Samstag, 20. Oktober 2012

Thiền - Phá Chấp - Phần II




Vollbild anzeigen "Học Đạo và học Thiền là nhằm đưa chúng ta thoát ra khỏi cản giới Thiện-Ác, nghĩa là Thiện-Ác cũng đều phải dẹp cả, có vậy mình mới không bị mắc kẹt giữa đôi đường..."

(Tiếp theo)

2. Tại sao phải ngồi thiền?

Có lẽ lý do đơn giản nhất buộc chúng ta phải ngồi thiền: để tạm dừng mọi vọng động trong tâm-thân-ý. Ngồi xuống, rồi tự tĩnh lại cái tâm của chính mình – cái tâm vốn dĩ hết ngày này qua ngày khác, hết giờ này, qua giờ khác sống trong vọng động, trong ngu mê, trong tham-sân-hận. Trong tất cả mọi phương pháp thiền có lẽ phương pháp Toạ thiền hay còn gọi là Thiền định là phương pháp hữu hiệu và dễ thực hiện hơn cả, bởi chỉ có ngồi xuống, chúng ta may ra mới tạm thời xa lìa những vọng động về thân-tâm, rồi áp dụng những kỹ năng: quán niệm hơi thở; quán tượng; quán tưởng; hay vừa quán vừa tưởng… để chế ngự dần những vọng động đang xảy ra trong tâm-thân-ý. Nhưng thực ra ngồi thiền cũng chỉ là hình thức. Trong bài viết cách đây khá lâu, Huệ Tâm đã nêu ra hai định nghĩa về Toạ Thiền và Thiền Định của Lục Tổ Huệ Năng. Đọc thêm: Tịnh tâm khi hành thiền


Với dụng ý: chúng ta cùng lý giải để hiểu biết thâm sâu hơn về con đường mà chúng ta đã chọn. Sở dĩ chúng ta còn phải Toạ Thiền hay Thiền Định là vì chúng ta còn chấp, còn sống trong điên đảo, vọng tưởng (sống trong ma đạo). Chấp đây là chấp: cao-thấp, to-nhỏ, hơn-thiệt, phải-quấy, đen-trắng, thắng-thua, địch-ta, thương-hận, yêu-ghét, chánh-tà…v.v. thậm chí chúng ta chấp ngay cả bản thể của chính mình; chấp cả những việc được xem là rất thiện của mình đối với những người xung quanh.


Ví thử: Ông A hỏi ông B: làm sao để ngồi thiền đạt kết quả? Ông B vì lòng tốt đã không ngần ngại chỉ dẫn tận tình cho ông làm sao để ngồi thiền, rồi biện pháp khắc chế khi đang ngồi thiền tâm sinh bấn loạn… Sẽ không có chuyện gì để nói, nếu ông A biết quán chiếu trong khi hành thiền và hành thiền một cách tinh tấn, nhưng ở đây đã xảy ra sự cố: ông A không thể chứ ngự được cái tâm loạn động của chính mình, và mặc dù, ngày ngày ông A vẫn cố gắng ngồi ngay như tượng để… thiền, nhưng trong đầu ông A lại luôn nảy sinh, quay cuồng đủ thứ chuyện mà ông A không thể nào chế ngự. Ngồi thiền như vậy quả là rất khổ và rất đáng sợ. Nhiều người gọi đó là ma cảnh (tầu hoả nhập ma). Đương nhiên, sau khoảng thời gian tập tành nhưng vô kết quả, ông A đã sinh hoài nghi sự chỉ dẫn của ông B, rồi hoài nghi cả chính mình và đem chuyện đó làm câu chuyện đàm tiếu với những người xung quanh. Địa vị ông B có buồn không? Nếu nói không là nói dối, bởi ông B chưa phải là thánh nhân. Tuy nhiên, nếu ông B quán chiếu được sự việc, tất cái buồn ấy chỉ xâm chiếm đôi chút trong lòng ông B phải quán chiếu tâm, cho câu chuyện tự nó nguôi ngoai. Nhưng sự việc đã không dừng được ở đó. Ông B khi nghe thấy mọi người đàm tiếu thiếu thiện ý về mình, lập tức nổi xung, rồi tự dằn vặt bản thân tới mất ăn, mất ngủ, xa hơn ông B còn lo chuyện „tính sổ“ với ông A… Như vậy câu chuyện thiền tưởng chừng đơn giản, nếu như ông A biết tìm hiểu căn nguyên, biết nắm vững và kiên tâm phương pháp hành thiền, chắc chắn sẽ tới ngày ông A gặt hái được kết quả theo ý nguyện… Nhưng ở đây Huệ Tâm chỉ muốn mượn câu chuyện để nói đến tính CHẤP của con người chúng ta. Chuyện chấp nhất nhau ngoài đời đã là một chuyện phiền toái vô cùng trong cuộc sống. Ở nhà, vợ chồng chấp nhất hành vi ứng xử, mối quan hệ, lời ăn tiếng nói của nhau; rồi cha mẹ-con cái, dạy bảo các con, nhưng chúng không nghe theo, thậm chí còn cãi lại, hoặc có những hành vi vô lễ… những điều đó cũng khiến cho các bậc cha mẹ, ông bà phải phiền lòng. Rồi ngoài xã hội, nơi hãng xưởng, nơi công cộng… có muôn vàn những sự việc diễn, xảy ra trước mắt, hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây… tất tật những thứ đó: vui có, buồn có, bất hạnh có, đau đớn có, rồi chia ly, tang tóc… đều có cả và tất cả những thứ đó chúng ta đem nạp hết chúng vào bộ nhớ, rồi giữ nguyên những chuyện gọi chung là: hỉ-nộ-ái-ố-tham-sân-si đó như một báu vật. Thậm chí nhiều người còn thường xuyên đem những „báu vật“ ấy ra để nhào nặn, chau chuốt lại cho mĩ miều hơn, rồi lại tự thưởng ngoạn chúng như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Hiểu giản đơn thì đó là cách sống bằng kỷ niệm (hay sống bằng quá khứ). Mà mỗi một kỷ niệm, hay quá khứ đều có mầm mốm vui buồn đan xen. Với một người có lối nhìn nhận tinh tế, chắc chắn người đó sẽ biết sàng lọc tất cả những gì không còn thích hợp cho hiện tại, rồi đưa chúng vào „bảo tàng“, chứ không dại gì khư khư giữ những thứ dư thừa, cũ kỹ, đầy khuyết tật, đầy phiền muộn đó bên mình. Nhưng không ít người, trong chúng ta lại không đủ dũng khí để làm chuyện đó. Vậy là cũ cũ, mới mới chồng chéo, đen xen lẫn nhau, tạo thành một mớ bòng bong, quấn chặt lấy chính mình (mua dây buộc mình), khiến mình không còn lối thoát. Trong Đạo gọi đó là vô minh, nghĩa là vì tính chấp nhất của mình quá cao: chấp từ những cái nhỏ nhặt li ti nhất bên mình, rồi cứ giữ rịt lấy không chịu rời bỏ. Tính CHẤP ấy đã khuynh hại chính chúng ta, mà nhiều khi chúng ta vì vô minh nên đã không nhận biết ra được.







Trở lại câu chuyện học thiền của ông A. Nguyên nhân thất bại là vì ông A chấp nhất. Lẽ ra trong lúc ngồi thiền ông A phải dẹp bỏ tất cả mọi chuyện để tĩnh-tâm, và giúp cho tâm mình dần dần lắng xuống tới mức hoàn toàn tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng này không phải là sự tịch diệt (sự tĩnh lặng của không còn sự sống), trái lại, mọi sự sống, sinh hoạt vẫn diễn ra xung quanh, trước mắt, chúng ta vẫn nghe thấy, cảm thấy nhưng những sự sống-động đó không làm cho tâm mình bị khuấy đảo. Khắc chế được những sống động xung quanh ấy là chúng ta đã phá được cái tính CHẤP của chính mình. Ngoài đời mà có tính chấp cao đã rất khổ, nhưng học Đạo-Thiền mà tính chấp cao thì còn khổ gấp vạn lần. Chúng ta hãy thử hình dung: tay mình đang gõ mõ, miệng lầm rầm tụng kinh, nhưng trong đầu lại đang nghĩ: hôm nay ăn gì? Mua gì? Rồi óc lại đang tơ tưởng, lang thang ở một góc phố, một quán hàng rong, hay một siêu thị nào đó… thì đâu thể gọi là ngồi tụng kinh nữa. Do vậy học thiền không chỉ đơn giản là chỉ để tìm đến cảm giác khoái lạc nơi tiên cảnh như nhiều người mong muốn, trái lại, học thiền không gì cao và tốt đẹp hơn là để chúng ta phá bỏ tính CHẤP của chính mình. Học Đạo và học Thiền là nhằm đưa chúng ta thoát ra khỏi cản giới Thiện-Ác, nghĩa là Thiện-Ác cũng đều phải dẹp cả, có vậy mình mới không bị mắc kẹt giữa đôi đường. Sẽ có người bảo: Học Đạo-Thiền là để biết đâu là thiện mà hành, đâu là ác mà tránh, nay lại bảo Thiện-Ác đều dẹp cả, vậy thì học làm gì? Đây chính là điều chúng ta rất dễ bị lầm lẫn, đơn giản là chúng ta cứ nghĩ: việc thiện thì phải làm chứ? Dĩ nhiên phải làm, mà phải luôn luôn hướng thiện, nhưng cái việc chúng ta cho là thiện ấy, lẽ ra làm xong rồi thì thôi, quên nó đi, để làm việc thiện khác, nhưng ở đời dễ mấy ai làm được chuyện đó? Trái lại nhiều người trong chúng ta làm được việc thiện gì lại tạc dạ, ghi lòng mãi mãi không thôi, để rồi, kẻ mắc ơn (được ta giúp) cũng loay hoay tìm cách trả ơn. Trả được thì thấy nhẹ lòng, trái lại, cả đời lòng dạ không yên. Còn kẻ gia ơn khi không thấy kẻ được mình ban ơn hồi báo (lại quả), thì thấy trong lòng hậm hực, thậm chí oán than, cáu, ghét hay thâm thù… Vậy là một chuyện thiện mà kết cục lại trở thành chuyện bất thiện. Kẻ gia ơn và kẻ hàm ơn rốt cuộc chẳng ai được sống vui vẻ và hạnh phúc cả.
Thiện-Ác đều phải dẹp bỏ có nghĩa là vậy.
Thiền là gì nếu không phải là tự mình hoá giải tính chấp nhất của chính mình?
 Huệ Tâm, 17.03.2010

New Comments