Samstag, 19. Januar 2013

Không Thể Coi Đi Tu Là Một Giải Pháp - Phần 1

http://tusachphathoc.com/gallery/images/hinh-chu-tieu/chu-tieu-1/chu_tieu2.jpg "Phật Pháp từ bi. Con hãy đem tấm lòng từ bi của chính con để đón nhận người ấy, tất sẽ có ngày người ấy sẽ hiểu mà phát lòng từ bi để đáp lại tấm lòng nơi con..."









Mùng một Tết năm Canh Dần, Huệ Tâm cùng gia đình lên thăm chùa. Trời lạnh tới gần -10°C. Mọi ngả đường tuyết đều ngập trắng xoá. Càng gần tới chùa, tuyết rơi càng thêm dày đặc. Vậy nhưng khi chúng tôi tới nơi khung cảnh trước cửa và sân chùa mọi người vẫn ra vào tấp nập. Chùa – với người Việt đặc biệt ở hải ngoại, từ lâu vốn không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự, nhiều nơi, chùa là những tụ điểm văn hoá, văn nghệ, nơi để bạn bè, người thân tụ họp, hàn huyên khi có cơ hội hoặc vào những ngày lễ Tết.


TT Thích Thiện Sơn khai mạc Lễ đón xuân Canh Dần 2010 (Nguồn: www.phathue.de)


Cũng như mọi năm, khung cảnh nhộn nhịp nhất vẫn là nơi chánh điện. Đại điện năm nay không có nhiều sự khác lạ, nhưng vẫn tạo được cho mọi người một không gian, cảnh sắc rất đỗi thân thương, gần gũi và ấm cúng của ngày đầu xuân.

Chúng tôi vào dâng lễ nơi đại điện cũng đã hơn 2 giờ chiều. Thầy chủ trì cũng giống như mọi năm đang ngồi thuyết pháp. Điều khiến Huệ Tâm băn khoăn là một vài năm nay số người Việt ngồi nghe Thầy chủ trì thuyết pháp đã giảm thiểu đáng kể. Thế vào đó là số người bản xứ gia tăng. Phải chăng tâm lý chung của người Việt hiện nay là: lên chùa là để dâng hương, xin xăm, cầu tài, cầu lộc và để gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, người thân, quen là chính, còn những chuyện mang tính vĩ mô thì đã có các Thầy lo hết cả…?!

Bài thuyết pháp của Thầy chủ trì năm nay có một ý nhỏ mà Huệ Tâm thấy rất đáng chú ý và cho là quan trọng, bởi câu chuyện Thầy kể tuy ngắn, nhưng trong nó lại hàm chứa nhiều nội suy, đáng để cho những người quan tâm đến Phật Pháp phải cân nhắc.


Khung cảnh khai mạc Tết Canh Dần 2010 (Nguồn: www.phathue.de)


Câu chuyện Thầy chủ trì kể có liên quan tới một chàng trai người Việt, cách đây 20 chục năm, chàng trai này qua Đức xin tị nạn...

Nơi đây người đàn ông này đã cưới một cô vợ người Việt, rồi cả hai cùng có con. Cuộc sống chưa kịp ổn định thì cuộc tình đã vội lụi tàn. Rồi chàng trai nọ lại vội vàng tìm đến một cuộc tình mới. Với người đàn bà thứ hai, người đàn ông này cũng lại có một hai đứa con, nhưng cuộc tình cũng chỉ lưu lại được ít năm, rồi hai người lại mỗi người một ngả. Chưa nản lòng, người đàn ông nọ lại làm quen với một người đàn bà khác, rồi họ lại đến với nhau và cũng lại sinh con… nhưng duyên phận cũng không níu kéo họ lại được với nhau, để rồi cũng chẳng bao lâu, họ cũng lại chia ly mỗi người một ngả. Có lẽ sau ba cuộc tình và những sự đổ vỡ, người đàn ông nọ đã có phần chững chạc hơn, nhưng rồi một cuộc tình thứ tư cũng lại chợt ập đến. Người đàn bà này vốn là một tín đồ đạo Phật. Vì vậy, sau khi có con với người đàn ông nọ, cô đã chợt nhận ra rằng mình còn hiểu quá ít về đấng phu quân của mình. Có lẽ vì thế nên cô đã cất công tìm hiểu thêm về „lai lịch“ của chồng… và khi biết đấng phu quân của mình đã có tới ba đời vợ và một đám con bị bỏ rơi thì người vợ thứ tư đã thực sự hoảng loạn, rồi sinh lòng buồn chán, oán ận… Cũng từ đó, cuộc sống vợ chồng đã có sự rạn nứt ngày càng không thể hàn gắn. Một ngày nọ, người đàn bà thứ tư nọ đến chùa và xin được gặp Thầy chủ trì để thưa chuyện. Được nghe rõ sự tình, Thầy chủ chỉ hỏi.

                                  Thầy Thích Thiện Sơn thuyết Pháp Tết Canh Dần 2010 (Nguồn: www.phathue.de)

- Thế con có còn yêu thương người đàn ông đó nữa không?
Người đàn bà nọ ngập ngừng đáp.
- Dạ, có.
Thầy chủ trì lại hỏi.
- Thế con còn muốn chung sống với người đàn ông đó nữa không?
Người đàn bà nọ lại đáp.
- Dạ, có. Nhưng trong lòng con bối rối không yên. Vừa thương vừa giận. Vả lại khi giáp mặt nhau là những chuyện cũ lại chợt ập về…
Nghe vậy, Thầy chủ trì bèn nói.
- Con còn giận nghĩa là con còn thương người ấy. Trong con bây giờ vừa thương, vừa giận. Khi con thương quá cũng dễ sinh lú lẫn, mà khi giận quá cũng dễ sinh những điều tương tự. Chi bằng con hãy bình tĩnh để xem xét mọi điều. Vả lại khi con còn yêu thương người đó nghĩa là con cũng phải sẵn sàng đón nhận ngay cả những điều xấu, những điều không vui mà người đó mang tới cho con. Phật Pháp từ bi. Con hãy đem tấm lòng từ bi của chính con để đón nhận người ấy, tất sẽ có ngày người ấy sẽ hiểu mà phát lòng từ bi để đáp lại tấm lòng nơi con. Bằng không, con đã đưa người ấy vào cảnh bế tắc. Con người một khi cùng đường, khó có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra…
(còn nữa)

New Comments