Freitag, 29. März 2013

Nội Soi Hay Ngoại Soi?



"Mọi lời nói, hành vi tạo tác của (thiện-ác) của mọi người đều là sự biểu diễn của các Thánh Nhân, các Bồ-tát, các chư Phật, giúp và khiến cho ta được nhìn thấy, dễ nhận biết, để hoàn thiện chính mình..."





Tổ Huệ Năng thường dạy: "Người tu hành chân chính là người không nhìn thấy lỗi thế gian". 


Tại sao lại không nhìn thấy lỗi thế gian? Không lẽ mọi chuyện xảy ra xung quanh chúng ta, ta đều mũ ni che mắt hết sao? Làm thế còn gì tình đồng loại? Làm thế sao ta không tránh khỏi những sai lầm? Lời kiến giải này thoạt nghe rất có lý, có tình, nhưng cái tình-lý đó là của người đời, nói theo Chư Tổ thường nói: cái lý của người phàm phu (người chưa hiểu đạo). Với một người tu đạo, hiểu đạo, thì hành động: "không nhìn thấy lỗi thế gian" chính là một bí quyết tu hành. Tại sao? Bởi khi chúng ta còn nhìn thấy lỗi thế gian là tâm chúng ta vẫn còn phân biệt, còn chấp trước. Nghĩa là: còn có cao-thấp; còn xấu-đẹp; còn thiệt-hơn; còn phải-quấy; còn trắng-đen; còn yêu-ghét; còn người-ta; còn có quá khứ-hiện tại, còn sanh-tử…vv… Và khi cái tâm phân biệt và chấp trước đó nổi lên, tất ba nghiệp: thân-khẩu-ý của chúng ta sẽ không thể thanh thịnh. Nói khác đi: Không thể nói chúng ta sẽ không tạo nghiệp. 


Trong ba nghiệp: Thân-Khẩu-Ý thì Ý Nghiệp là quan trọng và nguy hiểm hơn cả. Bởi Ý Nghiệp chúng ta vốn dĩ không nhìn thấy, vì thế nhiều hành vi, tạo tác xảy ra (như bóng chớp trong đầu) chúng ta vốn cho qua, thậm chí coi thường, và tự hợp pháp hóa, để cho những Ý Nghiệp đó tự tạo tác. Nói chính xác: Ý (Lý) chính là nguyên nhân, quyết định và cũng là hậu quả của Khẩu và Thân (Sự). 


Trong cuộc sống thường ngày, để quán chiếu Khẩu và Thân nghiệp dường như không khó lắm, bởi những lời lẽ và hành động xảy ra nơi miệng, và thân chúng ta dễ nhận biết, nhận thấy hơn (dễ quán chiếu hơn). Nhưng những ý nghĩ chỉ thoáng xẹt qua như ánh chớp trong đầu, thực tế chúng ta rất khó mà nhận biết để có định hướng (quán chiếu) kịp thời. Từ đó sẽ tạo động lực khiến cho Khẩu và Thân tạo nghiệp lúc nào mà chúng ta cũng không hay biết.
http://depxinh.vn/wp-content/uploads/2013/09/noixauchong.jpg 
Soi người hay soi chính mình? (Ảnh mang tính minh họa)

Trở lại với việc: Không Nhìn Thấy Lỗi Thế Gian! Đây chính là sự thực hành quán chiếu tâm, nghĩa là thay vì chúng ta dùng cái tâm tham-sân-si-chấp trước, ngã mạn của mình để "chiếu tướng" người khác (rộng ra: là phân biệt, chấp trước người và vật), thì chúng ta hãy quay trở ngược lại để soi rọi cái tâm tham-sân-si-chấp trước, ngã mạn của chính mình. Phương pháp quán chiếu của Tổ dạy chính là phương pháp Nội Soi – Soi rọi toàn bộ những kiến chấp, sai lầm, khuất tất mà mình đang có để sửa chữa, thay đổi cho hoàn thiện; thay vì dùng cái tâm ấy chiếu rọi vào mọi người, và buộc mọi người phải làm theo, phải thay đổi theo ý mình mong muốn.

Làm như thế chính là Ngoại Soi.

Muốn thực hiện phương pháp Nội Soi một cách viên mãn, trước hết, chúng ta phải tự hạ thấp bản ngã của chính mình.

Chư Tổ cũng thường nói:

Càng buông bỏ dưới chân này

Ấy là chỗ đứng càng ngày càng cao


Chúng ta cần buông bỏ cái gì? Buông bỏ sự phân biệt, chấp trước, ngã mạn. Điều này chúng ta chỉ cần khéo dụng, khéo để ý một chút, ta có thể nhận thấy ngay sự thay đổi (vi diệu) xảy ra trong ý nghĩ, lời nói và hành động của mình – khi mình biết Buông Bỏ.  

Trong các bài giảng, Lão Pháp Sư Tịnh Không cũng đề xuất một phương pháp Nội Soi rất chuẩn xác và vi diệu: "Hãy coi tất thảy mọi người xung quanh chúng ta đều là Thánh nhân, đều là Bồ Tát, đều là Phật, chỉ còn mình ta là kẻ phàm phu. Mọi lời nói, hành vi tạo tác  (thiện-ác) của mọi người đều là sự biểu diễn của các Thánh Nhân, các Bồ-tát, các chư Phật, giúp và khiến cho ta được nhìn thấy, dễ nhận biết, để hoàn thiện chính mình".



Lời khuyên của Lão Pháp Sư nếu chúng ta hiểu và quán xét không tường tận, rất có thể sẽ dẫn đến những định kiến sai lầm và nguy hiểm. Bởi người có thể thể coi (xem) tất thảy mọi chúng sanh, mọi người xung quanh mình đều là Thánh Nhân, đều là Bồ-tát, đều là Phật, người đó phải có một tâm lượng thật quảng đại, thật bao dung, thật từ-bi và quan trọng hơn cả: phải biết hạ thấp bản ngã của chính mình đến tột cùng.



Đức Phật thời tại thế cũng thường dạy: "Hãy coi tất cả những người đàn ông đều là cha ta; Tất cả những người đàn bà là mẹ ta". Tại sao lại như vậy? Bởi Mẹ-Cha là người sinh thành ra chúng ta, nuôi dạy chúng ta khôn lớn, thành người, chúng ta phải hiếu-kính, phải biết đáp đền công ơn đó. Thiếu hay đánh mất đi sự hiếu-kính đó, chúng ta không làm tròn bổn phận một người con. Nói sâu xa hơn: đứng trước Mẹ-Cha (Thánh nhân, Bồ-tát, Phật) mà chúng ta không có lòng hiếu kính, không biết trân trọng, không biết tri ơn công đức, tất chúng ta không thể tiến tu, chưa nói tới việc nguyện một đời này được làm Phật, thành Phật. 


Nhận diện được như vậy là chúng ta đang hướng tâm mình vào bên trong để tự soi, rọi, tự sửa lỗi = Nội Soi = Sanh Trí Tuệ. Ngược lại, nếu chúng ta hướng cái tâm ấy vào người khác, vào những người xung quanh, để tìm những khiếm khuyết, những lỗi lầm, những điều thiện, điều ác của họ = Ngoại Soi = Thiêu chột Trí tuệ.

Tổ Huệ Năng có bài Kệ Tụng Vô Tướng vô cùng chân diệu, xin chép lại để chúng ta cùng suy ngẫm:


Bài Kệ Tụng Vô Tướng



Tâm bình không nhọc giữ giới
Hạnh thẳng không cần tu thiền
Ân thì nuôi dưỡng cha mẹ
Nghĩa  thì trên dưới thương nhau
Nhường thì trên dưới hòa mục
Nhẫn thì các ác không ồn
Nếu hay dùi cây ra lửa
Trong bùn quyết mọc sen hồng
Đắng miệng tức là thuốc hay
Nghịch tai là lời ngay thẳng
Sửa lỗi, ắt sanh trí tuệ
Giữ quấy trong tâm không hiều
Mỗi ngày thường làm lợi ích
Thành đạo không do thí tiền
Bồ đề chỉ hướng tâm tìm
Đâu cần hướng ngoại cầu huyền
Nghe nói y đây tu hành
Cực lạc chỉ ngay trước mắt


(Bài Kệ Tụng Vô Tướng của Tổ Huệ Năng – Pháp Bảo Đàn Kinh)

Nội Soi hay Ngoại Soi tùy thuộc vào sự sáng suốt của mỗi chúng ta!

29.03.2013 (Nhân ngày Vía Quán Thế Âm 19.02.2013 Âm lịch) – Huệ Tâm


New Comments