Donnerstag, 20. September 2012

Chùa Không Pháp - Phần I

"Suy rộng ra trong gia đình, ngoài đời, xã hội… ai ai cũng chỉ muốn nghĩ lợi cho mình, còn phần thiệt thì gán cho người; rồi những cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái hoàn mĩ đều muốn nó thuộc về mình cả; ngược lại những thứ xấu xa, tồi tệ, những cái dở, không hoàn mĩ, những điều bất thiện… đều gắp, hay đổ thừa cho kẻ khác..."


Truyện ngắn của Việt Hà

Phần I



Để ý mấy tuần nay nhưng chưa có cơ hội tiếp xúc, bữa nay thấy chàng trai nọ gương mặt đầy căng thẳng bước ra cổng, ông lão gác cổng Giác Không bèn ngừng quét sân, ngẩng lên chào chàng trai nọ, rồi hỏi: - A Di Đà Phật! Chú lại đi dạo?
Chàng trai nọ định rảo bước, chợt nghe ông lão gác cổng hỏi, bèn khựng lại, khẽ gãi sồn sột lên mang tai, nói:
- Vâng! Cháu phải đi một chút! Trong chùa ngột ngạt quá, chịu không nổi.
- A Di Đà Phật! Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Chàng trai định bước đi, nhưng nghe câu được, câu mất, bèn nán lại hỏi.
- Bác vừa bảo gì cơ ạ?
Ông lão Giác Không nói:
- Tôi bảo: Người vui thì cảnh cũng vui. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Chàng trai gượng cười, nói lấp lửng:
- Vâng! Cháu cứ ngỡ…
Ông lão Giác Không:
- Cho tôi hỏi cậu một câu. Nếu thích thì cậu trả lời, ngược lại cậu đừng nói gì cả nhé.
Chàng trai đáp:
- Bác cứ hỏi đi!
Ông lão Giác Không:
- Từ bữa chú tới chùa đến nay tôi thấy khí sắc của chú không được tốt lắm. Chú có chuyện gì hay sao mà phải tìm tới chốn này?
Chàng trai khẽ gãi gáy, đáp:
- Không… À mà vâng! Ở nhà cháu thấy đau đầu, não ruột quá. Cứ ngỡ tìm đến nơi này sẽ thấy vui hơn. Ai dè cũng đau đầu chẳng kém ở nhà.
Ông lão Giác Không:
- Cậu vừa bảo sao? Cậu tính đến chùa để tìm nguồn vui ư? Vui thú gì cái chốn thanh lặng này?
Chàng trai đáp:
- Vâng! Thế cháu mới càng thấy đau đầu.
Ông lão Giác Không chắp một tay trước ngực, thủng thẳng nói:
- A Di Đà Phật! Vậy thì cậu phải nên đi dạo nhiều một chút. Nhìn cảnh, nhìn người cho thấu. Biết đâu cậu chẳng tìm lại cho mình đôi chút bình yên?
Chàng trai đáp:
- Vâng! Cháu đi đây!
Ông lão Giác Không nhìn theo chàng trai nọ, lắc đầu, khẽ thở dài.

***


Cả buổi chiều không thấy chàng trai nọ trở lại chùa, rồi tới bữa cơm chiều cũng thấy chàng trai xuất hiện. Sư trụ trì dùng cơm chiều xong, đi ngang qua hậu sảnh, thấy ông lão Giác Không còn lúi húi tỉa cây, bèn bước lại hỏi.
- Sao bác không nghỉ rồi dùng cơm chiều đi. Cơm canh nguội cả rồi.
Nghe tiếng Sư trụ trì vang lên sau lưng, ông lão Giác Không vội dừng tay, chắp tay đảnh lễ:
- A Di Đà Phật! Con đang dở tay. Để chút nữa con dùng cơm sau cũng được.
Sư trụ trì bước lại gần ông lão Giác không, rồi hỏi:
- Bữa nay bác có thấy cậu trai trẻ đâu không? Chiều nay không thấy cậu ta dùng cơm chiều.
Ông lão Giác Không đáp:
- A Di Đà Phật! Chú ấy đi rồi!
Sư trụ trì hỏi:
- Đi đâu thế bác? Chú ấy muốn ở lại đây ít tháng, sao giờ lại bỏ đi?
Biết mình lỡ lời, ông lão Giác Không vội vàng nói.
- A Di Đà Phật! Con nói không rõ nghĩa, để Thầy phải hiểu lầm. Chả là hồi trưa, con thấy tướng sắc cậu ấy mỏi mệt quá nên khuyên cậu ta nên đi dạo lâu một chút để có thời gian mà soi cảnh, thấy người, để tìm sự tĩnh lặng cho chính mình. Chẳng dè cậu ấy đi mà không về…
Sư trụ trì nói:
- Cậu ấy còn trẻ mà tính khí đã ngạo mạn và nóng nảy quá. Hy vọng là cậu ấy còn trở lại. Để thư thả ít hôm, có cơ duyên tôi sẽ trò chuyện với cậu ta, xem cụ thể thế nào.
Ông lão Giác Không chắp tay trước ngực đáp:
- A Di Đà Phật! Được vậy thì tốt cho cậu ấy quá. Thôi, để mời Thầy về nghỉ, kẻo đã trễ rồi.
Sư trụ trì cũng chắp tay, đáp lễ rồi thong thả đi xuyên qua khu hậu viên rồi về phòng nghỉ.

***


Đêm đã khuya. Ông lão Giác Không định xả thiền rồi rời chánh điện để về phòng nghỉ ngơi, nhưng thoáng nghe tiếng bước chân quen thuộc rón rén bước vào chánh điện, nên ông lão Giác Không bèn cố nán lại, rồi giả như còn đang ngồi thiền. Được một lát thì nghe tiếng thân người đổ gục xuống sàn chánh điện, rồi kế đó là tiếng sột soạt chỉnh lại thế ngồi. Nhưng chỉ được ít phút sau thì tiếng gáy đã lại vang lên, rồi kế đó lại là tiếng người đổ gục xuống sàn nhà. Thấy vậy ông lão Giác Không giả đò không hay biết, bèn lớn tiếng tụng kinh:
… Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị…
Nghe tiếng tụng kinh quá lớn, bóng người đổ gục dưới sàn như chợt tỉnh, bèn vội vàng lồm cồm ngồi dậy, bắt chân kiết già, dường như muốn tiếp tục ngồi thiền, nhưng tiếng ông lão Giác Không lại đột ngột vang lên.
… Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng, bất giảm, thị cố…
Ông lão Giác Không chưa tụng hết câu thì thấy bóng đen phía sau nhổm dậy, đi vội lên phía mình, khẽ nói nhỏ.
- Bác ơi!
Ông lão Giác Không tảng lờ không nghe thấy, vẫn tiếp tục tụng kinh:
… thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành thức, vô nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp…
Đoán ông lão Giác Không không nghe thấy tiếng mình gọi, bóng đen phía sau bèn bước lại gần, rồi khẽ đập lên vai ông lão Giác Không, nói.
- Bác Giác Không! Bác làm ơn tụng kinh nhỏ một chút thì cháu mới thiền được.
Ông lão Giác Không giả bộ giật mình, bừng tỉnh, nói.
- Ai thế?
Tiếng bóng đen vội đáp.
- Cháu đây bác!
Ông lão Giác Không thoáng mỉm cười trong bóng đêm, nói.
- Cậu đấy à? Về từ hồi nào, mà làm tôi hết cả hồn.
Tiếng bóng đen:
- Cháu về lúc nãy, rồi vào ngồi thiền luôn trong này.
Hình chỉ mang tính minh họa (Ảnh nguồn: google.com)

Ông lão Giác Không:
- Vậy sao? Vừa nãy tôi nghe có tiếng ngủ gục, rồi tiếng ai gáy, lại ngỡ mấy chú Phật tử nghỉ tá túc qua đêm tại chánh điện.
Tiếng bóng đen:
- Đâu có ai. Nãy giờ chỉ có cháu ngồi thiền trong này. Làm gì có tiếng ai ngủ gục rồi gáy đâu bác? Mà sao hôm nay bác tụng kinh to thế? Thường ngày bác đâu có tụng kinh khuya như thế này?
Ông lão Giác Không mỉm cười đáp:
- A Di Đà Phật! Tụng kinh to cũng là để nhắc mình, nhắc người đừng hôn trầm, rồi ngủ gục.
Tiếng bóng đen:
- Nhưng nghe tiếng bác tụng kinh, cháu chẳng thể thiền được nữa.
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Vậy đối với cậu thế nào mới là toạ thiền?
Tiếng bóng đen:
- Thì cháu cũng như bác! Ngồi bán già hay kiết già rồi quán tưởng.
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Tổ Huệ Năng dạy: Ngoài đối với cảnh giới thiện ác tâm không khởi là toạ; Trong thấy được tự tánh chẳng động ấy là thiền. Nghĩa là 6 giác của cậu tiếp xúc với 6 trần mà tâm không khởi vọng tưởng; tự tánh của cậu vốn thanh tịnh, cậu luôn giữ cho tự tánh ấy chẳng khởi rồi duyên đắm theo sắc trần, ngay chính lúc ấy, dẫu cậu đang đi ngoài đường, hay ở chợ, quán… là cậu đã đang toạ thiền rồi, chứ đâu cần cậu phải ngồi bán già, hay kiết già rồi quán nọ, quán kia mới là thiền? Lòng cậu giờ không yên, tâm vừa gặp cảnh đã luyến ái theo cảnh rồi vướng kẹt trong cảnh đó nhưng lại ngỡ mình đang quán tưởng. Tiếng bóng đen:
- Bác bảo sao ạ? Sáu giác tiếp 6 trần? Rồi đi ở ngoài đường cũng có thể thiền được? Vậy thì tại sao cháu thấy mọi người vẫn cứ phải ngồi thiền? Ở nhà cháu cũng thích ngồi thiền vào lúc đêm khuya.
Ông lão Giác Không:
- 6 giác là nhãn-nhĩ-tỉ-thiệt-thân-ý, tức là mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý của cậu; còn 6 trần là sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp. Cậu thử nhìn cái lọ hoa trên bàn thờ Phật kia rồi nói cho tôi biết, lọ hoa đó thế nào? Tiếng bóng đen:
- Dạ! Cháu thấy lọ hoa đó rất đẹp, nhưng có những bông đang héo.
Ông lão Giác Không:
- Nếu như tôi tặng cậu lọ hoa kia cậu sẽ chọn những bông nào?
Tiếng bóng đen:
- Dĩ nhiên cháu sẽ chọn những bông đẹp và còn tươi.
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Cậu thấy cái đẹp và cái xấu, rồi cậu ham cái đẹp; bỏ cái xấu. Cái đẹp-xấu ấy chính là sắc. Vì sao nó là sắc? Vì cậu có thể phân biệt được. Nhưng cậu dùng cái gì để phân biệt?
Tiếng bóng đen:
- Dĩ nhiên là đôi mắt rồi!
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Cậu lầm rồi! Đôi mắt vốn chỉ có chức năng nhìn, còn biết nó xấu-đẹp là do cái tâm phân biệt của cậu nó khởi lên, rồi chấp trước sự xấu-đẹp đó, để rồi cái đẹp thì mình đem lòng yêu thích; ngược lại mình sẵn sàng ruồng bỏ nó. Việc cậu chọn hoa là một ví dụ. Suy rộng ra trong gia đình, ngoài đời, xã hội… ai ai cũng chỉ muốn nghĩ lợi cho mình, còn phần thiệt thì gán cho người; rồi những cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái hoàn mĩ đều muốn nó thuộc về mình cả; ngược lại những thứ xấu xa, tồi tệ, những cái dở, không hoàn mĩ, những điều bất thiện… đều gắp, hay đổ thừa cho kẻ khác. Tất cả những thứ đó chính là cái tâm phân biệt thiện-ác. Nghĩa là thiện thì là ta, thuộc về ta; còn ác thì chắc chắn là của người khác. Khi tâm phân biệt khởi lên như vậy thì khó có thể thiền được.
Tiếng bóng đen:
- Nhưng chiều nay, đi dạo, cháu đâu có thấy gì đâu?
Ông lão Giác Không:
- Cậu chớ có lầm tưởng. Cái không thấy của cậu lúc ấy là cái không ngơ. Nghĩa là mọi sự xung quanh cậu lúc ấy đều là vô nghĩa. Thậm chí chính bản thân cậu lúc ấy đang nghĩ gì, muốn gì, cậu cũng không hề hay biết. Đó không phải là trạng thái tịnh không, nghĩa là sự tịnh lặng của tâm, trái lại nó là không ngơ, là cái không của sự vô cảm, vô minh. Còn cậu nói thường ngồi thiền vào buổi khuya phải không?
Tiếng bóng đen:
- Dạ! Vì cháu nghĩ khuya sẽ tịnh lặng nên dễ thiền hơn.
Ông lão Giác Không:
- Vậy là cậu nghĩ lầm rồi. Tại sao cứ phải vào lúc khuya? Mà không phải là mọi nơi, mọi chốn? Sự tịnh lặng của không gian với sự tịnh lặng của tâm nó vốn không khác biệt. Cậu chọn sự tịnh lặng của không gian, rồi ngồi ép mình trong sự tịnh lặng ấy và ngỡ nó sẽ giúp mình có thể thiền định được. Và thực tế thì cậu thấy được những gì?
Tiếng bóng đen:
- Bác hỏi được gì là sao ạ?
Ông lão Giác Không:
- Tâm tịnh tất cõi Phật tịnh. Cậu ngồi thiền để làm gì? Thấy gì?
Tiếng bóng đen:
- Ngồi thiền để tịnh tâm!
Ông lão Giác Không:
- A Di Đà Phật! Vậy cậu có biết tâm mình ở đâu không?
Tiếng bóng đen:
- Bác hỏi khó thế, làm sao cháu biết?
Ông lão Giác Không:
- Cái tâm của cậu vốn không có nơi, chốn, cũng không có hình tướng, vì vậy cậu không thể nhìn, hay phân biệt được nó. Chỉ khi nào cậu khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước… thì lúc ấy cậu mới biết đó chính là tâm.
Tiếng bóng đen:
- Nhưng cháu có phân biệt hay chấp trước gì đâu, mà chỉ thấy toàn thân đau nhức. Lắm hôm, ngồi thiền cháu thấy đầu óc quay cuồng hết cả lên. Vậy là phải vội bò lên giường, rồi ngủ mê mệt lúc nào không hay biết.
(còn tiếp)

New Comments