"Sở dĩ chúng sanh từ lâu đời lâu kiếp thân
phận chuyển xoay mãi hoài trong vòng sinh tử, trầm luân khổ não vì vọng động vô
minh, không nhận chân được một hướng đi đích thực cho mình và tất cả mọi người,
cứ để cho vô minh phiền não vọng nghiệp cuốn trôi theo dòng đời ảo mộng. Ngay
từ bây giờ phải ý thức kịp thời điều đó để sớm xóa bỏ một giòng sống mê lầm
điên đảo thành một kiếp sống an lạc..."
Diệu
Huệ Đồng Nữ
Đường hướng xây dựng hạnh phúc cao thượng
Nguyên
tác:
Diệu
Huệ Đồng Nữ kinh, tức Tu Ma Đề kinh (Sumati Sùtra)
Ngài Bồ
Đề Lưu Chi dịch từ Phạn sang Hán
Dịch
giả & chú thích:
Thích
Tín Đạo
(1982)
Diệu
Huệ Đồng Nữ
Đường lối xây dựng hạnh phúc cao thượng
A. GIỚI THIỆU VẤN ĐỀ:
Tinh
thần Đại thừa Phật giáo nhằm mục đích cải tạo và nâng cao đời sống nhân loại
chúng sanh để đạt được hạnh phúc an vui và siêu thoát ngay từ trong thế giới
hiện tại và mãi mãi ngàn sau.Tinh thần đó được thể hiện trong tư tưởng của
nhiều kinh điển đại thừa, nhất là sau thời kỳ phong trào Đại thừa Phật Giáo
được hưng khởi và phát triển mạnh từ sau kỳ kiết lập kinh điển lần thứ IV. Tư
tưởng này mang nhiều ý nghĩa đặc sắc trong chiều hướng xây dựng về đời sống con
người. Nó có tính cách nhân bản, lấy con người làm đối tượng xây dựng và phụng
sự. Đó là đường hướng xử thế, và chính là công hạnh lợi tha của Bồ Tát Đạo.Tinh
thần Bồ Tát Đạo rộng lớn bao la tuyệt diệu, nên sự thực hành của Bồ Tát cũng
phóng khoáng, phổ biến tự tại. Tinh thần đó không bị giới hạn trong thành phần
xuất gia hay tại gia, hoàn cảnh hay phương tiện, cũng không hạn cuộc trong
không gian thời gian, phần lớn sự thực hiện Bồ Tát đạo được lưu ý và nhấn mạnh
đến vai trò hộ pháp và duy trì đạo pháp của người cư sĩ tại gia, đặc biệt ở đây
là tinh thần Bồ Tát đạo được ý thức, trình bày và thực hiện bởi tâm niệm cao cả
của một nữ nhi: DIỆU HUỆ ĐỒNG NỮ
KINH DANH:
Diệu
Huệ Đồng Nữ Kinh còn có tên là Tu Ma Đề Bồ Tát Kinh. Từ tên kinh: Diệu Huệ Đồng
Nữ cũng nói lên phần nào ý nghĩa của chuyện sắp được kể.
Diệu
Huệ là tên của nhân vật chính trong chuyện. Tàu dịch là Tu Ma Đề. Nói đến Diệu
(Su) tức là nói đến những cái gì khéo léo, hoàn hảo, tuyệt vời và màu nhiệm,
xứng nghĩa với tiếng Phạn là Su, tức là cái tốt đẹp hoàn thiện. Diệu Huệ là một
khả năng trí tuệ tuyệt vời, một tấm lòng nhân ái sáng suốt bao la hoàn hảo.
Đồng
Nữ: Tức là cô gái, tiểu thư. Cô bé Diệu Huệ hay Tu Ma Đề trong câu chuyện này
là hiện thân của một vị Bồ Tát đã phát tâm Bồ Đề vá tích tụ nhiều công đức tu
niệm từ nhiều đời quá khứ, có một khả năng trí huệ sáng suốt (trí thức), và một
lòng từ bi (tình thương) đối với tất cả chúng sanh còn mê mờ chưa tu tập và
thực hành theo chánh pháp. Mục đích của Bồ Tát là phải bảo vệ chánh pháp để đạt
đến cứu cánh tối hậu là đưa tất cả chúng sanh về trong nguồn suối chánh pháp an
lạc.
Chánh
pháp được bao gồm cả hai phương diện: tình yêu và trí tuệ, thì Bồ Tát cũng phải
thể hiện hai công hạnh, tình thương và trí thức. Phải hiểu biết và phân biệt rõ
ràng đâu là hạnh phúc khổ đau, và đâu là chân thật giả dối. Bồ Tát Diệu Huệ
dùng trí tuệ quán thông tất cả nỗi khổ của chúng sanh và đích thân đến chúng
hội thính pháp rồi cung kính bạch Phật để cầu mong Ngài giảng giải phương cách
phải xây dựng và hướng dẫn đời sống mình và người khác như thế nào để tiến lên
một hạnh phúc an lạc trường cửu vững bền. Xây dựng niềm an lạc cho chính bản
thân mình và dẫn đến nguồn hạnh phúc vĩnh viễn cho kẻ khác, đó chính là hành
động, là đường lối xử thế, là thái độ sống, là thực hành Bồ Tát đạo. Đường lối
sống này theo quan điểm của Diệu Huệ được tóm tắt trong 10 nghi vấn và được Đức
Phật giải đáp, trình bày chi tiết rõ ràng trong 40 vấn đề được gặp lại trong
Diệu Huệ Đồng Nữ Kinh
XUẤT XỨ:
Diệu
Huệ Bồ Tát trong câu chuyện sau đây được trích dịch từ kinh Bảo Tích
(Ratnakuta), có nơi dẫn tên là Ratnakùta. Đó là một văn hệ kinh điển Sanskrit, bao gồm tư tưởng Đại thừa Bồ
Tát kinh, ở trong đó tích tập nhiều văn hệ khác gồm nhiều tư tuởng về Bát Nhã,
Mật giáo đại tập, Hữu bộ Tỳ Nại Da tập sự, v.v….Đây là một công trình tuyển lọc
những kinh điển có hàm chứa về công hạnh của các Bồ tát trên đường nhiếp hóa
chúng sanh trở về nguồn suối an lạc. Từ ý nghĩa đó kinh Bảo Tích được hiểu như
là một đống báu, một kho báu , gác báu v.v… chứa đựng nhiều tấm gương sáng ngời
công hạnh Bồ Tát trên sự nghiệp hoằng hóa, bảo vệ và duy trì chánh pháp. Đó là
Bồ Tát tạng, chứa đựng tư tưởng phóng khoáng, cấp tiến, thung dung tự tại của
đạo Bồ Tát, biểu hiện một truờng phái mới dị biệt với tư tưởng bảo thủ của Tiểu
Thừa, trong đó đặt nặng vai trò hộ pháp và trách nhiệm hoằng hóa của người cư
sĩ ý thức trách nhiệm mình trong việc duy trì và bảo vệ chánh pháp. Hẳn nhiên
thỉnh thoảng cũng có xuất hiện một vài tư tưởng hay quan điểm chống lại những thành phần tu sĩ cố chấp,
bảo thủ sai lầm. Ngày nay, dĩ nhiên chúng ta không thể tìm lại được nguyên bản
Phạn văn, vì kinh Bảo Tích được tuyển lọc các văn kiện từ nhiều văn hệ khác
nhau nên chỉ cón tìm thấy trong Đại Tạng kinh bằng Hán văn và trong Đại Tạng
kinh bằng văn Tây Tạng.
Diệu
Huệ Đồng Nữ Kinh này được trích dịch từ kinh Bảo Tích (3). Đây là
một phẩm hội trong 49 phẩm hội tất cả của văn hệ Bảo Tích. Tuy nhiên, có nhiều
bản dịch kinh này về Hán văn, như bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập đời nhà Tần,
dịch từ Phạn sang Hán văn, có bản dịch Ngài Trúc Pháp Hộ đời Tấn dịch. Riêng
bản văn này do Ngài Bồ Đề Lưu Chi đời Đường đã dịch ra.
Chúng
ta cũng có thể tìm bản kinh này trong Đại Tạng (4) với tên kinh là
Tu Ma Bồ Đề Tát Kinh trong đó có nêu rõ tên vị trưởng giả thân phụ của Tu Ma Đề
là Ưu Ca hoặc Úc Ca theo hai bản dịch của Ngài La Thập và Pháp Hộ. Ngoài ra,
theo truyền thống kinh văn Pali trong Tăng Nhứt A Hàm (5) Tu Ma Đề
Nữ kinh do Ngài Đam Ma Nan Đề đời Tần dịch từ Pali sang Hán văn, thì nội dung
câu chuyện với nhiều chi tiết đã hoàn toàn sai khác ý nghĩa và nội dung tinh
thần Bồ Tát mà kinh Diệu Huệ Đồng Nữ đã trình bày.
B. NỘI DUNG CÂU CHUYỆN:
Điểm
đặc biệt kỳ thú của câu chuyện là hình ảnh một cô bé 8 tuổi ở vào thời chánh
pháp, nhân lúc nghe Phật thuyết pháp, đã khéo léo đưa ra những điều nghi vấn để
thưa thỉnh Đức Phật ngưỡng cầu Thế Tôn khai ngộ và mở đường cho chính mình và
tất cả chúng hội Tỳ kheo cùng với các vị Đại Bồ Tát Đại Thừa tu tập công đức
thiện hạnh để cải tạo đời sống con người trở nên một đời sống hạnh phúc cao
đẹp, vĩnh viễn an vui và giải thoát của các bậc thánh nhân. Chuyện được kể
rằng:
Một
thuở nọ Đức Phật Thích Ca trú tại thành Vương Xá thuyết pháp cho chúng hội Tỳ
kheo, Bồ Tát Đại sĩ vô cùng đông đảo đến tham dự. Điều khiến cho tất cả đại chúng
ai nấy đều ngạc nhiên giữa pháp hội là sự xuất hiện của một đứa bé gái với vẻ
mặt tươi sáng thông minh thánh thiện đoan trang đến dự thuyết pháp. Sự ngạc
nhiên càng tăng thêm nữa khi cô bé tiến dần đến pháp tòa của Đức Phật đảnh lễ
cung kính, đi nhiễu quanh thế Tôn 3 vòng rồi quỳ xuống để thưa thỉnh ý kiến,
Đức Phật nhận thấy rằng đây là một nhân duyên tốt, một cơ hội thuận tiện để
Ngài giải trừ tất cả nghi ngờ, mê vọng cho tất cả chúng sanh. Ngài hoan hỷ cho
phép được trình bày ý nghĩ của mình, cô bé ấy không ai khác hơn là Diệu Huệ
Đồng Nữ, một vị đã phát tâm Bồ Đề từ đời quá khứ, tích tụ rất nhiều công đức và
đã từng hộ niệm rất nhiều vị Bồ Tát thành tựu vô sanh pháp nhẫn.
Sau
khi được Phật cho phép thưa thỉnh, Diệu Huệ liền quỳ xuống đọc một bài kệ, với
nội dung nêu rõ mười quan điểm nhận thức sau:
1)
Làm thế nào để
thành tựu được thân đoan chánh, có đầy đủ các tướng xinh đẹp trang nghiêm?
2)
Muốn sanh vào địa
vị giàu sang, được mọi người tôn quý thì phải thực hiện những hạnh gì?
3)
Làm thế nào để
bảo đảm vững bền không khí đầm ấm khắn khít hòa nhã trong gia đình, bà con,
quyến thuộc không bị phân tán chia lìa?
4)
Làm sao thành tựu
được thân mình thọ báo trong cõi hóa sanh, trú trên ngàn cánh sen để quy hướng,
cúng dường các Đức Phật?
5)
Muốn chứng đặng
thần thông tự tại siêu việt, đến khắp vô lượng cõi Phật để đảnh lễ cung kính
các đức Phật phải tu hạnh gì?
6)
Làm sao đạt được
tâm không oán hận, ra xử thế cũng không bị người khác oán hận?
7)
Phải sống như thế
nào để bất cứ lúc nào lời nói mình đều được mọi người tin tưởng, hoan hỉ và ghi
nhận?
8)
Làm thế nào để xa
lìa tất cả chướng ngại, và thành tựu dễ dàng các pháp thanh tịnh?
9)
Các ma nghiệp làm
thế nào để đoạn trừ và xa lìa tất cả?
10) Làm thế nào đến giờ phút trút hơi thở cuối cùng được thấy chư Phật
hiện tiền, nghe thuyết pháp thanh tịnh, không còn thọ báo khổ não?
Bài
kệ được tóm tắt trong 10 nghi vấn mà Diệu Huệ vừa thưa thỉnh Thế Tôn hàm chứa ý
nghĩa sâu xa về nhân sinh quan Phật giáo trong tiến trình tu tập và tìm kiếm
con đường dẫn đến một đời sống an vui vĩnh viễn từ lúc thọ sanh được thân người
cho đến lúc lâm chung, được tóm tắt qua 10 nghi vấn, thắc mắc. Bằng một khả
năng trí tuệ tuyệt vời mới khởi sinh ra những nghi vấn đó, và bằng một tình
thương bao la bình đẳng mới thực hiện trọn vẹn những công hạnh mà Đức Phật
khuyên dạy đáp ứng với những điều băn khoăn thắc mắc nghi vấn trong tâm tư của
Đồng Nữ. Nêu lên 10 câu hỏi này tức là đặt vấn đề làm thế nào để dẫn đến một
đời sống an vui hạnh phúc cao thượng. Sở dĩ chúng sanh từ lâu đời lâu kiếp thân
phận chuyển xoay mãi hoài trong vòng sinh tử, trầm luân khổ não vì vọng động vô
minh, không nhận chân được một hướng đi đích thực cho mình và tất cả mọi người,
cứ để cho vô minh phiền não vọng nghiệp cuốn trôi theo dòng đời ảo mộng. Ngay
từ bây giờ phải ý thức kịp thời điều đó để sớm xóa bỏ một giòng sống mê lầm
điên đảo thành một kiếp sống an lạc.
Đức
Phật nhân cơ hội này bèn giảng giải và cắt nghĩa rõ ràng bốn mươi phương cách
cần phải thực hiện để đạt được toàn vẹn những khát vọng chính đáng của chúng
sanh. Ngài ca ngợi tán thán về ý nghĩa tuyệt diệu vấn đề Diệu Huệ vừa đặt ra.
Ngài khuyên tất cả hãy lắng tâm tư rồi nhớ kỹ những điều giải đáp để hành trì
tu tập.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen