Dienstag, 16. Oktober 2012

Phật Cho Ta Những Gì - Phần III


"Này thiện tri thức, mỗi niệm không có gián đoạn là công, tâm hành ngay thẳng là đức, tự tu tánh là công, tự tu thân là đức..."

(Tiếp theo)

Nếu tìm hiểu kỹ về Phật và đạo Phật, hẳn chúng ta sẽ có một câu trả lời mang tính triệt để: Hoàn toàn có thể! Cái Có Thể ở đây được hiểu ở góc độ hoàn toàn khác với suy nghĩ của những kẻ phàm phu chúng ta.
Hãy nêu dẫn thử một vài giáo huấn của Đức Phật giúp cho chúng ta có thể cải tạo vận mạng của chính mình.

Phật nói:
"Chúng sanh là chủ nhân, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là điểm tựa, là thai tạng, là quyến thuộc, và nghiệp sẽ phân chia chúng sanh thành kẻ hạ liệt hay cao sang".

Suy nghĩ của những kẻ phàm phu chúng ta: Cái mạng này nếu hai tay buông xuôi, kể như là chấm hết. Nghĩa là nó cũng rất ngắn ngủi. Vậy thì trong những tháng năm ngắn ngủi ấy tại sao mình (chúng ta) không tìm mọi cách, tranh thủ để vơ vét, để tạo cho mình một cuộc sống vương giả hơn?! Vậy là để tạo sự "vương giả" cho mình (chúng ta), chúng ta đã tìm đủ mọi cách, mánh khoé, cơ hội, từ thiện, cho tới bất thiện… miễn sao đem lại thật nhiều lợi ích về phần mình.

Triết lý của Phật và đạo Phật hoàn toàn khác hẳn. Phật nói: Đời là vô thường, nghĩa là nó rất ngắn (tương đồng với cái ngắn của phàm phu), nhưng cái "vô thường" ấy nó sẽ đến với chúng ta bất cứ lúc nào (không hoàn toàn theo quy luật: sinh-lão-bệnh-tử). Cổ Đức nói: Đời người giống như một hơi thở. Một hơi thở ra mà không có hít vào, kể như chấm dứt một sự sống. Vậy thì trong khoảng cách hai hơi thở: thở ra-hít vào ấy, chúng ta phải làm gì? Phải tu. Tu gì? Tu tâm, tích Phước và tích Đức. Tâm ở đây không phải là lương tâm mà những kẻ phàm phu chúng ta thường nghĩ, mà Tâm đây là Tâm Phật. Những người phàm phu chúng ta thường hay nghĩ, hoặc lầm tưởng: Tâm này chỉ có Phật mới có, còn những người phàm phu thì làm sao có được? Từ sự mê lầm đó mà chúng ta cứ mải mê đi tìm một vị Phật ở tận đẩu đâu để cầu mong Ngài ban cho điều này, vật nọ. Trong khi đó Phật nói: Tâm này làm Phật. Tâm này là Phật. Tại sao Phật lại nói vậy? Bởi Phật và chúng sanh vốn không hai, và Phật vốn không phải là con người siêu hình (của một cõi hư vô mà chúng ta không nhìn thấy) như nhiều người suy tưởng, mà Phật là con người bằng xương, bằng thịt, con người của lịch sử và có lịch sử. Nhưng vì muốn giải thoát, muốn cứu độ chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử luân hồi mà Phật đã quyết tâm đi tìm tận cùng chân lý của sự sống và cái chết. Cũng vì lẽ đó mà Phật là người thấu hiểu hơn ai hết: Tâm của Ta (tức Phật) với tâm chúng sanh vốn không khác biệt. Sở dĩ nó có sự khác biệt, có sự phân hai vì tâm của Phật vốn là giác-tịnh-tâm, còn tâm của chúng ta (chúng sanh) là động tâm, là tâm tham chấp, tâm ngã mạn.

Còn tu Phước và tu Đức? Xưa nay chúng ta còn có sự lẫn lộn (ngộ nhận) với hai từ Phước-Đức. Giả sử: chúng ta giúp đỡ một ai đó khi họ gặp khó; hay một ngày nọ chúng ta đến viếng chùa, rồi mua sắm một chút lễ vật đến cúng dường Tam-Bảo… những chuyện này thực tế là rất nhỏ, hơn thế đó chính là việc tích Phước (tạo phước) cho bản thân. Cái "phước" này có thể đến với chúng ta trong một thời khắc nào đó của cuộc đời, nhưng cũng có thể cả một đời này chúng ta không nhận lại được, mà phải đến những kiếp kế cận, gặp duyên, chúng ta mới được hồi báo lại những phước báu đó.

Sẽ có người bảo: Lo một đời này không hết, không xong, thời gian đâu, hơi đâu lo cho hậu kiếp? Chính vì thế mà ai ai trong chúng ta cũng chỉ lo lắng, bồi bổ cho cái thân hư giả (thân Tứ Đại) của mình, mà quên khuấy cái nhiệm vụ quan trọng nhất là phải: Tu Tâm, tạo Phước và tu Đức.

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh có đoạn Vi Thứ Sử hỏi Tổ Huệ Năng: "Đệ tử nghe Tổ Đạt-ma khi mới đến vua Lương Võ Đế, Võ Đế hỏi: Trẫm một đời cất chùa, độ Tăng, bố thí, thiết trai có những công đức gì? Tổ Đạt-ma bảo: Thật không có công đức. Đệ tử chưa thấu hiểu được lẽ này, cúi mong Hoà thượng vì nói."
Tổ Huệ Năng bảo: "Thật không có công đức, chớ nghi lời của bậc tiên Thánh. Võ Đế tâm tà, không biết chánh pháp, cất chùa độ Tăng, bố thí, thiết trai đó gọi là cầu phước, chớ không thể đem phước đổi làm công đức. Công đức là ở trong pháp thân, không phải do tu phước mà được".

Tổ lại dạy: "Này thiện tri thức, mỗi niệm không có gián đoạn là công, tâm hành ngay thẳng là đức, tự tu tánh là công, tự tu thân là đức. Này thiện tri thức, công đức phải là nơi tự tánh mà thấy, không phải do bố thí, cúng dường mà cầu được.
Vậy nhưng trong đời, trong đời, hễ mỗi khi chúng ta làm được (tạo được) một chút phước nho nhỏ thôi, tất thì đều nảy tâm mong cầu sẽ được tức thì hồi đáp. Được toại nguyện, tất sanh lòng hoan hỉ, rồi sanh lòng tham luyến, ngược lại tràn ngập trong tâm một mối lo âu, phiền muộn, chán, ghét, hoài nghi, sân, hận…

Phật nói:
"Thi ân đừng mong báo đáp, bởi mong báo đáp là thi ân có mưu tính".

Hãy thử rà xét lại những hành vi "tạo phước" của chúng ta từ lúc sanh thời tới nay, chắc chắn chúng ta sẽ không khỏi giật mình. Biết giật mình là chúng ta đã biết, đã hiểu được phần nào về hai từ Phước báo. Phước hoàn toàn khác xa với Đức. Bởi Phước chúng ta có thể tạo nên, nhưng Đức thì phải Tu mới có được. Nghĩa là chúng ta phải nhất tâm xa lìa việc ác, một lòng chuyên hành việc thiện (thập thiện), rồi thiện thiện tâm hành cũng phải nhất tâm buông xả, có vậy thì phước-đức mới hiện tiền.

Trở lại với câu triết lý của Phật:

"Chúng sanh là chủ nhân, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là điểm tựa, là thai tạng, là quyến thuộc, và nghiệp sẽ phân chia chúng sanh thành kẻ hạ liệt hay cao sang".

Tại sao Phật lại gọi: "Chúng sanh là chủ nhân, là thừa tự của nghiệp"?

Hãy lấy ví dụ "tạo phước" nêu trên và câu chuyện của người quen nọ trong Phần I (khuynh gia, bại sản…) để soi xét, chúng ta có thể lý giải sự việc trên như sau: Hôm nay tôi tạo một việc phước cho chúng sanh, không có nghĩa ngay ngày mai, ngày kia, hay một vài năm sau tôi sẽ được hồi đáp. Một người khi tạo phước mà có tâm (mang tâm) hồi đáp, tất hành vi "tạo phước" ấy là có vụ lợi, muốn được đáp đền. Như vậy việc người nọ và gia đình nọ thờ Phật, theo Phật, rồi hàng ngày miệt mài đèn hương, tụng kinh, gõ mõ… là nhằm mục đích gì? Câu nói của người nọ đã cho thấy: Chỉ mong cầu được sự báo đáp từ Đức Phật. Nghĩa là hôm nay tôi dâng hương, dâng lễ cho Phật, ngày mai, ngày mốt… tôi lại tiếp tục làm những chuyện đó, rồi tôi lại chăm chỉ tụng kinh, gõ mõ… nhưng chỉ xin Ngài một điều: Đừng quên những gì tôi đã làm cho Ngài.
Huệ Tâm
(còn nữa)

New Comments