Sonntag, 13. März 2016

A DI ĐÀ PHẬT LÀ GÌ? NGÀI LÀ AI? TẠI SAO CHÚNG TA NÊN NIỆM A DI ĐÀ PHẬT?

http://giacngo.vn/UserImages/2013/04/19/13/3463930887_ce3522b962_b.jpgKhi phước đức, nhân duyên tròn đầy, lúc chết, ngay lập tức Ngài cùng Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và Tây Phương Thánh Chúng sẽ lập tức hiện thân tiếp dẫn sanh về Cõi nước Cực Lạc...
 


 
Phật dạy: Niệm Phật tất thành Phật. Chúng ta niệm A Di Đà Phật là Nhân. Được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc rồi tu học cho tới thành Phật là Quả.

Vị Phật mà chúng ta đang nói đó là A Di Đà Phật. Vậy A Di Đà Phật là gì? A là Vô; Di Đà là Lượng; Phật là Giác. Gộp chung lại: A Di Đà Phật là Vô Lượng Giác.
Giác này là huệ giác, phải tu học tới đắc quả vị Phật mới có được. Vì thế huệ giác của Phật chỉ có Phật với Phật mới hiểu nổi, còn chúng ta là người phàm trần (còn gọi phàm phu = người sống trong vô minh và phiền não), chỉ có tri thức thông thường do học hỏi trong trường, ngoài đời, hay trong sách vở mà có – những thứ kiến thức này đều khởi lên từ sự phân biệt, chấp trước vì thế vốn luôn có: cao-thấp; sang-hèn; ngu dốt-thông minh; trắng-đen; chánh nghĩa-phi nghĩa; ta-địch; tốt-xấu… thứ tri thức này chúng ta học thì còn, không học thì không có, hoặc gián đoạn thì sẽ mai một. Nhưng trí huệ Phật thì không vậy, bởi chư Phật nói chung có thể thấu suốt 3 thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Vì thế hễ chúng ta khởi lên bất cứ một ý nghĩ tốt hay xấu, thiện hay ác, tà hay chánh… thì mười phương chư Phật đều thấu rõ cả. Vì lẽ đó nhân gian có câu: dối người chứ chẳng thể dối Phật và Bồ tát.

Hàng ngày chúng ta thường niệm hồng danh A Di Đà Phật, đồng nghĩa chúng ta đang hướng về Ngài – đấng Vô Lượng Giác, nguyện mong Ngài từ bi, gia hộ để chúng ta tu đạo (bỏ hết việc ác, làm hết thảy các phước thiện hay còn gọi tích công, luỹ đức: Bố thí, phóng sanh, cúng dường Tam Bảo, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật…), nhờ đó chúng ta dần dần chuyển hoá được nghiệp chướng, những phiền não tích tụ từ vô lượng kiếp tới nay mà vững bước tu đạo cho tới ngày giác ngộ và giải thoát.

Vậy A Di Đà Phật là ai? Ngài là Giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc – Người đã phát 48 Đại Nguyện, trong đó có Nguyện Thứ 18: „Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.“

Phật A Di Đà đã thành Phật cách đây 10 kiếp (tạm lấy cái mốc từ thời Phật Thích Ca diễn nói về Pháp niệm Phật trong Kinh A Di Đà và Kinh Vô Lượng Thọ cách đây gần 3000 năm). Một kiếp được tính theo tuổi thọ trụ thế của một vị Phật (không thể dùng toán số để tính đếm). Và đương nhiên lời nguyện của Ngài đã trở thành hiện thực, cũng vì thế hàng ngày, hàng giờ Ngài luôn ngóng trông các chúng sanh trong mười phương pháp giới phát tín-nguyện-hạnh (tin sâu-nguyện thiết-thực tâm hành) nguyện làm tất thảy mọi phước thiện, phát nguyện trì niệm hồng danh Ngài và nguyện sinh về nước Ngài… Khi phước đức, nhân duyên tròn đầy, lúc chết, ngay lập tức Ngài cùng Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và Tây Phương Thánh Chúng sẽ lập tức hiện thân tiếp dẫn sanh về Cõi nước Cực Lạc. 

Cực Lạc là gì? Cực là vô cùng tận. Lạc là sung sướng, hạnh phúc. Hạnh phúc và sung sướng vô cùng tận vì cõi đó không có sanh-già-bệnh-chết; không có sanh tử luân hồi; là sống lâu vô lượng vì thế cõi nước của A Di Đà cũng có tên là cõi nước Vô Lượng Thọ, vì không có sự già-chết, và chỉ có những điều vui, không có những sự khổ… Điều này trong Kinh A Di Đà và Vô Lượng Thọ đức Phật Thích Ca đã nói rất tường tận. 

Đến đây chúng ta nên đặt dấu hỏi lớn: Tại sao chúng sanh trong mười phương cõi nước đều nguyện sanh về nước Cực Lạc của Phật A Di Đà? Ngay cả những vị đại Bồ tát như: Phổ Hiền, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm… cũng đều nguyện sanh về? Trong khi đó chúng ta – những chúng sanh – chúng sanh đầy vô minh, phiền não thì lại dửng dưng, không tin vào những điều Phật Thích Ca từ bi, chỉ bày, diễn nói, không tin vào hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà và cõi nước Cực Lạc của Ngài? Phải chăng cõi Ta bà này – Cõi ngũ trược ác thế mới đáng để chúng ta lưu lại? 

Trả lời, lý giải thấu đáo được điều này, chúng ta sẽ tự biết mình ngay lúc này phải tức tốc làm gì và khi thực tâm làm chúng ta tự biết sẽ đi về đâu…

New Comments