Montag, 4. Juli 2016

THẤY CHẲNG THẤY CHẲNG NGHE CHÍNH LÀ THIỀN



Không ngủ! Chính là Phật chỉ cho chúng ta: Luôn sống trong tỉnh thức đó chính là thiền. Thấy cảnh chẳng sanh tình=thiền; thấy âm thanh chẳng phân biệt=thiền...









Lúc Phật đang ngồi dưới gốc cây Nê-cô-luật thì có hai thương gia hỏi Phật: Có thấy xe qua không?
Đáp: Chẳng thấy.
Hỏi: Có nghe tiếng xe không?
Đáp: Chẳng nghe.
Hỏi: Phải đang thiền định không?
Đáp: Chẳng thiền định.
Hỏi: Phải đang ngủ không?
Đáp: Không ngủ.
Người thương gia tán thán rằng: Lành thay! Lành thay! Thế Tôn đại giác nên chẳng thấy nghe.


Lời Bình: 

Bài pháp này Thế Tôn dạy chúng ta điều gì? Đó là tánh thấy, tánh nghe và tự tánh thanh tịnh. 

Tánh thấy, tánh nghe và tự tánh thanh tịnh của mỗi chúng ta vốn không có hình tướng, vì không hình tướng nên như như bất động. 

Phật ngồi dưới gốc cây Nê Cô Luật, có xe đi ngang qua, Phật nhìn thấy, nhận biết có xe, nhưng không khởi tâm phân biệt: xe của ai; chở gì; đi về đâu, ai đang điều khiển, người điều khiển là nam hay nữ; già hay trẻ, đẹp hay xấu…, vì thế khi được hỏi: Có thấy xe không? Phật đáp: Chẳng thấy! Phật nói dối chăng? Không phải. Mắt Phật tuy đối cảnh – đối sắc trần, nhưng chẳng sanh vọng thức, vì không vọng nên tâm không duyên theo cảnh và cũng không bị cảnh trói cột. Đó gọi là: Thấy mà chẳng thấy. Còn chúng ta hễ mắt vừa thấy người, thấy vật, ngay lập tức tâm duyên theo cảnh, khởi phân biệt, chấp trước và cũng lập tức bị cảnh trói cột tới điên đảo. 

Cũng tương tự khi hai thương gia hỏi Phật: Có nghe tiếng xe không? Phật đáp: Chẳng nghe! Tại sao Phật đáp chẳng nghe? Mặc dù Phật có nghe thấy tiếng bánh xe chạy qua? Bởi Phật nghe, nhưng chẳng khởi tâm phân biệt: bánh xe kêu to hay nhỏ; êm tai hay chẳng êm tai; ồn hay chẳng ồn… Đó gọi là: Nghe mà chẳng nghe. Còn chúng ta? Hễ nghe thấy một âm thanh nào đó, ngay lập tức dấy khởi tâm phân biệt, ví như: lời phỉnh nịnh, êm ái, dịu ngọt thì khởi tâm ưa thích; ngược lại lời ngay thẳng, chân thật thì chẳng ưa. Sở dĩ có ưa và chẳng ưa là bởi tâm tham ái trỗi dậy, vì tham nên sanh sân, vì sân nên có si. Ví thử: lời êm ái, dịu ngọt thì muốn nghe bằng được, mọi nơi, mọi lúc, vô điều kiện; ngược lại thì sanh bực dọc, hằn học, hay thoái thác, trối từ… đó chính là tâm si, vì si nên sanh tham luyến; tham chẳng đặng sẽ nổi sân để giải toả. Như vậy, chỉ một thứ âm thanh, nhưng nếu sanh lòng đắm nhiễm (yêu hay ghét) cũng bị âm thanh đó lôi cuốn và cột chặt tới điên đảo.  

Hai thương gia lại hỏi: Phải đang thiền định không? Phật đáp: Chẳng thiền định. Thông thường khi chúng ta thấy ai đó đang ngồi bán già, kiết già rồi lim dim mắt, chúng ta ngỡ ngay họ đang ngồi thiền định. Thực tế Phật đang ngồi toạ dưới gốc cây, nên hai thương gia cũng khởi nghĩ: Phật đang toạ thiền. Nhưng đó là họ chấp vào tướng thiền, nghĩa là thấy thân tướng của Phật đang toạ nên ngỡ Ngài ngồi thiền. Thực tế Phật đã chỉ cho họ và chúng ta thấy: tâm chẳng điên đảo, chẳng thị phi, chẳng nhân-ngã, chẳng vọng tưởng, chẳng phân biệt, chấp trước – đó chính là thiền. 

Hàng ngày chúng ta thường đối trước bàn thờ Phật để hành thiền, niệm Phật, trì chú nhưng liệu chúng ta có thực hành thiền, niệm Phật và trì chú chưa? Hay thân ngồi đó nhưng tâm lại đang lang thang, vơ vẫn ở một nơi nào đó? Hoặc trăm thứ nghĩ suy, tính toán thiệt hơn, phải-quấy… sanh khởi? Nếu đúng vậy thì chúng ta đang thiền nhưng thiền trong điên đảo, vọng tưởng và như thế là chúng ta đang tự lừa dối mình, lừa dối cả chư Phật và cả những chúng sanh hữu hình và vô hình. 

Hai thương gia lại hỏi Phật: Phải đang ngủ không? Phật đáp: Không ngủ! Tại sao Phật đáp: Không ngủ? Bởi hai thương gia hỏi Phật tới 3 câu: có thấy xe? có nghe tiếng xe? có ngồi thiền không? Phật đều đáp: Không! Vậy chắc chắn Phật phải đang ngủ rồi? Vì thế họ mới hỏi tiếp: Phải đang ngủ không? Và Phật đáp: Không ngủ! Tại sao Phật đáp: Không ngủ? Bởi ngủ là mê! Người ngủ nhiều=mê nhiều. Nhiều người hễ ngồi thiền, niệm Phật là chỉ ít phút sau đã gà gật rồi kéo bễ  phi pho... Như vậy chẳng phải là tỉnh thức. Phật đáp: Không ngủ! Chính là Phật chỉ cho chúng ta: Luôn sống trong tỉnh thức đó chính là thiền. Thấy cảnh chẳng sanh tình=thiền; thấy âm thanh chẳng phân biệt=thiền.
Đó chính là chân nghĩa của chẳng thấy, chẳng nghe mà Phật dạy.

(Kỷ niệm ngày Phật đản sanh 08.04.2015 Al. Phật lịch 2559)
Thiện Nhân

New Comments