"Nhìn da dẻ bố tôi đã dần dần hồng hào trở lại,
tôi khẽ xoay người, rút tay dưới gáy ông, rồi để ông nằm ngay
ngắn trên gối. Tôi nắm chặt tay trái của ông, rồi nói nhỏ: Bố
giỏi lắm. Vậy là bố đã vượt qua một thử thách nữa rồi.."
Chúng tôi quây quần bên bố khoảng chừng một tiếng thì bố tôi đã hoàn toàn tỉnh lại.
Mẹ tôi vội hỏi ông: Ông tỉnh chưa?
Bố tôi mỉm cười đáp: Tỉnh rồi!
Mẹ lại hỏi: Vừa rồi ông biết chuyện gì xảy ra không?
Bố tôi vẫn mỉm cười, đáp khẽ: Không! Chẳng biết chuyện gì cả.
Nhìn da dẻ bố tôi đã dần dần hồng hào trở lại, tôi khẽ xoay người, rút tay dưới gáy ông, rồi để ông nằm ngay ngắn trên gối. Tôi nắm chặt tay trái của ông, rồi nói nhỏ: Bố giỏi lắm. Vậy là bố đã vượt qua một thử thách nữa rồi.
Nói xong, tôi vội đứng dậy, rồi bước nhanh ra ngoài sân. Chẳng biết vì quá mừng rỡ hay vì thương bố mà hai mắt tôi lúc này nước mắt chợt ứa ra, cay xè…
Buổi chiều hôm ấy, khi bố tôi đã hoàn toàn tỉnh táo trở lại. Cả gia đình quây quần bên ông. Mẹ tôi hỏi ông:
- Ông còn nhớ hồi chiều xảy ra chuyện gì không?
Bố tôi cười, lắc đầu đáp: Không! Chẳng nhớ gì cả.
Mẹ tôi cười, nói:
- Hồi chiều thấy ông mắt trợn ngược rồi thở dốc, chân, tay rũ ra, tôi ngỡ ông đã thoát dương…
Nghe mẹ nói vậy, tôi vội nói tránh:
- Thoát thế nào được ông nhỉ? Còn nhiều chặng, ông còn phải vượt qua. Bỏ cuộc sao được.
Bố tôi ngúc ngắc đầu, cười.
Mẹ quay sang hỏi tôi:
- Hồi chiều, bố anh nặng thế, làm sao anh có thể nhấc bổng bố anh lên, để bế vào giường được?
Nghe mẹ hỏi, tới lúc này tôi mới sực nhớ. Đôi chân của tôi lúc ấy đau lắm. Tôi đi lại còn khập khiễng. Cả nhà ai cũng biết. Bố tôi tuy bị tai biến lần thứ ba, nhưng nhờ phước, ông còn tỉnh táo, và thân thể của ông khá tráng kiện. Thể lực của ông và tôi ngang ngửa nhau, khoảng 70kg. Vậy nhưng lúc ông ngã xụp, thì tôi đã nhấc bổng ông lên, rồi bế ông, chạy thốc vào giường…
Tôi đáp:
- Con không biết. Lúc ấy con chỉ kịp la lên một tiếng, rồi vội vàng niệm Phật, kế đó thì nhấc bổng ông lên, chạy vào nhà.
- Hay thật đấy! Mẹ cười, nói. – Thường ngày ông nặng lắm, dìu ông đi còn khó, vậy mà anh nhấc được ông lên. Giỏi nhỉ.
Được mẹ khen, tôi chỉ cười, rồi chợt nhớ: Sau khi tôi la lên một tiếng, rồi vội vàng niệm Phật, kế đó, như có một sức mạnh nào đó, mách bảo tôi, phải bế bố tôi vào nhà. Vậy là lúc ấy miệng niệm Phật, tay tôi nhấc bổng ông lên, rồi bế ông vào nhà.
Mẹ lại hỏi:
- Thế lúc ông bất tỉnh, mẹ cứ thấy anh lẩm bẩm những gì thế?
Tôi cười, đáp lời mẹ:
- Con niệm Phật và trì Chú Đại Bi.
Mẹ thoáng thần người:
- Ờ…, vậy mà lúc đó mẹ và vợ con thần hồn cũng tán loạn, chẳng nghĩ ra mà niệm Phật nữa.
Tôi nói với mẹ:
- Mấy chục năm bà niệm Phật, nhưng tới lúc cấp nạn, cần phải dụng công thì bà lại quên khuấy mình phải làm gì. Như vậy thật là uổng.
Thường ngày, hễ có cơ hội, tôi đều khuyên bố mẹ niệm Phật. Tuổi của bố mẹ tôi, cả hai đều đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy. Tuổi của ông bà nhiều người nói: giống như ngọn nến trước gió, có thể chợt phụt tắt vào bất cứ lúc nào. Có lần, chẳng hiểu vì nghe tôi khuyên mãi, nên bực mình, hay chán, nên bố tôi cười, rồi hỏi tôi, giọng khá nghiêm chỉnh:
- Thế niệm Phật để làm gì?
Bị ông „phỏng vấn“ đột ngột, tôi hơi sững lại, nhưng cũng kịp định hình, rồi giải thích một vài ý nghĩa ngắn gọn của công đức Niệm Phật, và nói khéo là: Niệm Phật giúp ông điều tâm, tránh chuyện hôn trầm (từ ngày ông bị đột quỵ, ông thường ngủ hơi nhiều) và giúp ông thêm minh mẫn, tỉnh táo… Bữa đó ông nghe một hồi, rồi đáp: Bố nhất trí!
Ngày bố tôi còn khoẻ, sáng sớm hàng ngày, ông và mẹ tôi thường trì kinh và niệm Phật. Nhưng sau mấy lần đột quy, đi lại, nói năng không tiện, nên chuyện niệm Phật, hình như bố tôi đã gác lại…
Sau lần nói chuyện đó, trong những lần gọi điện thăm nhà về sau, tôi không dám đề cập lại với bố về chuyện niệm Phật. Sợ ông chưa thông, sẽ phản tác dụng, nhưng thông qua mẹ tôi, nhờ bà tác động theo kiểu còn nước, còn tát.
Chuyện bố tôi tỉnh lại sau cơn đột quỵ thập tử nhất sinh, có lẽ chỉ là chuyện nhỏ, chuyện quan trọng mà tôi đã rút ra bài học cho mình, cùng người thân của mình và muốn lấy kinh nghiệm này để trao đổi cùng quí vị, đó là pháp Niệm Phật và trì Chú Đại Bi khi cấp nạn.
Niệm Phật và trì Chú Đại Bi có công Đức và hữu ích gì, thiết nghĩ những ai quan tâm và tu theo Pháp niệm Phật, và hành theo hạnh Bồ-tát đều đã rõ. Tuy nhiên, hàng ngày chúng ta niệm Phật và trì Chú trong lúc chúng ta hoàn toàn khoẻ mạnh và tỉnh thức, do vậy việc niệm Phật và trì Chú gần như quá dễ để thực hiện. Nhưng khi gặp cảnh (có biến-đối cảnh- những trường hợp khẩn cấp) chúng ta sẽ phản ứng (xử lý) như thế nào? Đó là việc vô cùng khó và hệ trọng. Tôi không dám hoàn toàn khắng định là nhờ niệm Phật và trì Chú Đại Bi hay là nhờ sự trợ giúp của người thân, và rất có thể: Mạng của bố tôi chưa tận, nên đã cứu được bố tôi từ bàn tay của tử thần, nhưng có một điều, thông qua câu chuyện bố tôi nói trên, tôi có thể khẳng định một điều: Niệm Phật và trì Chú Đại Bi có thể giúp cho người hành giả tu hành theo Pháp môn của Phật dễ dàng định được tâm. Tâm định=Ý định=Thân định. Từ đó người hành giả có đủ tỉnh táo để xử lý và quyết đoán những việc quan trọng, đặc biệt là những trạng huống khẩn cấp, đột ngột xảy ra trên thân thể, hay trong cuộc sống của những người thân và những người xung quanh mình.
Dù ai không tin, nhưng cá nhân chúng tôi thì hoàn toàn tin tưởng: Niệm Phật và trì Chú Đại Bi có thể đưa chúng ta vượt qua mọi khổ nạn. Và nếu như chúng ta có thể nhất tâm niệm Phật, niệm mà vô niệm, thiết nghĩ, khoảng cách giữa chúng ta và cõi Tịnh Độ cũng còn chẳng bao xa…
26.10.2012 Huệ Tâm
**Ghi chú: Đây là câu chuyện có thật xảy ra trong kỳ HT nghỉ phép tại gia đình vào tháng 07.2012 vừa qua. Ngưỡng mong ghi lại để đóng góp, bổ xung thêm đôi chút kinh nghiệm vào hành trang cho tất cả những ai tin theo Phật và phát tâm tu hành theo pháp môn niệm Phật.
Nguyện đem công đức này
Hồi hướng khắp tất cả
Phật tử và chúng sanh
Đồng trọn thành Phật đạo.
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen