Freitag, 21. September 2012

Cảnh Giác An Lạc Ảo - Phần I

Vollbild anzeigen"Này Thiện tri thức, ngoài lìa tướng tức là thiền, trong chẳng loạn tức là định. Ngoài thiền trong định gọi là thiền định"


Phần I

Nhiều người tâm sự: Không hiểu sao mỗi lần đến Chùa đều cảm thấy trong lòng mình thoải mái, thanh thản hẳn, chẳng còn phiền lo gì nhiều nữa.
Đây là những cảm giác rất thật. Nếu dùng nhãn quan của nhà thiền để quán chiếu: Cảm giác thanh tịnh của tâm đó chính là thật tướng, là cảnh giới của thiền. Tại sao lại nói đó là thật tướng? Bởi cảnh giới ấy (cảm giác an lạc hiện tồn) chúng ta nhận biết ra được, cảm được và đem lòng ưa thích nó. Do vậy tuy nó là thật tướng của thiền nhưng chỉ là cảnh giới của hư giả. Sở dĩ nó hư giả vì đó chỉ là cảm thụ nhất thời mà chúng ta có được, chứ nó không trường tồn. Muốn biết nó thực là hư giả hay trường tồn, chúng ta thử làm một vài trắc nghiệm nhỏ.

Đến Chùa, cũng như mọi người, chúng ta đang thành kính làm lễ, hay dâng hương, bỗng có ai đó vì vô ý, hay vội vã đi ngang qua rồi huýnh mạnh vào người, hoặc dẫm, đạp lên chân chúng ta rồi bỏ đi không một lời xin lỗi; Hay ai đó vì vô ý làm đổ ly nước ngọt, hay cà phê lên chiếc áo, cái quần đắt tiền mà chúng ta dùng để chưng diện trong dịp lễ chùa; Hay ta đang thành kính làm lễ, nhưng có ai đó nói: Anh, chị này! Làm ơn xuống đằng dưới kia lễ Phật đi, cứ gì cứ phải lên tận đây mới lễ được? Hay chúng ta đang dâng hương, có người bên cạnh quay sang, vừa ho, vừa nóng nảy nói: Hương khói gì mà ghê thế không biết! Thắp thế này muốn hun khói mọi người chắc? Hay chúng ta đang lắc sâm, trong lòng tâm tâm, niệm niệm sẽ lắc được quẻ sâm Thượng Thượng, vậy nhưng tới cả ba bốn lần, khi quẻ sâm rớt xuống đều là Hạ Hạ; Hay chúng ta đang ngồi nghe Pháp, bỗng nhiên ông chồng, bà vợ gọi réo từ đằng xa: Cái ông này! Cái bà kia! Tháng nào cũng đến chùa, năm nào cũng nghe Pháp vậy mà không biết chán à? v.v…


Khi đối diện với những cảnh huống trên liệu tâm chúng ta còn cảm thấy thanh thản? Chắc chắn cảm giác thanh thản ấy ngay lập tức sẽ biến mất, thế vào đó sẽ là những phản ứng rất tự nhiên sẽ xảy ra:

- Ông, bà này vô ý thế? Huých cả vào người; xéo cả vào chân người ta rồi bỏ đi?
- Ăn uống cũng phải ý tứ chứ? Làm bẩn hết cả quần, áo đắt tiền của người ta rồi.
- Không được! Tôi đến Chùa là để lễ Phật, giờ lại bảo tôi xuống tận đằng xa để tôi lễ mông người khác à?
- Ăn nói kiểu gì thế? Đến chùa thì phải thắp hương. Khói thì phải ráng chịu chứ? Thắp một vài nén, Phật nào chứng giám cho?
- Hôm nay là ngày gì không biết nữa. Lắc tới sái cả tay mà lẫn nào cũng đều là Sâm Hạ Hạ cả!
- Ông, bà làm gì mà to mồm thế? Tôi nghe Pháp là chuyện của tôi. Ông, bà không thích thì biến ra đằng kia mà ăn, nhậu. Sao lại la, hét chỗ này?...v.v…

Như vậy chỉ cần một số cảnh giới xảy ra như vừa kể trên, ngay lập tức cảm giác thanh thản trong chúng ta tự nhiên biến mất. Sự "biến mất" ấy chính là thật tướng, nhưng lần này thay vì thanh thản, nó là thật tướng của sự sân hận.
Vậy làm thế nào để khi chúng ta đối diện với tất cả cảnh giới thiện, ác mà tâm chúng ta vẫn luôn thanh thản? (cảnh giới an lạc của tâm=thiền định).
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn Tổ Huệ Năng định nghĩa về Thiền Định như sau: "Này Thiện tri thức, ngoài lìa tướng tức là thiền, trong chẳng loạn tức là định. Ngoài thiền trong định gọi là thiền định".
Trở lại thật tướng "thanh thản" chúng ta cảm thấy có được, đó chính là cảnh giới nhất thời của sự lìa tướng=thiền, nhưng cảm giác được nhập "thiền" ấy vốn chỉ diễn ra trong gang tấc, thậm chí mới chỉ diễn ra trong một niệm=một niệm Thiền chứ chưa có Định, do vậy nó chỉ là thiền hư giả, bởi nó còn có nhập - Nhập khi không ai đụng chạm đến ta; Có xuất - Xuất khi mình bị đụng chạm, bị la mắng, bị quấy rối, bị làm phiền... Như vậy muốn được thiền trong từng niệm niệm không phải chúng ta chỉ chọn lúc nào Chùa thật thanh vắng rồi mới tới lễ Phật, trái lại chúng ta phải năng hoà quang, tiếp vật, luôn hằng tri, hằng giác. Nghĩa là đối cảnh (thiện-ác) chúng ta luôn thường phải quán chiếu, không để tâm nhiễm cảnh rồi bị cảnh lôi cuốn, hay bị dính kẹt trong cảnh đó.
(còn tiếp)

New Comments