Mittwoch, 25. September 2013

Niệm Phật Thành Phật - Phần 2



 "Chẳng phải tới khi niệm Phật chúng ta mới có, mới thấy tham-sân-si, hay vọng niệm trỗi dậy, mà lúc niệm Phật là lúc chúng ta tạm lắng tâm xuống, nên tham-sân-si mới hiện rõ nhất, mãnh liệt nhất, và lúc ấy chúng ta mới cảm nhận ra được..."






Trở lại với lời khuyên của Đức Thế Tôn: Muốn sanh về cõi đó, cần phải nhất tâm, quy y chiêm ngưỡng


Trước khi trả lời câu hỏi này chúng ta trở lại với câu hỏi: Tại sao Đức Phật không khuyên chúng ta nguyện về cõi của Ngài mà lại khuyên chúng ta nên về cõi của Đức Phật A Di Đà? Trong A Di Đà Kinh Đức Phật nói rất cụ thể: "Xá Lợi Phất! Phải biết rằng ta ở trong đời ác ngũ trược thật hành việc khó này: Đặng thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác...".  Nếu chúng ta đọc lịch sử Đức Phật Thích Ca, chắc chúng ta sẽ nhận ra: để đạt được cảnh giới Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác Đức Phật đã phải từ bỏ tất cả: Vương quốc; Cung điện, lầu các; cuộc sống nhung lụa, quyền quý, cao sang; vợ đẹp, con khôn... để ra đi tầm sư, học đạo nhằm tìm ra chân lý của sự giải thoát... để rồi sau 6 năm đầy gian nan, vất vả và nhọc nhằn, cuối cùng Đức Phật đã nhập định trong vòng 49 ngày và đã đạt được cảnh giới của Niết Bàn – Cảnh giới của niệm tận, tình không. Niệm tận=trong lòng không còn tạp niệm; không còn thiện-ác, mà chỉ còn cảnh giới tịch lạc của tự tánh. Tình không=tâm không còn mảy may vướng luỵ vào dục lạc trần thế (cảnh giới vô lậu tận thông=không còn dục giới). 


Có lẽ vì nhận ra được những chông gai vô cùng tận và cũng nhận ra được căn cơ của chúng sanh thời mạt pháp sau này, nên Đức Phật đã khởi lòng từ bi, thương xót mà khuyên chúng sanh thời mạt pháp sau này: phải nên tin vào Kinh A Di Đà; nên tin vào những điều Phật nói, bởi chỉ có niềm tin tuyệt đối mới có thể giúp chúng sanh thời mạt pháp chúng ta thoát khỏi cảnh giới lục đạo luân hồi mà được sanh về cõi kia – Cõi Tịnh Độ.


Trở lại với câu hỏi: Thế nào là nhất tâm? Và thế nào là Quy y chiêm ngưỡng? Khi nói tới pháp môn của Phật dù đó là Mật, Thiền hay Tịnh, người tu hành đều phải nhất tâm. Nhất tâm=không xen tạp; không pha trộn; có lòng tin tưởng tuyệt đối, không quay đông, quay tây; Không sáng Nam, chiều Bắc (Ví dụ: Sáng tu Thiền; trưa tu Mật; chiều tu Tịnh. Hay sáng tụng kinh Hoa Nghiêm; Trưa kinh A Di Đà; Chiều tụng Kinh Phổ Môn; Tối tụng kinh Lăng Nghiêm… Điều này chỉ có hàng Bồ-tát hóa thân mới làm nổi). Nhất tâm còn có nghĩa: Tin tưởng cõi Cực Lạc có thật, vốn chẳng hư giả, bởi cõi đó là do kim khẩu của Đức Thế Tôn nói ra. Và Phật A Di Đà là có thật, chẳng phải ai đó huyễn hoặc mà thêu dệt, diễn nói ra để lòe bịp chúng sanh. Nhất tâm cũng còn có nghĩa: tin tưởng khi niệm sáu chữ: Nam Mô A Di Đà Phật! Hay bốn chữ hồng danh: A Di Đà Phật! là đồng nghĩa với việc mình đã, đang niệm, đã, đang quy y với mười phương Chư Phật, chứ không phải chỉ niệm riêng hay quy y riêng với Đức Phật A Di Đà như nhiều người thường nói. Nhất tâm cũng có nghĩa: Đời này niệm Phật A Di Đà, nguyện về cõi Cực Lạc, thì chỉ cần niệm A Di Đà Phật, và chỉ nguyện về cõi của A Di Đà Phật thôi, chứ không phải (tranh thủ) niệm thêm cho thật nhiều hồng danh của các chư Phật khác, rồi lại nguyện thêm về các cõi khác nữa (trượt cõi này còn cõi khác dự phòng); Nhất tâm cũng có nghĩa: Khỏe cũng niệm A Di Đà Phật, đau, ốm, bệnh hoạn, giàu, nghèo, sướng, vui, buồn, khổ, cho đến đi, đứng, nằm, ngồi… cũng vẫn sáu hay bốn câu Hồng Danh ấy mà niệm. 


A Di Đà Phật được chư Tổ lý giải: Nam-mô=Hồi đầu; Quy đầu, qua mạng; A=Vô; Di-Đà=Lượng; Phật=Giác. Gộp lại: Nam-mô A Di Đà Phật=Con nguyện hồi đầu, quy mạng đấng Vô Lượng Giác, đấng Giác Tôn=chỉ Phật A Di Đà=chỉ mười Phương Chư Phật. Vì thế mỗi khi chúng ta cất lên tiếng niệm: Nam Mô A Di Đà Phật! hay: A Di Đà Phật! là chúng ta cùng đồng niệm, cùng quy y mười Phương Chư Phật chứ không phải chỉ quy y hay tán thán riêng Đức Phật A Di Đà. Chính vì lẽ đó khi Đức Thế Tôn nói Kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ thì sáu phương chư Phật (Đông-Tây-Nam-Bắc-Trên-Dưới) đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên, đại thiên thế giới để tán công đức hoằng dương Phật Pháp không gì so sánh nổi của Đức Thế Tôn và cũng vì thế mà được tất cả các Chư Phật hộ niệm. 


Trong A Di Đà Kinh Đức Thế Tôn đã nói với Ngài Xá Lợi Phất: „Xá Lợi Phất! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Vì sao tên là Kinh: Nhất Thiết Chư Phật Hộ Niệm?“. Đức Thế Tôn nói: „Xá Lợi Phất! Vì nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào nghe kinh này mà thọ trì đó, và nghe danh hiệu của đức Phật, thời những thiện nam tử cùng thiện nữ nhơn ấy đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, đều được không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác“.

Và để khẳng định cho lời nói của mình là chân thật, Đức Thế Tôn đã nói với Ngài Xá Lợi Phất: „Xá Lợi Phất! Cho nên các ông đều phải tin nhận lời của Ta và của các đức Phật nói. Và: „Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn, nếu người nào có lòng tin thời phải nên phát nguyện sanh về cõi nước kia“. 


Vấn đề cần đặt ra cho chúng ta – những người muốn niệm Phật, muốn sanh về cõi Phật và muốn thành Phật sẽ phải làm gì? Tổ Ấn Quang dạy một câu là: "Tín, Nguyện, Hạnh. Với Tín - Nguyện - Hạnh thì không Tín chẳng đủ để khởi Nguyện. Không Nguyện thì chẳng đủ để dẫn dắt Hạnh. Không có diệu hạnh Trì Danh thì chẳng đủ để viên mãn điều mình Nguyện, chứng điều mình tin. Hết thảy kinh luận Tịnh Ðộ đều phát minh ý chỉ này".  


Muốn thành Phật chúng ta phải niệm Phật. Muốn thành Phật chúng ta phải nhất tâm tu Tịnh Nghiệp (hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ bâm bất sát; quy tam bảo; thọ trì ngũ giới và hành thập thiện), nhất tâm niệm, niệm niệm tương tục (không gián đoạn). Niệm mà chưa được nhất tâm (không phải là niệm tới tam muội, hay nhất tâm bất loạn) là vì trong lòng chúng ta còn nảy sinh nhiều điều mâu thuẫn, xung khắc (tham danh, dục lạc…), mà nhất tâm được hiểu, như chư Tổ dạy: từng chữ, từng lời (Nam Mô A Di Đà Phật, hay A Di Đà Phật) đều phải niệm từ tâm niệm ra, ngày qua ngày, tháng qua tháng, dẫu cho các hoặc nghiệp (tham-sân-si) có xuất hiện, có nảy sinh, âu cũng là lẽ thường của người niệm Phật. Tổ Ấn Quang thường nói: Chẳng phải tới khi niệm Phật chúng ta mới có, mới thấy tham-sân-si, hay vọng niệm trỗi dậy, mà lúc niệm Phật là lúc chúng ta tạm lắng tâm xuống, nên tham-sân-si mới hiện rõ nhất, mãnh liệt nhất, và lúc ấy chúng ta mới cảm nhận ra được. Và nếu nhất tâm tất sẽ có ngày những hoặc nghiệp đó tự bị chúng ta khoanh vùng, rồi đẩy lui… 
Chư Tổ nói: Niệm như thế chính là niệm mà vô niệm. Vô niệm mà niệm. Cảnh giới của vô niệm có lẽ chỉ có người Nhất Tâm Niệm Phật mới có thể lĩnh hội hay cảm ứng được. 

Muốn được Nhất Tâm Niệm chi bằng ngay từ bây giờ, cuộc đời này, kiếp này, ngày này, giờ này, phút này, lúc chúng ta còn khỏe mạnh, còn đủ trí lực… chúng ta hãy cùng nhau tin tưởng tuyệt đối những lời Phật nói và bắt tay nhau để cùng Niệm Phật!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

20.09.2013 – Huệ Tâm


*     *     *        *     *
Video Niệm Phật Thành Phật 
 Trích Lục Khai Thị của Pháp Sư Tịnh Không


New Comments