"Tâm của chúng ta không thể An nếu chúng ta vẫn luôn luôn thụ động, luôn luôn chạy đây, chạy đó để tìm cầu cái An đó từ một đấng, một nơi khác. Tâm ta không thể An nếu ta nhất quyết không chịu giác ngộ, không chịu tỉnh thức để hướng tới bờ chánh giác..."
Phần II
Kinh Bát Nhã cũng từng đề cập về hai chữ Vô Minh:
Vô vô minh diệc vô vô minh tận
Dịch nghĩa:
Không có cái Vô Minh, cũng không có hết cái Vô Minh.
Nghĩa là: Cái Vô Minh ấy sẽ luôn luôn tồn tại, luôn luôn là người bạn đồng hành với chúng ta, nếu chúng ta không tự cảnh tỉnh, không chịu giác ngộ, không chịu quán chiếu để xa lìa cuộc sống tham-sân-hận; ngược lại cái Vô Minh ấy sẽ không còn, nếu chúng ta biết giác ngộ, biết quán chiếu đâu là An, đâu là bất An. Như vậy việc chúng ta lên đình, chùa… để dâng sớ Cầu An hiểu theo lý lẽ thông thường: đó là một chánh niệm (một hành vi rất thiện), nhưng hành vi thiện ấy sẽ bị giới hạn, sẽ trở nên phản tác dụng nếu như chúng ta phó thác cái sự An Bình ấy cho Đức Phật, cho Bồ Tát, cho các Thầy trong chùa. Có lẽ không ít người trong chúng ta hiểu giản đơn rằng: Lên chùa, thành kính dâng sớ Cầu An, hay làm lễ Cầu An, vậy là xong, là trọn vẹn. Mọi chuyện đã có Phật, Bồ Tát, các Thầy trong chùa lo lắng cho mình cả. Đây là một tâm lý hết thức thụ động và nguy hiểm. Thụ động, như trên đã nói: An ta sẵn có, nhưng tự làm ta bất An rồi đi tìm cầu ở một nơi khác. Nguy hiểm: bởi ta phó thác vận mệnh của mình cho người khác, buộc người khác phải lo lắng cho mình (thực tế không ai làm được chuyện đó). Rồi nếu khởi sự một tháng, một năm của mình mà êm xuôi, may mắn, phát đạt… tất ta sẽ hoan hỉ ngập tràn, ngược lại, liệu ai trong chúng ta có thể lý giải nổi: cái tâm của mình lúc gặp trăm sự tơ vò sẽ diễn ra như thế nào?
Trở lại với câu Kệ của Tổ Huệ Năng:
Tâm bình không nhọc giữ giới.
Tại sao ta không cần phải giữ giới? Nếu không tìm hiểu sâu xa, chúng ta rất dễ bị mê lầm ở câu Kệ này. Giữ giới ở đây là gì? Là Tam quy, Ngũ giới. Một Phật tử chân chính chắc chắn sẽ hiểu được Tam quy, Ngũ giới là gì. Hiểu chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Điều kiện cần và đủ cho một Phật tử chân chính là phải hiểu, phải thực hành đúng theo những giáo điều mà Đức Phật chỉ dạy. Chưa làm được điều đó thì chưa thể gọi là Tâm Bình được. Mà tâm chưa Bình là bắt buộc phải giữ Giới. Tâm chúng ta chưa An bởi chúng ta không chịu giữ Giới. Vì không giữ giới nên tâm ta bất An. Rồi vì bất An ta phải Cầu An. Cầu An hiểu cho đúng nghĩa chính là việc ta quán chiếu từng sát na để tâm của mình đừng lăng xăng, đừng chạy theo những thị hiếu, những ham muốn, những dục vọng, những tham-sân-hận của đời phàm tục nữa… Muốn nó không bị loạn, muốn nó được An Bình chỉ còn một cách xem ra rất đơn giản, nó giống như việc ta muốn thắp sáng căn phòng, buộc phải thò tay để bật công tắc điện, ngược lại ta cố tình lãng quên cái công tắc sẵn có, và kiên quyết không chịu bật công tắc điện để thắp sáng căn phòng, mà lại vội vã chạy đi tìm nến, tìm lửa, cầu cạnh, xin xỏ, nhờ người khác giúp đỡ… thì đó quả là một việc làm vô minh của chính mình.
Vô vô minh diệc vô vô minh tận! Nó tận, hay nó không tận vốn từ chính nơi chúng ta.
2. Ai có thể đem (ban phát) cho ta và người thân xung quanh sự An Bình?
Ảnh chỉ mang tính minh hoạ (Nguồn: www.google.de)
Thực ra khi ta lý giải thấu đáo câu hỏi trên tất ta đã tự lý giải được câu hỏi này. Tâm ta không thể An nếu như ta luôn hướng mình tới những hành vi bất thiện. Tâm ta không thể An nếu ta luôn hướng tâm của mình tới những ham muốn, những dục vọng trong cõi đời ô trược đầy tham sân hận này. Tâm của chúng ta không thể An nếu chúng ta vẫn luôn luôn thụ động, luôn luôn chạy đây, chạy đó để tìm cầu cái An đó từ một đấng, một nơi khác. Tâm ta không thể An nếu ta nhất quyết không chịu giác ngộ, không chịu tỉnh thức để hướng tới bờ chánh giác. Và tâm của chúng ta không thể An nếu chúng ta tiếp tục vô minh trong từng niệm niệm. Và như thế tất chúng ta phải Cầu An. Sự Cầu An lúc này không chỉ giản đơn ở việc ghi tên trên lá Sớ, rồi kèm theo những khoản tiền cúng dường hậu hĩnh (để mong các Đức Phật, Bồ Tác, các Thầy) sẽ trợ trì cho mình và người thân có thêm sự An lạc. Không. Cầu An như thế chính là sự mê lầm. Là sự vô minh. Và đương nhiên sẽ chỉ đẩy mình, người thân xung quanh mình và đưa tâm mình dấn sâu vào con đường tham-sân-hận. Do vậy sự Cầu An lúc này là tối cần thiết, nhưng ngoài việc thành tâm ghi lên lá Sớ Cầu An, chúng ta còn phải thành tâm nhờ các bậc Thiện Tri Thức chỉ cho chúng ta con đường để dẫn đến An Lạc.
Lục Tổ Huệ Năng đã từng nói: Chưa ngộ thì Thầy độ. Ngộ rồi phải tự độ chính mình. Khi chúng ta còn phải Cầu An có nghĩa tâm ta còn tham-sân-hận, tâm ta còn sống trong vô minh, vì vậy buộc phải nhờ các bậc Thiện Tri Thức hướng dẫn, làm giúp cho chúng ta. Nhưng lý lẽ giản đơn là: Các bậc Thiện Tri Thức sẽ không thể mãi mãi làm thế chúng ta cái công việc đó. Giả như các bậc Thiện Tri Thức muốn sẵn lòng làm chuyện đó cũng không thể nào làm được, bởi tâm là của chúng ta. An hay bất An chỉ mình chúng ta biết và cũng chỉ mình chúng ta mới tự hoá giải nổi.
Phật nói: Thế gian có hai hạng người có sức mạnh:
1. Người không bao giờ gây tạo tội lỗi.
2. Người gây tạo tội lỗi nhưng biết sửa đổi.
Chúng ta còn phải lên chùa Cầu An nghĩa là tâm chúng ta vẫn còn đầy tội lỗi, vì thế buộc lòng chúng ta phải nương nhờ vào sự hộ trì của Phật, Bồ Tát và các Thiện Tri Thức trong chùa. Nhưng một ngày kia nếu ta đã tự mình nhận diện được sự vô minh của bản thân, tự mình quán chiếu được, tất ta sẽ tự an định được tâm của chính mình. Ý nghĩa sức mạnh thứ hai cũng chính là như vậy. Cầu An chỉ còn cần thiết khi tâm chúng ta vẫn còn ngập chìm trong cõi ngu-mê.
Đầu xuân Tân Mão
Huệ Tâm
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen