"Thực ra ai trong mỗi chúng ta đều có sẵn một vị Phật trong tâm, nhưng vì chúng ta vô minh nên không nhận biết ra mình vốn có sẵn vị Phật ấy, nên cứ mải mê đi tìm một vị Phật khác ngoài cõi hư vô để thờ, tụng và mong đợi sự gia độ..."
Có người đã chua chát nói thế này: Bao nhiêu năm tôi theo Phật, thờ Phật, vậy mà Phật chẳng cho tôi cái gì cả, trái lại còn lấy của tôi tất cả…
Nhìn vào hoàn cảnh của người nói ra câu nói trên: Chồng mất, nhà cửa, tài sản, sự nghiệp trong giây phút đều tiêu tán… hẳn không ít người đã chép miệng vừa như thương xót, vừa như thương hại. Với một người ngoài đời mà trong phút giây vợ chồng ly tán, của cải, tài sản, nhà cửa, sự nghiệp… đều mất sạch. Một người – từng được mệnh danh là doanh nhân "hoành tráng", từng làm chủ nhiều cơ sở sản xuất hàng nội địa và xuất khẩu, từng có một cuộc sống khá vương giả, đi có kẻ đưa, về có người đón rước… nay đã không còn một tấc đất để nương thân, trong suy nghĩ và con mắt của thế gian: quả là thiên đàng đã trở thành địa ngục.
Trong cuộc sống làm ăn thời kinh tế thị trường hiện nay, sự thắng-thua, may-rủi vốn diễn ra từng giây, từng phút, và xảy ra trong mọi ngõ ngách cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta. Tuy nhiên khi sự việc xảy ra với cá nhân mình, gia đình mình, chúng ta nên có cách suy nhận như thế nào cho đúng lẽ Đời và hợp lẽ Đạo?
Trở lại câu nói: Bao nhiêu năm tôi thờ Phật, theo Phật, Phật chẳng cho tôi cái gì cả, trái lại còn lấy của tôi tất cả.
Vấn đề cần đặt ra ở đây là người bị "thiệt hại" nêu trên đã từng theo Phật và thờ Phật theo hình thức gì? Và với mục đích gì? Đây là một câu hỏi luôn mang tính thời sự nóng bỏng cho tất cả chúng ta – những ai thực sự có lòng hướng Phật và muốn đi theo con đường mà Phật đã chỉ dạy.
1. Có phải tôi thờ Phật, theo Phật là tôi sẽ được Phật gia hộ?
Đây là điều rất dễ khiến cho nhiều người lầm lẫn và có sự ngộ nhận về đạo Phật. Đơn giả là: Tôi mua, sắm tượng Phật (khác với thỉnh), tôi lập hương án, bàn đèn, phướn, lọng… thật long trọng, rồi ngày ngày tôi miệt mài nhang đèn, tụng kinh, gõ mõ, khấn vái xì xụp... vậy là tôi đã trở thành một đệ tự thuần thành của Phật? Thực tế không như vậy. Người thờ Phật cũng chưa chắc đã là theo Phật. Điều này có thể nhìn rộng khắp cuộc sống của mỗi gia đình người Việt của chúng ta, hẳn sẽ thấy rõ: Hầu như trong mỗi gia đình ngoài bàn thờ tổ tiên, ai cũng có thêm một bàn thờ Phật. Vấn đề cần đặt ra là: Thờ Phật để làm gì? Nếu được hỏi, có lẽ hiếm nhận được một câu trả lời thích đáng. Ý nghĩ giản đơn nhất có lẽ: Thờ Phật để mong cầu sự gia hộ cho gia đình, con cái cái được ăn nên, làm ra, hay được khoẻ mạnh, cuộc sống vương giả…
Như vậy là ngay bước khởi đầu chúng ta đã có một sự mê lầm trong vấn đề thờ Phật.
Đạo Phật là một Đạo Giác ngộ, Từ Bi và Giải thoát.
Giác ngộ điều gì? Về Nhân-Quả. Người theo Phật, thờ Phật mà không không lý giải, không giác ngộ được về Nhân-Quả tất sẽ rất dễ dẫn tới mê lần. Từ mê lầm sẽ dẫn tới tham-sân-hận rồi dẫn tới điên đảo, vọng tưởng.
Hành động và lý lẽ của người kể trên chính là hệ quả của việc thiếu hiểu biết về lý Nhân-Quả trong đạo Phật. Đơn giản là: tôi thờ Phật, tôi tụng kinh, tôi gõ mõ, tôi sắm sửa hương hoa, nhang đèn cúng dường chư Phật… tất chư Phật sẽ phải gia hộ cho tôi điều này, điều nọ - qui luật sòng phẳng của cho-nhận? Chỉ cần quán chiếu một chút thôi chúng ta sẽ nhận thấy động cơ đến với Phật của người kể trên là hoàn toàn mê lầm và thiếu trong sáng, nếu không nói là hoàn toàn vụ lợi mà đến. Ngay từ phút khởi đầu đến với Phật mà trong tâm đã chất chứa đầy sự vụ lợi, tất hệ quả sẽ không thể nghĩ bàn.
Thật ra Phật không phải là đấng toàn năng (như không ít người vì mê lầm mà gán cho Phật), do vậy Phật không có khả năng để độ cho người này, kẻ nọ theo đúng nguyện ước của mỗi người. Và giả như Phật có được khả năng làm điều đó, thì Phật lúc này không còn là Phật của lòng Từ Bi và Đại Giác, Đại ngộ nữa.
Như vậy từ sự mê lầm ngay buổi đầu đến với Phật, kết hợp với những mê lầm, toan tính trong quá trình tu học Phật Pháp (tu tạp; gặp đâu, gặp gì tu nấy; tu để thoả mãn những nhục dục phàm trần và cái bản ngã của chính mình) mà người kể trên đã tự đưa mình đến bờ vực thẳm. Để rồi khi biết mạng sống của mình và gia đình mình đang lửng lơ bên bờ vực, thay vì người nọ phải bừng tỉnh để quán chiếu, giác ngộ những mê lầm trong suốt năm tháng "tu" và "theo" Phật để tỉnh giác, để hồi đầu, thì người nói trên lại để tâm mình hoàn toàn rơi vào trạng thức ngu mê.
2. Sao gọi là thờ Phật?
Rất nhiều người trong chúng ta ngỡ rằng sắm, thỉnh tượng Phật về nhà rồi ngày ngày hương hoa, nải quả… rồi thành tâm khấn vái vậy đã đủ và đã là thờ Phật rồi.
Suy nhận một cách sâu xa hơn những tôn tượng Phật, tranh, ảnh Phật chỉ là những vật vô tri, vô giác, bởi Đức Phật bằng xương, bằng thịt đã nhập diệt cách đây hơn 2600 năm rồi, vậy thì làm sao Đức Phật có thể gia độ cho chúng ta được. Như vậy chúng ta thờ Phật ở đây trước là dùng tôn tượng (tranh, ảnh) của Đức Phật để tưởng nhớ tới một vị Đại giác, Đại ngộ – người đã để lại cho chúng sanh muôn loài thời mạt pháp những pháp môn tu hành tối thượng thừa, giúp cho mọi chúng sanh được liễu ngộ và đến bờ giải thoát. Xa hơn, cụ thể và trực diện hơn là chúng ta thờ chính vị Phật tâm của mình. Thực ra ai trong mỗi chúng ta đều có sẵn một vị Phật trong tâm, nhưng vì chúng ta vô minh nên không nhận biết ra mình vốn có sẵn vị Phật ấy, nên cứ mải mê đi tìm một vị Phật khác ngoài cõi hư vô để thờ, tụng và mong đợi sự gia độ. Ngày còn tại thế Đức Phật từng nói:
"Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thinh cầu ta
Nguời ấy tu dạo tà
Chắc là không thấy ta.”
Suy diễn logic một chút chúng ta có thễ thấy: Vị Phật tâm của chính mình mà chúng ta không trân trọng, không ngó ngàng, đếm xỉa tới, vậy thì chúng ta có thể tôn trọng một vị Phật đã lìa xa mình hơn 2000 năm và ở một cõi vô lượng, vô ức kiếp chăng?
Như vậy thờ Phật ở đây ý nghĩa tối thượng là ta hãy tự thức tỉnh vị Phật tâm của chính mình, rồi lấy vị Phật tâm làm thầy, làm bạn để tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo.
Huệ Tâm
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen