Freitag, 8. August 2014

Người Tham-Sân-Si Không Thể Quy Y Tam Bảo Và Thọ Trì Ngũ Giới?

http://vinhnghiemvn.com/UserImages/2013/11/19/1/luabhoisanhtu.jpgNếu người không giữ giới sát sanh ăn thịt thì đoạn dứt hột giống từ bi; người không giữ giới trộm cắp, của người không cho mà mình lấy là đoạn tuyệt hột giống giàu sang; người không giữ giới tà mị dâm dục là đoạn tuyệt hột giống thanh tịnh; người không giữ giới nói dối, nói thêu dệt là đoạn tuyệt hột giống thành thật; người không giữ giới say rượu mê man là đoạn tuyệt hột giống thông minh trí huệ. Cho nên không giữ năm giới là tuyệt đường nhơn thiên, còn năm giới mà giữ được thời đoạn tuyệt ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh); lành dữ tại mình tạo ra mình chịu lấy.



Nhiều người bảo: Không được đâu! Tôi còn nhiều tham, sân, si lắm! Quy Y Tam Bảo làm sao được? Nếu Thọ Ngũ Giới nhỡ tôi không giữ được để tôi phải chịu thêm tội à?

Nếu đây là những lời bao biện để tìm cách lánh xa đạo, thiết nghĩ không có gì đáng phải bàn thêm. Nhưng nếu do chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa của việc Quy Y Tam Bảo và Thọ Trì Ngũ Giới, thì những lời trên cũng rất đáng để chúng ta bàn thảo.

Hãy tạm gác chuyện Quy Y Tam Bảo và Thọ Trì Ngũ Giới ý nghĩa và mục đích như thế nào? Mà chúng ta hãy cùng tìm hiểu: Tham, Sân, Si là gì? Trong Kinh Đại Thừa Kim Cang Luận Đức Phật nói: Tham, sân, si là ba độc và Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Sao kêu là ba độc? Đức Thế Tôn nói: Ngu si tà kiến là một độc, tham lam chẳng đủ là hai độc, sân nộ tật đố là ba độc. Ba độc này còn hoài thì người ấy phải đọa trong tam đồ, một khi mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.***

Vậy Tham là gì? Là tham lam. Gộp chung lại là những ham, muốn, ưa, yêu, thích, chuộng, say mê, tôn thờ, vui thú… một cách thái quá. Là con người ai trong chúng ta cũng có những ham muốn: nhà lầu, xe hơi, giàu sang, phú quý, tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, địa vị, chức tước, bổng lộc… tiêu xài nhiều đời không hết. Những tham muốn này giống như một dòng lũ chảy xiết mãi mãi không ngưng nghỉ. Cũng vì sự tham lam vô độ không có sự kiểm soát này đã khiến cho mọi giá trị đạo đức, tình người, nhân cách trong gia đình, xã hội bị đảo lộn và ngày càng băng hoại.

Trong đời có năm món dục lạc (còng gọi là ngũ trần dục lạc) mà con người chúng ta ham luyến nhất: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Năm món dục lạc này sẽ đưa chúng ta đi vào những con đường bất chính, và cũng là nhịp cầu để đưa mọi chúng sanh trôi lăn vào con đường sanh tử luân hồi không ngưng nghỉ.

Sân là gì? Hiểu giản đơn là sự nóng giận, tức tối hay còn gọi là bốc hoả trong lòng. Thông thường cơn giận thường ập tới mỗi khi chúng ta không hài lòng, hay thấy khó chịu, tức tối trước những lời nói (chê bai, chỉ trích, phê phán…), việc làm hay những động thái của người xung quanh đối với mình và đi ra ngoài ý muốn của mình. Khi cơn sân nổi lên chúng ta thường có tâm (có ý nghĩ) muốn la, hét, chửi, mắng, nhục mạ hay đập phá, đánh, giết cho thoả giận. 

Si là gì? Là sự si mê, người đời thường gọi là ngu khờ hay dốt nát – chỉ cho những hành động, lời nói không có lý trí, không biết phân biệt phải-trái, trắng-đen, lợi-hại, thiện-ác… Cũng vì sự ngu tối về lý trí này đã dẫn đến những trở ngại trong mọi hành vi (hành động và lời nói) từ đó dẫn đến những hệ quả tai hại, không tốt đẹp cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

Giờ chúng ta cùng đặt câu hỏi: Hệ quả của Tham, Sân, Si với một người không tu đạo (không Quy Y Tam Bảo, và không Trì Giới) và một người tu đạo (Quy Y Tam Bảo và Thọ Trì Ngũ Giới) có gì khác biệt? Câu trả lời: hoàn toàn không có gì khác biệt.

Vậy Tam Bảo là gì? Thọ Trì Ngũ Giới là gì?

Tam Bảo là gì?
Tam Bảo: Bảo là quý. Tam là Ba. Nghĩa là 3 vật quý báu hay còn gọi là chân bảo. Ba vật báu là gì: đó là Phật, Pháp, Tăng.

Phật là đấng giác ngộ, người đã buông bỏ tất cả những dục lạc thế gian để tìm ra chân lý bể khổ, nguồn mê và tìm con đường giải thoát cho chúng sanh muôn loài.

Pháp là tất cả những giáo lý mà đức Phật đã vận dụng, tuỳ theo sự mê, ngộ của chúng sanh mà giáo hoá, giúp cho chúng sanh muôn loài đều được giác ngộ, tu hành và tiến tới giải thoát.

Tăng là những người xuất gia (còn gọi là Tỳ Kheo – chỉ người nam; Tỳ Kheo Ni – chỉ người nữ) – những người đã nguyện xả bỏ duyên trần, đi theo con đường của Đức Phật và nguyện dùng những giáo pháp của Phật để hoằng pháp, độ sanh.

Chính vì thế, Tam Bảo còn được gọi là những gì chân quý nhất của thế gian hay còn gọi là Nhất Thế Tam Bảo. Trong Kinh Đại Thừa Kim Cang Luận khi Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Sao kêu là nhất thế Tam Bảo? Đức Phật nói: Cái tánh là Phật bảo, thường thường chẳng động; cái tâm là Pháp bảo, tỏ sáng công chánh; cái thân là Tăng bảo, trai giới trong sạch.***

Thọ Trì Ngũ Giới là gì?
Ngũ là 5, Giới gọi giản đơn là luật định hay những quy chế để kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi tạo tác bất thiện của một cá nhân hay một tập thể tu đạo. Thọ trì là nguyện giữ gìn những những luật định đó mà chẳng vi phạm.

Năm Giới đó là:
- Không sát sanh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không uống bia rượu và dùng những chất kích thích (thuốc phiện, heroin)

Câu hỏi được đặt ra: Người không Quy Y Tam Bảo và Không Thọ Trì Ngũ Giới (gọi tắt là Tam Quy Ngũ Giới) và người thọ Tam Quy Ngũ Giới khi tạo nghiệp – giả sử nghiệp sát sanh – có gì khác biệt?

Theo lẽ đời, mọi người sẽ nói: Chắc chắn người đã thọ Tam Quy Ngũ Giới sẽ phải chịu nghiệp nặng hơn người không thọ Tam Quy Ngũ Giới? Đây là một ý nghĩ sai lầm, bởi nó chỉ dựa theo luật định, phán xét của xã hội công dân, vì thế nó không đúng với quy luật nhân-quả của đạo Phật. Nhân-Quả là gì? Hiểu giản đơn theo lẽ đời: đó là hệ quả của tất cả những hành vi mà con người là chủ thể gây ra. Nhưng với đạo Phật thì Nhân chính là những hành vi, động niệm, tạo tác (thiện-ác) của mọi chúng sanh; và Quả là kết quả của những hành vi tạo tác mà chúng sanh đó đã gây tạo. Ví như: Một kẻ giết chết một người, dẫu kẻ phạm tội là người tu đạo hay không tu đạo, cả hai đều phải nhận sự truy cứu và phạt hình từ luật pháp.

Luận cứ nhân-quả ngoài đời: hành động giết người đó chính là Nhân. Và khung án phạt chính là Quả. Giả sử kẻ đó bị phạt tù 20 năm, và khi kẻ giết người chịu hết khung án phạt thì cũng đồng nghĩa kẻ đó đã trả xong án giết người.


Luật Nhân-Quả trong đạo Phật không như vậy: 20 năm án tù chỉ là hình phạt cho cho hành vi sát nhân – hành vi này từ đâu? Do tham, sân, si gây nên. Do vậy dẫu người đó có ngồi hết 20 năm án tù cũng chỉ là chịu đựng hết hình phạt cho hành vi giết người, nhưng cái Nhân (tham, sân, si) vẫn còn đó và cái nghiệp giết người cũng vẫn còn nguyên, chứ kẻ đó không thể trả hết được cái nghiệp sát này (bởi người chết không thể sống lại). Điều này cũng tương tự cho việc sát sanh (bắn, giết thú vật) để ăn thịt. Do vậy việc hai kẻ giết người, hay sát sanh dẫu là tu đạo hay không tu đạo cái nghiệp họ gây ra đều giống nhau chứ không có khác biệt, hay kẻ này nặng hơn, kẻ kia nhẹ hơn. Điều này đã được đức Phật trả lời Ngài Văn Thù Sư Lợi trong Kinh Kim Cang Đại Thừa như sau: Nếu người không giữ giới sát sanh ăn thịt thì đoạn dứt hột giống từ bi; người không giữ giới trộm cắp, của người không cho mà mình lấy là đoạn tuyệt hột giống giàu sang; người không giữ giới tà mị dâm dục là đoạn tuyệt hột giống thanh tịnh; người không giữ giới nói dối, nói thêu dệt là đoạn tuyệt hột giống thành thật; người không giữ giới say rượu mê man là đoạn tuyệt hột giống thông minh trí huệ. Cho nên không giữ năm giới là tuyệt đường nhơn thiên, còn năm giới mà giữ được thời đoạn tuyệt ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh); lành dữ tại mình tạo ra mình chịu lấy.***

Tới đây chắc chắn sẽ có người bảo: Nếu thế thì Quy Y và Thọ Giới cũng chẳng để làm gì. Bởi kiểu gì thì khi phạm lỗi, phạm tội, kết quả cũng đều như nhau cả. Hiểu như thế là chưa xác thực và trái với lý Nhân-Quả, bởi người thọ Tam Quy Ngũ Giới có thể tránh được (nếu trì giới nghiêm mật) và tránh đến mức tối đa 5 nghiệp bất thiện cho bản thân – điều mà người không thọ Tam Quy Ngũ Giới không thể hoặc khó có thể làm được. Và cũng nhờ đó mà đem lại cho mình 5 điều lợi lạc cho chính bản thân mình: 5 nghiệp bất thiện đó là gì?

1. Nghiệp sát sanh. Thế Tôn nói: Hết thảy trong các tội, sát sanh, ăn thịt tội nghiệp rất nặng. Cớ sao vậy? Như cắt một dao trả lại một dao, giết một mạng phải thường lại một mạng, trăm ngàn muôn đời ăn thịt lẫn nhau không dứt. Cho nên người tu muốn khỏi luân hồi trả quả thời trước hết phải học từ bi, chẳng ăn thịt chẳng sát sanh.***

2. Nghiệp trộm cắp. Thế Tôn nói: Phạm tội trộm cắp lấy của người, hoặc vốn ít lời nhiều, trong ngàn muôn đời phải trả nợ. Cớ sao vậy? Như vật của người chẳng cho mà mình lấy ngang, một đồng tiền, một bụm gạo, kiếp sau đều phải trả nợ. Cho nên người tu muốn cầu giàu sang, của tiền như ý mình thì trước phải bố thí mới đặng, hà huống trộm cắp của người.***

3. Nghiệp tà dâm. Thế Tôn nói: Phạm tội tà dâm, cái ân ái buộc ràng trong ngàn muôn đời chẳng đặng giải thoát. Cớ sao vậy? Sự dâm dục là hột giống cội gốc đường sanh tử. Cho nên người tu muốn ra khỏi sanh tử, trước phải đoạn trừ ái dục.***

4. Nghiệp nói dối. Thế Tôn nói: Phạm tội vọng ngữ, cái khẩu nghiệp nói dối trong ngàn muôn đời, cái phải cái không gạt nhau, việc không nói có, việc có nói không. Do cớ sao? Oan oan tương báo, đời đời đền trả. Cho nên người tu muốn cầu vào đạo, trước phải học thành thật, trừ bỏ việc dối trá.***
5. Nghiệp uống rượu. Thế Tôn nói: Phạm tội uống rượu, hôn mê chân tánh, trong ngàn muôn đời tâm trí tối tăm. Cớ sao vậy? Vì tửu lực làm cho người mê muội ngu si, thân thể nhơ nhớp, say sưa nghiêng ngả. Cho nên người tu muốn cầu cho tâm tánh yên tịnh, trí huệ thông minh thì phải dứt trừ cái nghiệp uống rượu.***

Năm thứ nghiệp đó rất lớn, rất nặng, như người giữ trọn đặng thì thành Thánh, bằng giữ chẳng trọn thì nhiều kiếp trầm luân đọa lạc, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.***

Qua những lời dạy nói trên của đức Phật chúng ta thấy: Phật chế ra 5 Giới cho người Phật tử tại gia trong đó lấy giới Sát làm đầu, không phải vì Phật muốn gây khó dễ cho cuộc sống của người tại gia, nên chế ra những giới đó, rồi cấm đoán người Phật tử không được tái phạm; Trái lại sự chế định đó xuất phát từ tấm lòng từ bi không ngằn mé của Phật, và có tác dụng giống như một hàng rào cản nhằm bảo vệ người Phật tử đứng trước những cám dỗ, dục lạc thế gian – nhân của sanh tử luân hồi, nhờ đó hướng người Phật tử tại gia đến con đường chân thiện và giải thoát. Điều này khác hẳn với ý nghĩ của không ít người cho rằng: Tu đạo Phật lợi đâu chả thấy, chỉ thấy cấm nọ, ngăn kia, chuyện gì cũng cấm, chuyện gì cũng ngăn, chuyện gì cũng không cho làm. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều người lo âu, thậm chí hoảng sợ mỗi khi nghĩ đến Phật, khi phải đối diện với đạo Phật và chuyện thọ Tam Quy Ngũ Giới. Bởi nhiều người nghĩ: Nhập đạo Phật là không được ăn thịt; là chuyện chăn gối vợ chồng, sanh đẻ con cái đều phải từ bỏ; rồi chuyện bia, rượu cũng bị cấm đoán luôn, như thế thì cuộc đời đâu còn ý nghĩa? Lấy ai để nối dõi tông đường? Hoặc nhỡ không giữ được giới thì vô tình lại tạo thêm nhiều nghiệp hơn sao?

Thực tế thì Phật không hề cấm các Phật tử ăn thịt mà Ngài khuyên chúng ta không nên ăn thịt, bởi Phật nói: Tất cả nam-tử là cha ta, tất cả nữ-nhân là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác-sanh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng-sanh trong lục-đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta. Tất cả chất tứ-đại đều là bổn-thân bổn-thể của ta, cho nên phải thường làm việc phóng sanh và khuyên bảo người làm (Kinh Phạm Võng).

Và Ngài cũng không hề cấm hay ngăn cản chuyện chăn gối của Phật tử tại gia như nhiều người ngộ nhận và suy nghĩ, mà Ngài khuyên và chỉ cho chúng ta thấy: ái dục chính là cái nhân dẫn đến sanh tử luân hồi. Vì thế, với người tại gia, chuyện chăn gối của vợ chồng gọi là chánh dâm (tuy nói là chánh nhưng cũng thường được kiểm soát, chẳng nên dùng thân thể của vợ, chồng để hành lạc hay làm trò tiêu khiển); nhưng nếu có vợ, có chồng rồi mà chung chạ với người bên ngoài, phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác, khiến cho người khác phải đau khổ, phải sống trong cảnh sanh ly, tử biệt thì đó là tà dâm. Ý nghĩa của giới sát sanh và tà dâm là như vậy, chứ chẳng phải Thọ Giới rồi, biến mình, biến người thân của mình và thế giới xung quanh trở thành những kẻ tâm thần phân liệt, vô tri, vô giác. Làm gì, nói gì cũng không dám; đụng vào việc gì cũng sợ, rồi đoạn tuyệt tất cả mọi mối quan hệ trong sinh hoạt, gia đình và xã hội. Hiểu và làm như thế vô tình mọi người đã coi Phật như một ông Ác, và đạo Phật giống như một nhà giam khắc nghiệt để quản chế tất cả mọi hành vi, động niệm của con người, biến con người trở thành những giống cỏ cây khô cằn, vô cảm.
Nếu đúng như thế thì Phật đâu cần hiện thân nơi cõi Ta Bà này rồi chịu muôn ngàn khổ ải, rời bỏ gác tía, lầu son, xa lìa mẹ, cha, vợ đẹp, con khôn… rồi phải bỏ ra 49 năm miệt mài thuyết giảng cả 84000 pháp môn, giúp cho người ngu, kẻ trí cùng được hưởng lợi pháp?
Để kết thúc bài viết, Huệ Tâm xin được dùng những lời dạy của đức Phật như một lời nhắn nhủ:
Nếu tu hành còn uống rượu mà muốn thành đạo, thì cũng như người uống thuốc độc mà muốn được an vui, không có thể được.
Nếu tu hành mà còn ăn thịt, muốn được thành đạo, cũng như nhận kẻ oán thù cho là con mình, muốn được thân yêu không có thể được.
Nếu tu hành phạm tội trộm cắp, muốn đặng thành đạo, cũng như lấy cái lu thủng đựng nước, muốn nước đầy mãi không có thể được.
Nếu tu hành còn phạm dâm dục, muốn cầu thành đạo thì như nấu cát đá muốn cho thành cơm, không có thể được.
Nếu tu hành chẳng dứt bỏ nói dối, lấy cái dối làm thiệt, muốn cho thành đạo cũng như người thường dân xưng là vị quốc vương, muốn cầu giàu sang không có thể được.
Nếu tu hành mà tâm thường hay giận hờn, tánh thường hay tranh hơn thua, thiếu lòng từ bi bình đẳng mà muốn thành đạo, cũng như mình đi chiếc ghe lủng, muốn qua biển lớn thì phải bị chìm, tại nơi người muốn nên phải bị đọa, chẳng phải đức Phật chẳng cứu.
Nếu như muốn đoạt kết quả tốt đẹp của đạo Bồ đề thì phải giữ gìn trai giới của đức Như lai cho được thanh tịnh, thà là bỏ thân mạng, nhứt định không hủy phạm; đức Phật nhìn nhận người này chắc được thành Phật.***

Tới đây các bạn đã có thể tự hiểu, tự chọn, tự quyết định cho mình: nên hay không nên Thọ Trì Tam Quy Ngũ Giới?
24.07.2014 – Huệ Tâm

Ghi chú: ***Trích từ Kinh Đại Thừa Kim Cang Luận
 

New Comments