"Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề. Một niệm ngu tức phàm phu, một niệm trí tức Phật..."
Phần II
Sẽ có người bảo: Cảnh ác xa lìa là lẽ đương nhiên, chứ cảnh thiện tạo sao lại phải xa lìa nó? Vậy thì người đời đâu cần phải nhất tâm hành thiện làm gì? Hiểu vậy là chúng ta còn chấp tướng – tướng thiện. Một việc thiện rất nên tán dương, rất nên làm, nhưng tán dương rồi, làm rồi thì nên xả, chứ không nên chấp, lưu giữ mãi trong lòng, để rồi chính mình bị kẹt mãi trong việc thiện đó.
Trong thiện có ác vốn dĩ là vậy.
Vậy làm thế nào để chúng ta có Định? Tổ nói: Trong chẳng loạn tức là Định. Trong này là trong tự tánh thanh tịnh của mỗi chúng ta. Tự tánh vốn dĩ luôn thanh tịnh (như như bất động), sở dĩ nó không thanh tịnh là do lúc ấy tâm ngu si, tâm sân hận, tâm chấp trước, tâm ngã mạn nổi lên, che lấp, chứ thực tế tự tánh ấy vốn không hề thay đổi hay biến mất. Do vậy muốn cho chúng ta luôn luôn sống trong Định (niệm niệm hằng định) thì chúng ta phải quay vào bên trong để quán chiếu tự tánh của chính mình, chứ không để cho tâm chúng sanh dấy khởi, rồi mê mải chạy theo những cảnh giới thiện-ác bên ngoài và để cho những cảnh giới ấy chi phối để che lấp mất tự tánh.
Trong kinh Kim Cang Bát Nhã Phật đã dạy Ngài Tu Bồ Đề cách hàng phục tâm như sau: "Các vị đại Bồ-tát phải hàng-phục tâm mình như thế này: bao nhiêu những loài chúng-sanh, hoặc là loài noãn-sanh, hoặc loài thai-sanh, hoặc loài thấp-sanh, hoặc loài hóa-sanh, hoặc loài có hình-sắc, hoặc loài không-hình-sắc, hoặc loài có-tư-tưởng, hoặc loài không-tư-tưởng, hoặc loài chẳng-phải-có-tư-tưởng, mà cũng chẳng-phải-không-tư-tưởng, thời ta đều làm cho được diệt-độ, và đưa tất cả vào nơi vô-dư niết-bàn. Diệt-độ vô-lượng, vô-số, vô-biên chúng-sanh như thế, mà thiệt không có chúng-sanh nào là kẻ được diệt-độ cả. Tại sao vậy? Này, Tu-Bồ-Đề! Nếu vị Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, thời chẳng phải là Bồ-tát".
Tổ Huệ Năng dạy: Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề. Một niệm ngu tức phàm phu, một niệm trí tức Phật.
Nếu coi một niệm ngu tức phàm phu=một niệm của chúng sanh. Vậy niệm niệm ngu đồng nghĩa với niệm niệm của phàm phu=niệm niệm chúng sanh. Khi niệm niệm chúng sanh dấy khởi chúng ta đều làm cho các chúng sanh (niệm chúng sanh) ấy được diệt độ, và đưa tất cả vào vô dư niết-bàn, tất sẽ tìm được tự tánh thanh tịnh của chính mình.
Sẽ có người bảo: Niết-bàn là cảnh giới của Chư Phật, Chư Bồ Tát, chúng ta là phàm phu làm sao có thể nhập vào vô dư Niết-bàn để mà diệt độ tất cả chúng sanh? Thực tế Niết-bàn không phải là cảnh giới của riêng Chư Phật hay Chư Bồ-tát, cũng không phải Niết-Bàn là chúng ta phải nhập diệt, rồi mới độ được chúng sanh. Bởi khi đã nhập diệt rồi thì làm sao có thể được diệt độ được chúng sanh nữa? Niết-bàn Phật nói là cảnh giới của thanh tịnh, không còn sanh diệt, không còn chấp trước, không còn phân biệt, không còn phiền não… Mà phàm phu, chúng sanh, cũng vốn có tự tánh niết-bàn ấy. Nhưng vì phàm phu, vì chúng sanh vốn luôn sống trong mê lầm, trong điên đảo, vọng tưởng, nên tự tánh niết-bàn ấy bị che lấp, nên ngỡ tưởng tự tánh ấy vốn chỉ có Phật, Bồ-tát hay các chư Thánh mới có được, vì thế cứ mê mải chạy ra ngoài để tìm cầu tự tánh đó. Vả lại chúng ta thường nghĩ: Chỉ có Phật và Bồ-tát mới có thể "độ" chúng sanh, còn chúng ta là phàm phu lấy gì mà độ? Hiểu như vậy là chúng ta đã hiểu sai ý của Phật. Bởi Phật nói "độ" đây là độ tất cả chúng sanh, hễ nơi nào có chúng sanh (còn chúng sanh) là nơi ấy cần phải diệt độ; một niệm chúng sanh nổi lên thì một niệm ấy cần phải diệt độ; niệm niệm chúng sanh nổi lên tất niệm niệm chúng sanh ấy cần phải diệt độ. Diệt độ bằng cách nào? Bằng cách chúng ta đưa tất cả các niệm niệm chúng sanh ấy vào vô dư niết bàn=vào tự tánh thanh tịnh (không còn sanh diệt) để diệt độ. Và như vậy là chính chúng ta đã tự "độ" cho chính mình chứ không hề có Phật, hay Bồ-tát nào độ cho chúng ta cả. Trở lại với những ví dụ nêu trên, sở dĩ cảm giác "thanh thản" trong chúng ta tự nhiên biến mất, thế vào đó là cảm giác của sân hận? Bởi lúc ấy niệm niệm ngu si trong chúng ta đã trỗi dậy=niệm của phàm phu=niệm chúng sanh. Nhưng nếu ngay lúc ấy, chúng ta quán chiếu được và biết đó là niệm của phàm phu, của chúng sanh dấy khởi, chúng ta hãy lập tức đưa tất cả những niệm chúng sanh ấy vào tự tánh thanh tịnh của chính mình mà diệt độ. Diệt độ rồi mà không có cảm giác (không khởi ý niệm) ta đã diệt độ cho những chúng sanh ấy (chúng sanh lúc này được hiểu ở hai góc độ: người đã gây phiền não cho mình; và ý niệm phiền não trong tâm mình dấy khởi khi bị người gây phiền não), nghĩa là: không có người độ (là ta) và người được độ (người gây phiền não cho mình). Nếu chúng ta còn có vọng tưởng về người độ và kẻ được độ tất chúng ta còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Khi những tướng đó còn tồn tại trong tâm của chúng ta tất đó không phải là chân độ nữa. Khi chân độ biến mất, tánh sân hận tất sẽ gia tăng=ngu si=niệm trí biến mất=Phật tánh cũng không hiện tồn. Đó cũng chính là ẩn nghĩa: Phàm phu tức Phật mà Tổ Huệ Năng đã đề cập. Và đương nhiên cảm giác "thanh thản" khi tới Chùa dĩ nhiên sẽ không còn nữa.
Vậy làm thế nào để chúng ta luôn luôn có được cảm giác thanh thản mỗi khi đến Chùa? Nói khác đi: Làm thế nào để cảnh giới tịnh lạc ở Chùa hằng thường tồn tại trong mỗi chúng ta? Và ở mọi nơi, mọi chốn, mọi không gian, thời gian, mọi hoàn cảnh…? Bài kệ dưới đây của Đức Phật có lẽ đã nói lên tất cả:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương cũng như điện
Nên khởi quán như thế.
24.12.2011 Huệ Tâm
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen