: Bệnh là bệnh. Nợ là nợ. Bệnh và nợ làm sao lẫn lộn được? Đó là cách lý giải của người phàm tục. Với giáo lý của Phật thì: Chúng sanh là chủ nhân, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là điểm tựa, là thai tạng, là quyến thuộc, và nghiệp sẽ phân chia chúng sanh thành kẻ hạ liệt hay cao sang.
Khi quán chiếu được như vậy thì tâm mình sẽ thật thanh thản. Ví thử một ngày kia, có xảy ra chuyện gì trên thân xác này, mình có thể tự giác nhận ra rằng: Nghiệp lại đến rồi. Thôi, ta hãy hoan hỉ mà trả nghiệp. Nếu coi nghiệp là "chủ nợ" mà khi "chủ nợ" đến đòi, tâm ta hoan hỉ để trả, tất đôi bên sẽ cùng hoan hỉ. Ngược lại "chủ nợ" tới đòi mà ta lại tìm mọi cách để lẩn tránh hay ứng phó, tất sẽ có chuyện chẳng lành. Quán chiếu được như vậy thì dẫu có chuyện gì xảy ra trên thân xác ta, ta cũng có thể hoan hỉ mà xử nhận. Bằng không thân suy một, nhưng tâm suy mười.
Phật nói: Tâm tịnh cõi Phật tịnh. Nay tâm ta suy mười tất cõi Phật trong tâm cũng không thể nào an tịnh.
Tâm tịnh = Thân tịnh = Ý tịnh = hết phiền não và bệnh tật.
"Nếu coi nghiệp là "chủ nợ" mà
khi "chủ nợ" đến đòi, tâm ta hoan hỉ để trả, tất đôi bên sẽ
cùng hoan hỉ. Ngược lại "chủ nợ" tới đòi mà ta lại tìm mọi
cách để lẩn tránh hay ứng phó, tất sẽ có chuyện chẳng lành..."
(Tiếp theo - Huệ Tâm)
Vậy cái gì được coi là Sắc Tướng?
Trở lại ví dụ 1: Ngồi thiền:
Quán niệm hơi thở ra, quán niệm hơi thở vào chính là sắc tướng. Sở dĩ nó là sắc tướng bởi ta nhận biết ra được sự phồng, sẹp của bụng cùng sự vận hành khí trong cơ thể. Vì thế trong quá trình quán niệm hơi thở ra-vào, nếu ta không khéo léo sẽ lập tức bị hơi thở ra-vào chi phối, từ đó thay vì ta buông lỏng thân-tâm-ý để hơi thở ra-vào trong thân không bị nghẽn tắc, trái lại, trong quá trình quán niệm hơi thở ra-vào ta lại để những tạp niệm khác đột nhập (đan xen) lẫn trong hơi thở, rồi những tạp niệm đó xâm nhập trong tâm, để rồi thay vì ta quán niệm nhịp nhàng hơi thở ra-vô, thì ta lại đi phân tích những tạp niệm đang khuấy trộn trong tâm. Khi tâm bị khuấy động, lập tức thân và ý cũng sẽ bị khuấy động theo. Ví thử: khi ta hít thở vô, nhưng trong luồng khí hít vô đó lại có một tạp niệm không lành mạnh: Nghe thấy tiếng người hàng xóm trò chuyện quá to ngoài đường… Vậy là ngay lập tức, tâm ta nổi sân, rồi suy diễn, trách móc tiếng người hàng xóm nọ. Nhanh thì sự nổi sân đó diễn ra trong một hơi thở vô-ra, rồi chấm dứt, nhưng tệ hại hơn những hơi thở vô-ra kế tiếp vẫn bị cái tiếng của người hàng xóm khuấy đảo. Vậy là thay vì hơi thở ra-vô được vi tế, thì chúng ta đã hít vào, thở ra bằng một cái tâm sân hận. Liên tục như thế trong vòng vài phút thôi, tất đầu sẽ như búa bổ, thân xác sẽ trở nên rũ rượi và tim mạch sẽ rối loạn không ngừng… Vậy là hàng ngày, sau những giờ phút lăn lộn ngoài đời để kiến sống, học hành… về nhà, chúng ta cố gắng thu xếp một khoảng thời gian cố định để ngồi thiền=điều chỉnh lại tâm-thân-ý=chân định, thì trong giờ phút ngồi thiền đó, chúng ta lại tiếp tục để cho những loạn động tiếp tục khuấy đảo trong tâm, từ đó khiến cho thân-ý cũng bị vọng động theo. Đây cũng là lý do mà nhiều người, trước đây không học thiền, không toạ thiền thì tâm-thân-ý có thể nói là hoàn toàn bình thường (hiểu theo lý của người phàm phu), nay (từ ngày) học, toạ thiền, cơ thể không những không khang kiện, trái lại còn khiến tâm suy, thân bại, và ý cũng tràn đầy vọng niệm, điên đảo hơn.
Ví dụ thứ 2 - Quán chiếu âm thanh:
Thực ra đó chỉ là cách quán chiếu rất đơn giản, bằng cách: mọi thứ âm thanh hỗn tạp đang xảy ra xung quanh mình, mình đều dùng tâm-thức để thể nhập (đón nhận) tất cả những thứ âm thanh đó, vậy là đủ. Nghĩa là: không phủ nhận những thứ âm thanh đó là có hay không; cũng không phân tích, suy luận những thứ âm thanh đó, mà ta hoan hỉ đón nhận tất thảy chúng vào trong chân tâm (vốn thanh tịnh) của mình, rồi để chúng tự lặng xuống. Suy luận logic một chút ta sẽ thấy: Một thứ âm thanh nào đó lọt vào tai mình, nếu mình thấy hoan hỉ, ngay lập tức tâm sẽ muốn nghe hơn, rồi mải mê để mong cầu cái sự hoan hỉ đó tiếp diễn; ngược lại: nếu âm thanh đó là khiến mình thấy khó chịu, bất mãn… ngay lập tức tâm chúng ta sẽ nổi sân, sẽ suy diễn, sẽ điều khiển thân và ý tìm cách để chống đối lại những âm thanh mà mình thấy khó chịu đó. Như vậy cả hai cảm nhận: hoan hỉ hay sân hận đều có thể khiến tâm chúng ta trở nên loạn động (bất an). Quán chiếu theo lời Phật thì bi hay hỉ = Sắc mà Sắc = Hư giả. Người đời chúng ta thường nói: Lời nói gió thoảng. Nghĩa là: lời nói cũng giống như làn gió thoảng qua, nếu không chấp thì nó rất nhẹ, sẽ bay vụt qua, ngược lại thì nó trở thành giông bão. Khi âm thanh của một người đối diện khiến mình hoan hỉ hay nổi bi sầu (sân hận), tất đó chính là giông bão. Biết là giông bão thì đừng gây với nó, hãy để cho nó bay vụt qua, tất mình sẽ có tâm an lạc. Bằng không mình sẽ bị chính những giông bão đó cuốn trôi…
Huệ Tâm
(còn tiếp)
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen