"nếu ngay lúc ấy chúng ta quán
chiếu lời Phật dạy: vạn sự đều là nhân-quả, là duyên giả hợp, là
vô thường, thì ngay lúc đó chúng ta có thể trở về với tự tánh thanh
tịnh và sống với cái tâm an lạc của chính mình – Đó chính là tâm buông-xả..."
Thiện Lợi
(Nhân ngày Vía Đức Phật A Di Đà)
Lẽ thường, khi một năm sắp
trôi qua chúng ta thường hay quay đầu nhìn lại để suy ngẫm: Một năm đã
qua ta đã làm được điều gì hữu ích? Sự „quay đầu nhìn lại“ đó đạo
Phật gọi là sự biết Hồi Đầu và „suy ngẫm“ chính là sự Quán Chiếu.
Tại sao chúng ta phải thường
xuyên Hồi Đầu? Và thường xuyên Quán Chiếu? Nói khác đi: Hồi Đầu làm
gì và Quán Chiếu làm gì? Hiểu theo nghĩa giản đơn nhất: Hồi đầu
chính là đưa tâm của chúng ta trở về nương tựa nơi tự tánh của chính
mình. Đức Phật từng nói: Tất cả
các chúng sanh đều có trí tuệ và đức tướng Như Lai. Nhưng vì sự
mê-ngộ bất tương đồng nên có chúng sanh và Phật.
Tại sao trí tuệ chúng ta
không khai sáng? Phải chăng chúng ta còn tham quá, còn sân quá, còn si mê quá? Nếu chúng ta dám
dũng cảm nhìn lại: Điều này quả không sai! Vì tham nên điều gì chúng
ta cũng mong cầu; vì tham nên chuyện gì chúng ta cũng chất chứa trong
tâm. Ví thử trong mối quan hệ (giao tiếp, làm ăn…) có ai đó làm chúng
ta buồn; làm không đúng theo ý mình; thậm chí họ có những hành vi nhục
mạ, bức hại… đến chúng ta; hoặc trong gia đình vợ, chồng, con cái,
bố mẹ, ông bà, anh chị em… có những điều khiến chúng ta không hợp ý,
hay phải sanh tâm buồn phiền, suy nghĩ… nếu ngay lúc ấy chúng ta quán
chiếu lời Phật dạy: vạn sự đều là nhân-quả, là duyên giả hợp, là
vô thường, thì ngay lúc đó chúng ta có thể trở về với tự tánh thanh
tịnh và sống với cái tâm an lạc của chính mình – Đó chính là tâm buông-xả. Buông=không nắm giữ;
Xả=không chất chứa. Ngược lại chúng ta coi tất cả những việc đó là
thật, là có thật, là vĩnh cửu… tất chúng ta luôn phải sống trong
buồn rầu, phiền não.
Có một câu chuyện kể về một
vị Thiền Sư khi tiếp một hành giả đến xin khai thị về thiền. Vị
thiền sư nọ đã nâng ấm trà, rồi rót không ngừng vào tách trà nhỏ
trước mặt người hành giả nọ, tới độ vị hành giả nọ không kìm được
lòng mình, đã buột miệng nói: Ngài hãy dừng lại đi! Tách trà đã
tràn hết ra ngoài rồi! Tới lúc này vị thiền sư mới dừng tay và thong
thả nói: Ông đến đây với đầy ý kiến và suy đoán, tôi làm sao có thể
khai thị về thiền cho ông được nữa?
Trong quá trình tu học, chúng
ta cũng bắt gặp những câu chuyện tương tự ở đâu đó xung quanh chúng
ta. Ví thử: Có một Phật tử, đến một đạo tràng nọ nghe Pháp, khi
nghe một giảng sư khuyên: là con của Phật các Phật tử phải nên ráng
học thuộc Chú Lăng Nghiêm và phải thường xuyên trì tụng, bởi Chú Lăng
Nghiêm có thể hàng ma, phục đạo… Nghe lời giảng sư, người Phật tử nọ
về nhà miệt mài học cho thuộc Chú Lăng Nghiêm rồi hàng ngày cũng
miệt mài lập ra công khoá để trì tụng. Cho đến một ngày nọ, người
Phật tử nói trên lại đến nghe Pháp ở một đạo tràng khác, một giảng
sư khác lại khuyên: là đệ tử của Phật, các Phật tử phải nên trì
kinh Pháp Hoa, bởi kinh Pháp Hoa là kinh của thiên kinh… và người Phật
tử nọ cũng vâng lời, ra về, ngoài công phu Lăng Nghiêm, còn kiêm thêm
cả trì Kinh Pháp Hoa. Rồi những ngày kế tiếp, lại có giảng sư
thuyết về Tịnh Độ, thuyết về 48 lời Nguyện của Phật A Di Đà và Kinh
Vô Lượng Thọ, người Phật tử kia lại tỏ ra rất ngưỡng một bộ kinh
này, và trở về lại lập ra công khoá để trì thêm cả bộ Kinh Vô Lượng
Thọ… Nhìn sự việc một cách tích cực, chúng ta thấy thật ngưỡng một
về những việc làm của người Phật tử nói trên… Sự việc sẽ diễn
tiến (có thể) rất tốt đẹp, nếu một ngày kia, người Phật tử nọ
không bị những bạo bệnh ập tới, tới độ những công khoá trong ngày (trì
Chú Lăng Nghiêm; Trì Kinh Pháp Hoa; Tụng Kinh Vô Lượng Thọ; niệm Phật…)
đã không còn thực hiện được thường xuyên và thuần thục như những
ngày còn khoẻ nữa. Và cho đến khi bệnh tình trở nên ngày càng trầm
trọng thì người Phật tử nọ đã tỏ ra chán trường, thất vọng và
thậm chí hoài nghi về những gì mình đã làm…
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen