Freitag, 8. August 2014

Trước Tiên Phải Học Cách Nghe

http://hoasenvanno.files.wordpress.com/2012/12/hoa-thuong-tinh-khong.jpgDi Lặc Bồ Tát bảo: "Trong một khảy ngón tay, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm", làm sao chúng ta có thể phát hiện được? Chúng ta làm sao có thể đoạn sạch niệm? Chẳng thể nào! Do chúng ta chẳng phải là bậc thượng thượng thừa, nhưng chúng ta có thể học theo bậc thượng thừa. Bậc thượng thừa là Bồ Tát, Bồ Tát có khởi tâm động niệm, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước, quý vị sẽ nghe được nghĩa chân thật của Như Lai.

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Chủ Giảng: Pháp Sư Tịnh Không (Phần 4-5)

"Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật" (tâm này là Phật, tâm này làm Phật): Đức Thế Tôn đã nói câu này trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Đối với hiện thời, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta gặp nhiều kẻ chẳng học Phật hiểu lầm Phật, có thể dùng điều này để giải thích cho kẻ ấy. Phật là gì? Phật là chân tâm của quý vị. Ma là gì? Ma là vọng tâm. Trong tám tướng thành đạo của Tiểu Thừa có hàng ma, Đại Thừa không có. Đại Thừa biết Phật và ma là một, chẳng hai. Giác ngộ, ma bèn thành Phật; mê rồi, Phật biến thành ma, chuyện là như vậy đó, thảy đều là chính mình. Nói cách khác, mê là ma, giác là Phật. Tâm thì sao? Tâm không có giác hay mê, giác hay mê là vọng tâm, chân tâm chẳng có giác hay mê. Vì vậy, đã giác ngộ, mà quý vị còn ý niệm giác ngộ, tức là quý vị vẫn chưa giác ngộ, vẫn rớt trong hai ba (tam tâm, nhị ý). Hai ba là bất giác; [nhận thấy] mê và giác đối lập, làm gì đi nữa thì vẫn là hai thứ! Câu cuối cùng nói rất hay: "Bất khả tư nghị" (Chẳng thể nghĩ bàn). Chuyện này quý vị chẳng thể nghĩ nổi. Hễ vừa nghĩ liền trật, vừa nghĩ tới liền mê. Quý vị chẳng thể nói được, hễ nói thì cũng mê rồi! Thốt không nên lời! Nói không nên lời, cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật nói suốt bốn mươi chín năm, tuy nói suốt bốn mươi chín năm, [nhưng đúng như] đức Phật đã nói rất hay: "Nói mà chẳng nói, chẳng nói mà nói". Chúng ta nghe lời này càng nghe càng hồ đồ, lời Ngài nói là thật. Ngài nói lời giả, chúng ta nghe hiểu rõ lắm, chẳng có vấn đề gì. Ngài nói lời thật, càng nghe càng hồ đồ! Chúng ta phải biết dụng tâm để hiểu. Do vậy, đức Phật mới bảo chúng ta: Quý vị phải biết nghe. "Biết nghe" là như Mã Minh Bồ Tát đã dạy trong Khởi Tín Luận: "Ly ngôn thuyết tướng", [nghĩa là] quý vị nghe, nhưng đừng chấp trước tướng nói năng. Nghe nhưng chẳng chấp trước, chẳng phân biệt sẽ là đúng. Nói cách khác, thật sự có thể chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, ai nghe như vậy? Phật nghe như vậy. Có khởi tâm, động niệm, nhưng chẳng có phân biệt, chấp trước, ai nghe như thế? Bồ Tát nghe như thế. Có khởi tâm, động niệm, vẫn còn phân biệt, nhưng không chấp trước, đó là cái nghe của A La Hán. Nếu khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, thảy đều trọn đủ, đó là cái nghe của phàm phu. Quý vị thấy đó: Đều là nghe, nhưng khác nhau, cảnh giới lãnh hội khác nhau.

Quý vị thấy danh từ Khởi Tín trong bộ Khởi Tín Luận của Mã Minh Bồ Tát, đó chính là nhập môn. Đại Thừa nhập môn liền cho quý vị biết: Thật ra, đối với khởi tâm động niệm, nói thật ra, chúng ta chẳng có cách nào, nó quá vi tế. Di Lặc Bồ Tát bảo: "Trong một khảy ngón tay, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm", làm sao chúng ta có thể phát hiện được? Chúng ta làm sao có thể đoạn sạch niệm? Chẳng thể nào! Do chúng ta chẳng phải là bậc thượng thượng thừa, nhưng chúng ta có thể học theo bậc thượng thừa. Bậc thượng thừa là Bồ Tát, Bồ Tát có khởi tâm động niệm, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước, quý vị sẽ nghe được nghĩa chân thật của Như Lai. Có phân biệt, chấp trước, quý vị nghe xong, nói đã hiểu, thì đó là ý nghĩa của chính quý vị, chẳng phải [ý nghĩa] do đức Phật nói. Lại nói rõ hơn một chút, đấy chẳng phải là kiến giải do Tánh Đức của quý vị, mà là kiến giải trong A Lại Da Thức. Vì sao? Vì quý vị có phân biệt, chấp trước, vẫn là A Lại Da làm chủ tể! A Lại Da là vọng tâm. Tri kiến trong vọng tâm, chẳng phải là chân tâm, còn cách chân tâm một tầng; do điều này mà biết tu hành Phật pháp là tu gì? Chính là hai chữ "buông xuống", buông xuống là được!


 

Sức Mạnh Của Nhất Niệm Tâm

Đấy là như sách Hoàn Nguyên Quán đã nói, một niệm vừa động, bèn trọn khắp pháp giới, bất luận quý vị động niệm nào! Vì thế, sau khi đọc bộ luận này, chính mình phải hiểu: Chúng ta khởi tâm động niệm, dấy lên thiện niệm, những người tâm địa thanh tịnh trọn khắp pháp giới hư không giới đều thu được, đều nhận được tin tức ấy. Giống như chúng ta đang ở trên màn hình TV, toàn bộ hoạt động của quý vị họ thấy hết. Quý vị có thể gạt gẫm được người nào hay chăng? Quý vị khởi lên ác niệm, họ cũng biết hết, chẳng thể giấu diếm mảy may nào! Đừng tưởng người ta không biết, biết toàn bộ! Quý vị chỉ có thể giấu diếm chúng sanh mê hoặc, điên đảo, họ không biết; chứ không gạt được người giác ngộ! Đây là chân tướng sự thật. Một niệm trọn khắp pháp giới, một niệm sanh ra vô tận, đó tức là nói: Nó biến huyễn vô cùng, chứa đựng cả Không lẫn Có. Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: "Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới" (tâm bao trùm hư không, lượng trọn khắp các cõi nhiều như cát), thật đấy! Một niệm là như vậy, một hạt vi trần cũng là như vậy, bất luận là hiện tượng vật chất hay tinh thần, toàn bộ đều là như vậy. Hơn nữa, vật chất và tinh thần là một, không hai. Nếu quý vị đã học ba tế tướng của A Lại Da Thức, quý vị sẽ biết. Trong Đại Thừa Phật giáo dùng ba tế tướng của A Lại Da Thức để giải thích duyên khởi của vũ trụ, vũ trụ do đâu mà có? Vạn vật do đâu mà có? Sanh mạng do đâu mà có? Ta từ đâu đến? Giải thích hết sức rõ ràng. Vì sao có thể hiểu rõ như thế? Đó là cảnh giới do chính những người đó giác ngộ, chứng đắc, chẳng phải do nghiên cứu, quan sát, suy đoán như trong khoa học, chẳng phải, mà do họ đích thân thấy. Họ trở về tự tánh, thật sự hiểu rõ toàn bộ Tánh, Tướng, Sự, Lý, nhân quả trong tự tánh.


Vì sao địa cầu ngày nay biến thành tình trạng như vậy? Vì sao nhiệt độ địa cầu tăng lên? Vì sao băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan chảy? Vì sao các nơi bị động đất nhiều như thế? Kinh Phật giảng rõ ràng! Mà cũng có [biện pháp] để giải quyết vấn đề này ra sao, chỉ cần quý vị tin tưởng, địa cầu sẽ có thể lập tức khôi phục bình thường. Không chỉ hữu dụng đối với địa cầu, ngay cả các tinh cầu, tinh hệ trong vũ trụ cũng sẽ vận hành theo đúng quỹ đạo bình thường, chẳng đến nỗi rối loạn, chúng ta đều có thể làm được, chứ các khoa học gia chẳng có cách nào. Vì sao có thể làm được? Vì hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, Thái Dương Hệ sanh từ tâm tưởng, Ngân Hà Hệ sanh từ tâm tưởng, chỉ cần quý vị chẳng có quan niệm sai lầm, chúng bèn bình thường. Nếu quý vị muốn thay đổi chúng, chúng sẽ biến thành dị thường. Các nhà khoa học làm chuyện dị thường, muốn nhân định thắng thiên, muốn sửa đổi hoàn cảnh thiên nhiên, vấn đề sẽ nẩy sanh. Vì sao có những hiện tượng này? Vì chúng từ tâm tưởng của quý vị sanh ra. Hiện thời, quý vị có tâm tưởng chẳng bình thường, chúng liền biến thành bất thường, chuyện là như vậy đó! Vì sao trước kia bình thường như vậy? Không ai nghĩ đến chuyện thay đổi hoàn cảnh tự nhiên, không ai có ý niệm này, cho nên địa cầu rất bình thường. Hiện tại, các khoa học gia mỗi ngày động niệm, phá hoại môi trường sống và hoàn cảnh tự nhiên, phiền phức dấy lên. Sau khi vấn đề nẩy sanh, bèn bó tay, không có cách nào, đáng thương quá!


New Comments