"Tại sao những súc vật sống xung
quanh chúng ta (trừ một số loài dữ, chuyên ăn thịt) số còn lại
mặc dù chúng „ăn chay trường“ nhưng rốt cuộc chúng vẫn chỉ là
hàng gia súc rồi để cho con người giết thịt?..."
Có người bảo rằng: Nếu ăn chay mà có thể thành Phật thì có
lẽ các loài gia súc như: Trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng,
dê, cừu… trong cõi ta bà này đều đã trở thành Phật hết cả.
Và như vậy trong cõi ta bà này cũng không còn nơi để mà chứa
các vị Phật đó nữa, nói khác đi: là đi đâu cũng đều gặp Phật
cả. Ở một góc nhỏ (rất nhỏ) nào đó nhận định trên sẽ có
lý nếu như điều kiện duy nhất để thành Phật là phải ăn chay.
Thực thế không phải vậy, bởi ăn chay mới chỉ là phát tâm từ
bi, nhưng có dụng được tâm từ bi hay không lại là chuyện hoàn
toàn khác biệt.
Ăn Chay vốn có hai dạng: Ăn chay trường và chay kỳ. Chay trường
thường được hiểu dành cho người tu xuất gia. Chay kỳ được hiểu
dành cho người tu tại gia.
1. Ý nghĩa của ăn chay
Một trong Ngũ hằng thệ nguyện (nguyện trụ trì ngũ giới) mà
Lục Tổ Huệ Năng nhắc tới đó là: Không Sát Sanh. Trong kinh Lăng
Già Thánh giả Ðại Huệ Bồ Tát bạch Đức Phật rằng: "Thưa Đức Thế Tôn, con
quan sát thế gian, sinh tử lưu chuyển, oán kết liền nhau, rơi vào các
đường ác, đều do ăn thịt, giết hại lẫn nhau. Những hành vi đó tăng
trưởng tham sân, khiến chúng sinh không thể thoát khỏi đau khổ. Điều đó
thật sự rất khổ." (Kinh Lăng Già)
"Bạch Đức Thế Tôn, NGƯỜI ĂN THỊT LÀ PHÁ HỦY CÁI NHÂN ĐẠI TỪ BI của họ,
do đó NGƯỜI TU THÁNH ĐẠO KHÔNG NÊN ĂN THỊT." (Kinh Lăng Già)
Ðức Phật dạy Ðại Huệ rằng: "ĂN THỊT CÓ LỖI KHÔNG LƯỜNG. Bồ Tát (người tu
hành) nên tu dưỡng tâm đại từ, như vậy họ không nên ăn thịt. "(Kinh
Lăng Già)
"Người xả bỏ vị thịt mới có thể nếm mùi vị của chánh pháp (giáo lý chân
chính), mới thật sự tu hành Bồ Tát Địa (người tu hành) và đạt A Nậu Đa
La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác) mau chóng. "
(Kinh Lăng Già)
Này Ðại Huệ, ta quan sát chúng sinh trong luân hồi lục đạo, cùng nhau ở
trong sinh tử, chung nhau nuôi sống, đắp đổi làm cha mẹ, anh chị em với
nhau… Họ cũng có thể sinh vào đường khác (súc sinh, ngạ quỷ, thiên nhân,
v.v.), đường thiện, đường ác, thường làm quyến thuộc lẫn nhau. Do nhân
duyên đó, ta quan sát thấy TẤT CẢ THỊT MÀ CHÚNG SINH ĂN ĐỀU LÀ THỊT
NGƯỜI THÂN CỦA HỌ.
(*Lục đạo: thiên nhân, người, A-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, chúng sinh địa
ngục) (Kinh Lăng Già)
"Nếu đệ tử của ta không thành thật quan sát điều đó và vẫn ăn thịt,
chúng ta nên biết họ chính là dòng dõi chiên đà la, không phải đệ tử của
ta, ta không phải thầy của họ. Vậy nên, này Ðại Huệ, nếu bất cứ ai muốn
làm quyến thuộc của ta, họ không nên ăn thịt." (Kinh Lăng Già)
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: NET)
"Bồ Tát (người tu hành) nên nhận rõ rằng TẤT CẢ THỊT ĐỀU TỪ THÂN BẤT
TỊNH, được kết hợp bởi máu mủ bất tịnh đỏ trắng hòa hợp của cha mẹ. Vậy
nên, nhận rõ SỰ BẤT TỊNH CỦA THỊT, BỒ TÁT (NGƯỜI TU HÀNH) KHÔNG NÊN ĂN
THỊT." (Kinh Lăng Già)
"Tất cả thịt giống như thi thể của con người... thịt nấu chín có mùi hôi
và bất tịnh như thi thể bị thiêu đốt, làm sao chúng ta có thể ăn những
thứ như vậy?" (Kinh Lăng Già)
"Ăn thịt có thể tăng lòng ham muốn, người ăn thịt có tánh tham… Với bản
năng bảo vệ và quý trọng thân mạng, không có sự khác biệt giữa người và
súc vật... Mỗi chúng sinh đều tự mình sợ chết, làm sao có thể ăn thịt
chúng sinh khác?... Muốn ăn thịt, trước tiên nên nghĩ đến sự đau khổ của
thân thể, rồi nghĩ đến sự đau khổ của mọi chúng sinh thì KHÔNG NÊN ĂN
THỊT." (Kinh Lăng Già)
"Này Ðại Huệ, ở đời vị lai, sẽ có một số người vô minh nói rằng nhiều
giới luật Phật giáo cho phép ăn thịt. Họ rất thích mùi vị thịt do thói
quen ăn thịt trong quá khứ, họ nói những lời đó chỉ đơn giản theo quan
điểm của họ. Nhưng thật ra PHẬT (BẬC KHAI NGỘ) VÀ THÁNH KHÔNG BAO GIỜ
NÓI THỊT LÀ THỨC ĂN." (Kinh Lăng Già)
"Người ăn thịt có vô số tội lỗi, như vậy NGƯỜI ĂN CHAY CÓ VÔ LƯỢNG CÔNG
ĐỨC." (Kinh Lăng Già)
"Nếu không ai ăn thịt, sẽ không ai giết hại chúng sinh làm thực phẩm...
Sát sinh là vì người mua, do đó người mua cũng giống người giết. Do đó
ĂN THỊT CÓ THỂ NGĂN TRỞ THÁNH ĐẠO." (Kinh Lăng Già)
"Hiện nay trong Kinh Lăng Già này, ta nói, vào mọi lúc, mọi loại thịt
không ăn được, không ngoại lệ. Này Ðại Huệ, ta cấm ăn thịt không phải
chỉ một lúc, ý ta nói là TRONG HIỆN TẠI LẪN VỊ LAI, ĂN THỊT BỊ CẤM."
(Kinh Lăng Già)
Như vậy ăn Chay không chỉ đơn thuần ở việc phát từ bi tâm, hơn
thế chính là việc giữ gìn thân tâm thanh tịnh, không bị uế
chược, lôi kéo trước những tham dục của cuộc sống thế tục.
2. Ăn chay có thể thành Phật?
Như trên đã nói, ăn chay vốn có hai dạng thức: Chay trường và
chay kỳ. Nhưng dù ăn chay ở dạng thức nào chăng nữa cũng vẫn
chưa thể dẫn đến cõi Phật. Bởi nếu chỉ giản đơn như vậy hẳn
xung quanh chúng ta Phật đếm vô số kể. Do vậy then chốt quan
trọng để trở thành Phật – bậc Chánh đẳng Chánh giác là người
tu hành phải nguyện giữ đủ những giới luật: Tam quy y giới;
Trụ trì ngũ giới; Trì hạnh từ bi… bằng không dẫu ta có ăn
chay, có tụng kinh, có niệm Phật, nhưng hễ gặp chuyện to-nhỏ,
hơn-thiệt, phải-quấy, cao-thấp, sang-hèn, đen-trắng… là lập tức
nổi tham-sân-hận, rồi để thân tâm nhược nhiễm tới điên đảo,
vọng tưởng, thì con đường dẫn đến cửa Phật vẫn còn xa cách
vạn dặm, chưa nói tới ngày chúng ta trở thành bậc Chánh đẳng
chánh giác.
Trở lại nhận định nêu trên: Tại sao những súc vật sống xung
quanh chúng ta (trừ một số loài dữ, chuyên ăn thịt) số còn lại
mặc dù chúng „ăn chay trường“ nhưng rốt cuộc chúng vẫn chỉ là
hàng gia súc rồi để cho con người giết thịt? Đó chính là sự
khác biệt (không phải tính Phật khác biệt) giữa người-vật.
Chúng ta biết suy nghĩ, biết thiệt hơn, biết phải quấy, biết
nông-sâu, biết đâu là con đường sáng phải đến, và con đường tối
phải tránh. Đó chính là hạnh phúc mà mỗi chúng ta đang có
được trong kiếp số hiện tại, nhưng hạnh phúc ấy chắc chắn sẽ
không thể tái diễn trong kiếp tái lai nếu như trong kiếp hiện
sinh này chúng ta không chịu vun trồng nhân quả.
Theo lý nhân quả trong kinh, người tạo sát nghiệp, như nặng tất bị đọa
vào tam đồ, nhẹ thì phải chịu nhiều đau bịnh, hoặc chết yểu, cùng sự khổ
nạn về chiến tranh. Kinh Niết Bàn nói:
"Tội sát sanh có ba bậc: thượng, trung, hạ. Nghiệp sát bậc hạ, là giết
từ loài kiến cho đến tất cả bàng sanh.Người tạo tội nầy phải bị đọa vào
tam đồ, chịu sự khổ về bậc hạ. Tại sao thế? Bởi loài nhỏ dù là con kiến,
con muỗi cũng có chút căn lành, nếu giết nó thì phải chịu tội báo.
Nghiệp sát bậc trung là giết từ phàm phu trong loài người cho đến bậc A
Na Hàm. Người tạo tội nầy phải bị đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh,
chịu sự khổ về bậc trung. Nghiệp sát bậc thượng là giết từ cha mẹ cho
đến bậc A La Hán, Bích Chi Phật. Người tạo tội nầy, phải bị đọa vào đại
địa ngục A Tỳ, chịu sự khổ về bậc thượng".
Trong kinh Ương Quật Ma, ngài Văn Thù Bồ Tát thưa: "Bạch Thế Tôn! Phải
chăng nhân vì Như Lai tạng, nên chư Phật không ăn thịt? Ðức Phật bảo:
“Nầy Văn Thù! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay sống chết luân hồi
từng cùng làm lục thân quyến thuộc, thay đổi vô thường cũng như trò hát.
Thân mình và thân loài khác đồng là chất huyết nhục, vì thế nên chư
Phật không ăn thịt.
Lại nữa, chúng sanh giới tức là ngã giới, thịt loài khác chính là thịt
của mình, nên chư Như Lai không ăn thịt. Nầy Văn Thù! Như con bò tự
chết, người chủ dùng da nó làm giày dép đem bố thí kẻ giữ giới. Như bậc
giữ giới không thọ tức là pháp Tỷ khưu; nếu thọ trì tuy không phải phá
giới, song thiếu tâm từ bi. Cho nên, không thọ dụng thân phần của hữu
tình, tức là lần lượt lìa nhân duyên sát sanh vậy".
Hiểu được ý nghĩa của việc Ăn Chay tất chúng ta đã tự lý
giải được bài toán nhân-quả cho chính mình. Đường đời vốn dĩ
gian nan, nhưng đường đạo lại gian nan gấp bội. Liệu ai trong số
chúng ta sẽ chọn đi và vững bước trên con đường gian nan đó?
Huệ Tâm, lập hạ 2010
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen