Mittwoch, 9. Januar 2013

Đầu Năm Nói Chuyện Cầu An - Phần I

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/buikhuong/2012_02_05/PhucKhanh-hanoi-bandoc-giaoducvietnam1.jpg"Sở dĩ ta phải đi Cầu An không phải trong chúng ta không có sẵn cái An ấy, trái lại cái An ấy nó vốn luôn luôn hiện tiền trong tâm tánh của mỗi chúng ta..."


 

Đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống, hàng năm, cứ đến ngày lễ, ngày rằm, mùng một hay ngày Tết, người Việt khắp mọi nơi lại rủ nhau tụ hội về những nơi thờ tự như miếu, đình, chùa… để cùng nhau dâng hương, lễ Phật hay Bồ Tát... Đây là một nét đẹp không chỉ mang tính văn hoá truyền thống, mà còn chứa đựng một yếu tố tâm linh.

Đã có người hỏi một người quen của mình thế này.
- Này, hôm rằm vừa rồi ông (bà) có đến chùa thắp hương không?
- Không! Người được hỏi đáp.
- Phí thế. Chùa hôm đó hơi bị tâm linh đấy.
Hay:
- Này, ông có biết sư Thầy ở chùa A không?
- Không! Người được hỏi đáp.
- Vậy à. Nghe nói sư Thầy ở chùa A tâm linh lắm…v.v.

Theo thiển ý của người viết: Hai từ "tâm linh" mà người nọ muốn hỏi người quen của mình nhằm diễn tả đến sự linh thiêng của ngôi chùa cũng như pháp tánh cao năng của vị sư Thầy đang trụ trì ở chùa A nọ. Nhưng vì muốn biểu đạt cho người đối diện hiểu rõ tầm quan trọng của việc mình đã làm, người hỏi đã vô tình (cố tình) nhấn mạnh tầm quan trọng của sự việc, từ đó khiến cho câu chuyện và việc làm của mình mang một màu sắc huyền bí. Từ đó "tâm linh" ngẫu nhiên trở thành một cụm từ tương đối trừu tượng, vì vậy nếu không có sự tìm hiểu sâu, kỹ, và thấu đáo, chúng ta rất dễ bị sa đà vào những hành động, sự việc, suy nghĩ mang nặng màu sắc huyền bí và xa hơn là mê tín. Nhưng ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến một cụm từ mà trong số không ít người chúng ta vì vô minh nên đã gán cho cụm từ ấy phải mang một màu sắc tương đối huyền bí và nặng nề: Cầu An.
 
Lễ chùa hàng năm, sau khi dâng hương rồi cung kính đảnh lễ các Đức Phật, các Bồ Tát, các Thầy, các Tăng chúng trong chùa, hẳn ai trong mỗi chúng ta đều có chung một ý niệm: Dâng sớ Cầu An. Đây là một ý niệm rất thiện, bởi ít nhất trong thời khắc ngắn ngủi đó (một niệm, lúc ta đang hiện diện tại chùa), chúng ta đã biết gạt sang một bên tất cả những lo lắng, buồn sầu, mưu toan, dục vọng… gọi chung là những tham-sân-si của một ngày, tháng, một năm đã qua… để hướng tâm của mình đến bờ chánh giác. Cái tâm ấy chính là tâm Thiện. Cái Thiện ấy được thể hiện bằng lá Sớ Cầu An cho những người thân, quen, những người ruột thịt của mình. 
Vấn đề cần đặt ra cụ thể ở đây là:

1. Tại sao ta phải Cầu An?
2. Ai có thể đem sự An Bình cho ta và những người thân xung quanh ta?

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/buikhuong/2012_02_05/PhucKhanh-hanoi-bandoc-giaoducvietnam1.jpg 
 Ảnh chỉ mang tính minh hoạ (Nguồn:giaoducnet.vn)

Trả lời câu hỏi này một cách cặn kẽ quả là vấn đề nan giải. Ở đây tôi chỉ xin mạn phép được nêu ra những suy nghĩ của cá nhân về hai vấn đề nổi cộm nói trên để chúng ta – Những người cùng quan tâm tới Phật Pháp cùng tìm hiểu và trao đổi.



1. Tại sao ta phải Cầu An?

AN ở đây được hiểu ở sự An lành, An Bình, An vui, An lạc… Tất cả những thứ AN này nó vốn không phải là một thể trạng ngoại thân, mà thực tế nó vốn luôn hiện hữu trong tâm, tánh của mỗi chúng ta (mỗi chúng sanh). Mở đầu một bài Kệ trong Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng, có hai câu như sau:

Tâm bình không nhọc giữ giới
Hạnh thẳng không cần tu thiền…


Tâm Bình mà Lục Tổ muốn nói ở đây là gì? Đó là cái Tâm An Nhiên Tự Tại vốn luôn sẵn có của mỗi chúng sinh, của mỗi chúng ta. Nhưng vì chúng ta vô minh, vì chúng ta quá ngu mê, vì chúng ta quá tham-sân-si, nên cái Tâm An Nhiên Tự Tại đó đã tự nhiên biến mất. Chính vì thế, chúng ta mới hốt hoảng, mới vội vàng chạy đây, chạy đó để đi tìm, đi xin, đi van vái, cầu khẩn Đức Phật, Bồ Tát… ban phát cho những thứ mà tự thân mình sẵn có. 

Hiểu một cách logic đời thường: Trong phòng của chúng ta vốn có điện, muốn có điện chúng ta chỉ cần đến nơi có công tắc, bật lên, tất cả căn phòng sẽ được thắp sáng. Nhưng không. Vì một lý do nào đó, ta đã lãng quên mất trong phòng vốn đã sẵn có công tắc điện (công tắc vốn luôn hiện tồn trong phòng) và để rồi, khi bước vào phòng, chợt thấy tối thui, ta đã vội hốt hoảng la lối, chạy tới, chạy lui để tìm đèn, tìm nến, tìm lửa… để ngõ hầu thắp sáng căn phòng như ý nguyện. Giây phút này chính là sự vô minh. 

Một ví dụ tương tự: Một cái ao vốn không thể tự nó vẩn đục, nếu không có sự tác động của con người và thiên nhiên. Nhưng không! Ta tự tay khấy động cái ao trong, tĩnh mịch đó lên cho tới vẩn đục, rồi kế đó ta lên bờ, ngồi thở dài ngao ngán, hay than trách: Tại sao bỗng dưng cái ao đang trong xanh, đang tĩnh mịch giờ bỗng dưng lại sùi bọt, ngầu đục, dơ bẩn?… Trở lại với Đạo Pháp cũng tương tự. Sở dĩ ta phải đi Cầu An không phải trong chúng ta không có sẵn cái An ấy, trái lại cái An ấy nó vốn luôn luôn hiện tiền trong tâm tánh của mỗi chúng ta. Nhưng, vì ta quá vô minh, ta quá tham-sân-si nên ta cứ luôn tự khấy động cái tâm tham-sân-hận đó lên để đeo đuổi, để truy cầu. Vậy là ta giống như người có đầy tiền của, nhưng lại tự đóng cửa rồi vác rá ra ngoài để đi ăn xin. Phật gọi đó chính là sự Vô Minh.
Huệ Tâm
(còn tiếp)

New Comments