Mittwoch, 18. Dezember 2013

Người Phật Tử Nghĩ Gì Làm Gì Trước Thềm Năm Mới? - Phần 2




"Năm mới qua đi ai trong chúng ta cũng đều muốn chia tay cái cũ – những điều không tốt đẹp. Nhưng nếu chỉ đơn thuần chia tay thôi, thì khi một năm mới tới, không có gì đảm bảo và chắc chắn những điều không tốt đẹp đó sẽ không tiếp tục xảy ra với chúng ta, và như thế một năm với chúng ta vẫn đọng đầy gánh nặng và phiền não..."


(Nhân ngày Vía Đức Phật A Di Đà 19.12.2013 (nhằm ngày 17.11.2013 AL)

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Bát Nhã, Tổ Huệ Năng dạy: Bát Nhã diễn tiến theo ba giai đoạn: Văn tự Bát nhã; Quán chiếu Bát nhã và Thật tướng Bát nhã. Quán chiếu những lời Tổ dạy, chúng ta thấy, việc chúng ta thuộc kinh pháp mới chỉ là thuộc Văn Tự. Nhưng liệu những Văn Tự (kinh pháp) đó có phù hợp với khả năng (căn cơ) của bản thân hay không? Nhiều khi chúng ta không suy xét thấu đáo. Từ sự thiếu thấu đáo đó nên khi gặp sự, chúng ta rất dễ bị chao đảo, mất lòng tin, thậm chí hoài nghi về mình, về pháp mình đang học. 

Trong kinh Kim Cang Phật nói: Pháp nào của Phật cũng đều là  Phật Pháp, nhưng những pháp ấy dụ như thuyền bè. Tại sao Phật lại gọi các pháp như thuyền bè? Bởi các pháp vốn hư huyễn (vạn pháp duy tâm tạo- tâm tạo ra các pháp). Sở dĩ Phật để lại một kho tàng khổng lồ về kinh pháp cho hậu thế, chẳng phải Phật bảo chúng ta phải học cho bằng hết những pháp đó; trái lại vì các pháp là hư huyễn, là duyên khởi, căn cơ mê-ngộ của chúng sanh bất tương đồng nên Phật cũng tuỳ duyên, tuỳ đối tượng, tuỳ thời, tuỳ bệnh của chúng sanh mà chỉ dạy, bốc thuốc để trị bệnh. 

THAM-CHẤP cũng chính là bệnh. Vì THAM nên chúng ta ngỡ cứ học thật nhiều kinh pháp của Phật là ta đã đền ơn Phật, là hộ pháp, duy trì được chánh pháp. Thực tế Phật lại chỉ rằng: Học pháp của Ta mà không hiểu ta chính là phỉ báng Ta. Làm một quán chiếu nhỏ cho hiện tượng trên ta thấy: khi tu học chúng ta hoặc có thể đơn giản hoá sự việc; hoặc vì tham (gốc của si mê) nên đã không khéo léo để chọn phương tiện tu học hợp với mình, nên nhiều khi quá ôm đồm, chúng ta ngỡ mình phải làm thế này, phải làm thế kia mới đúng pháp, mới duy trì được Phật pháp, mới đúng là con Phật… Nhưng thực tế đã trả lời: Một người con Phật – một Phật tử chân chính phải hành động bằng trí tuệ chứ không bằng trái tim, bởi trái tim=tâm ái dục=thiên lệch (thích ai chúng ta thề sống chết với họ; ngược lại sẽ tìm cách xa lánh bằng được). Làm được vậy là chúng ta đã biết quán chiếu bát nhã và đã dụng (hiểu) được thật tướng bát nhã=hiểu những lời Phật dạy. CHẤP cũng tương tự như thế. Vì CHẤP nên chúng ta cứ ngỡ bỏ pháp này, bỏ kinh này, bỏ hồng danh của đức Phật này, Bồ Tát này, không nghe pháp của Thầy này, Thầy nọ… là chúng ta có lỗi, có tội… Thực tế là sai. Chúng ta chỉ có lỗi và thực sự có lỗi khi chúng ta học pháp nhưng không hiểu pháp, từ đó dẫn đến thực hành, quán chiếu cũng thiên kiến và sai lệch. Do vậy THAM-CHẤP là bệnh mà chúng ta phải tự điều tiết để chữa cho chính mình. 

Tương tự SÂN và SI cũng chính là hệ quả của việc quán chiếu và thực hành một cách thiên kiến trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Nói khác đi SÂN và SI chính là cái Nhân tạo ra sự Tham-Chấp=Quả mà chúng ta phải gánh chịu.

http://3.bp.blogspot.com/-yYxY7rsxMkU/Uckj167g5MI/AAAAAAAAAEQ/ZamJFFso9Ow/s400/phapmon.jpg

Phật là người cho chúng ta phương tiện. Pháp là phương tiện tối thắng để chúng ta tu học (thuyền bè để chúng ta sang sông). Nhưng pháp nào và phương tiện nào thực sự hữu ích với chúng ta? buộc mỗi chúng ta phải tự cân nhắc và chọn lựa thật kỹ lưỡng. Nói khác đi: Muốn đền ơn Phật - Người cho chúng ta phương tiện, buộc chúng ta phải biết khéo dụng phương tiện, bằng không, ơn chúng ta không thể trả, trái lại còn làm hư hoại cả mình lẫn phương tiện đó.

Chỉ còn ít ngày nữa một năm mới lại đến. Năm mới qua đi ai trong chúng ta cũng đều muốn chia tay cái cũ – những điều không tốt đẹp. Nhưng nếu chỉ đơn thuần chia tay thôi, thì khi một năm mới tới, không có gì đảm bảo và chắc chắn những điều không tốt đẹp đó sẽ không tiếp tục xảy ra với chúng ta, và như thế một năm với chúng ta vẫn đọng đầy gánh nặng và phiền não. 

Tham-Sân-Si chính là gánh nặng khiến cuộc sống nội tâm và tâm linh của chúng ta luôn phiền não. Muốn tránh được những phiền não đó chi bằng chúng ta phải cùng nhau thực hành: Buông-Xả?
Nhân ngày Vía Đức Phật A Di Đà 19.12.2013 (nhằm ngày 17.11.2013 AL) – Thiện Lợi

New Comments