Freitag, 26. Oktober 2012

Tu Phước hay Tu Đạo?

Vollbild anzeigen"Như vậy, ngay cả Quán Thế Âm, khi ngài được khai ngộ, ngài cũng hiểu rằng: Tu Phước chính là con đường cụt, còn luẩn quẩn trong vòng sanh tử luân hồi, và thậm chí còn đưa con người ta vào ma đạo..."

 

Ngu nhân tu phước bất tu đạo



Trong Pháp Bảo Đàn Kinh có đoạn Lục Tổ Huệ Năng gọi những người „tu phước“ là ngu nhân. Tại sao „tu phước“ lại là „ngu“? Nói vậy chúng ta không cần tu phước nữa sao? Nếu không tìm hiểu kỹ về triết lý đạo Phật chúng ta rất dễ có sự ngộ nhận, hiểu lầm và cho rằng Lục Tổ quá ngạo kiến khi cho những người không cùng chí hướng với mình (chỉ lo tu phước) đều là những kẻ ngu nhân vậy. 
 
Thực tế không phải như vậy, hai chữ „ngu nhân“ không dùng để ám chỉ những người có huệ căn thấp kém, bởi „phàm phu tức Phật“, cũng không dùng để ám chỉ những người học tài kém cỏi, mà hai chữ „ngu nhân“ ngài đã trực chỉ vào ngay cả những người đã có lòng hướng Phật, đã Quy y Tam bảo nhưng vẫn có lòng tham-sân-hận. Sao gọi là Tham? Tu phước chính là Tham! Nói vậy chẳng thà bảo mọi người đừng cúng dường chư Phật, rồi nên dẹp bỏ hạnh bố thí? Thực ra không phải vậy. Trong thế giới thời mạt pháp này, một người có hạnh bố thí và năng cúng dường đã là đáng quí và trân trọng lắm rồi, tuy nhiên những việc làm đó chỉ có thể coi là tạo phước cho chính bản thân, hay đem lại một nguồn lợi ích nào đó cho bản thân vào kiếp hậu lai mà thôi. Hiểu theo triết lý nhà Phật thì đó chính là cái quả mà anh đã trồng, nay anh được hưởng lợi, nhưng nếu anh chỉ biết đam mê để thụ hưởng cái quả anh đang có mà quên sự nghiệp trồng cây thì tất anh sẽ chẳng còn gì để mà gặt hái nữa… và khi ấy chuyện gì sẽ xảy ra? Khi con người đam mê trong hưởng lạc tất sẽ nảy tham; khi lòng tham trở nên vô độ sẽ dẫn đến mù quáng, rồi khi lòng tham không được đáp ứng tất con người ấy sẽ trở nên sân-hận. Một người còn sống trong vòng tham-sân-hận như vậy không phải là ngu nhân sao? 

 
 Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: Baomoi.com)
 
Trong Sự Tích Quán Thế Âm, khi thấy ngài Bất Huyền Thái Tử (tên của Quán Thế Âm trong một kiếp, khi ngài chưa thành đạo) và là con cả của vua Vô Tránh Niệm, nảy lòng từ bi, nguyện theo vua cha cúng dường chư phật trong ba tháng liền, vị quan đại thần Bảo Hải, là phụ thân của Phật Bảo tạng thời bấy giờ bèn khuyên rằng: „Điện hạ đã sẵn lòng tu phước mà cúng Phật, cúng Tăng, vậy xin bệ hạ hãy đem công đức đó mà hồi hướng về đạo vô thượng bồ đề, chớ nên cầu sự phước báo trên cõi Đạo lợi hay là cõi trời Phạm thiên làm chi, bởi vì mấy cõi ấy, tuy là cảnh vật vui tốt, nhân dân sung sướng, căn thân đẹp đẽ, thọ mạng lâu dài, đặng phép thân thông, dạo đi tự tại, những đồ y thực sẵn có, các cuộc du hí đủ bày, trăm thức tự nhiên thọ dụng đủ đều khoái lạc, không có sự khổ như cõi nhân gian. Cái phước báo như trong các cõi đó tuy là mĩ mãn như thế, nhưng còn thuộc về hữu lậu, có hư, có mất, chắc chắn gì đâu, chính là sự vô thường, thật là tướng vô định, như cơn gió thổi lại mau không có gì cầm lại đặng. Hết vui lại xảy ra buồn, hết sướng thì trở lại khổ, dẫu có sống lâu đến mấy ngàn năm đi nữa cũng không khỏi con ma sanh tử lôi kéo vào đường nọ, ngõ kia. Nếu điện hạ cứ cầu phước báo đó chắc không thoát khỏi ải sanh tử luân hồi, thì chưa chắc lúc nào đặng tiêu diêu tự tại. Chi bằng điện hạ đem công đức đó mà cầu môn phước báo vô lậu, không hư, không mất, đời đời kiếp kiếp vượt ra ba cõi, bốn dòng, hưởng sự an vui vô cùng vô tận, mà hồi hướng về đạo Bồ đề mà cầu mau thành Phật quả, đặng cứu độ chúng sanh khỏi song mê biển khổ, vậy phần tự lợi đã vuông tròn mà đức lợi tha lại đầy đủ nữa“. Nghe lời khuyên như vậy, Bất Huyền Thái Tử bên suy ngẫm mà rằng: "Nay tôi đối trước mặt Phật mà tỏ lời như vầy: „Tôi nguyện đem tất cả các món công đức mà tôi đã cúng dường Tam Bảo và tất cả các món công đức tôi đã từng tu tập pháp màu mà hồi hướng về đạo Vô thượng bồ đề…“ (Sự tích Quán Thế Âm). 

 http://lienhoa.org/vi/images/stories/addpp3.png
                          Tịnh độ - Con đường thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi (Nguồn: Daotranglienhoa)
 
Như vậy, ngay cả Quán Thế Âm, khi ngài được khai ngộ, ngài cũng hiểu rằng: Tu Phước chính là con đường cụt, còn luẩn quẩn trong vòng sanh tử luân hồi, và thậm chí còn đưa con người ta vào ma đạo, và chỉ có thực sự chút bỏ tất cả những hư lợi xung quanh mình, mình mới có thể thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Còn mong hưởng lợi = còn muốn được tái sanh để thụ hưởng. Và khi sự thụ hưởng không được đáp ứng vuông tròn tất sẽ dẫn đến sân-hận. Như vậy „tu phước“ không phải là „ngu nhân“ đó sao? Câu hỏi cần đặt ra là: Ta nên Tu Phước hay Tu Đạo? Điều này còn phụ thuộc vào sự giác ngộ, lý trí của mỗi người. 

Phàm phu tức Phật! Một niệm ngu tức phàm phu, một niệm trí tức Phật. 
Khoảng cách Phàm phu và Phật chỉ ở một sát na.

15.11.2009, Huệ Tâm

New Comments