Donnerstag, 26. Februar 2015

QUÁ KHỨ ĐÃ QUA - TƯƠNG LAI CHƯA TỚI HIỆN TẠI KHÔNG NGỪNG SANH DIỆT

http://khuong.org/wp-content/uploads/2014/05/meditation-main_full.jpgChúng ta chớ nên nghĩ: Tuổi còn trẻ! Thời gian còn dài! Già hay trẻ, dài hay ngắn vốn chẳng thể qua được con ma vô thường. Vô thường là gì? Nhìn vào mỗi buổi sáng thức dậy công phu, chúng ta mới thấy sự sanh-diệt trong tấm thân vô thường của chúng ta diễn ra kịch liệt lắm. Một ngày trôi qua chúng ta không nỗ lực gây dựng được chút phước báu, công đức gì là kể như chúng ta đã lún thêm một ngày vào vòng sanh-tử luân hồi…



Phật nói: Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hiện tại không ngừng sanh diệt.

Sao gọi quá khứ đã qua?

Đã qua nghĩa là không có sự trở lại. Quá khứ cũng vậy. Nếu chúng ta cứ tiếp tục thả hồn, vấn vương về quá khứ (tâm kẹt cứng vào quá khứ) chắc chắn chúng ta sẽ không thoát ra được và sẽ bị quá khứ đó khoá chặt và nhận chìm.

Điều chúng ta cần và nên làm: Nhận biết ta đã có một quá khứ khổ đau, nhọc nhằn và nhiều khi phải đổ cả máu xương và nước mắt… Nhận biết rồi thì hãy để cho sự khổ đau, nhọc nhằn, cho máu và nước mắt ấy đi vào quên lãng…

Quên lãng không phải là chúng ta xếp chúng gọn vào một xó trong ký ức (găm chúng vào trong Tâm), rồi thi thoảng, gặp duyên, lại lôi chúng ra để nhâm nhi, như nhiều người thường làm. Tâm của chúng ta có nhiều ngăn lắm: Tham-sân-si-phân biệt-chấp trước-ngã mạn; Phật có, ma có; thiện có, ác có… Trái lại chúng ta phải dũng mãnh: Buông-xả bằng được.

Câu hỏi sẽ đặt ra: Cha mẹ ta, anh chị em… của ta còn đang sống khổ đau, nhọc nhằn… chẳng lẽ ta quên lãng? Quá khứ của ta khổ đau, nhọc nhằn; những kẻ gây cho ta sự khổ đau, nhọc nhằn… chẳng lẽ ta quên lãng? Không phải vậy! Trái lại, những gì chúng ta đang làm (học đạo, giúp đời, hoằng dương Phật Pháp…) chính là ta đang làm theo những ước nguyện mà cha mẹ chúng ta mong muốn, và cũng là mình đang âm thầm hồi hướng công đức cho cha mẹ, gia đình, cho quê hương, đó cũng chính là lòng từ của chúng ta đang rải khắp tận hư không giới, trong đó có cả những người đã từng mưu hại, hay gây khốn khó cho chúng ta...
Đó chính là trải tấm lòng từ, dùng công đức tu hành để báo ân và hoá giải những oán nghiệp.  

Sao gọi tương lai chưa tới?

Chúng ta tu đạo Phật, tương lai của chúng ta sẽ đi về đâu? Đây là điều chúng ta phải đặt ra thật gấp gáp lắm rồi. Trong Tứ Trọng Ân có ân hiếu kính cha mẹ. Thế nào mới được gọi thực là hiếu kính? Chữ hiếu trong Đạo Phật là chúng ta ráng khuyên được cha-mẹ tu đạo để thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi này. Điều này thực khó lắm, vì mỗi người có một nghiệp riêng (còn gọi là biệt nghiệp), người mà hoặc nghiệp sâu dày, thì một câu niệm Phật thôi cũng khó niệm, chưa nói tới học kinh Phật và tu đạo Phật. Do vậy, chư Tổ dạy: muốn độ (cứu) được người, trước hết mình phải độ chính mình đã. Khi mình giác ngộ, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, với đại nguyện của mình, lúc ấy mình sẽ trở lại cõi ta bà này để độ sanh. Lúc ấy muốn báo hiếu cha-mẹ, anh em, cửu huyền thất tổ… đâu có điều gì làm khó dễ chúng ta được.

Như vậy ngay lúc này đây chúng ta phải phát đại nguyện thật lớn: Phải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi này. Khó không? Quả là khó! Nhưng thân người khó được, một kiếp này trôi qua, bao giờ có thân người trở lại?
Nghĩ vậy chúng ta phải nhận thấy: thời gian tu của chúng ta đã gấp gáp lắm rồi.

Sao gọi hiện tại không ngừng sanh diệt?

Chúng ta chớ nên nghĩ: Tuổi còn trẻ! Thời gian còn dài! Già hay trẻ, dài hay ngắn vốn chẳng thể qua được con ma vô thường. Vô thường là gì? Nhìn vào mỗi buổi sáng thức dậy công phu, chúng ta mới thấy sự sanh-diệt trong tấm thân vô thường của chúng ta diễn ra kịch liệt lắm. Một ngày trôi qua chúng ta không nỗ lực gây dựng được chút phước báu, công đức gì là kể như chúng ta đã lún thêm một ngày vào vòng sanh-tử luân hồi…

Có lẽ chúng ta nên thường phải quán như thế – thường quán để mà tự cảnh tỉnh chính mình: thời gian không chờ đợi chúng ta!

Thiện Nhân

New Comments