Sonntag, 18. November 2012

BÔNG HỒNG TẶNG MẸ - Phần I

"Và cũng để rồi năm thì, mười hoạ, chợt nhớ tới Cha-Mẹ, chúng ta mới vội vã dùng lời ngọt nhạt, dùng tiền, dùng đồ vật… để thăm viếng hay biếu tặng Cha-Mẹ..."



Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.


                                                              Phần I

Hàng năm sau ba tháng An Trai Kiết Hạ thì mùa Vu Lan lại về. Đây là một cơ hội để cho các Phật tử khắp nơi trên hành tinh này cùng nhau gác lại tất thảy những chuyện tham luyến, vọng động của cuộc sống thường nhật, để cùng nhau hướng về ngôi Tam Bảo, cùng nhau đến Chùa dâng hương, đảnh lễ Chư Phật và cùng nhau cầu nguyện cho Cha-Mẹ và những thân quyến thân yêu còn sống hay đã khuất của mình.

Ai trong chúng ta cũng đều có Cha-Mẹ. Công Cha, nghĩa Mẹ sinh thành không có câu chữ, ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết được. Nhắc đến nghĩa Mẹ chúng ta không thể không nhớ tới hình ảnh của Đức Mục Kiền Liên – Một đại đệ Tử của Phật Thích Ca – Người đã không quản ngại sự gian nan, nguy khó, đích thân tìm xuống tận địa ngục để ngưỡng mong cứu Mẹ thoát ra khỏi cảnh đoạ đày nơi địa ngục.
Trong kinh Vu Lan Bồn đã kể lại rằng: Khi Đức Mục Kiền Liên chứng được Lục thông, điều đầu tiên là ngài nghĩ ngay đến người mẹ đã qua đời của mình. Bằng phép thần thông mà Ngài chứng đạt, Đức Mục Kiền Liên đã tìm thấy được mẹ mình hiện đang bị đoạ lạc trong kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục và đang phải gánh chịu vô số kế những khổ hình, khiến cho thân hình của mẹ mình đói khát, tiều tuỵ.
Trước cảnh thương tâm như thế, Đức Mục Kiền Liên cảm thấy thân tâm mình vô cùng đau đớn, và Ngài đã quyết định xuống tận địa ngục để thăm dưỡng mẹ.

Mẹ-con gặp nhau, Đức Mục Kiền Liên bèn dâng phẩm vật cung dưỡng cho mẹ, ngỡ mong mẹ mình sẽ bớt đi phần nào đói khổ. Mẹ của Ngài được gặp lại con, nhìn thấy phẩm vật, lòng vừa mừng, lại vừa lo sợ. Mừng vì có phẩm dưỡng nuôi thân, lo vì sợ các ngạ quỷ khác sẽ lao tới mà tranh cướp. Vì tâm tính bỏn xẻn, vị kỷ như vậy nên bà vội vã tay che, tay bốc cơm đưa lên miệng định ăn ngấu nghiến, nhưng than ôi, cơm chưa đưa tới miệng, đều đã biến thành than lửa…

Đại lễ Vu Lan 08.2011 tại Chùa Phật Huệ Frankfurt am Main

Tự thân chứng cảnh đau sầu như vậy, Đức Mục Kiền Liên nước mắt lưng tròng, vội vã rời địa ngục, chạy về cầu cứu Đức Phật, mong Đức Phật chỉ cho cách cứu giúp mẹ mình thoát khổ. Đức Phật nghe rồi, bèn bảo: Mẹ ông gốc tội vô cùng sâu nặng, thân ông dẫu chứng Lục Thông, lòng hiếu thảo dẫu vang tới chín phương trời, và dẫu cho có hợp sức của tất cả các bậc Thần Kỳ của ba cõi, sáu phương tu tập… cũng không thể nào cứu mẹ ông thoát nạn được. Muốn cứu mẹ ông ra khỏi trốn địa ngục ấy chỉ còn pháp duy nhất là ông phải nhờ thần lực của mười phương Tăng, rồi nhằm ngày rằm tháng Bảy, mua sắm các đồ Trai, thiết đàn lễ cúng dường… Như thế không chỉ cứu được mẹ ông thoát khỏi cảnh địa ngục trần lao, mà còn cứu được cả cha mẹ bảy đời đã khuất cùng các cha mẹ hiện tiền… Nhờ tấm lòng thảo hiếu, trung đạo như vậy mà Đức Mục Kiền Liên đã cứu được mẹ hiện tiền của mình thoát khỏi cảnh địa ngục để sanh thiên, mà còn giúp cho cha mẹ bảy đời cùng thoát cảnh khổ ải trần lao để sanh về tiên cảnh…

Sẽ có người bảo: Đó chỉ là câu chuyện mang tính dã sử, hay truyền thuyết; vả lại Đức Mục Kiền Liên là bậc đại thánh, lại thêm sự gia độ của Đức Phật… mới ngõ hầu cứu nổi mẹ mình thoát khổ, còn chúng ta – Người trần, mắt thịt, cả ngày vật lộn ngoài đời để lo lắng cho sự tồn tại của bản thân và gia đình chưa xong, lấy gì, sức đâu, thời gian đâu để giúp cha, cứu mẹ? Hiểu như vậy là chúng ta đã quá vị kỷ, đã tự phủ nhận vai trò, vị trí đứng của mình đối với và trong lòng Cha-Mẹ.

Ai trong chúng ta có thể phủ nhận rằng: Chúng ta không phải là một phần máu thịt của Cha-Mẹ? Ai trong chúng ta có thể phủ nhận rằng: Ánh mắt của Cha-Mẹ không rời mỗi bước chân chúng ta đi? Ai trong chúng ta có thể khẳng định rằng: Mỗi bước vấp ngã của chúng ta không khiến cho lòng Cha-Mẹ đau xót? Ai trong chúng ta có thể khẳng định rằng: Cha-Mẹ sẽ vô cùng hoan hỉ khi thấy các con mình phạm lỗi? Ai trong chúng ta có thể khẳng định rằng: Lòng Cha-Mẹ không hề đớn đau, rạn ra từng khúc khi thấy những đứa con ngày, mỗi ngày càng rời xa Cha-Mẹ? Và ai trong chúng ta có thể khẳng định: Chúng ta lớn lên không bằng sự bón, mớm, dìu dắt, chăm lo, dạy dỗ, chỉ bảo ân cần từng phút từng giây của Cha-Mẹ? Hiểu được như vậy chúng ta sẽ thấy rằng: Cả cuộc đời này, dẫu chúng ta có dùng cả thân mình để trao đổi cũng không thể nào đền đáp những công ơn sinh-thành mà Cha-Mẹ đã dành cho chúng ta. Vậy thì phẩm vật gì có thể đáp đền được cho Cha-Mẹ?
Đại lễ Vu Lan 08.2011 tại Chùa Phật Huệ Frankfurt am Main

Ai trong chúng ta cũng đều một lần có Cha-Mẹ. Nhưng dường như là một nghịch lý: Thủa còn chập chững, còn bập bẹ những tiếng u-ơ – Những đứa con chúng ta đều muốn vẫy vùng để mau được rời thoát xa cha mẹ. Để rồi khi có được cơ hội, là chúng ta đã tự vô tư (tự thưởng) cho mình cái quyền lãng quên, được rời xa Cha-Mẹ. Và cũng để rồi năm thì, mười hoạ, chợt nhớ tới Cha-Mẹ, chúng ta mới vội vã dùng lời ngọt nhạt, dùng tiền, dùng đồ vật… để thăm viếng hay biếu tặng Cha-Mẹ.

Làm được như thế và làm được thường xuyên đã kể như chúng ta đã làm tròn chữ Hiếu, và đã được người đời ngợi khen hết mình. Nhưng thời gian qua mau… Những đứa con chúng ta sẽ trưởng thành, sẽ có gia đình, sẽ có con cái, sẽ làm Cha-Mẹ. Phải, tới lúc này - Được làm Cha, làm Mẹ chúng ta mới ngọn nguồn hiểu được: Điều mà Cha-Mẹ cần đâu phải là những món lễ vật, những lời thăm hỏi xã giao thông thường. Trái lại đó là tấm lòng hiếu kính – Sự hiếu kính được phát ra từ chính tấm lòng (từ Tâm) của chính chúng ta.
Huệ Tâm
(còn tiếp)

New Comments