Samstag, 29. Juni 2013

Người Niệm Phật Càng Phải Biết Khiêm Hạ - Phần I



"Còn chúng ta? Niệm niệm là phân biệt, niệm niệm là chấp trước. Người chúng ta yêu, chúng ta thích, chúng ta nể, kính thì chúng ta sẵn sàng trao, giúp họ tất cả; Ngược lại, người chúng ta không ưa, không thích, ghét, chúng ta sẽ tìm mọi cách để xa lánh, dèm pha, hay phỉ báng... Vì thế tâm của chúng ta mãi mãi không thể đồng được với tâm Phật..."



Tại sao hành giả niệm Phật lại phải biết Khiêm Hạ? Nói khác đi: Khiêm Hạ là gì? Khiêm là khiêm cung, lễ kính. Hạ là thấy mình luôn nhỏ bé trước mọi người (hạ thấp bản ngã của chính mình). Khiêm cung, kễ kính với ai? Tại sao phải hạ thấp bản ngã của mình? Trước là với tất cả mọi người xung quanh (không có sự phân biệt, chấp trước), sau là tất cả sinh vật cho dù là nhỏ bé nhất, và sau cùng là trước cả vạn vật. Tại sao trước mọi người ta phải Khiêm Cung, Lễ Kính? Đức Phật từng nói: Tất cả những người đàn ông đều là cha ta; Tất cả những người đàn bà đều là mẹ ta. Pháp Sư Tịnh Không cũng luôn từng nhắc nhở: Hãy luôn thường coi (quán chiếu) tất cả những người xung quanh chúng ta đều là Phật, là Bồ-tát, chỉ có mình ta là hàng phàm phu lè tè sát đất. Tại sao phải như vậy? Bởi chúng ta từ vô thỉ đến nay sanh-tử-luân hồi, trôi lăng trong sáu nẻo không biết bao lần. Trong vô lượng kiếp sanh-tử, tử-sanh luân hồi ấy có những kiếp chúng ta đã từng làm mẹ, cha, anh, em, vợ, chồng, con cái, quyến thuộc, bạn hữu, hay những oan, thù… của nhau, nay nhân duyên hợp lại, chúng ta được gặp lại những thân bằng, quyến thuộc, những  oan thù… ấy, nhưng tâm chẳng mảy may khiêm cung, lễ kính, chẳng mảy may sám hối. Nói khác đi: trước họ chúng ta lại có tâm bất kính, khinh nhờn, nhiếc mắng… đó chẳng phải lại ta đang tạo thêm nghiệp, chuốc thêm oán thù, tội lỗi sao? Đức Phật từng nói: Ta là Phật đã thành. Các ngươi (chúng sanh muôn loài) là Phật sẽ thành. Hãy thử hình dung: chúng ta – những chúng sanh trong hằng hà sa số - các vị „Phật Tương Lai“ ấy gặp nhau, thấy nhau nhưng chẳng mảy may khởi một niệm cung kính, tất quả vị Phật ấy – với mỗi chúng sanh chúng ta quyết chẳng thể tiến gần.

https://sphotos-a.xx.fbcdn.net/hphotos-ash4/p480x480/1006106_10151613512526166_1836826899_n.jpg  
Nhất giả lễ kính Chư Phật

Khi chúng ta đến các Đạo-tràng sự khiêm cung, lễ kính được tỏ bày trên từng khuân mặt, bước đi, dáng đứng cũng như những lời nói (hàn vi động niệm) của mỗi người. Ví thử câu cửa miệng khi gặp nhau là: A Di Đà Phật! Ngắn hơn là: Mô Phật! Chọn câu là: Nam Mô A Di Đà Phật! Vậy Nam Mô A Di Đà Phật là gì? Hay A Di Đà Phật là gì? Thiết nghĩ nhiều khi chúng ta (vô tâm chăng?) nên không hề để ý tới. Nam Mô là Quy-Y (quy đầu, quy mạng, quy hướng). A là Vô; Di Đà là Lượng và Phật là Giác. Gộp chung lại: Nam Mô A Di Đà Phật là: Con xin quy-y (quy hướng, quy đầu) đấng Vô Lượng Giác. Vô Lượng Giác là đấng chí Tôn, người đã thoát ra khỏi sanh tử luân hồi và cũng là Hồng Danh của Đức Phật A Di Đà. Như vậy, mỗi khi chúng ta chắp tay lại, rồi khởi tâm niệm một câu: Nam Mô A Di Đà Phật, hay A Di Đà Phật, hay Mô Phật, thì cũng đồng nghĩa chúng ta đang nguyện quy đầu, đối diện với đấng Chí Tôn, với đấng Vô Lượng Giác, với Đức Phật A Di Đà. 

Nhưng hiểu sâu xa hơn, mỗi khi chúng ta khởi tâm niệm một câu: Nam Mô A Di Đà Phật, hay A Di Đà Phật thì cũng đồng nghĩa chúng ta đang tự quy đầu (quay đầu) để trở về với vị Phật Tâm của chính mình. 

Đức Phật nói: Tâm này là Phật; Tâm này làm Phật. Vì vậy tâm của Phật và tâm của chúng ta vốn dĩ tương đồng (không có sự khác biệt). 

Phật Thích Ca khi thành đạo đã thốt lên: Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ và đức tướng Như-Lai. Tại sao chúng ta chưa thấy Như-Lai (Như-Lai là sự tịnh lặng không có ngằn mé); Tại sao chúng ta không có đức tướng? (32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp); Tại sao chúng ta không có trí tuệ? Tại sao tâm của chúng ta vẫn là tâm của chúng sanh? Tâm của phàm phu? Nói khác đi: Vì sao lại có tâm chúng sanh và tâm Phật? Khoảng cách này, sự khác biệt này Phật tạo ra chăng? Hoàn toàn không phải vậy. Sở dĩ chúng ta chưa thấy được Như-Lai; chưa có được đức tướng; chưa có trí tuệ; và sở dĩ còn có tâm chúng sanh (phàm phu) và tâm Phật song song, bởi chúng ta trong mọi hành vi, động niệm đều khởi tâm phân biệt, chấp trước (thiệt-hơn; tà-chánh; cũ-mới; thắng-thua; quá khứ-hiện tại...). Trong khi đó tâm của Phật vốn không có sự phân biệt, chấp trước đó: Luôn luôn như như bất động. Nghĩa là: Trước vạn vật, chúng sanh, Phật không khởi tâm phân biệt, chấp trước (không có thiện-ác). Người thiện, có duyên, Phật sẽ độ trước, hóa duyên trước; người ác, người vô duyên, Phật sẽ chờ nhân duyên chín mùi, sẽ tiếp tục độ (Phật không độ người vô duyên hàm nghĩa là vậy). Còn chúng ta? Niệm niệm là phân biệt, niệm niệm là chấp trước. Người chúng ta yêu, chúng ta thích, chúng ta nể, kính thì chúng ta sẵn sàng trao, giúp, nâng đỡ, lo lắng che chở tất cả; Ngược lại, người chúng ta không ưa, không thích, ghét, chúng ta sẽ tìm mọi cách để xa lánh, dèm pha, hay phỉ báng hay (nói như nhiều người ví von: quậy cho tới bến mới thôi...). Vì thế tâm của chúng ta mãi mãi không thể đồng được với tâm Phật. 

Chư Tổ thường dạy: Phật và chúng sanh giống như Mẹ-Con vậy. Người niệm Phật giống như một người con, nếu trong cả 6 thời đều luôn luôn nghĩ đến Mẹ, nhớ đến Mẹ và cầu mong được về bên Mẹ, tất người con ấy sẽ có ngày gặp Mẹ. Ngược lại, 6 thời luôn luôn tơ tưởng đến những chuyện trần lao (dục giới), thì dẫu mẹ có thương con mười mươi chăng nữa, cũng chẳng thể đón người con ấy trở về bên mình được.
29.06.2013 - Huệ Tâm

(còn tiếp)

New Comments