"Vậy thế nào mới gọi là giải thoát? Một người từng có cả
một gia sản kếch xù trong tay, rốt cục cũng phải cay đắng nói
lên rằng: Tiền không phải là sự giải thoát...
Nhiều người bảo: Nếu tôi là tỉ phú, tôi sẽ hoàn toàn được
giải thoát; cũng lại có người bảo: Nếu tôi có một gia sản
kếch xù trong tay, tôi sẽ tự giải thoát cho chính mình và
những người thân của mình; Nhỏ nhoi hơn, có người lại ước: nếu
có "con" xe máy, xe đạp sịn, làm phương tiện đi lại, kể như
đời tôi đã được giải thoát; người nữa khác cũng ao ước: nếu
tôi có được những bữa ăn thịnh soạn, những bộ quần áo tân
thời, những tiện nghi "hoành tráng" để sử dụng và tiêu khiển…
chắc chắn cuộc đời tôi sẽ hoàn toàn được giải thoát…v.v.
Vậy thế nào mới gọi là giải thoát? Một người từng có cả
một gia sản kếch xù trong tay, rốt cục cũng phải cay đắng nói
lên rằng: Tiền không phải là sự giải thoát. Vậy không lẽ cứ
cam chịu cuộc sống nghèo hèn, cơ cực, lam lũ… vậy mới là giải
thoát? Thực tế không phải vậy. Trong cửa Phật môn, giải thoát
mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, thâm sâu và vi diệu.
Có ý kiến cho rằng: Xuất gia chính là sự giải thoát! Đúng!
Nhưng đó mới chỉ đúng ở một góc độ nhỏ: đó là sự giải
thoát về thế tục, về hình thức. Còn thực tế người đó có
được thực sự giải thoát hay không, lại là yếu tố quan trọng
khác: liệu người đó có thực sự giác ngộ, có đủ
tín-nguyện-hạnh để tinh tấn tu-hành hay không? Nếu có đủ sự
trì nguyện và tinh tấn, chắc chắn người nọ sẽ tới được Bến
Bờ kia – lúc ấy mới được gọi là giải thoát. Bến bờ kia là
gì? Đó là thế giới không còn tham-sân-hận. Không còn sanh tử
luân hồi… Chúng ta hãy thử hình dung, một ngày, một giờ, một
phút, một niệm của chính chúng ta, nếu chúng ta có thể quán
chiếu để xa lìa được tham-sân-hận, cảm giác lúc ấy sẽ như thế
nào? Quả là sung sướng và hạnh phúc vô cùng. Biết vậy nhưng
tại sao chúng ta không làm? Biết vậy nhưng chúng ta không quán
chiếu để thực hiện cho kỳ được, để sự sung sướng, hạnh phúc
ấy không chỉ là một thời khắc, một phút, giây một niệm, mà
là hiện tồn trong niệm niệm. Sẽ có người bảo: Nói thì dễ,
những làm thì khó lắm. Nói khác đi: Tu thì dễ, nhưng Hành thì
khó vô cùng. Dễ khi chúng ta giản đơn nghĩ: Quy y rồi thì ta
đã là người của Phật, đã là đệ tử của Phật, tất mọi chuyện
đã có Phật lo lắng, độ trì? Khó xuất phát từ cái tâm thích
Tu nhưng sợ Hành. Vì thế ta cứ Tu một nửa, nghĩa là: khoác lên
mình chiếc áo nâu sồng, vậy là an tâm rồi. Còn tâm thì cứ để
nó vô tư theo đuổi theo những vọng nguyện của kiếp sống phàm
tục… Thực tế là gì? Mong có tiền nhiều ư? Tiền nhiều rồi
cũng phải lo giữ tiền; phải lo người nọ tới xin, người kia dòm
ngó; phải lo ăn tiêu; phải lo cho nó sinh lời; Ăn, uống, mặc,
sinh hoạt, công việc quá ư kham khổ ư? Ta phải lo, phải tìm đủ
mọi cách để kiếm tiền, để mua, sắm, để mang lại những bữa ăn
thịnh soạn hơn, nhiều cao lương, mĩ vị hơn… nhưng sự thịnh soạn
dẫu có được cải thiện mười mươi chăng nữa, vẫn không sao đáp
ứng được tham vọng thèm khát vật chất của con người. Vì thế
những ham muốn, dụng vọng khôn nguôi xô đẩy, dập vùi chúng ta
trên từng bước đường trong cuộc sống đầy ô trược này. Và
ngoảnh lại nhìn, ta sẽ tự hỏi: Như vậy có thể gọi là giải
thoát chăng? Không! Giải thoát chính là việc hướng tâm của
chúng ta xa lìa những tham-sân-hận của thế giới đầy ô trược
này. Một niệm không Tham chắc chắn sẽ không nổi Sân; một niệm
không Sân chắc chắn sẽ không có Hận. Vậy thì Tham-Sân-Hận chính
là ba Đại Độc đẩy chúng ta ngày một cách xa Bờ Giải Thoát.
Nói khác đi ba "đại độc" đó chính là sóng dữ, làm xáo trộn
cái tâm, cái bản tánh vốn luôn thanh tịnh của chúng ta, rồi
vùi dập chúng ta xuống tận đáy bùn nhơ đục. Sóng và nước vốn
là một, là một thể luôn thanh tịnh. Nhưng vì có gió mà tạo
nên sóng-nước.
Đức Phật dạy: Tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Nghĩa là tâm
Phật và tâm chúng sanh vỗn dĩ tương đồng, không có gì khác
biệt. Sở dĩ có sự khác biệt, có sự phân biệt giữa Phật và
chúng sanh là do có sự mê-giác mà nên.
Thế giới của Đức Phật nói chung là một thế giới không còn
sanh tử luân hồi, không còn ba đường ác, không còn tham-sân-hận –
Thế giới ấy mới chính là thế giới của sự giải thoát.
Làm sao để chúng ta vươn tới được thế giới ấy?
Huệ Tâm
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen