"Có một lần Ngài nói như thế này, chúng ta đi đến đạo tràng tu hành,
thật ra là mỗi người có một việc. Chúng ta hãy làm cái việc của chúng
ta, không nên làm cái việc của người khác. Ngài nói, đến đạo tràng
hãy tập làm quen với những việc chướng tai gai mắt, có như vậy thì chúng
ta mới tu được. Không tập làm quen với cái này, thì nhiều khi rất khó
cho chúng ta tu hành!..."
Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị
(Tọa đàm 5)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Hộ niệm không phải là chờ cho đến lúc sắp sửa xả bỏ báo thân mới kêu
ban hộ niệm đến. Cái đề tài chúng ta nói lên rõ ràng như vậy.
“Niệm” là niệm Phật. “Hộ” là hộ trợ, là giúp đỡ. Hộ niệm là người
niệm Phật giúp đỡ cho người niệm Phật được an toàn vãng sanh về Tây
Phương Cực Lạc.
Nếu chúng ta nói niệm Phật mà không nói đến hộ niệm, thì chúng ta
phải đạt đến cảnh giới Nhất Tâm Bất Loạn. Theo như ngài Tịnh Không
nói thì Lý Nhất Tâm Bất Loạn mới an nhiên tự tại vãng sanh về Tây Phương
Cực Lạc.
Trong đời này cũng có thể có người được chứng đắc(?). Nhưng trong Kinh Phật nói: “Thời Mạt Pháp ức ức người tu hành khó tìm ra một người chứng đắc“.
Hàng triệu người tu hành, hàng tỷ người tu hành tìm đâu ra một người
chứng đắc! Cho nên, niệm Phật để chứng đắc Nhất Tâm Bất Loạn, an nhiên
vãng sanh thực sự không dễ gì! Chính vì vậy mới cần đến sự hộ niệm.
Nếu không có hộ niệm thì những người không chứng đắc cảnh giới Nhất Tâm
Bất Loạn không được vãng sanh.
Ai là những người không chứng đắc? Xin thưa thực, chính chúng ta là
người không chứng đắc. Tại sao vậy? Hòa Thượng Tịnh Không thường hay
nói: “Còn chấp trước là còn trong lục đạo luân hồi”. Cái chấp
trước này ở đâu mà có? Trong nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã tạo ra
rồi, đến đời này nó vẫn theo chúng ta. Thể hiện cụ thể nhất là khi chúng
ta tu hành như thế này vẫn có đôi lúc phiền não nổi lên. Khi mà phiền
não nổi lên, đây là sự thể hiện của chấp trước. Nói rõ hơn, là sự xuất
hiện của nghiệp chướng từ trong nhiều đời nhiều kiếp. Xin thưa thực,
chính vì cái chấp trước này, hay là cái phiền não, hay là cái nghiệp mà
chúng ta xóa ra không được, nó cứ hiển hiện mãi, làm cho người niệm Phật
sau cùng không được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Cho nên hộ niệm
quan trọng dữ lắm!
Trong những ngày tới chúng ta sẽ đi sâu hơn một chút, rõ hơn một chút về vấn đề hộ niệm. Hôm nay mình nói tổng quát.
Xin thưa thật, nếu chúng ta niệm Phật mà bị vướng cái chấp
trước nhưng không chịu buông ra, thì dù có hộ niệm cũng không được vãng
sanh. Như hôm qua chúng ta có nói, ngài Quán Đảnh Pháp Sư nói rằng, niệm
Phật mà không buông bỏ chấp trước. Nói rõ hơn, là còn cạnh tranh, ganh
tỵ, đâu mâu, khó chịu… thì những thứ chấp trước này nó phá công đức của
sự niệm Phật. Nếu còn như vậy, dù được hộ niệm cũng không thể vãng sanh.
Nếu nghĩ rằng mình đã phá được chấp trước, niệm Phật mà không có hộ
niệm cũng chưa chắc gì sẽ được vãng sanh! Tại vì thật ra mình gọi là phá
chấp trước chứ chẳng qua là mình chỉ gói ghém, đè nén một chút nào đó
cái chấp trước. Hay nói rõ hơn, là gói nghiệp chướng của chúng ta
lại. Cái nghiệp chướng này vẫn chờ cơ hội để nó phát sinh ra. Cho nên
phá một chút ít chấp trước nào đó, mà không có hộ niệm cũng không được
vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, huống chi là chúng ta phá không
được! Hơn nữa, liên đới với chuyện này, trong nhiều đời nhiều kiếp chúng
ta đã lỡ dại tạo cái oán nghiệp với chúng sanh nhiều quá!…
Vì thế, ngoài cái chấp trước, là nghiệp chướng của chúng ta đó, cái
nghiệp lục đạo luân hồi đó, còn có nạn oán thân trái chủ nữa, họ sẽ hiện
hình ra, họ kéo chúng ta lại trong lục đạo luân hồi, và thường thường
kéo luôn xuống dưới tam ác đạo để trả thù. Ghê lắm quý vị ơi!… Oan gia
trái chủ họ biết trong tâm chúng ta, họ tìm mọi cách… và xin thưa thật
rằng, những người tu hành sơ ý, thì bị vướng những cái đòn hay gọi là
cái bẫy. Cạm bẫy của oan gia trái chủ tế vi dữ lắm! Nhiều khi mình không
biết đâu. Lạ lắm! Chính vì vậy, để tránh khỏi cái ách nạn này, chúng ta
phải cố gắng buông bớt những thị phi, những ganh tỵ, những đâu mâu, nói
chung là những thứ chấp trước mà Hòa Thượng Tịnh Không thường nói. Chấp
trước tai hại lắm!
Có một lần Ngài nói như thế này, chúng ta đi đến đạo tràng tu hành,
thật ra là mỗi người có một việc. Chúng ta hãy làm cái việc của chúng
ta, không nên làm cái việc của người khác. Ngài nói, đến đạo tràng
hãy tập làm quen với những việc chướng tai gai mắt, có như vậy thì chúng
ta mới tu được. Không tập làm quen với cái này, thì nhiều khi rất khó
cho chúng ta tu hành!
Xin thưa thật, đạo tràng là nơi tụ hợp đông người. Riêng cái đạo
tràng của chúng ta không muốn đông người lắm, ít ít thôi. Nhưng dù thế
nào cũng phải có người. Hễ có đông người thì thường thường sinh ra đủ
chuyện hết. Người này thì muốn cái này, người kia thì muốn cái kia,
người thì muốn im lặng, người thì muốn nói chuyện, người thì thích nói
lỗi lầm của người khác, người thì khó chịu về cái lỗi lầm của người
khác… Chính vì vậy mà trong suốt một thời gian qua, chúng tôi thường
thường hay nhắc với chư vị, đến đạo tràng thì cố gắng buông bỏ những gì
thuộc về chấp trước, tức là sự cạnh tranh, ganh tỵ, nói người này xấu,
người kia tốt! Bỏ đi. Tại vì đó là phiền não! Cái nghiệp chướng của
chúng ta nó thể hiện ra ở chỗ đó. Chúng ta muốn về Tây Phương với A Di
Đà Phật, quý vị nghĩ coi, A Di Đà Phật Ngài thương chúng sanh đến nỗi mà
những người ngũ nghịch thập ác sắp sửa xuống địa ngục A-Tỳ, mà Ngài
cũng cố gắng cứu. Ngài nói, những người đó mà bây giờ sám hối đi, đừng
làm như vậy nữa, niệm danh hiệu của Ngài để cầu vãng sanh về Tây Phương
Cực Lạc… Tha thiết mà niệm… Chân thành mà niệm, mười niệm Ngài cũng cứu
về Tây Phương Cực Lạc.
Cho nên, nếu thật sự muốn một đời này mình về với Ngài, thì nên tập
tánh của Ngài, tập tha thứ, tập buông xả, tập gói ghém với nhau để chúng
ta cùng tu. Chứ tình thật mà nói, thế gian này chấp trước, phiền não,
đấu tranh, cạnh tranh ganh tỵ… đã thành cộng nghiệp của thế gian rồi!
Chúng ta đi tới chỗ nào cũng bị hết! Nhất định. Chính vì thế mà Ngài
nói hay lắm, chư vị đến đạo tràng hãy tập làm quen với những điều chướng
tai gai mắt. Nếu mình làm quen được những điều chướng tai gai mắt thì
chứng tỏ công phu của chúng ta đã có hiệu lực, nó đã khởi tác dụng.
Nếu chúng ta không chấp nhận những điều chướng tai gai mắt, có nghĩa là
phiền não của chúng ta còn mạnh vô cùng! Chính những phiền não này nó
ảnh hưởng đến lúc chúng ta lâm chung. Oan gia trái chủ sẽ lợi dụng chỗ
yếu này mà hãm hại chúng ta.
Chính vì vậy, khi Diệu Âm đi khắp nơi, thường thường khuyên những
người đồng tu hãy cố gắng buông xả. Những người trước đây chúng ta ghét,
bây giờ đừng ghét nữa. Nếu mình đã bỏ ghét rồi, mình không ghét nữa,
nhưng người đó vẫn còn ghét mình, thì hay nhất là chúng ta hãy lơ đi,
lánh đi. Tại vì, khi hiểu một chút về vấn đề nhân quả, thì mới biết rõ
rệt rằng, đây chính là chuyện nhân quả của mình, trong một đời kiếp nào
trước mình đã gieo ra như vậy thì bây giờ mình phải gặp như vậy. Cho
nên, hãy mạnh dạn đối diện với quả báo này và buông nó ra đi, lấy đó
làm sự thử thách cho mình, thì tự nhiên đường thành đạo dễ lắm.
Có một lần khi Diệu Âm về Chùa Hoằng Pháp, Ngài Chân Tín nói một câu
mà thấm vào trong tâm của Diệu Âm… Đúng là một đại Bồ-Tát, tôi nghĩ như
vậy. Ngài nói: “Làm Đạo nó khó lắm! Nhiều lúc mình đi tới những nơi
người ta khen mình, thì mình cũng cám ơn, mình gieo được chút duyên. Có
những nơi người ta chê mình, mình cũng cám ơn họ, vì đây là cái duyên ác
của mình đã gieo với họ từ trước. Cho nên, có những nơi người ta chống
đối mình vì không có duyên, người ta khạc nước miếng nhổ vào trong mặt
mình… Tôi cũng lặng lẽ cám ơn họ, và Tôi lấy tay tự chùi nước bọt lấy.
Tôi cám ơn họ vì họ đã giúp cho tôi cái hạnh nhẫn nhục”… Trời ơi! Ngài nói một câu mà tôi ngồi rơi nước mắt! Phải tập như vậy thì chúng ta sẽ tới chỗ nào cũng có thể tu hành được cả.
Nguyện mong cho tất cả chư vị, chúng ta đến đạo tràng này thì nhất
định một đời này hãy đi về Tây Phương Cực Lạc với Phật. Ngài Tịnh Không
nói, muốn đi về Tây Phương Cực Lạc với Phật ta phải tập cái tánh Phật,
tánh Phật thì nhìn người nào cũng là Phật hết. Ta muốn về Tây Phương để
thành “A Duy Việt Trí Bồ-Tát, tâm Bồ-Tát thì nhìn người nào cũng Bồ-Tát
hết. Được như vậy thì ta sẽ có cơ hội cảm ứng với chư Thượng Thiện Nhơn
trên cõi Tây Phương, cảm ứng đại nguyện của đức A Di Đà Phật, chúng ta
được thành tựu ngay tại nơi này.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen