Mittwoch, 7. November 2012

Tự Ngộ Tự Độ - Phần IV

Vollbild anzeigen"Nhưng làm thế nào để chúng ta đạt được cảnh giới của sự sung sướng ấy thì hình như mỗi người đều tìm cho mình một giải pháp riêng..."

Tu - Giải Pháp hay Giải Thoát?


(Trao đổi Phật Pháp - tiếp theo)

Trở lại chuyện của bạn: Bệnh bạn đang mang trên cơ thể đó là Thân bệnh. Đã là con người thì ai cũng mắc Bệnh thân, bởi Thân là bệnh phát sinh từ thân tứ đại mà có. Do vậy ngay cả Đức Phật thời tại thế, vì cứu nhân độ thế mà Ngài xuống làm kiếp người phàm, do vậy Ngài cũng mắc Bệnh thân như mọi người. Thời nay, ngay cả các Sư Thầy, Đại Đức, Tăng-Ni… trong Chùa và các Thiền viện (nhiều người được gọi là những bậc chân tu, đắc đạo) nhưng họ cũng vẫn mắc bệnh như thường và khi trọng bệnh họ vẫn phải nhờ tới sự can thiệp của các thầy thuốc. Tới đây có thể bạn sẽ hỏi: Như vậy thì tu hành đâu còn có ý nghĩa gì nữa? Tu là để mong cầu sự giải thoát, nhưng bây giờ, tới lúc chính mình lâm nạn thì không thể tự thân cứu mình?...v.v. Đây chính là một mấu chốt quan trọng mà mình muốn chia sẻ cùng bạn.
Trước hết ta hãy tự đặt một số câu hỏi:

1. Tu đạo để làm gì? Để mong cầu sự giải thoát khỏi sự vướng luỵ của kiếp sống phàm tục? Hay là:
2. Tu đạo để mong cầu mang lại những lợi ích, mưu cầu cho bản thân? Ví thử: Cầu tài có tài; cầu lộc có lộc; Cầu giàu sang phú quý tất có cảnh giàu sang phú quý. Cầu có được cơ thể xinh tươi, đẹp đẽ, khoẻ mạnh… tất đều đắc nguyện?... Đây chính là sự mê lầm của chúng ta khi chọn con đường tu đạo đó. Bởi thực tế ai cũng hiểu rằng: Đạo Phật vốn chỉ là một phương tiện giúp cho mọi chúng sanh thức ngộ, rồi từ đó tinh tấn tu-hành (còn gọi: tự ngộ, tự độ) mới mong có sự giải thoát. Giải thoát ở đây là gì? Dĩ nhiên nó không phải là cứu cánh để chúng ta mau chóng thoát khỏi những bĩ cực mà chúng ta đang hàng ngày phải đối mặt. Mà sự giải thoát chính là: Chúng ta không còn phải sống trong cảnh mê lầm, bon chen, tật đố, tham-sân-si. Gộp chung lại là: những hỉ-nộ-ái-ố-tham-sân-si. Bạn cứ thử bình tâm để nghĩ lại xem: Một người mà còn sống (luôn phải sống) trong những hỉ-nộ-ái-ố-tham-sân-si có thể gọi là người sung sướng? Dĩ nhiên là không. Vậy thì đổi ngược lại: Một người thoát ra khỏi những những cám dỗ, vọng động đó tất phải là người rất sung sướng. Nhưng làm thế nào để chúng ta đạt được cảnh giới của sự sung sướng ấy thì hình như mỗi người đều tìm cho mình một giải pháp riêng (con đường tu hành cho riêng mình). Thật sự thì không phải lối tắt nào cũng đều mang đến sự an bình trọn vẹn cả (nếu không nói: mọi lối tắt đều dẫn đến ngõ cụt). Nhưng rất tiếc là người đời chúng ta hiện nay nhiều khi chỉ cần những lối tắt ấy là đủ, và hiểu giản đơn theo kiểu: có tu ắt phải có thưởng. Chúng ta thử có cái nhìn bao quát ra xung quanh mình mới thấy rằng: hầu như mọi người đến với Đạo chỉ cầu mong cho mình mau chóng có một điều gì đó (thường gọi là: Đắc Đạo). Thực tế hai từ Đắc đạo đã bị suy diễn tới méo mó. Nhưng thôi, ta cứ lấy nó làm cái đích đi, nhưng làm thế nào để đến được cái đích đó? Hình như chúng ta để những câu hỏi này trong khoảng trống.

Bạn Trí Chánh thân mến,

Sở dĩ tôi phải đi cùng với bạn một khoảng đường vòng khá dài như vậy, không ngoài ý định gì khác ngoài việc tôi muốn cùng bạn hiểu rõ (nhìn nhận) một vấn đề: Đạo và Đời. Chúng ta còn là người đời, tất chúng ta phải tuân thủ những chuyện của người đời. Đi lệch quĩ đạo đó, tất chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả. Tương tự khi ta quyết tâm bước vào Chánh Đạo, tất chúng ta cũng phải tự mình giác ngộ và lý giải cho những việc làm của chính mình. Vấn đề đặt ra là chúng ta đứng về bên nào? Thuần Đời? Hay thuần Đạo? Hay kết hợp giữa Đời và Đạo?
(còn tiếp)

New Comments