Donnerstag, 28. August 2014

Sức Mạnh Của Nhất Niệm Tâm

http://hoasenvanno.files.wordpress.com/2012/12/hoa-thuong-tinh-khong.jpgQuý vị khởi lên ác niệm, họ cũng biết hết, chẳng thể giấu diếm mảy may nào! Đừng tưởng người ta không biết, biết toàn bộ! Quý vị chỉ có thể giấu diếm chúng sanh mê hoặc, điên đảo, họ không biết; chứ không gạt được người giác ngộ! Đây là chân tướng sự thật. Một niệm trọn khắp pháp giới, một niệm sanh ra vô tận, đó tức là nói: Nó biến huyễn vô cùng, chứa đựng cả Không lẫn Có




Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tịnh Không Pháp Sư chủ giảng



Đấy là như sách Hoàn Nguyên Quán đã nói, một niệm vừa động, bèn trọn khắp pháp giới, bất luận quý vị động niệm nào! Vì thế, sau khi đọc bộ luận này, chính mình phải hiểu: Chúng ta khởi tâm động niệm, dấy lên thiện niệm, những người tâm địa thanh tịnh trọn khắp pháp giới hư không giới đều thu được, đều nhận được tin tức ấy. Giống như chúng ta đang ở trên màn hình TV, toàn bộ hoạt động của quý vị họ thấy hết. Quý vị có thể gạt gẫm được người nào hay chăng? Quý vị khởi lên ác niệm, họ cũng biết hết, chẳng thể giấu diếm mảy may nào! Đừng tưởng người ta không biết, biết toàn bộ! Quý vị chỉ có thể giấu diếm chúng sanh mê hoặc, điên đảo, họ không biết; chứ không gạt được người giác ngộ! Đây là chân tướng sự thật. Một niệm trọn khắp pháp giới, một niệm sanh ra vô tận, đó tức là nói: Nó biến huyễn vô cùng, chứa đựng cả Không lẫn Có. Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: "Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới" (tâm bao trùm hư không, lượng trọn khắp các cõi nhiều như cát), thật đấy! Một niệm là như vậy, một hạt vi trần cũng là như vậy, bất luận là hiện tượng vật chất hay tinh thần, toàn bộ đều là như vậy. Hơn nữa, vật chất và tinh thần là một, không hai. Nếu quý vị đã học ba tế tướng của A Lại Da Thức, quý vị sẽ biết. Trong Đại Thừa Phật giáo dùng ba tế tướng của A Lại Da Thức để giải thích duyên khởi của vũ trụ, vũ trụ do đâu mà có? Vạn vật do đâu mà có? Sanh mạng do đâu mà có? Ta từ đâu đến? Giải thích hết sức rõ ràng. Vì sao có thể hiểu rõ như thế? Đó là cảnh giới do chính những người đó giác ngộ, chứng đắc, chẳng phải do nghiên cứu, quan sát, suy đoán như trong khoa học, chẳng phải, mà do họ đích thân thấy. Họ trở về tự tánh, thật sự hiểu rõ toàn bộ Tánh, Tướng, Sự, Lý, nhân quả trong tự tánh.

Vì sao địa cầu ngày nay biến thành tình trạng như vậy? Vì sao nhiệt độ địa cầu tăng lên? Vì sao băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan chảy? Vì sao các nơi bị động đất nhiều như thế? Kinh Phật giảng rõ ràng! Mà cũng có [biện pháp] để giải quyết vấn đề này ra sao, chỉ cần quý vị tin tưởng, địa cầu sẽ có thể lập tức khôi phục bình thường. Không chỉ hữu dụng đối với địa cầu, ngay cả các tinh cầu, tinh hệ trong vũ trụ cũng sẽ vận hành theo đúng quỹ đạo bình thường, chẳng đến nỗi rối loạn, chúng ta đều có thể làm được, chứ các khoa học gia chẳng có cách nào. Vì sao có thể làm được? Vì hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, Thái Dương Hệ sanh từ tâm tưởng, Ngân Hà Hệ sanh từ tâm tưởng, chỉ cần quý vị chẳng có quan niệm sai lầm, chúng bèn bình thường. Nếu quý vị muốn thay đổi chúng, chúng sẽ biến thành dị thường. Các nhà khoa học làm chuyện dị thường, muốn nhân định thắng thiên, muốn sửa đổi hoàn cảnh thiên nhiên, vấn đề sẽ nẩy sanh. Vì sao có những hiện tượng này? Vì chúng từ tâm tưởng của quý vị sanh ra. Hiện thời, quý vị có tâm tưởng chẳng bình thường, chúng liền biến thành bất thường, chuyện là như vậy đó! Vì sao trước kia bình thường như vậy? Không ai nghĩ đến chuyện thay đổi hoàn cảnh tự nhiên, không ai có ý niệm này, cho nên địa cầu rất bình thường. Hiện tại, các khoa học gia mỗi ngày động niệm, phá hoại môi trường sống và hoàn cảnh tự nhiên, phiền phức dấy lên. Sau khi vấn đề nẩy sanh, bèn bó tay, không có cách nào, đáng thương quá!

 



Tướng Tùy Tâm Chuyển, Mỹ Phẩm Tốt Nhất


Quý vị thấy hôm qua, mấy người báo cáo ở nơi đây: Họ dùng cơm, lấy ba chén cơm. Một nồi cơm nấu xong, xới ra ba chén, để hai mươi ngày. Một chén thì mỗi ngày tán thán, ca ngợi nó. Chén khác, chán ghét, oán hận nó. Còn một chén nữa, về căn bản là mặc kệ, không màng tới. Hai mươi ngày sau, chén được tán thán mỗi ngày, cơm biến thành màu vàng, có mùi thơm, chén bị oán hận trở nên hết sức khó ngửi, biến thành đen thui; chén không được để ý cũng bị hư, nó thật sự hiểu được ý nghĩ của con người. Đó là gì? Đó là thị hiện có Sắc, Hương, Vị, còn âm thanh chưa có cách để làm thí nghiệm. Đối với lời đức Phật dạy, hoàn toàn làm thí nghiệm [sẽ thấy] hết thảy vật chất đều có Sắc, Thanh, Hương, Vị, đều có bốn hiện tượng này xuất hiện. Phật pháp kỳ diệu khiến cho các nhà khoa học phải gắng công chứng thực.

Vì thế, ý niệm của chúng ta có mối quan hệ với tướng mạo. Muốn đẹp đẽ, ngàn muôn phần đừng tới thẩm mỹ viện. Theo như họ đã tường trình trong ngày hôm qua, thẩm mỹ viện khổ lắm! Tốn cả đống tiền để đày đọa bản thân, chịu bao nhiêu đày đọa, gần như mất mạng, lầm lạc quá! Chỉ cần quý vị có tâm tốt, tướng mạo sẽ đẹp đẽ, tướng chuyển theo tâm. Vì sao quý vị không tin chuyện này? Tâm tốt, tướng sẽ tốt đẹp; tâm tánh tốt, thân sẽ khỏe khoắn, thân lẫn tâm khỏe mạnh. Đừng bị kẻ khác lừa gạt! Phật, Bồ Tát chẳng lừa ai, luôn nói lời chân thật, mà quý vị chẳng nghe! Quý vị nghe lời chuyên viên thẩm mỹ, chẳng phải là tự chuốc khổ đó sao? Chúng ta muốn thân lẫn tâm khỏe mạnh, phải tin vào chính mình, tâm niệm phải lành, tư tưởng phải lành. Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đức Phật bảo long vương: "Bồ Tát hữu nhất pháp, năng ly nhất thiết thế gian khổ" (Bồ Tát có một pháp có thể lìa hết thảy nỗi khổ trong thế gian), pháp gì vậy? Là thiện pháp, tức là Thập Thiện nghiệp đạo. Tư tưởng của quý vị tương ứng với Thập Thiện nghiệp, kiến giải của quý vị tương ứng với Thập Thiện nghiệp, ngôn ngữ, hành vi của quý vị tương ứng với Thập Thiện nghiệp, chẳng có điều gì bất thiện, thân và tâm khỏe mạnh, hạnh phúc mỹ mãn sẽ thật sự đạt được! Do vậy, đừng nên cầu bên ngoài.


 


Niệm Phật như thế nào


Cái "giới nhĩ năng niệm chi tâm" này là chân tâm, mà cũng là vọng tâm; trong các thứ vọng tâm, nó gần với chân tâm nhất. Vì sao? Chẳng khởi tâm, chẳng động niệm nó là chân tâm. Hễ khởi tâm động niệm, nó là vọng tâm, chỉ là cái tâm bé nhỏ này vừa mới dấy lên [ý niệm]. Nhìn từ phía chân và vọng, cái tâm này khó có; dùng cái tâm này để niệm Phật thì cái tâm ấy chính là "Như Lai quả giác" được nói đến ở đây. Người ấy chẳng mê, chẳng có Hoặc (phiền não), [tức là] chẳng mê hoặc. Khi một niệm tâm khởi lên, bèn A Di Đà Phật; niệm Phật phải niệm theo cách như vậy. Nay chúng ta là phàm phu, là lục đạo phàm phu chính cống; nếu trong kinh Đại Thừa, đức Phật không nói ra, chúng ta sẽ vĩnh viễn không nhận biết một niệm tâm này. Nó quá vi tế, "giới nhĩ" có nghĩa là "vi tế" (nhỏ nhiệm), cực kỳ vi tế, chúng ta không có cách nào nghĩ tưởng được! 

Chúng ta vừa mới dấy lên một niệm suy tưởng, Di Lặc Bồ Tát đã bảo: Trong một niệm tưởng, có "ba mươi hai ức trăm ngàn niệm", đấy là "giới nhĩ năng niệm chi tâm" (cái tâm có thể niệm nhỏ nhoi này). Chúng ta vừa mới tưởng, trong cái ý niệm vừa dấy động ấy, bèn có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Di Lặc Bồ Tát đã cho chúng ta biết: [Ba mươi hai ức trăm ngàn niệm chỉ là] trong khoảng khảy ngón tay, cho nên không có cách nào thấu hiểu điều này được! Trong kinh, đức Phật cũng nói rất rõ khi nào quý vị mới có thể quan sát, nhận biết những niệm vi tế này tồn tại: [Phải là khi đã đạt đến] Bát Địa Bồ Tát, tức Bát Địa Bồ Tát [trong Viên Giáo] như kinh Hoa Nghiêm [đã nói]. Từ Thất Địa trở về trước, đều không có cách nào cảm nhận được! Bát Địa Bồ Tát có công phu định lực như vậy, chúng ta gọi [công phu ấy] là "thanh tịnh tâm". Cái tâm thanh tịnh ấy đạt đến mức độ tinh thuần như vậy, nên Ngài mới cảm nhận được. Cao hơn nữa là Cửu Địa, Thập Địa, Thập Nhất Địa (Đẳng Giác), trên nữa là Diệu Giác, đó chính là viên mãn, tức quả Phật rốt ráo viên mãn! Nay chúng ta nên học như thế nào? Phải rèn luyện trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta có thể học theo bí quyết về phương pháp huấn luyện trong cuộc sống thường ngày của Ấn Quang đại sư, bí quyết gì vậy? [Chính là] chữ Tử trong "sanh tử", thường nghĩ đến lúc phải đối diện cái chết. Đừng sợ chết! Quý vị phải biết: Chết là thân có sanh tử, chứ linh hồn (thần thức) không có sanh tử! Nếu sau khi chết, cái gì cũng đều không có, linh hồn cũng chẳng có; nói chung, chúng ta cũng chẳng cần phải học Phật, cũng chẳng cần phải tu hành, giống như phàm nhân thường nói "người chết như ngọn đèn đã tắt". Chết rồi, cái gì cũng đều chẳng có! Không phải vậy! Thân chết, linh hồn không chết; linh hồn lại đi đầu thai, tức là nói "luân hồi trong lục đạo", chuyện này phiền phức lắm! Chúng ta phải thật sự hiểu rõ, minh bạch chân tướng sự thật này: [Thần thức] chẳng thể chết được! Trong quá khứ, khi giảng kinh, tôi đã nói rất nhiều lần, chết là phiền lắm! Phiền phức quá lớn! Nhất định phải vãng sanh Tịnh Độ trong một đời này, vãng sanh Tịnh Độ là thành Phật!

Có thể làm được hay không? Ai cũng có thể làm được! Chỉ cần quý vị hiểu lời khải thị này của pháp sư Ấn Quang, thường nghĩ thọ mạng của mình chỉ là một ngày hôm nay, đừng nghĩ sẽ có ngày mai, [chỉ có ngày] hôm nay thôi, quý vị còn có gì mà không buông xuống được? Chỉ có một ngày hôm nay, ngày hôm nay là ngày cuối cùng, ta phải nên làm chuyện gì? Thật thà niệm Phật, ...


 

Tám Vạn Bốn Ngàn Oai Nghi Của Bồ Tát 

Chúng ta nghiệp chướng nặng nề, sám trừ như thế nào? "Sám trừ" là sửa đổi. Kinh điển là tiêu chuẩn [để biện định] thị phi, thiện ác, bắt đầu học từ chỗ nào? Đức Thế Tôn chỉ dạy chúng ta, bắt đầu bằng Thập Thiện Nghiệp Đạo. Ngẫu Ích đại sư có soạn tiết bổn cho Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, dài hơn tiết bổn của tôi, hãy dùng [kinh này] để sửa lỗi, đổi mới, rất thực dụng! Trên thực tế, trong những năm qua, ba món căn bản của Nho, Thích, Đạo do chúng tôi đề xướng là có căn cứ hay không? Có phải là bịa đặt, đồn thổi hay không? Có căn cứ! Căn cứ gì vậy? Căn cứ theo điều thứ nhất của Tịnh Nghiệp Tam Phước. Hiếu dưỡng phụ mẫu bằng cách nào? Phụng sự sư trưởng bằng cách nào? Chúng ta thi hành Đệ Tử Quy. Một trăm mười ba điều trong Đệ Tử Quy đều là hiếu thân tôn sư (hiếu thảo đối với cha mẹ, tôn trọng thầy), xuất phát từ Tịnh Nghiệp Tam Phước. Đối với từ tâm chẳng giết, chúng ta bèn thực hiện Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo Gia, [do sách ấy] giảng nhân quả, giáo dục. Để thực hiện câu cuối cùng, chúng ta tu Thập Thiện Nghiệp. Do vậy, chúng ta thi hành ba món căn bản của Nho, Thích, Đạo, đấy là dựa trên điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước. Trước hết, quý vị thi hành ba món căn bản, sau đấy mới có thể nhập Phật môn, mới có thể thật sự tiếp nhận Tam Quy, Ngũ Giới. Điều thứ hai là "thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi". Trong điều này, chuyện rất tuyệt vời là trọn đủ các giới, "trọn đủ" là chẳng thiếu một điều nào. Trong Tiểu Thừa có bao nhiêu điều? Ba ngàn oai nghi, tức ba ngàn điều; Đại Thừa có bao nhiêu điều? Tám vạn bốn ngàn oai nghi, Bồ Tát mà! Tận thiện, tận mỹ. Nhiều điều như thế, do đâu mà có? Thưa quý vị, từ Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp triển khai. Tám vạn bốn ngàn oai nghi Bồ Tát quy nạp lại sẽ là ba thứ này, mà triển khai ra sẽ nhiều như thế đó.

 

(Còn tiếp)

New Comments