"Còn
có người-ta; Còn có trước-sau; Còn có chính nghĩa-phi nghĩa; Còn có
cũ-có mới; Còn có Chủ-Khách… Khi hàng loạt những kiến chấp này
còn tồn tại, đương nhiên bản ngã trong mỗi thành viên cũng dần dần
trỗi dậy..."
Mấu chốt quan trọng của một hành giả niệm Phật là
phải an trụ được tâm – Tâm không vướng kẹt hay luyến ái cảnh giới
trần tục. Nói khác đi: Tâm không còn bị những dục vọng trần tục lôi
cuốn và chi phối.
Làm thế nào để hành giả niệm Phật có thể nhận
biết được mình đang bị sắc dục lôi cuốn và chi phối? Đây là một câu
hỏi lớn cho các hành giả nguyện tu học theo pháp môn niệm Phật, hay
còn gọi: Pháp Môn Tịnh Độ.
Trong khoá tu học Phật Pháp thường niên do Hội Phật
tử tị nạn Việt Nam tại Đức tổ chức vào trung tuần tháng 10 vừa qua
tại miền Trung nước Đức, có một câu hỏi của một Đạo hữu được đặt
ra trong giờ Pháp đàm: Tại sao trong sinh hoạt Phật sự lại có cả chào
cờ (cờ VNCH)? Thực ra khi câu hỏi này được đặt ra đã cho thấy vị đạo
hữu này đã bị động tâm – tâm còn bị vướng kẹt về những thủ tục và
hình thức của nghi lễ trong buổi tu học. Từ sự vướng kẹt (tuy rất
nhỏ) này, nhưng rất có thể sẽ tạo nên một sự đối kháng trong tâm –
từ đó dẫn đến sự phấn khích làm cho tâm người hành giả không còn
được tịnh lặng như mình mong muốn trong suốt thời gian tu học. Và xa
hơn, nếu thắc mắc của vị đồng tu nói trên không được giải đáp chu
đáo, rất có thể đó cũng là sự kết thúc (đoạn chủng Phật tánh) trong
việc tham gia của vị đồng tu này trong khác khoá tu học tiếp theo…
Nếu chiếu xét vấn đề theo góc độ phàm tục (Đời)
thì thắc mắc trên rất có thể được hiểu là hơi thái quá, bởi BTC
buổi tu học là người Chủ, và vị đồng tu là Khách. Đương nhiên Khách
phải tuân thủ theo những luật định do chủ nhà nêu ra. Như vậy việc vị
đồng tu nọ thắc mắc được xem như việc làm thiếu tôn trọng chủ nhà?!
Nhưng vì đây là buổi tu học Phật pháp, do vậy mọi vấn đề cần phải
dùng giáo lý và ánh sáng của Phật pháp để soi rọi. Vì thế câu hỏi
thắc mắc trên tuy nhỏ, nhưng nó đã trở thành một nan đề, bởi nan đề
này thuộc về cảnh sắc trần tục, có liên quan tới yếu tố lịch sử
và chính trị.
Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn...
Để giải đáp thắc mắc này, một thành viên của Hội
Phật tử Việt Nam tị nạn tại Đức đã có đôi lời giãi bày về nguyên
nhân, lí do tại sao có việc hình thành, duy trì chào cờ (VNCH) trong
các sinh hoạt Phật sự của Hội Phật tử Việt Nam tị nạn tại Đức.
Những lý do và giải đáp nêu ra là hoàn toàn có
luận cứ và phù hợp với trang sử tị nạn của người Việt tại Đức
trong suốt 37 năm qua. Tuy nhiên, nếu đem vấn đề này để chia sẻ trong
một diễn đàn sinh hoạt văn hoá, xã hội hay chính trị, có lẽ ý kiến
giải đáp sẽ nhận được sự hậu thuẫn đông đảo. Nhưng vì vấn đề nêu ra
trong một buổi tu học Phật pháp, vì thế những lời giải đáp và lập
luận tưởng như hợp tình, hợp lý, nhưng khi dùng nhãn pháp để quán
chiếu thì vấn đề lại trở nên hoàn toàn bị vướng kẹt.
1. Bị
hoàn cảnh chi phối
2. Bị
lịch sử chi phối
3. Bị
quá khứ chi phối
4. Còn
mang yếu tố Chủ-Khách
5. Chưa
hằng thuận chúng sanh (vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi…)
Từ 5 yếu tố chi phối này khiến cho các sinh
hoạt Phật sự của Hội nói chung và các thành viên nói riêng vẫn còn bị
vướng kẹt vào những nghi lễ (có thể) còn mang tính hình thức. Nghĩa
là: Thiếu cái này không được; bỏ mục kia chẳng đặng đừng. Đó phải
chăng là sự chấp kiến, chấp ngã? Tại sao lại là chấp? Đơn giản: Còn
có người-ta; Còn có trước-sau; Còn có chính nghĩa-phi nghĩa; Còn có
cũ-có mới; Còn có Chủ-Khách… Khi hàng loạt những kiến chấp này
còn tồn tại, đương nhiên bản ngã trong mỗi thành viên cũng dần dần
trỗi dậy.
Sự tích tụ những kiến chấp trong suốt
chiều dài tu học, không cần nói ra mọi người đều biết, bản ngã trong
mỗi hành giả cũng gia tăng một cách tương xứng, và khi đạt tới đỉnh
điểm, người hành giả lúc này (rất có thể) sẽ chỉ còn nhận, nhìn
thấy cá nhân mình, mình là duy nhất và duy nhất đúng.
Chiếu xét sự kiện và sự việc ở góc độ Đời:
Khi một ai đó chỉ còn biết chính mình, mình là duy nhất đúng, tất
mọi sự, mọi các nhân khách sẽ bị lu mờ, hoặc bị triệt tiêu.
Nhưng nếu dùng giáo lý Phật pháp để quán
chiếu thì khi bản ngã không ngừng trỗi dậy cũng đồng nghĩa tâm người
hành giả đã bị hoàn cảnh và sắc dục chi phối.
Hành giả niệm Phật là người luôn luôn quán
chiếu vạn vật để nhìn thấu và buông xả – Buông xả ngay chính mạng
sống của chính mình (thân không thường trụ; vô thường). Được như vậy
tâm người hành giả mới được tự tại – An trụ tâm – Tâm không còn vướng
luyến bởi bất cứ một động thái nào=Vô tri (không còn khởi bất cứ
một kiến chấp nào) = An trụ.
Câu chuyện lá cờ khiến chúng ta liên tưởng
tới câu chuyện xưa, có hai vị Tăng cãi nhau khi thấy gió thổi và lá
cờ động. Một vị Tăng nói: Gió động. Vị Tăng khác nói: Phướn động.
Hai vị Tăng sẽ còn cãi vã với nhau mãi không thôi, nếu như Tổ Huệ
Năng không xuất hiện. Nghe thế, Tổ Huệ Năng liền nói: „Không phải gió
động, không phải phướn động, mà tâm nhân giả động“.
Như vậy câu chuyện thắc mắc của vị đạo hữu
về việc tồn tại lá cờ và chào cờ trong sinh hoạt Phật sự, cùng
những kiến giải của một thành viên trong Hội Phật tử Việt Nam tị
nạn tại Đức nêu ra, xét cho cùng cũng chỉ là những kiến chấp rất
nhỏ, rất dễ vượt qua được. Tuy nhiên làm thế nào để vượt qua được
những kiến chấp nhỏ đó, nó đòi hỏi những hành giả niệm Phật phải nỗ
lực và quán chiếu không ngừng để vượt qua chính mình.
Cái đích của người hành giả tu hành pháp
môn Niệm Phật là Cõi Tịnh Độ – Nơi ấy như Đức Phật Thích Ca nói
trong Kinh A Di Đà: „Ngay cả tên ba đường dữ còn không có huống gì lại
có sự thật?“.
Tại sao Đức Phật lại nói điều đó? Đây là
điều mỗi hành giả niệm Phật chúng ta phải nhất tâm tìm hiểu và
giác ngộ.
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền!
15.10.2012 – Huệ Tâm
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen