Freitag, 19. Oktober 2012

Phật không ở ngoài thế gian

Vollbild anzeigen"Qua đó chúng ta có thể kết luận: Bố, Mẹ cũng như Phật, Bồ Tát dẫu có từ bi tới đâu cũng không thể độ, không thể gánh, không thể chuộc phần nào tội lỗi cho chúng ta, cho chúng sanh..."

Chúng ta thường nghe: Này! Đến miếu “A”, Đền “B”, Đình “C” mà dâng lễ. Nơi ấy thiêng lắm. Hay: Chùa ở tỉnh này, tỉnh nọ cũng linh thiêng ghê. Dân ở mọi nơi ai ai cũng đều sính lễ to lắm, rồi rồng rắn kéo nhau tới cúng, viếng, xin lộc… Ở những chùa này Phật và Bồ Tát nhiều, nên cực thiêng... Thực ra đó chỉ là sự đồn, thổi của thiên hạ, chứ thực tình, ai được Phật, được Bồ Tát độ trì cho ăn nên, làm gia, hay của cải dồi dào, quyền cao chức trọng, lộc hưởng tận không hết… thì chẳng mấy ai được mục sở thị.
Ta hãy cứ cho những lời đồn thổi nói trên là có căn cứ, nhưng thực tế, những người được thọ lộc ấy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu không nói: chỉ là con số 1%/1000.000 (con số giả tạm) - vô cùng ít ỏi. Có hai vấn đề cần đặt ra ở đây:
1. Liệu con số 1% nói trên có thực sự được thọ lộc từ các Chư Phật, hay Bồ Tát?
2. Sau khi được thọ lộc rồi con số 1% đó sẽ làm gì?
Thực ra khi đặt ra câu hỏi thứ nhất chúng ta đã thấy nó hoàn toàn mang tính giả tưởng, nếu không nói là vọng ngôn. Bởi thực tế thì không có Chư Phật hay Bồ Tát nào lại đi làm những chuyện mang màu sắc dục của chúng sanh như vậy cả. Do vậy sở dĩ có con số 1% được thọ lộc kia, ta nên hiểu một cách sâu xa hơn: Đó chính là những phước nghiệp mà họ được hồi báo trong kiếp này. Sao gọi đó là phước nghiệp? Đức Phật từng nói:
"Chúng sanh là chủ nhân, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là điểm tựa, là thai tạng, là quyến thuộc , và nghiệp sẽ phân chia chúng sanh thành kẻ hạ liệt hay cao sang".



Để giải thích vấn đề này không thể dùng một đôi dòng là có thể diễn giải chọn nghĩa. Nên ở đây tôi chỉ mạn phép nói một ý nhỏ: Phước Nghiệp.
Nếu coi chúng sanh là “thừa tự của nghiệp”, nghĩa là mạng sống của chúng ta hiện tại chính là một trang giấy mới của một trang cũ đã kết thúc. Trang giấy cũ, nếu ta cẩn thận, nắn nót từng dòng, từng chữ, và giữ cho nó luôn được sáng sủa, sạch đẹp, mạch lạc, tất khi bước sang một trang mới chúng ta sẽ có sự thừa hưởng sự phong quang, sạch sẽ đó. Ví dụ xa hơn: Trang giấy cũ là một trang dùng để liệt kê những con số thu-chi cho một tháng, một năm. Nếu trong một tháng, hay một năm đã qua ta biết kiểm soát, theo dõi, tính toán một cách sát sao con số thu-chi, tất khi tổng kết trang ta sẽ dễ dàng nhận ra được sự thất thoát hay bội thu. Và như vậy, khi ta lật sang một trang mới, chúng ta đã có sẵn một nền tảng. Lung lay: Nếu ta thất thu. Và một nền tảng vững chắc: Nếu ta bội thu.
Trở lại những người nằm trong 1% nọ. Họ chính là những chúng sanh đang thụ hưởng sự bội thu (thành quả) của chính mình (còn gọi là phước nghiệp) của chính bản thân họ mà (có thể) từ vô lượng kiếp, hoặc một kiếp gần nhất mà họ đã gắng công tạo nên, nay duyên tới, nên họ được thụ hưởng cái duyên đó. Như vậy cái Quả mà họ đang thụ hưởng, chính là nhờ ở sự dày công tạo phước của họ tự vô lượng kiếp mà nên. Và như vậy: Phước duyên mà con số 1% kia đang được thụ hưởng đâu phải vì họ mâm cao cỗ đầy, vì họ năng lễ, năng cầu… nên được được các Đức Phật hay Bồ Tát rủ lòng thương xót, hay từ bi gia độ. Giả như Phật hay Bồ Tát làm chuyện đó là có thật, thì con số 99% còn lại kia chẳng lẽ họ không phải là người? Hay vì họ cúng dường không “hậu”? không “thành”?...v.v Hiểu như thế là chúng ta đã tự ví những nơi thờ tự trang nghiêm, thanh tịnh trở thành nơi mua danh, bán lộc… và nếu quả thật như vậy, thì những nơi ấy quả là có Phật và Bồ Tát nhưng đó là những Phật và Bồ Tát giả. Bởi giáo lý chân chính của Phật và Bồ Tát vốn không dạy chúng sanh làm những chuyện mang tính tham-sân và đầy sắc dục như vậy. 

http://phatgiaovnn.com/news/upload/thuvienhinhs/lrg-4254-amitabha-sutra-21-jpg.jpeg 
 
Trở lại với câu hỏi thứ hai: Cứ cho giả định nên trên là có thật, nhưng khi con số 1% nêu trên được thọ lộc rồi, họ sẽ làm gì? Dĩ nhiên, người có tiền sẽ muốn có nhiều hơn. Người có quyền, chức sẽ muốn quyền chức cao hơn, sang hơn; Người có nhà cửa, ruộng, vườn, bổng lộc… sẽ mong cầu những thứ đó ngày một sinh sôi, nảy nở càng nhiều càng ít, ngược lại cũng sẽ có người vô tư để thụ hưởng những “thọ lộc” mà Phật và Bồ Tát ban cho… Và để rồi, người mải mê tiêu sài, kẻ mưu cầu bất tận, vì thế con số 1% nọ sẽ lại trùng trùng lễ phẩm, không ngơi nghỉ, tiếp tục đến chùa “thiêng” nọ để tiếp tục mưu cầu.
Sẽ có hai giả thiết phải đặt ra. Một là: Họ sẽ tiếp tục được Phật và Bồ Tát độ trì. Hai là họ sẽ trở về tay trắng. Một kẻ mưu cầu bất thành chắc chắn không thể nói tâm mình bất loạn. Ngược lại, nếu được thành tựu, chắc chắn họ sẽ mưu cầu mãi không thôi. Và không lẽ Phật và Bồ Tát hiện thế chỉ để làm những điều của những kẻ phàm phu, tục tử như vậy? Thực sự sẽ là tội lỗi vô cùng nếu chúng ta có những ngộ nhận, những suy nghĩ mang tính giả định như vậy.
Phật nói: Thế gian có bốn hạng người.
Hạng thứ nhất: Từ tối đi vào tối
Hạng thứ hai: Từ tối đi ra ánh sáng
Hạng thứ ba: Từ ánh đi vào tối
Hạng thứ tư: Từ ánh sáng đi ra ánh sáng

Sao gọi “từ tối đi vào tối?” – Phật chỉ ra rằng: những chúng sanh này từ vô lượng kiếp đã chuyên hành tâm bất thiện, trải qua bao kiếp sanh tử luân hồi… tới nay được trở lại làm người, nhưng cái tâm bất thiện vẫn luôn hiện hữu, vì vậy những chúng sanh này vẫn chỉ mải mê làm việc bất thiệt.
Sao gọi “từ tối đi ra ánh sáng?” – Phật cũng chỉ ra rằng: những chúng sinh này từ vô lượng kiếp đã chuyên hành tâm bất thiện. Trải qua bao kiếp sanh tử luân hồi… tới nay được trở lại thân người, vì biết thân người khó được, nên đã giác ngộ rồi chuyên hành việc thiện, xa lìa việc ác.
Sao gọi “từ sáng đi vào tối?” – Phật cũng chỉ ra rằng: những chúng sanh này từ vô lượng kiếp đã chuyên tâm hành thiện. Trải qua bao kiếp sanh tử luân hồi… tới nay được trở lại thân người, nhưng vì tham-sân-hận đã che đậy chân như, bản tánh thiện sẵn có của mình, nên đã rắp tâm chuyên hành việc bất thiện.
Sao gọi “từ sáng đi ra sáng?” – Phật cũng chỉ ra rằng: những chúng sanh này từ vô lượng kiếp đã chuyên tâm hành thiện. Trải qua bao kiếp sanh tử luân hồi… tới nay được trở lại thân người nhưng vẫn không quên nhân quả báo ứng, vì vậy một lòng lánh xa việc ác, chuyên hành việc thiện.
Qua những ví dụ nói trên, chúng ta thấy Phật vốn không dạy chúng sanh làm những chuyện mang tính sắc dục. Sở dĩ người thế gian chúng ta có sự khẳng định như trên là vì chúng ta còn quá vô minh, nên đã tự mê lạc chính mình. Rồi lấy sự mê lạc đó làm hạnh nguyện sống cho bản thân và những người xung quanh mình.
Phật vốn không độ chúng sanh, mà chúng sanh phải tự giác ngộ, tự tu, tự độ chính mình – Tự Tu, tự Hành, tự thành Chánh Quả.
Điều này chỉ cần chúng ta liên hệ tới mối quan hệ gia đình: Ông, bà, bố, mẹ là những người sinh ra ta, nuôi, dạy ta và mong ta khôn lớn, trưởng thành. Nhưng rồi năm, tháng chúng ta lớn lên, học hành, công, trạng có được thành tựu hay không, vốn hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta. Ông bà, bố mẹ thực tế chỉ là những người đưa ta vào đời và giúp chúng ta những phương tiện sống và học tập. Còn sự thành đạt là hoàn toàn do chúng ta quyết định. Dĩ nhiên trong thời nay, thời vận đạo suy vong, sự thành đạt của con cái nhiều khi phụ thuộc vào sự lo lót của bố mẹ, của ông bà… và như thế, những đứa con khi bước vào đời cũng sẽ chẳng làm được điều gì hơn, ngoài việc làm trái với luân thường, đạo lý. Qua đó chúng ta có thể kết luận: Bố, Mẹ cũng như Phật, Bồ Tát dẫu có từ bi tới đâu cũng không thể độ, không thể gánh, không thể chuộc phần nào tội lỗi cho chúng ta, cho chúng sanh. Phước-tội từ đâu đến? Từ đâu tiêu giải? Đều do tâm chúng ta, tâm chúng sanh tự phát, tự tán.
Tâm này làm Phật, tâm này là Phật chứ Phật đâu có ngoài chúng sanh?.
23.12 Canh Dần
Huệ Tâm

New Comments