Sonntag, 18. November 2012

Bông Hồng Tặng Mẹ - Phần II

"Chúng ta không thể trở thành những người con của đất nước nếu như cội nguồn trong chúng ta ngày mỗi ngày thêm mai một; chúng ta không thể làm Cha, làm Mẹ nếu như chúng ta không có lòng hiếu kính với Cha-Mẹ của chính mình"

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.



                                                                    Phần II

Phật dạy: Tâm này là Phật; Tâm này làm Phật. Khi tâm của chúng ta – Những người con không hướng về Cha-Mẹ; luôn tỏ ra thờ ơ, bất kính, khinh nhờn thậm chí hỗn hào… với Cha-Mẹ thì đâu thể nói tâm đó là Phật; tâm đó làm Phật? Vậy muốn tâm này là Phật, tâm này làm Phật chỉ còn cách duy nhất: Chúng ta phải biết hiếu kính đối với Cha-Mẹ.

Trên tinh thần đó, ngày 27.08.2011 vừa qua, tại Chùa Phật Huệ toạ lạc trên đường Hanauer Landstr.443 Frankfurt/Main, dưới sự trụ trì và hướng đạo của Thầy Thích Thiện Sơn cùng toàn thể các Thầy, các Chư Tăng-Ni, Đại Đức trong Chùa, vì sự nghiệp hoằng Pháp, độ sanh, đã tổ chức một buổi Đại lễ Vu Lan vô cùng trang nghiêm và long trọng.



Đại lễ Vu Lan 08.2011 tại Chùa Phật Huệ Frankfurt am Main


Nếu ai đó bảo: Các Sư tu-hành thời này thật thanh nhàn, thì quả thật là sai lầm, khiếm nhã và bất kính vô cùng. Ai được chứng kiến các Thầy, các Sư, các Tăng-Ni trong chùa bận rộn, lo lắng cho ngày Đại lễ không phút ngơi nghỉ (theo tôi biết: để chuẩn bị cho một ngày Đại lễ thôi thì các khâu chuẩn bị cũng đã phải tiến hành trước đó cả tháng rồi), thì mới thấu được ở bất cứ nơi đâu trong cõi Ta-Bà này, sự nghiệp hoằng Pháp, độ sanh của các Thầy vốn luôn gian lao và vô cùng vất vả.


Gian lao là thế. Vất vả là thế nhưng tịnh nhiên không ai nhìn thấy nơi gương mặt các Thầy sự buồn phiền, hay bẳn gắt. Có chăng những gương mặt ấy vốn dĩ luôn xuất hiện trong giới phàm phu mỗi khi gặp đại sự. Trái lại là những nụ cười đôn hậu, những lời khuyên, những lời chỉ giáo nhỏ nhẹ, ân cần, những khuân mặt thanh thản luôn luôn thị hiện – Những điều ấy đã giúp các đệ tử, giúp cho mọi người đến tham dự buổi Đại Lễ Vu Lan hiểu được rằng: Chuyện tử-sanh của kiếp con người vốn được xem là chuyện đại sự nhất trên đời, vậy mà trong mắt các Thầy cũng chỉ giống như huyễn, như sương, như chớp, như ảnh, vậy thì còn chuyện gì khiến chúng ta đáng phải âu lo, phiền muộn?

Đại lễ Vu Lan 08.2011 tại Chùa Phật Huệ Frankfurt am Main

Hiểu được như vậy, chúng ta mới thấy rằng: Sự hiện diện của mỗi cá nhân trong dịp Đại Lễ Vu Lan vừa qua đã không chỉ cổ vũ cho lòng nhật huyết hoằng Pháp, độ sanh của các Thầy, các Chư Tăng-Ni, Đại Đức, các đệ tử trong chùa, hơn thế, nó đã chứng tỏ được tấm lòng thơm thảo, hiếu nghĩa của những người con – Tuy phải sống xa quê hương, phải đang vật lộn với những khó khăn, gian lao của cuộc sống thường nhật, nhưng tấm lòng vẫn luôn hướng về cội nguồn, hướng về Cha-Mẹ, hướng về Tam-Bảo. Chúng ta không thể trở thành những người con của đất nước nếu như cội nguồn trong chúng ta ngày mỗi ngày thêm mai một; chúng ta không thể làm Cha, làm Mẹ nếu như chúng ta không có lòng hiếu kính với Cha-Mẹ của chính mình; chúng ta cũng không thể là Phật; làm Phật khi tâm chúng ta vốn luôn luôn truy cầu, vọng động theo những tham hiếu, thị dục thông thường.

Đại lễ Vu Lan 08.2011 tại Chùa Phật Huệ Frankfurt am Main

Đại Lễ Vu Lan không chỉ là cơ hội để chúng ta – những người Phật tử, những người con cùng nhìn nhận lại mình – một chặng đường xa quê; một chặng đường làm người; một chặng đường làm Cha, làm Mẹ để lấy đó làm cái mốc, làm bài học, làm nền tảng vào đời, làm giáo lý để nuôi dạy con cái. Xa hơn Đại Lễ Vu Lan còn là một cơ hội để chúng ta cùng gặp gỡ, sẻ chia, trao đổi chuyện đời, chuyện Đạo. Đời và Đạo tuy hai mà một. Hai khi chúng ta cứ một lòng mải mê, tách bạch, một lòng truy cầu theo những thị dục tầm thường và rồi khuấy quên: Khi sự Vô Thường ập tới – Những thứ hả hê mong cầu, tích góp đó nào có ích gì đâu? Và Đời-Đạo là một nếu như chúng ta biết, hiểu được, tin sâu chân lý Nhân-Quả và sự răn dạy của Đức Phật, từ đó mà hài hoà trong cuộc sống. Chúng sanh và Phật vốn dĩ tương đồng. Sở dĩ bất tương đồng vì có sự Mê-Giác mà nên. Sự lễ kính đối với Cha-Mẹ chính là việc chúng ta đang hướng tâm mình, đang giữ tâm mình cho tròn chữ Đạo. Xa hơn sự lễ kính đối với Tam-Bảo cũng chính là việc chúng ta đang tỉnh thức tâm-thân-ý của chính mình để cùng nhau bước ra khỏi bờ Mê để tiến về bờ Giác.
Đại lễ Vu Lan 08.2011 tại Chùa Phật Huệ Frankfurt am Main

Đại lễ Vu Lan đã qua, nhưng dư âm vẫn còn đó. Chúng ta hãy cùng nhau hy vọng và cùng nhau kính chúc các Thầy, các Chư Tăng-Ni, Đại Đức trong chùa bốn mùa thân tâm khoẻ mạnh, an lạc để tiếp tục sự nghiệp hoằng Pháp, độ sanh mà Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật luôn luôn mong mỏi.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mùa Vu Lan 08.2011
Huệ Tâm

New Comments