Montag, 22. Oktober 2012

Hồi đầu là bờ

QUY Y TAM BẢO"Khi chúng ta giác-ngộ được điều ấy thì chúng ta có thể vững vàng đi vào bất cứ nơi đâu mà không sợ tâm mình bị quấy loạn. Đó chính là sự làm chủ tâm-thân-ý của chính mình..."

(Thư trao đổi cùng Đạo hữu)
 
Chào bạn Ngô Anh Tuấn,

Câu hỏi của bạn nó đã liên quan tới việc Quy y Tam Bảo rồi đấy bạn ạ. Bởi khi chúng ta Hồi Hướng theo chánh niệm mà Đức Phật chỉ dạy nghĩa là chúng ta đã nguyện phát tâm từ bi mà quy nguyện theo những điều đó. Rất có thể bạn đã hiểu sai (lẫn lộn) về phương pháp tu-hành. Thực ra Tu không nhất thiết phải ở chùa mới tu được bạn ạ. Lẽ dĩ nhiên ở chùa thì người đi tu xem chừng có vẻ dễ tu hành hơn là người ở tại gia, bởi ở chùa mọi nghi lễ khắt khe hơn và vốn phần nào cách xa với thế giới trần tục… Tuy nhiên đó chỉ là cách nhìn nhận bên ngoài, thực tế thì tu ở đâu cũng vậy, người Tu là phải Miệng tụng, Tâm hành, hành trong từng niệm niệm (trong từng hơi thở) chứ không phải lúc nào đối diện trước Đức Phật ta mới sực nhớ mình phải làm gì. Còn nếu miệng tụng mà tâm không hành thì kể như đó là việc làm vô bổ, nói cách khác là mình tự lừa dối chính mình.

Trở lại hai từ Hồi Hướng mà bạn hỏi, sao gọi là Hồi? Hồi là hồi tâm, chuyển ý, nghĩa là tâm của bạn hiện đang sống với những: hỉ-nộ-ái-ố-tham-sân-si = vui-buồn-yêu-ghét-tham-hận-ngu mê, do vậy để tâm mình không còn (giảm bớt) những điều đó buộc bạn phải dụng trí huệ sẵn có của mình để quán chiếu, thắp sáng ngọn lửa trong tâm, từ đó thấy được những chuyện hỉ-nộ-ái-ố-tham-sân-si đều cơ nguyên dẫn đến bể khổ. Muốn thoát được chi bằng tâm bạn luôn phải thắp sáng, và luôn phải chí nguyện để xa rời những bể khổ trần ai đó. Còn Hướng là hướng về đâu? Có phải hướng về Đức Phật hay không? Hầu như ai cũng dễ cho rằng đó là sự Hướng Phật, nhưng Phật này là Phật Tâm của chính chúng ta chứ không phải vị Phật đang sống cách xa chúng ta hàng bao vạn cõi ức. Tâm chúng ta vốn luôn song hành: Thiện-Ác. Muốn trừ tâm Ác tất ta phải luôn thắp sáng tâm Thiện. Người sơ tu là bỏ Ác, giữ Thiện, nhưng tu càng lâu thì Thiện-Ác cũng đều phải bỏ cả. Như vậy Hướng đây chính là chúng ta Hướng tới vị Phật của chính mình - Phật tự Tâm chứ không phải hướng, tìm một vị Phật ở xa cách chúng ta muôn vàn ức cõi. Tới đây bạn sẽ thắc mắc: vậy tại sao mình cứ phải lập bàn thờ Phật, rồi thỉnh các các đức Phật về để thờ Phụng? Việc làm ấy không sai, bởi hình tượng đức Phật bên cạnh, hoặc trước mắt chúng ta nhằm nhắc nhở, giúp cho chúng ta có thêm niềm tin trong những bước ban sơ tu đạo, để mỗi lần khi chúng ta đối diện với đức Phật chúng ta sẽ phải hằng thức mình đang, sẽ và tiếp tục phải làm gì? Khi chúng ta giác-ngộ được điều ấy thì chúng ta có thể vững vàng đi vào bất cứ nơi đâu mà không sợ tâm mình bị quấy loạn. Đó chính là sự làm chủ tâm-thân-ý của chính mình, bằng không đi đâu chúng ta cũng phải mang theo hình ảnh hay tượng của đức Phật để nhờ các ngài bảo, trì cho mình hay sao? Diễn giải một cách giản đơn và logic chúng ta có thể thấy: đó là ảo tưởng. 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh5jttLZ7K4Tp6Qiz_Bd3hR7RlMROSLLYyESekdOqRQ3EN6E5YbW2JF5b5e0uRLMRA17e97NDYJh3jar7nU37CTTaTA8U3g7ETJ6_57e6t122kmxivyyR8Ise50uU1ZdlNi2HyWjHs57Qo/s1600/9675b7cb.jpg

Trở lại chuyện Quy Y Tam Bảo mà tôi gợi ý để hai bạn tham khảo. Sở dĩ tôi khuyên hai bạn phải cân nhắc thật kỹ lưỡng, bởi khi Quy Y nghĩa là chúng ta phải nguyện tinh tấn để hành nguyện theo những gì chúng ta đã Quy Y. Việc hàng ngày hai bạn Hồi Hướng Kinh chính là việc hai bạn đã nguyện thắp sáng tâm từ bi của chính mình, và nguyện cho tâm ấy không còn bị tham-sân-si khuấy đảo nữa.
Quy Y Phật có hai hình thức:
- Quy Y rồi xin xuất gia và - Quy Y rồi tu tại gia.
Chúng ta là người đang sống tại gia, do vậy việc tu hành sẽ khó khăn gấp trăm ngàn lần những người xuất gia (tu tại chùa), nhưng nói đây chỉ là hình thức, bởi tu là phải hành, do vậy một người tu tại gia mà hành tâm nhất niệm theo chánh pháp sẽ có công lượng nhiều hơn người tu xuất gia nhưng không chịu hành theo chánh pháp. Ngược lại người tu xuất gia mà chịu hành theo chánh niệm thì công năng khó thể suy bằng. Nói vậy để hai bạn hiểu: Tu là phải Quy Y, nhưng Quy Y không nhất thiết phải xuất gia (cạo đầu, hay mặc áo cà sa) mới gọi là Quy Y, mà tại gia chúng ta cũng Quy Y được. Quan trọng là: Quy Y rồi mình có tinh tấn để nguyện hành trì theo những gì mình xin thệ nguyện hay không? Đây chính là điều mà tôi muốn hai bạn cần phải tham khảo và cân nhắc, chứ không phải mình Quy Y là phải thoát tục.

Người Quy Y ở đâu cũng sẽ phải thực hiện những điều sau:

1. Phải trụ trì ngũ giới: 
Không sát sanh, không nói dối, không trộm cắp, không tà hạnh, không bia rượu.
Chúng ta tu tại gia do vậy không thể tránh chuyện sát sanh, điều tối cần thiết ở đây là chúng ta không nên lạm sát những sinh linh vô tội. Trường hợp bất đắc dĩ, ta cũng nên lấy tâm từ bi mà nguyện cho những sinh vật này được thoát kiếp, tái sinh… Còn chuyện nói dối, trộm cắp, bia rượu thì ngay cả kiếp đời thường cũng là chuyện nên tránh rồi, đâu cần khi tu ta mới tránh? Riêng chuyện tà hạnh nghĩa ở đây là ta nên sống kiếp chung thuỷ vợ chồng, để con cái, gia đình hạnh phúc, giữ được điều đó là ta đã giữ chọn lời nguyện trong tâm rồi.
http://www.chuaquangminhbentre.com/uploads/tintuc/ccf61ed1f5ee92f316ef0b456218505675.jpg
Ảnh chỉ mang tính minh hoạ (Nguồn: NET)


2. Nguyện giữ Tâm Từ Bi:  
Trong lời nói, từ bi trong hành động và từ bi trong mọi ý nghĩ thầm kín.
Điều này cuộc sống đời thường chúng ta cũng rất nên giữ gìn, nhưng khi tu hành thì chúng ta càng phải nhân lên gấp bội. Bởi người tu là phải luôn giữ gìn khẩu-thân-ý được thanh tịnh (lục căn: nhãn-nhĩ-tỉ-thiệt-thân-ý), ngược lại thì đâu còn gọi là tu hành nữa phải không hai bạn?
Nói ra thì nó hệ trọng nhưng hai bạn hãy coi nó như một lẽ sống mà mình phải trải qua, có vậy mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn. Đừng tạo cho mình một áp lực quá lớn, bởi tu là phải trí-tỉnh-thức. Thiếu đi những điều này là mình dẫn mình vào ngõ cụt. Việc hai bạn tìm đến với kinh Phật đã kể như đó là cái duyên với Phật, hai bạn nên tinh tấn mà phát nguyện cái duyên của chính mình để vững bước, có vậy mình mới đạt được sở nguyện, bằng không chờ đến bao giờ mình mới giải quyết được hết kiếp nợ trần?
"Hồi đầu là bờ" chính là điều đó hai bạn ạ. Con thuyền Bát Nhã đã hiện ra trước mặt, hy vọng hai bạn sẽ không bỏ lỡ cơ duyên này để trở thành người lỡ bước...
Cầu chúc hai bạn mau chóng thấu ngộ để tự mình giải toả những gì còn đang vướng bận.
Chúc bình an.
22.11.2009,Huệ Tâm

New Comments