Samstag, 4. Januar 2014

Cúng Dường Chư Phật – Hiểu Sao Cho Đúng?




"Nghĩa là ta đem, mang đồ đến Chùa, đến Đạo tràng, Tịnh xá, Thiền viện hay Niệm Phật đường... với một cái tâm bỏn sẻn, tâm truy cầu, tâm so đo, tâm thụ hưởng... vì thế khi những món đồ chúng ta mang tới đó bỗng dưng biến mất trước mắt chúng ta, ngay lập tức chúng ta nổi sân, rồi thốt lên những lời nói, hành vi thiếu dung dị (ngoài sự kiểm soát), khiếm nhã, rồi sanh tâm buồn, nản, thất vọng, thoái lui..."


Huệ Tâm

- Bác ơi! Bác làm ơn cho cháu hỏi: Đĩa hoa quả cháu để cúng Phật ở chỗ kia, đâu mất rồi hả bác?
- Cô ơi! Đĩa bánh cháu đem đến để cúng  Phật, vừa rồi còn trông thấy, nhưng bây giờ cháu quay lại lấy lại không thấy đấu nữa?
- Chị ơi! Những đồ chay em mang đến từ nhà để cúng Phật, sao bây giờ không thấy đâu nữa hả chị?
- Chú! Chú làm ơn cho tôi  hỏi: Đồ tôi cất công làm từ nhà, rồi mang tới đây để làm lễ, cúng Phật, định bụng sẽ xin về cho người nhà dùng, sao bây giờ mất tiêu rồi hả chú?
- Em, cho chị hỏi: Đồ mang đến đây cúng, có được lấy lại, mang về nhà không?
- Kỳ cục quá đi! Đồ tôi mang cúng Phật, tôi vừa ra ngoài một chút thôi, trở lại đã thấy mấy tiêu rồi.
- Ơ, đĩa bánh trái, hoa quả tôi để đây, đâu mất rồi? Chị ơi, có biết ai lấy đĩa bánh và hoa quả của em không chị? v.v...

Trên đây chỉ là một trong vô số những câu hỏi tương tự, cùng những cử chỉ, lời nói khá bức xúc được đặt ra từ những người „bị mất đồ“ Cúng Dường Phật.

Nếu để ý đôi chút chúng ta sẽ nhận thấy, thông thường và đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết các Phật tử có tâm thường hay mua hương, hoa quả, hoặc tự làm bánh trái, đồ chay... rồi mang đến chùa, tịnh xá, thiền viện, niệm Phật đường... để cúng Chư Phật, Chư Bồ Tát và Chư Tăng. Hẳn ai ai cũng đinh ninh (mang trong lòng) một mối hy vọng: Phật, Bồ Tát sẽ hiển linh, sẽ chứng minh cho tấm lòng thành của mình, mà gia hộ cho mình, cho thân quyến... của mình có một cuộc sống thịnh đạt, sung túc và bình an hơn...

Trong thời đại ngày nay – nơi giá trị vật chất vốn được xem, được đặt lên hàng cao nhất, để làm được những việc đó và làm một cách thường xuyên đã là một điều đáng quý, đáng trân trọng lắm rồi. Tuy nhiên nếu chúng ta không để tâm tìm hiểu kỹ về ý nghĩa đích thực của việc Cúng Dường Chư Phật, tất sẽ có nhiều mâu thuẫn nội tâm xảy ra, từ đó sẽ khiến cho tâm của chúng ta – những người phát tâm đến Cúng Dường Chư Phật thêm bức xúc và bấn loạn.

Để hiểu rõ ngọn ngành sự việc, có lẽ chúng ta nên đặt ra một số câu hỏi:
- Cúng Dường là gì? Tại sao chúng ta – những người Phật tử lại phải năng làm việc đó? Ý nghĩa đích thực và lợi lạc của việc Cúng Dường?
Cúng Dường nói cho đúng đó là hành vi (cao nhất) tối thượng của hạnh Bố Thí. Bố thí=cho, tặng, biếu, hiến, dâng. Nhưng Bố Thí vốn có hai nghĩa đối lập: Bố Thí Thế Gian và Bố Thí Ba La Mật.
Thế nào là Bố Thí Thế Gian? Bố Thí Thế Gian là cho, biếu, tặng, hiến, dâng với một cái tâm không hoan hỉ; so đo, toan tính thiệt hơn, lợi-hại, thắng-thua, hay với cái tâm bề trên, thương hại...
Còn Bố Thí Ba La Mật? Bố Thí nghĩa Phạn Ngữ là (Dàna) và Ba-la-mật là (Paramità). Theo âm dịch trong Kinh Bát Nhã thì Para=Bến bờ kia; và Mi=đi đến. Như vậy cụm từ: Bố Thí Ba La Mật=Cho, tặng, biếu, hiến, dâng = không mong hoàn lại. Nói sâu hơn: Đó là hành vi của việc buông xả. Buông xả điều gì? Buông xả hành vi: cho, tặng, biếu, hiến, dâng của chính mình. 

http://static.kienthuc.net.vn:81/Images/dataimages/201007/original/images411424_7.jpg 
Qua sông nên bỏ lại bè - Ảnh mang tính minh hoạ
Để hiểu cặn kẽ ý nghĩa đích thực của hành vi Bố Thí này, chúng ta cần trở ngược lại hành vi Bố Thí Thế Gian. Đơn cử, khi chúng ta cho (biếu, tặng, hiến, dâng) ai một vật hay một điều gì đó, nhưng hành vi đó xuất phát từ lòng thương hại, từ sự ganh đua, hay vì danh, vì lợi, vì muốn chứng tỏ cho thiên hạ biết mình thế này, mình thế nọ, vì mong cho mình, cho gia đình mình điều này, điều nọ... Hành vi ấy không thể gọi là Bố Thí. Nói chính xác, đó là: Bố Thí Thế Gian. Nghĩa là còn có qua, có lại; có tâm truy cầu, tâm hưởng dụng, tâm cho và tâm người được cho... Ngược lại, Bố Thí Ba-la-mật xuất phát từ cái Tâm Buông Xả, Tâm Từ Bi, Tâm Lợi Lạc Chúng Sanh mà làm. Trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đức Phật chỉ cho Ngài Tu Bồ Đề về hành vi Bố Thí như sau: „Tu Bồ Đề! Lại nữa, vị Bồ Tát, đúng nơi pháp, phải nên không có chỗ trụ trước mà làm việc bố thí. Nghĩa là không trụ trước nơi hình sắc mà bố thí, không trụ trước nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Này, Tu Bồ Đề! Vị Bồ Tát phải nên bố thí như thế, chẳng trụ trước nơi tướng. Tại vì sao? Vì nếu vị Bồ tát không trụ trước nơi tướng mà bố thí, thời phước đức không thể suy lường“.
 
Thế nào là đúng nơi pháp? Đúng nơi pháp là không có chỗ trụ trước nơi tướng. Trở lại với ví dụ nêu trên: Ta cho, tặng, biếu, hiến, dâng ai đó một món quà, món đồ... nhưng không xuất phát từ cái tâm Buông-xả, nghĩa là: vì yêu thích, vì quí mến, vì danh, lợi, vì ganh đua, vì kẻ cả... mà làm=không đúng pháp=trụ nơi tướng mà làm; ngược lại, chúng ta làm những việc ấy bằng cái tâm Buông-xả: không vì mưu cầu danh lợi, ganh đua, hay thân, tín, quý mến, yêu thích...=Bố Thí Ba La Mật. Như vậy Bố Thí Ba La Mật lúc này hiểu theo đúng nghĩa Phật dạy: Ta đã làm một việc, nhiều việc mà không cần, không còn mảy may truy cầu, hưởng dụng, danh lợi...cho bản thân=Qua bến Bờ Kia=Ta đã thực sự qua sông rồi - qua sông rồi, mang thuyền, bè (mong cầu sự lợi lạc) làm chi nữa, cho nặng=Phước Đức Vô Lượng. Ngược lại, ta, chúng ta đã, hoặc đang bị kẹt giữa sông, và sẽ có nguy cơ bị chìm đắm ngay trên con sông đó. 
Con Sông được ví cho sự vướng kẹt: vì tham, vì sân, vì si, vì phân biệt, chấp trước, ngã mạn. Vượt qua được Con Sông đó chúng ta mới thực sự Đến Được Bến Bờ Kia=Giải Thoát.
Trở lại với những vấn nạn phần đầu, chúng ta thấy sở dĩ có những việc, những lời nói, hành động còn xảy ra như vậy, vì chúng ta chưa hiểu rõ ý nghĩa cao cả của việc Cúng Dường Chư Phật. Nghĩa là ta đem, mang đồ đến Chùa, đến Đạo tràng, Tịnh xá, Thiền viện hay Niệm Phật đường... với một cái tâm bỏn sẻn, tâm truy cầu, tâm so đo, tâm thụ hưởng... vì thế khi những món đồ chúng ta mang tới đó bỗng dưng biến mất trước mắt chúng ta, ngay lập tức chúng ta nổi sân, rồi thốt lên những lời nói, hành vi thiếu dung dị (ngoài sự kiểm soát), khiếm nhã, rồi sanh tâm buồn, nản, thất vọng, thoái lui...
Câu hỏi cần đặt ra: Chư Phật, Chư Bồ Tát có thực sự cần đến những món đồ mà chúng ta mang tới cúng dường hay không? Hoàn toàn không. Nói chính xác: Chư Phật, Chư Bồ Tát không hề cần, và cũng không mong cầu chúng ta mang đến những món đồ đó. Bởi nếu còn tâm mong cầu, nghĩa là còn trụ, còn vướng mắc, còn kẹt nơi tướng, thì đó không phải là Chư Phật và Chư Bồ Tát. Trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật Thích Ca đã nói về cảnh giới của Chư Phật và Bồ Tát ở cõi Cực Lạc như sau: „Những chúng sanh ở cõi Cực Lạc đều có hình mạo đoan nghiêm, phước đức vô lượng, trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại, các thứ thọ dụng thảy đều đầy đủ, phong phú vô cùng. Cung điện phục sức, hương hoa phan cái thảy đều trang nghiêm, các sự cần dùng đều theo ý muốn. Khi muốn ăn uống, chén bán bảy báu tự nhiên hiện đến, trăm thứ thức ăn tự nhiên sung mãn, tuy có đồ ăn nhưng chẳng thật ăn, thấy sắc ngửi hương, ăn bằng ý tưởng. Sắc lực tăng trưởng, không có tiện uế, thân tâm nhẹ nhàng, không tham đắm vị. Đến lúc ăn xong, đồ dùng biến mất, khi đến thời ăn thì lại hiện ra“ (Kinh Vô Lượng Thọ, Phẩm 19 – Thọ Dụng Đầy Đủ). Vậy nhưng tại sao Phật, Bồ Tát thường khuyến tấn chúng ta phải năng, phải thường xuyên Cúng Dường? Không ngoài ý nghĩa cao cả nào khác: Phật, Bồ Tát muốn chỉ dạy cho chúng ta: Hãy biết Buông-Xả, hãy biết từ bỏ tâm tham-ái, tâm chấp trước, tâm cưỡng cầu, tâm si mê (ngỡ là cúng đồ này, mang đồ nọ đến chùa, tịnh xá, đạo tràng... sẽ được Phật, Bồ Tát gia hộ, hay độ cho điều này, điều nọ...). Gộp chung lại: Chúng ta hãy làm mọi việc bằng cái Tâm Từ-Bi-Hỉ-Xả. 
Đoạn ác, tu thiện chính là khởi Tâm Từ; Không sát sanh, mà phóng sanh chính là khởi Tâm Bi; Làm những việc mà người khác thoái thác, chối bỏ, hoặc không muốn làm chính là Tâm Hỉ; Giúp người không điều kiện (làm bạn không thỉnh, không trụ trước nơi tướng) chính là Tâm Xả. Làm được những việc đó một cách viên mãn chính là chúng ta đang Cúng Dường Chư Phật, Chư Bồ Tát, và cũng là Cúng Dường (Bố Thí) Ba La Mật. Ngược lại, như Đức Phật nói trong Kinh Kim Cang: „Này Tu Bồ Đề! Nếu tâm của Bồ Tát trụ trước nơi pháp mà làm việc bố thí, thời như người vào chỗ tối tăm, liền không thấy đặng chi cả. Nếu tâm của Bồ Tát không trụ trước nơi pháp mà làm việc bố thí, thời như người có mắt sáng, lại có ánh sáng của mặt trời chiếu đến liền thấy các thứ hình sắc“. Mắt sáng chính là Tâm Đạo; Ánh sáng của mặt trời là quang chiếu của Phật và Bồ Tát và các thứ hình sắc là công đức vô lượng.
Nên chăng chúng ta năng và thường quán chiếu: Cúng Dường bằng cái tâm Từ-Bi-Hỉ-Xả.

01.2014 Huệ Tâm




New Comments