Donnerstag, 21. Juli 2016

AI LÀ NGƯỜI NIỆM PHẬT? – NIỆM PHẬT LÀ NIỆM GIỚI

Nếu hàng ngày, mọi thời, mọi khắc, mọi nơi chốn chúng ta đều thường niệm – niệm là luôn nhớ nghĩ đến 10 giới này để sửa đổi tâm tánh của chính mình, đồng nghĩa chúng ta đang thường niệm Phật, đang thường nhớ nghĩ đến Phật và cũng đồng nghĩa chúng ta biết: Ai đang niệm Phật?








Thường ngày chúng ta khuyến tấn nhau phải niệm Phật mọi nơi, mọi chốn, mọi hoàn cảnh, nhưng lấy tâm nào để niệm Phật? Bởi tâm thì có vọng, có chân. Nếu dùng vọng tâm để niệm Phật thì chắc chắn có thấy Phật cũng chỉ là Phật trong vọng, còn nếu dùng chân tâm để niệm thì chân tâm còn chưa hiển lộ, lấy gì để niệm chân? Vì thế hàng ngày niệm Phật chúng ta nên đặt ra câu hỏi: Ai đang niệm Phật? Nếu nói tôi niệm thì cái tôi ấy là gì? là thân, là khẩu hay là ý? Thân vốn chẳng thể niệm ngoài dùng để lễ bái, vậy nhưng hễ ai vô tình động đến thân ấy thôi, ngay lập tức thân ấy đã vùng lên rồi; Nếu nói miệng niệm nhưng hễ ai đó dèm pha, chửi mắng, nhục mạ, nói xấu về mình, lập tức miệng ấy cũng thốt ra  những lời cay nghiệt chẳng kém; nếu nói ý niệm, nhưng hễ niệm là đủ thứ cảnh giới: tham, sân, si, mạn, nghi, phân biệt, chấp trước ập tới, vậy thì đâu thể nói: tôi đang niệm Phật? Xem ra cả thân, khẩu, ý cũng chẳng thể niệm Phật, nhưng nếu rời thân, khẩu, ý ra thì chúng ta không còn phương tiện nào khác để niệm Phật. Vậy thế nào mới thực là niệm Phật và đang niệm Phật? Câu trả lời: Trì giới chính là niệm Phật. Tâm luôn trì giới chính là tâm đang niệm Phật.

Phật chế ra 5 Giới cho người Phật tử tại gia:

- Không sát sanh

- Không trộm cắp

- Không tà dâm

- Không nói dối

- Không uống bia rượu hay dùng chất kích thích.

5 Giới này khai triển ra thành 10 giới tương xứng với 3 nghiệp: thân, khẩu, ý và 10 giới này cũng gọi là 10 giới thiện:

- 3 giới của Thân: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm

- 4 giới của Khẩu: không nói không nói láo; không nói thêu dệt; không nói lời đâm thọc; không nói lời ác khẩu (chửi rủa).

- 3 giới của Ý: Không tham, không sân, không si.



Sao gọi sát sanh? Tự  mình giết, bảo, xúi người khác giết, thấy người khác giết sanh lòng ưa thích.


Sao gọi trộm cắp? Tự mình trộm cắp, bảo, xúi người khác trộm cắp, thấy người trộm cắp sanh lòng ham ưa. Người không cho mà lấy; thấy đồ hay của cải của người muốn chiếm đoạt làm của mình.


Sao gọi tà dâm? Tự mình hành dâm, bảo, xúi người khác hành dâm, thấy người hành dâm tham ưa, đắm nhiễm.


Sao gọi nói láo (nói dối)? Không có nói là có; có nói là không. Nhiều nói thành ít, ít nói thành nhiều. Không ít, không nhiều, nói thành ít, thành nhiều. 


Sao gọi nói lời thêu dệt? Không chứng nói là chứng, chứng nói là không chứng. Tà nói là chánh, chánh nói là tà...


Sao gọi lời đâm thọc? Ngồi với người A nói xấu người B; ngồi với người B nói xấu người A.

Sao gọi lời ác khẩu? Dùng những lời lẽ sân hận để nạt nộ, quát mắng, chửi rủa người khác khiến người khác đau lòng hay thương tổn.


Sao gọi là tham? Mọi chuyện đều không biết đủ, ít mong cho nhiều, nhiều mong nhiều hơn. Rộng hơn là sự đắm nhiễm trong cuộc sống ngũ dục: tài, sắc, danh, ăn uống, ngủ, nghỉ và lục trần lôi kéo: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.


Sao gọi là sân? Đối với mọi chuyện đều không vừa lòng, thường nói lời thô ác, cay độc mắng nhiếc người. Nuôi tâm oán ghét, chất chứa tâm thù hận và muốn báo thù.


Sao gọi là si? Si là sự ngu tối, mê mờ, còn gọi là vô minh khi đối người tiếp vật. Không biết quán xét mọi hành vi động niệm của tâm, vì thế thường hành xử theo cảm tính, không có chánh kiến và chánh tư duy nên thường mang lại sự phiền não và đau khổ.



Nếu hàng ngày, mọi thời, mọi khắc, mọi nơi chốn chúng ta đều thường niệm – niệm là luôn nhớ nghĩ đến 10 giới này để sửa đổi tâm tánh của chính mình, đồng nghĩa chúng ta đang thường niệm Phật, đang thường nhớ nghĩ đến Phật và cũng đồng nghĩa chúng ta biết: Ai đang niệm Phật? 

Thiện Nhân

New Comments