Trước khi chưa được nhất tâm, trọn chẳng nên manh nha ý niệm thấy Phật. Hễ được nhất tâm thì tâm hợp với đạo, tâm hợp với Phật, muốn thấy liền thấy ngay, không thấy cũng chẳng trở ngại gì! Nếu muốn gấp thấy Phật, tâm niệm lăng xăng, cái ý niệm muốn thấy Phật cố kết trong bụng dạ, trở thành căn bệnh lớn cho việc tu hành. Lâu ngày, oan gia nhiều đời nương theo cái tình tưởng vọng động ấy hiện thành thân Phật hầu báo túc oán. Tự mình tâm không chánh kiến, toàn thể là khí phận ma
Khai Thị Của Ấn Quang Đại Sư
(Trích Ấn Quang Văn Sao Tịnh Hoa Lục)
Tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, cậy vào Phật từ lực đới nghiệp
vãng sanh. Đấy là pháp môn “vạn người tu,
vạn người đến” thẳng chóng, ổn thỏa, thích đáng nhất! Trước hết, phải thấu
hiểu được nguồn cội của pháp môn này, tâm hiểu cho rõ ràng. Nếu thừa sức, sẽ lại
nghiên cứu hết thảy kinh luận, các pháp môn đều có thể giúp cho pháp môn này. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển
Thượng, Thư gởi cư sĩ La Thế Phương)
* Nay đã phát tâm niệm
Phật, hãy nên lấy “tâm tương ứng với
Phật, lúc sống đạt được nhất tâm bất loạn, khi báo thân đã tận liền lên Thượng
Phẩm cõi Cực Lạc” làm chí hướng, sự nghiệp, chẳng cần phải cầu đại triệt đại
ngộ, minh tâm kiến tánh. Tông môn chú trọng khai ngộ, Tịnh tông chú trọng vãng
sanh. Kẻ khai ngộ mà chẳng được vãng sanh trong trăm người có đến chín mươi kẻ.
Người vãng sanh mà chẳng khai ngộ thì trong vạn người chẳng có một ai. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên,
quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Trương Thự Tiêu - 8)
* Trước khi chưa được
nhất tâm, trọn chẳng nên manh nha ý niệm thấy Phật. Hễ được nhất tâm thì tâm
hợp với đạo, tâm hợp với Phật, muốn thấy liền thấy ngay, không thấy cũng chẳng
trở ngại gì! Nếu muốn gấp thấy Phật, tâm niệm lăng xăng, cái ý niệm muốn thấy
Phật cố kết trong bụng dạ, trở thành căn bệnh lớn cho việc tu hành. Lâu ngày,
oan gia nhiều đời nương theo cái tình tưởng vọng động ấy hiện thành thân Phật
hầu báo túc oán. Tự mình tâm không chánh kiến, toàn thể là khí phận ma. Hễ thấy
[Phật hay cảnh tượng tốt đẹp do kẻ thù trong đời trước biến hiện] bèn sanh hoan
hỷ, từ đấy ma nhập vào tâm tạng, bị ma dựa phát cuồng. Dẫu có Phật sống cũng
chẳng biết làm sao được! Chỉ nên nhất tâm, nào cần phải tính sẵn có thấy Phật hay không?
Nhất tâm rồi sẽ tự biết tốt - xấu! Khi không thấy đã tăng tiến công phu, thì
khi được thấy, lại càng phải lắng lòng chuyên tu, trọn chẳng mắc lỗi hiểu lầm,
chỉ có lợi ích thắng tấn. Người thế gian không hiểu lý, vừa có chút tu trì đã
ôm lòng mong mỏi quá phận. Ví như mài gương, nếu hết bụi nhơ, quang minh quyết
định tỏa lộ chiếu trời soi đất. Nếu chẳng tận lực mài gương, chỉ mong gương tỏa
sáng, toàn thể gương là cấu uế thì nếu có quang minh cũng chỉ là ánh sáng quỷ
quái, chứ không phải là ánh sáng của gương. Quang sợ ông không khéo dụng tâm
đến nỗi tự mình đánh mất lợi lành, lui sụt tín tâm của người khác, nên mới viết
thêm. Ngài Vĩnh Minh nói: “Chỉ được thấy Di Đà, lo gì không khai ngộ”. Nay tôi cũng bắt chước nối đuôi rằng: “Chỉ cầu tâm bất
loạn, chẳng kể thấy, không thấy!” Biết
điều này, hãy dốc sức nơi đạo tâm hợp với Phật vậy! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng
Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Châu Quần Tranh)
* Trong lúc bế quan
dụng công, hãy nên lấy chuyên tinh bất nhị làm chánh. Nếu tâm thật sự chuyên
nhất, sẽ tự có cảm thông chẳng thể nghĩ bàn. Lúc chưa được nhất tâm, chớ nên
vọng động cầu được cảm thông trước. Đã nhất tâm, sẽ nhất định có cảm thông. Hễ
cảm thông thì tâm càng tinh nhất. Đó gọi là gương sáng đặt trên đài gặp hình
liền hiện bóng, hình tự lăng xăng, can chi đến mình! Chưa nhất tâm mà cầu cảm
thông thì cái tâm cầu cảm thông ấy bèn trở thành đại chướng bậc nhất cho việc
tu đạo. (Ấn Quang Pháp
Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời đại sư Hoằng Nhất)
* Gần
đây, người ta thường ưa ham cao chuộng xa, hơi thông minh bèn học Thiền Tông,
Tướng Tông[1], Mật Tông, phần nhiều coi niệm Phật là vô dụng. Họ chỉ biết sự huyền diệu
của cơ ngữ[2] nhà Thiền, sự tinh vi của pháp tướng trong Tướng Tông, oai thần rộng lớn của
Mật Tông, nhưng chẳng biết: Thiền dẫu đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ, nhưng nếu
chưa hết sạch Phiền Hoặc thì vẫn sanh tử y như cũ, chẳng thể liễu thoát được! Với
Tướng Tông thì nếu không phá sạch Ngã Chấp và Pháp Chấp,
dù có hiểu rành rẽ đủ mọi danh tướng[3], cũng giống như “kể chuyện ăn, đếm của báu”, rốt cuộc có
ích gì đâu! Với Mật Tông thì tuy nói là có thể “thành Phật ngay nơi thân hiện tại”,
nhưng quyết chẳng phải là chuyện của hạng phàm phu sát đất có thể thành tựu được!
Phàm phu lầm sanh ý tưởng ấy bèn bị ma dựa phát cuồng, mười người hết tám chín
người [bị như vậy]. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả
lời một vị cư sĩ ở Diêu Duy)
*
Như
ai thiên tư thông minh, mẫn tiệp, nghiên cứu các tông Tánh, Tướng chẳng trở
ngại gì, nhưng vẫn phải lấy pháp môn Tịnh Độ làm chỗ nương về, ngõ hầu chẳng
đến nỗi có nhân không quả, biến diệu pháp liễu sanh thoát tử thành lời nói trơn
tru ngoài miệng, không do đâu được lợi ích thật sự! Ắt phải trọng lòng kính,
giữ lòng thành, xem kinh - tượng như vị Phật sống, chẳng dám chớm chút ý coi
thường, ngõ hầu tùy lòng thành của mình lớn hay nhỏ mà sẽ được những lợi ích
sâu hay cạn! Đối với người độn căn, hãy nên chuyên nghiên cứu pháp môn Tịnh Độ.
Nếu quả thật tin cho tới nơi, giữ
cho chắc, nhất định trong đời này sẽ liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh,
so với những kẻ hiểu sâu xa kinh luận nhưng chẳng thật hành pháp môn Tịnh Độ
thì lợi ích đúng là khác biệt một trời một vực. Những điều vừa nói đó, bất luận
là tư cách nào, lúc ban đầu cứ cho uống loại thuốc Một Vị này, bất luận những
căn bệnh như tà chấp, thấy biết sai lầm, ngã mạn, phóng túng, đề cao thánh cảnh
nhưng tự mình cam phận hèn kém, không bệnh nào kê
thuốc A Già Đà Nhất Vị trị chung vạn bệnh này mà chẳng lành. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng
Chánh Biên, quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Đường Đại Viên)
[1] Tướng Tông: Gọi đủ là Pháp Tướng Duy Thức Tông. Do tông này chú trọng
nghiên cứu tướng trạng của các pháp, phân chia các trạng thái tâm thức tỉ mỉ,
nên gọi là Tướng Tông.
[2] Cơ ngữ: Gọi tắt của cơ phong chuyển ngữ, tức những câu đối đáp thuận theo
căn cơ, nhằm giúp cho người hỏi kiến tánh, chẳng hạn như “Phật là gì?” Thiền Sư
bèn đáp “con mèo trèo lên cây cột”.
[3] Danh là tên gọi của sự vật, Tướng là hình trạng của sự vật. Dùng danh xưng
để nêu rõ tướng trạng của sự vật nên gọi là “danh tướng”. Một cách giải thích
khác: Những gì nghe được thì gọi là Danh, thấy được thì gọi là Tướng. Danh và
Tướng đều không có thật thể, chỉ là giả lập để tiện giáo hóa.
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen